Xây dựng nông thôn mới: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Đỗ Hùng - Phạm Hạnh
21:10, ngày 15-12-2011
TCCS - Sau hai năm thực hiện thí điểm, mô hình nông thôn mới ở 11 xã điểm trên toàn quốc đã có những thành công bước đầu đáng khích lệ; hình hài nông thôn mới Việt Nam đã và đang được hình thành. Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những xã điểm được đánh giá có sự phát triển tốt thời gian qua. Những kết quả đạt được của Thụy Hương trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã.
Hình hài nông thôn mới ngày càng rõ nét

Giữa cái nắng cuối hè oi ả, chúng tôi đến với Thụy Hương. Dù đã được đọc, được nghe nói nhiều về sự phát triển của địa phương, nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trực tiếp đi trên những con đường bê-tông êm ả nội xã. Bất ngờ vì bao phủ toàn xã là một màu xanh ngút mắt. Màu xanh của ruộng lúa, ruộng ngô, của cây cối nối tiếp nhau ôm lấy những con đường... Lẫn trong màu xanh là những ngôi nhà khang trang, kiên cố, những công trình tưới tiêu hiện đại, các khu trồng rau, trồng hoa… và rộn rã tiếng cưa, đục của làng nghề mộc.

Tiếp xúc với người dân trong xã, có thể thấy sự phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt khi nói về sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của quê hương, cho dù có những người có thể không hiểu hết về chủ trương, chương trình xây dựng nông thôn mới. Chị Nguyễn Thị Tuyết hớn hở khoe: “Năm qua, nhà tôi nói chung làm ăn tốt, thu nhập cao hơn hẳn, tiện nghi trong nhà đầy đủ. Nói chung là phấn khởi lắm”. Một “thợ nghề” trẻ tuổi đang hăng say chạm khảm, tạm dừng thao tác, chia sẻ: “Bây giờ thu nhập của bọn em - những người được nhận lương thấp nhất, cao hơn hẳn mấy năm trước, ngoài ăn ở được lo hết, mỗi tháng được nhận khoảng 4 - 5 triệu đồng”.

Sau 2 năm xây dựng thí điểm nông thôn mới, Thụy Hương đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi mặt. Hình ảnh nông thôn mới đang dần rõ nét hơn trong thực tiễn. Đến tháng 7-2011, xã đã thực hiện thành công 15/19 tiêu chí nông thôn mới(1).

Trong hợp tác xã nông nghiệp, mỗi hộ nông dân Thụy Hương đều có hai diện tích trồng lúa và trồng màu. Hiệu quả trồng lúa tăng gấp 1,5 lần. Hợp tác xã sản xuất hoa - cây cảnh đã đầu tư xây dựng khu nhà lưới với hệ thống điện, nước hiện đại, bước đầu đã cho doanh thu 1,8 tỉ đồng. Dự án sản xuất rau an toàn có diện tích 5 ha với trên 20 chủng loại rau, đạt sản lượng trên 160 tấn, đang được đẩy mạnh với sự góp mặt của doanh nghiệp Tokin. Dự án trồng cây ăn quả 15 ha đang được tổ chức xây dựng hạ tầng và nghiên cứu giống cây. Dự án khu chăn nuôi tập trung 15,6 ha và xây dựng cụm tiểu, thủ công nghiệp làng nghề 9,7 ha cũng đang được khẩn trương tiến hành.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, cười hồ hởi: “Với năng lực của xã bây giờ, Thụy Hương đã đạt được giá trị từ 90 triệu - 100 triệu đồng/ha”. Khi đưa chúng tôi tham quan khu nhà trồng hoa hiện đại của xã, đồng chí Nguyễn Hữu Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa - cây cảnh, chia sẻ: “Mỗi khi  có việc đi qua đây, và nhất là vào những ngày cuối tuần, tôi thường vào kiểm tra chất lượng hoa, bảo đảm cho “thương hiệu” hoa Thụy Hương”.

Điều làm chúng tôi thực sự vui mừng, đó là ý thức về vấn đề “thương hiệu”. Theo đó, đối với mỗi sản phẩm, bất kể hình thức quản lý, liên kết với doanh nghiệp nào, thì cũng phải gắn với tên xã Thụy Hương. Điều đó làm tăng trách nhiệm, tạo sức ép sản xuất nhưng cũng tạo uy tín và thị trường ổn định cho các sản phẩm của xã. Kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại cùng với tư duy kinh tế tiến bộ chính là chìa khóa phát triển của  Thụy Hương. 

Từ khi chính thức triển khai xây dựng thí điểm nông thôn mới (tháng 9-2009), đến nay, tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án cho Thụy Hương là 65.149 triệu đồng; trong đó, ngân sách xã 2.300 triệu, đóng góp nhân dân: 6.700 triệu, doanh nghiệp: 3.000 triệu.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đời sống nhân dân Thụy Hương nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2010 đạt 15 triệu đồng (năm 2009 là 9,9 triệu đồng), và dự kiến hết năm 2011 sẽ đạt 19 triệu đồng. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư nâng cấp khang trang. Xã đã tổ chức 7 lớp đào tạo mộc cho 240 lao động và 5 lớp học nghề sản xuất trồng lúa, rau, hoa, quả cho 175 học viên nông dân. Năm 2010, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Đón chúng tôi tại trụ sở Đảng ủy xã, đồng chí Bí thư Ngô Văn Tám, phấn khởi “khoe” thành công của Thụy Hương: “Tất cả thành quả của ngày hôm nay, mà các đồng chí đã thấy, là kết quả của sự đồng thuận từ trong Đảng cho tới toàn dân”.

Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 4721/QĐ-UBND, ngày 14-9-2009, phê duyệt đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới xã Thụy Hương, Đảng ủy xã ra Nghị quyết số 72/NQ-ĐU, ngày 5-10-2009, về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới 2009 - 2011. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp tục được thể hiện qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và nhiều nghị quyết chuyên đề khác với những đường lối, phương pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn.

Đảng bộ xã Thụy Hương có 12 chi bộ (trong đó có 7 chi bộ thôn), 193 đảng viên. Mười năm liên tiếp đạt trong sạch, vững mạnh; Đảng ủy có 100% số đồng chí đạt trình độ trung cấp lý luận, 65% có trình độ cao đẳng, đại học. Xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ lớn, mới mẻ, đòi hỏi sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, chính quyền và toàn dân, Đảng ủy xã đã có những nghị quyết, kế hoạch sâu sát, toàn diện về các lĩnh vực. Đảng ủy xã chú trọng làm tốt công tác dân vận, đi sâu đi sát tới toàn thể quần chúng nhân dân, nói cho dân nghe dân hiểu về chủ trương, chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để “ý Đảng” hợp
“lòng dân”.

Đồng chí Bí thư Ngô Văn Tám tâm sự: Kể từ khi chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ. Thường các cuộc họp Đảng ủy tiến hành vào thứ bảy, chủ nhật. Ngoài họp thường kỳ hằng tháng, mỗi khi nảy sinh vấn đề mới, chúng tôi đều họp bất thường để bàn biện pháp giải quyết, ra các nghị quyết chuyên đề. Khi đã có sự đồng thuận thì quyết tâm làm, và làm thì tin tưởng chắc chắn sẽ thành công.

Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới của Thụy Hương là tổ chức cơ sở đảng phải trong sạch, vững mạnh, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu quán triệt các chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận từ trong Đảng cho tới toàn nhân dân; đồng thời, tiên phong trong thực hiện xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, đầu tàu trong các mô hình sản xuất để nhân dân tin và làm theo.

Là một mô hình mới, ban đầu không tránh khỏi những hoài nghi về tính khả thi; cũng đã có nơi, có lúc, một vài mô hình sản xuất mới ở nông thôn đã thất bại. Bởi thế, Đảng ủy xã xác định, người đảng viên phải tích cực đi đầu trong tham gia sản xuất, giáo dục, cải tiến kỹ thuật, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, cùng góp vốn với nhân dân trong các mô hình hợp tác xã kinh doanh. Khi đảng viên “chung lưng đấu cật” thì nhân dân mới tin tưởng đồng hành. Thực tế cho thấy, kết quả của sự “chung vai” đó chính là một Thụy Hương ngày thêm giàu đẹp, một trong những mô hình dẫn đầu toàn quốc về thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Vai trò của tổ chức cơ sở đảng ở Thụy Hương còn là việc điều tiết để sự phát triển kinh tế mang tính bền vững, kinh tế phát triển phục vụ đời sống văn hóa - xã hội ngày một nâng lên. Thụy Hương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện đầy đủ các tiêu chí này.

Hướng tới tương lai

Nông thôn mới ở Thụy Hương và nhiều xã thí điểm khác đã thu được những thành công bước đầu, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đang dần được hiện thực hóa. Từ mô hình thành công đến nhân rộng ra toàn quốc, còn cần một thời gian dài với nhiều thử thách, khó khăn, nhất là khi không phải địa phương nào cũng có điểm xuất phát tốt tương tự các xã điểm như Thụy Hương. Đồng thời, có thực tế là: những tiêu chí còn chưa đạt được hoặc đạt ở mức độ chưa cao lại chủ yếu nằm trong nhóm các vấn đề liên quan đến văn hóa, môi trường, an sinh xã hội - các vấn đề liên quan trực tiếp tới mục tiêu chung và trách nhiệm chung của các cấp, các ngành cấp trên và của toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi đường lối, chính sách, con đường đã có, vấn đề chính là các tổ chức đảng và chính quyền, nhân dân các địa phương cần có những bước đi mạnh mẽ, phù hợp và quyết tâm thực hiện. Thành công của Thụy Hương là kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đối với chính quyền, các đoàn thể quần chúng nhân dân trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Trên đường rời Thụy Hương, anh lái xe tình cờ bật cho chúng tôi nghe bài hát Thẳng hướng tương lai của tác giả Phạm Đình Sáu: “Quê hương thân yêu đang mỗi ngày một đổi mới… Có hôm nay càng tin ở ngày mai”./.

------------------------------------------------

(1) Đó là: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, bưu điện, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Hai tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011. Hai tiêu chí về cơ cấu lao động, văn hóa và môi trường sẽ khó khăn hơn do xuất phát điểm của Thụy Hương là xã nông nghiệp và có những hạn chế về ý thức trong văn hóa, điển hình như việc thực hiện mô hình gia đình không sinh con thứ ba.