Việt Nam tích cực đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống
Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2008 sau 30 ngày được cả 10 nước thành viên nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn. ASEAN đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng này tại Trụ sở Ban thư ký ASEAN, Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của các Ngoại trưởng và đại diện 10 nước thành viên. Đây chính là thời khắc lịch sử đánh dấu việc ASEAN chuyển sang một chương mới hướng tới việc gia tăng liên kết ở khu vực, trước mắt là xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015.
| ||||||
Ra đời ngày 8-8-1967 và trải qua 4 thập kỷ tồn tại và phát triển, ASEAN đã trở thành một Hiệp hội bao gồm tất cả 10 nước Đông Nam Á, được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất, có những đóng góp tích cực cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN xác định mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới là xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội vào 2015. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN đã khẳng định sự cần thiết xây dựng một Hiến chương ASEAN tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác của Hiệp hội, thiết thực hỗ trợ các nỗ lực gia tăng liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng. Ý tưởng về xây dựng bản Hiến chương ASEAN được các vị Lãnh đạo nhất trí từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-10 (Viên-chăn, Lào, 2004) và sau đó, được chính thức hóa bằng các Tuyên bố Ku-a-la lăm-pơ và Cebu về xây dựng Hiến chương ASEAN tại Hội nghị Cấp cao 11 (Ma-lai-xi-a, 2005) và 12 (Phi-lip-pin, 1-2007). Công tác soạn thảo Hiến chương đã được tiến hành rất khẩn trương và nghiêm túc trong các năm 2006 và 2007, thông qua hoạt động tích cực của Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) và Nhóm Đặc trách cao cấp (HLTF), dưới sự chỉ đạo thường xuyên của các vị Lãnh đạo cũng như các Ngoại trưởng ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-13 (Xin-ga-po, tháng 11-2007), các Lãnh đạo ASEAN đã ký thông qua Hiến chương, đồng thời ra Tuyên bố thể hiện quyết tâm hoàn tất phê chuẩn để Hiến chương có thể đi vào hiệu lực trước cuối năm 2008.
Hiến chương ASEAN có hiệu lực – Sự kiện quan trọng đối với Hiệp hội Sự kiện Hiến chương chính thức có hiệu lực mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ASEAN trong bối cảnh Hiệp hội đang nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên 3 trụ cột vào 2015, đó là: Thứ nhất, từ nay, ASEAN sẽ hoạt động dựa trên một khung pháp lý vững vàng, trở thành một tổ chức hoạt động dựa trên các quy tắc pháp lý; các thỏa thuận, quyết định sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN; Thứ hai, ASEAN sẽ có tư cách pháp nhân trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, qua đó gia tăng vị thế quốc tế của Hiệp hội với các đối tác bên ngoài; Thứ ba, với khuôn khổ thể chế mới theo quy định của Hiến chương, bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động của ASEAN sẽ có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần đối phó tốt hơn với những thách thức đang đặt ra, khắc phục những khiếm khuyết hiện có và cải tiến chất lượng và hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác của Hiệp hội. Thứ tư, việc Hiến chương đi vào hiệu lực theo đúng lộ trình một lần nữa gửi thông điệp rõ ràng của ASEAN đối với khu vực và bên ngoài về cam kết nghiêm túc của Hiệp hội cũng như khả năng hiện thực hóa các kế hoạch hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam tích cực xây dựng các kế hoạch thiết thực để đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá, Việt Nam chủ trương tham gia ASEAN một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào đoàn kết và hợp tác ASEAN vì hoà bình và thịnh vượng chung ở khu vực và của mỗi nước. Trong 13 năm qua kể từ khi tham gia Hiệp hội, Việt Nam đã những đóng góp tích cực cho đoàn kết, hợp tác và sự phát triển của ASEAN. Trong quá trình soạn thảo, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực và có những đóng góp quan trọng vào các nội dung của Hiến chương, nhất là trong việc xây dựng các mục tiêu, nguyên tắc và định hướng chủ đạo của ASEAN. Việt Nam là một trong năm nước đầu tiên phê chuẩn Hiến chương vào ngày 6-3-2008. Việt Nam cam kết tích cực và chủ động tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động chung của ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào 2015. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng các kế hoạch thiết thực để đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, trong đó có các chương trình điều chỉnh lại phân công và tăng cường phối hợp chung của các Bộ ngành trong tham gia ASEAN, thích ứng với cơ cấu tổ chức mới của ASEAN theo Hiến chương; kết hợp lồng ghép phù hợp các mục tiêu hợp tác ASEAN với việc thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong cả năm 2010, trong đó có việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN và nhiều Hội nghị cấp Bộ trưởng. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định sự đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam./. |
Một số nội dung cơ bản của Hiến chương Nội dung Hiến chương là sự tổng hợp và hệ thống hóa có phát triển thêm những nguyên tắc, mục đích, thỏa thuận trong các văn kiện đã có của ASEAN. Hiến chương khẳng định lại tính chất của ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ, chứ không phải tổ chức siêu quốc gia như EU. Hiến chương, về cơ bản, giữ các nguyên tắc chủ đạo và phương thức hoạt động của ASEAN, nhất là: không can thiệp vào công việc nội bộ, tham vấn và ra quyết định bằng đồng thuận… Những điểm mới đáng chú ý nhất là Hiến chương tạo ra khung pháp lý và khuôn khổ thể chế mới của ASEAN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội và thiết thực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng và liên kết ASEAN. Đồng thời, Hiến chương trao cho ASEAN tư cách pháp nhân. Về tổ chức bộ máy, các cơ quan của ASEAN sẽ được sắp xếp theo mô hình hướng về 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với Hội nghị Cấp cao là cơ chế quyết định cao nhất (họp thường kỳ hai năm một lần). Ngoài ra, còn có ba Hội đồng (cấp Bộ trưởng) về Cộng đồng Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hoá - Xã hội, Hội đồng Điều phối (gồm các Ngoại trưởng); lập thêm Ủy ban các Đại diện thường trực (cấp Đại sứ) của các nước ASEAN đặt tại Jakarta, Indonesia; Tăng cường vai trò của Tổng Thư ký và Ban Thư ký ASEAN; Cơ quan Nhân quyền ASEAN; Ban Thư ký Quốc gia ASEAN… |
Trung Quốc: Một vài kinh nghiệm cải cách hành chính  (19/12/2008)
Hội thảo quốc tế "Giao lưu kinh tế - văn hóa lưu vực sông Hồng lần thứ hai năm 2008"  (19/12/2008)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 793 (11-2008)  (19/12/2008)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay