Trung Quốc: Một vài kinh nghiệm cải cách hành chính

Phạm Thị Bích Hoa
16:54, ngày 19-12-2008

Sau 30 năm thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế, từ năm 2005, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chuyển sang tập trung vào chính sách phát triển xã hội hài hòa, nghĩa là tạo ra sự cân đối trong phát triển kinh tế và xã hội. Quan điểm "Phát triển xã hội hài hòa" được tập trung ở các quyết sách và phương thức hoạt động của nhà nước, trong đó có lĩnh vực cải cách hành chính.

"Phát triển xã hội hài hòa" trong lĩnh vực hành chính

Mục tiêu cải cách hành chính của Trung Quốc là chuyển từ Nhà nước bao cấp, kiểm soát và quản lý tất cả, sang Nhà nước chủ yếu tập trung vào chức năng "điều tiết nền kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội và cung ứng dịch vụ công". Nói một cách khác, đó là chuyển từ "Chính phủ đầy quyền năng" thành "Chính phủ có quyền năng giới hạn", sau khi trả lại cho thị trường và xã hội những gì thuộc về thị trường và xã hội.

Đối với thị trường, Nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát chứ không quyết định những nội dung của thị trường, không can thiệp, áp đặt. Thị trường có quyền quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, như thế nào.

Đối với xã hội, Nhà nước không áp đặt biện pháp trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn cho các tổ chức và cộng đồng giải quyết. Nhà nước quản lý xã hội và phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo pháp luật. Đó là nguyên tắc "Thị trường tự do, xã hội tự chủ và Chính phủ theo luật".

Việc chuyển từ phương thức "kiểm soát và quản lý tất cả" sang phương thức "phục vụ" được đánh giá thông qua thực hiện các tiêu chí: Nhà nước đã làm được gì cho người dân và đối tượng phục vụ của Nhà nước có phải là người dân không? Phương thức phục vụ của Nhà nước có phù hợp với từng đối tượng người dân? Người dân có hài lòng với phương thức phục vụ đó?... Theo quan niệm của Chính phủ Trung Quốc, việc gì hợp lòng dân thì dù khó đến đâu cũng phải được giải quyết.

Các dịch vụ công do Chính phủ cung ứng được thực hiện theo nguyên tắc "Chính phủ chỉ đạo, xã hội tham gia, đa nguyên chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ, cạnh tranh phù hợp, có sự giám sát của Chính phủ". Để đạt được các mục tiêu, phải tạo được sự kết hợp hài hòa giữa "Chính phủ hiệu quả, xã hội phát triển và cơ chế thị trường hoàn thiện".

Cải cách đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, công chức nhà nước phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn môi trường công tác, đáp ứng được mục tiêu phát triển hài hòa. Mục tiêu đào tạo công chức nhà nước là xây dựng năng lực đưa ra các quyết sách bảo đảm sự hài hòa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm đời sống người dân, giải quyết các vấn đề của môi trường, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương. Mục tiêu này được các cơ sở đào tạo hành chính thực hiện thông qua: tạo sự đồng thuận, thống nhất quan điểm; tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng thực thi công việc cho các đối tượng cán bộ, công chức; đổi mới phương thức đào tạo, lấy học viên làm trung tâm, tập trung xây dựng năng lực "nghiên cứu vấn đề" và các kỹ năng mới cho nhà quản lý.

Ba trọng điểm của cải cách hành chính

Cải cách về pháp luật: Pháp luật được cải cách theo nguyên tắc: Hành chính phải phù hợp với luật pháp quốc tế, thích hợp với yêu cầu, điều kiện và đời sống xã hội; chuẩn hóa các quy trình thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả trên cơ sở lợi ích của người dân; trung thực và bảo đảm uy tín; thống nhất giữa trách nhiệm và quyền lợi. Năm 2003, Trung Quốc ban hành Luật Về thủ tục hành chính, trong đó quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; đồng thời quy định quyền khiếu nại, khiếu kiện và quyền được bồi thường tổn thất do các cơ quan nhà nước gây ra trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Tháng 1-2006, Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu triển khai thực thi một bộ luật đầy đủ về quyền và nghĩa vụ đối với công chức nhà nước - Luật Công chức.

Cải cách về giám sát hành chính: Trung Quốc ban hành Luật Giám sát hành chính nhằm tăng cường sự giám sát của các tổ chức, công dân đối với hoạt động của Nhà nước. Đây cũng là yêu cầu đặt ra từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, để phù hợp với những quy định của WTO. Công dân và các tổ chức phải có quyền giám sát đối với các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Quy mô hóa, dân chủ hóa và khoa học hóa các quyết sách: Ban hành quyết sách đúng, thích hợp là yếu tố then chốt cho sự phát triển của quốc gia. Tất cả các quyết sách của Nhà nước, muốn thành công, phải dựa trên nguyên tắc kết hợp 3 yếu tố: nguyện vọng của công dân; ý kiến tham mưu của chuyên gia và ý chí, mục tiêu của Chính phủ.

Quy mô hóa quyết sách là nói đến việc xây dựng quyết sách phải dựa trên nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng, và các nhóm lợi ích (công dân, cộng đồng, các tổ chức, khu vực). Những người chịu tác động của quyết sách được tham gia ý kiến và được bảo vệ quyền lợi khi quyết sách gây ảnh hưởng. Ví dụ, để thực hiện các dự án di dời, trước hết Nhà nước phải bảo đảm đầy đủ và tốt hơn về điều kiện sống tại nơi ở mới cho người dân trong khu vực di dời. Để giải quyết vấn đề bán hàng rong, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng văn minh đô thị, chính quyền xây dựng các khu chợ tập trung, thuận lợi cho việc buôn bán và đồng thời thực hiện biện pháp kinh tế, phạt nặng với những trường hợp vi phạm. Bằng giải pháp này, chính quyền đã thành công trong việc cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình lớn ở các thành phố, đô thị.

Dân chủ hóa quyết sách là nói đến việc người dân và các tổ chức có quyền giám sát hoạt động thực thi quyết sách của các cơ quan công quyền. Dân chủ hóa quyết sách còn là vấn đề trao quyền và trách nhiệm của cơ quan thực thi quyết sách.

Khoa học hóa quyết sách là việc sử dụng ý kiến tham mưu của lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quyết sách.

Những điều kiện bảo đảm các quyết sách thành công

Quyết sách liên quan đến người dân và cộng đồng phải được tiến hành theo 3 giải pháp: điều chỉnh quy định pháp lý, biện pháp kinh tế và biện pháp giáo dục.

Điều chỉnh các quy định pháp lý là điều chỉnh những quy định không phù hợp với quyền lợi, yêu cầu của người dân, không thích hợp với những điều kiện trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ phải có đủ năng lực, nhanh nhạy trước những thay đổi, nắm bắt kịp thời nhu cầu, ý kiến của người dân, doanh nghiệp và điều chỉnh lại quy định trên cơ sở quyền lợi của người dân, chứ không phải từ yêu cầu của chính quyền. Đó là quan điểm dân chủ hóa trong cách thức hoạt động của Chính phủ.

Việc dùng biện pháp kinh tế để giải quyết các vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải có lực và mạnh dạn trong việc nhận lấy phần khó khăn về mình. Ví dụ, chính quyền tỉnh Vũ Hán ra quyết định thu mua loại xe ba gác với giá cao hơn giá thị trường để thực hiện quyết sách loại bỏ loại phương tiện giao thông này; đồng thời, sử dụng biện pháp phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trước khi áp dụng biện pháp phạt, Nhà nước phải tạo đủ điều kiện để người dân chấp hành luật.

Giáo dục là biện pháp được nghiên cứu, sử dụng phù hợp với từng đối tượng trong quá trình xây dựng và thực thi các quyết sách. Phát triển kinh tế thị trường tại một nước có nền văn hóa phương Đông truyền thống lâu đời đòi hỏi Chính phủ cần nghiên cứu những thay đổi thích hợp để tạo sự hài hòa giữa kinh tế thị trường kiểu phương Tây với văn hóa phương Đông. Đó là vai trò "quản lý văn hóa" của Chính phủ trong điều kiện mới.

Các bài học rút ra

Thứ nhất, sự lãnh đạo kiên quyết, phương thức và mục tiêu rõ ràng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chủ trương cải cách mở cửa và là người lãnh đạo, bảo đảm về chính trị cho các mục tiêu cải cách thành công. Với thể chế chính trị một đảng lãnh đạo, Trung Quốc coi thành công của cải cách phải xuất phát từ sự lãnh đạo kiên quyết và thống nhất của Đảng. Để phát triển kinh tế trong điều kiện của một đất nước có xuất phát điểm thấp và là một quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã chủ trương tập trung nguồn lực để tạo ra các vùng kinh tế trọng điểm (Thâm Quyến, Thiên Tân, Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh...), làm điểm tựa cho các vùng khác. Sau 30 năm thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế, từ năm 2005, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chuyển sang tập trung vào chính sách phát triển xã hội hài hòa, tạo sự hài hòa về phát triển kinh tế và xã hội, khắc phục những vấn đề khoảng cách giàu - nghèo, lao động, việc làm và ô nhiễm môi trường. Để giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, Nhà nước có chính sách quy định trách nhiệm của các vùng giàu, phát triển, đối với các vùng nghèo, kém phát triển; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội cơ bản như chính sách hỗ trợ về giáo dục, bảo hiểm y tế cho người nghèo. "Xã hội hài hòa" theo cách giải thích đơn giản của người Trung Quốc, chữ "hài", nghĩa là 1,3 tỉ người phải đủ ăn, và chữ "hòa", nghĩa là 1,3 tỉ người phải được biểu đạt ý kiến của mình. Mục tiêu là xây dựng Nhà nước theo nguyên tắc "phục vụ", lấy lợi ích của người dân và cộng đồng làm cơ sở.

Thứ hai, cải cách bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Mục tiêu của cải cách là thay đổi vai trò và chức năng của Nhà nước trong bối cảnh phát triển mới, chứ không chỉ là nhằm giảm bộ máy, giảm số lượng công chức. Đây là một hệ thống tổng hợp từ nhận thức đến quan điểm và những quy tắc, phương thức tổ chức hoạt động nhằm chuyển đổi vai trò của Nhà nước mà trước hết là tạo được nhận thức về sự thay đổi vai trò của Nhà nước, thích hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế và xã hội phát triển. Sự thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước được xây dựng:

- Hoạt động của Nhà nước được thiết lập trên cơ sở phân biệt rõ 4 mối quan hệ: giữa Chính phủ với Chính phủ, giữa Chính phủ với thị trường, giữa Chính phủ với cơ quan sự nghiệp (cơ quan, tổ chức làm dịch vụ) và giữa Chính phủ với các đặc khu kinh tế.

- Nhà nước tập trung vào 4 loại chức năng cơ bản: điều tiết kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội và cung ứng dịch vụ công.

Mục tiêu của cải cách là lấy yêu cầu của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp làm cơ sở cho những quyết sách của Nhà nước. Thủ tục hành chính phải công khai, minh bạch và thuận lợi.

Thứ ba, xây dựng bộ máy nhà nước đủ năng lực, có khả năng thích ứng với yêu cầu mới. Với quan điểm này, Trung Quốc chú trọng:

- Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về chủ trương, đường lối cải cách mở cửa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức về năng lực thực hành, kỹ năng giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Việc đưa ra các quyết sách phù hợp với từng địa phương, với từng hoàn cảnh và điều kiện, trên cơ sở các mục tiêu chung, đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực phù hợp và liên tục được tăng cường.

- Quan tâm đến chính sách đối với cán bộ công chức, trước hết là chế độ lương và các điều kiện bảo đảm cho cán bộ công chức toàn tâm và trách nhiệm với công việc.

- Hoàn thiện hệ thống thể chế trong nền công vụ, bảo đảm rõ ràng về thẩm quyền, tính trách nhiệm đối với từng vị trí, chức danh./.