Hai năm triển khai Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển: Thành tựu, hạn chế và các giải pháp

TS. Dương Quốc Trọng Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
21:35, ngày 15-12-2011
TCCSĐT: Đề án 52 được triển khai hơn hai năm nay là một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại vùng biển, đảo và ven biển; hỗ trợ và xây dựng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Việt Nam có diện tích lãnh thổ là hơn 330.000 km2 đất liền, với vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 (gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền); bờ biển dài 3.260 km, trung bình 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới; có khoảng 3.000 hòn đảo, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên đối mặt với thiên tai; 80% đến 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Mười năm gần đây, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 7.500 người, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1,5 lần GDP một năm của cả nước. Tình trạng nước biển xâm nhập mặn diễn ra ở ba vùng biển là Bắc Trung Bộ - Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tác động không nhỏ tới đời sống của nhiều người dân(1).

Vùng biển, đảo và ven biển nước ta tập trung đông dân cư, nguồn nhân lực lớn. Gần 151 quận, huyện thuộc vùng ven biển, đảo và ven biển (gọi chung là vùng biển) có số dân khoảng 31 triệu người. Tỷ lệ lao động được đào tạo còn rất thấp, đó là rào cản không nhỏ cho việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thời gian qua, các vấn đề xã hội đã được quan tâm, đời sống nhân dân vùng biển ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp vùng biển những người dân ở trên đảo, người dân sống làm việc trên biển dài ngày, người dân di cư đến lao động trong các khu kinh tế biển ngày càng nhiều, phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, tình trạng nước biển xâm nhập mặn; chưa có cơ hội và điều kiện được tiếp cận và được hưởng thụ đầy đủ các chính sách và dịch vụ xã hội cơ bản trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại vùng biển còn nhiều hạn chế, bất cập:

Một là, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các huyện đảo và ven biển cao hơn các huyện khác trong cùng tỉnh và cao hơn mức bình quân của cả nước. Năm 2005 có 44/64 tỉnh thành phố chưa đạt mức sinh thay thế thì đến năm 2009 chỉ còn 28/63 tỉnh, thành phố. Trong 28 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, có 12 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận); nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở 1-4-2009, cả nước có 35 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao trên 110, trong đó có 18 tỉnh, thành phố ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau). Vì vậy, thực hiện mục tiêu giảm sinh ở các xã ven biển vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm tới.

Hai là, tỷ suất chết mẹ, mang thai ngoài ý muốn cao; tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao.

Ba là, số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ đang còn là điều đáng lo ngại, do: (1) Đa số các phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh, sống trong môi trường biển, ngập mặn chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai; (2) Trẻ sinh ra chưa được phát hiện và can thiệp điều trị bệnh sớm.

Bốn là, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển.

Năm là, các hoạt động xây dựng và củng cố hệ thông tin quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình quy mô quốc gia chưa phủ hết các huyện đảo; chưa thu thập được thông tin quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình với người dân làm ăn, sinh sống trên biển và người dân đến các khu kinh tế biển. Do đó, các thông tin quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình chưa hỗ trợ được nhiều cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội tại vùng biển hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là:

Thứ nhất, lao động đặc thù nghề biển luôn phải tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao, thiếu nước ngọt và ô nhiễm; nhu cầu lao động nam giới cao, phải đi làm ăn xa nhà dài ngày, có nhiều rủi ro, dễ tiếp xúc với các đối tượng có hành vi và nguy cơ cao.

Thứ hai, tâm lý, tập quán, nhận thức của người dân vùng biển còn hạn chế về mang thai, sinh sản và phòng ngừa các yếu tố có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai và trẻ sơ sinh.

Thứ ba, cơ sở y tế cấp xã tại các vùng ven biển, đảo chưa tổ chức cung cấp được dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thường xuyên và có chất lượng do cán bộ y tế thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, không cập nhật kiến thức; trang thiết bị chưa đầy đủ; điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng của môi trường và địa kinh tế vùng biển, nên chi phí đầu tư cao; chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động tại khu kinh tế biển, âu thuyền, cảng cá và điểm có đông người lao động nhập cư.

Thứ tư, Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đủ điều kiện giải quyết tính đặc thù, đặc điểm kinh tế, xã hội của vùng biển, nơi người dân sinh sống trên đảo, ven biển; người lao động trên biển và tại các cửa sông, cửa biển hoặc người di dân đến lao động tại khu kinh tế biển.

Từ nay đến năm 2020, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, khu kinh tế hướng biển, khu công nghiệp tập trung... tại vùng biển. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu lao động công nghiệp - dịch vụ tăng lên, dẫn đến hiện tượng di dân, dịch chuyển lao động tới vùng biển ngày càng nhiều.

Dự báo, năm 2015 dân số vùng biển khoảng 33,8 triệu người và năm 2020 là 36,8 triệu người. Với sự hình thành các khu kinh tế biển sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng “quá tải” hay “khoảng trống” trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân, nhất là người lao động nhập cư, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 27/2007/NQ-CP ngày 30-5-2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 9-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 52) gồm 6 nhiệm vụ và các hoạt động chủ yếu sau:

(1) Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình ở các vùng biển, đảo và ven biển;

(2) Nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển;

(3) Hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn;

(4) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý;

(5) Tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông về dân số, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình;

(6) Nâng cao hiệu quả quản lý Đề án.

Thời gian thực hiện Đề án 52 được chia làm hai giai đoạn:

- Giai đoạn I (từ năm 2009 đến năm 2015): phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý về dân số và kế hoạch hóa gia đình; thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình; tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

- Giai đoạn II (từ năm 2016 đến năm 2020): nâng cao chất lượng dân số; vận hành hệ thống thông tin quản lý về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng, triển khai đồng bộ các hoạt động trên địa bàn của Đề án.

Đối tượng của Đề án: Người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển; ưu tiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, người dân sống, làm việc tại cửa sông và ven biển.

Do đây là một Đề án được thực hiện để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, nên các hoạt động có nhiều nét đặc thù, triển khai tại các địa bàn có nhiều yếu tố không thuận lợi về địa lý, giao thông, đặc thù nghề nghiệp, phong tục tập quán. Vì vậy để triển khai Đề án đúng mục tiêu và có hiệu quả, trong 2 năm đầu các vấn đề cần ưu tiên triển khai là:

(1) Kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Đề án từ trung ương đến địa phương;

(2) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện Đề án. Chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), y tế cở sở làm lực lượng chủ đạo.

(3) Mở rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệt mới phù hợp trong việc đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình (BMTE/KHHGĐ). Ưu tiên tổ chức Đội lưu động y tế - KHHGĐ tuyến huyện.

(4) Củng cố hệ thống thu thập dữ liệu, thông tin phục vụ việc xây dựng kế hoạch, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động.

(5) Tăng cường, phối hợp kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ và các hoạt động của Đề án 52.

Sau hai năm triển khai Đề án 52, với sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành trung ương và sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của 28 tỉnh thành phố ven biển trực thuộc trung ương, đến nay, Ủy ban Nhân dân 28/28 (100%) tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương đã phê duyệt Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020, bước đầu Đề án 52 đã đạt được một số kết quả chủ yếu dưới đây:

-  Tại trung ương đã thực hiện việc thiết kế các mô hình can thiệt như: (1) Thiết kế, thử nghiệm mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khoẻ BMTE, SKSS/KHHGĐ cho người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, ở các vùng biển đảo và ven biển; (2) Thiết kế, thử nghiệm mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ lưu động tại các khu vực: đảo, ven biển, đầm/phá ngập mặn, vạn chài; (3) Thiết kế, thử nghiệm mô hình chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ tại khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, vạn chài; (4) Thiết kế và thử nghiệm mô hình kết hợp quân dân y cung cấp dịch vụ chăm sóc SKBMTE, KHHGĐ tại các xã  đảo, huyện đảo; (5) Thiết kế, thử nghiệm mô hình truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho nhóm dân cư yếm thế hiện đang sinh sống tại các xã vùng biển, đảo và ven biển. 

- Sản xuất và phát sóng tuyên truyền, vận động về công tác kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển trên các kênh truyền thông đại chúng như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với nhân dân vùng biển, đảo và ven biển; Tổ chức các sự kiện truyền thông với chủ đề  “Chương trình giao lưu nghệ thuật -  những người con của biển”; Ngoài ra còn xây dựng và đăng tải nhiều tin bài, ảnh và phóng sự tuyên truyền, vận động về công tác kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển đăng tải trên các ấn phẩm của các báo/tạpchí của trung ương.

- Xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ cho công tác điều hành và quản lý Đề án 52 (trang website: WWW.Dansobien.gov.vn).

Đến nay, 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương đã thành lập 169 đội lưu động, bình quân mỗi huyện có 01 đội lưu động, 17 tỉnh đã thành lập đội lưu động tuyến tỉnh để hỗ trợ kỹ thuật cho đội lưu động tuyến huyện.

Để công tác kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển thực hiện đúng mục tiêu và đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và các mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, cần phải có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản là một nội dung trọng tâm trong các chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền. Tăng cường đầu tư cho công tác kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển để người dân vùng biển, đảo và ven biển được chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản nói riêng một cách toàn diện và đầy đủ hơn.

Người dân các vùng ven biển, đảo đặc biệt là ở các đảo xa nơi có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cán bộ y tế còn thiếu và yếu, giao thông đi lại khó khăn… sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách và các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKBMTE - SKSS. Cụ thể, người dân muốn được chăm sóc sức khỏe nói chung và SKSS/KHHGĐ nói riêng phải đến các cơ sở y tế để được nhận dịch vụ, họ có thể đến các cơ sở y tế gần và thuận tiện nhất, hoặc sẽ được cung cấp các dịch vụ tại nơi người dân các vùng biển, đảo sinh sống và làm việc, nơi địa bàn có nhiều yếu tố không thuận lợi về địa lý, môi trường, giao thông không thuận lợi.Từ đó người dân yên tâm và tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sẽ yên tâm ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc./.


------------------------------------------

(1) QĐ 172/2007/QĐ-TTg ngày 16-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ về thiên tai và công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam