Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng bền vững và toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Chủ trương tập trung đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Thời gian tới, với kinh nghiệm đã được tích lũy, việc đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương để phát triển cây công nghiệp, cây nguyên liệu góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả to lớn hơn nữa.

Kết quả từ việc mở rộng vùng cây công nghiệp và nguyên liệu

Hằng năm, Nghệ An sản xuất khoảng 31 ngàn héc-ta cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, vừng); 12 ngàn héc-ta cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, cao su) và 40 ngàn héc-ta cây nguyên liệu phục vụ chế biến (mía, sắn, dứa). Về tiềm năng đất đai Nghệ An có thể mở rộng thêm khoảng 35 đến 45 ngàn héc-ta cây công nghiệp, cây nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Phát huy tiềm năng lợi thế về phát triển cây công nghiệp, cây nguyên liệu, ngay từ giai đoạn 2001 - 2005 , Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV khẳng định: “Phát triển theo quy hoạch, tập trung đầu tư thâm canh một số cây công nghiệp, cây nguyên liệu như cà phê, cao su, lạc, mía... gắn với phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến để tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, có giá trị hàng hóa cao”. Từ đó, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nguyên liệu không ngừng được mở rộng và đã tạo ra được một khối lượng hàng hóa tương đối lớn tham gia xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế nội ngành đã có sự chuyển dịch tốt, tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập và đời sống cho người lao động, bảo đảm môi trường sinh thái ở vùng nông thôn miền núi.

Bước sang giai đoạn 2006 - 2010, chủ trương phát triển nhanh cây công nghiệp, cây nguyên liệu được tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI: “ổn định diện tích các vùng chuyên canh cây công nghiệp, đầu tư thâm canh để có sản phẩm hàng hóa: 75.000 tấn lạc vỏ, 2 triệu tấn mía cây, 12.000 tấn chè búp khô xuất khẩu, 3.000 tấn mủ cao su khô, 4.000 tấn cà phê nhân, 50.000 tấn cam, 160.000 tấn dứa quả. Khuyến khích phát triển các loại cây ăn quả, cây vừng, đậu tương, dâu tằm gắn với đầu tư các cơ sở chế biến và tiêu thụ”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành xây dựng và phê duyệt 7 đề án tổ chức sản xuất cây công nghiệp, cây nguyên liệu, gồm: chè, cà phê, cao su, mía, sắn, dứa, lạc. Ngành nông nghiệp đã cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các đề án. Kết quả là đến hết năm 2007, trên địa bàn Nghệ An đã hình thành được các vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu với diện tích, năng suất, sản lượng bảo đảm đủ cho các nhà máy chế biến hoạt động đạt công suất thiết kế. Cụ thể có: 6.800 ha chè công nghiệp, 1.980 ha cà phê, 5.400 ha cao su (cả diện tích kinh doanh và kiến thiết cơ bản) cho sản lượng trên 6.500 tấn chè búp khô, 1.700 tấn cà phê nhân và 2.160 tấn cao su thành phẩm. Có 24.442,2 ha lạc, với sản lượng 52.986 tấn; 30.281 ha mía, với sản lượng 1.741.783 tấn mía cây (trên 117 ngàn tấn đường);... Giá trị xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp, cây nguyên liệu đạt khá, trong đó: cà phê trên 8,4 triệu USD, chè búp khô gần 7 triệu USD, lạc nhân trên 8,6 triệu USD, cao su gần 18 triệu USD...

Kết quả đạt được tuy chưa lớn, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, nhưng cho thấy chủ trương, định hướng của Nghệ An: phát triển nhanh các vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu, gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cho xuất khẩu là hoàn toàn đúng đắn, góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế ở Nghệ An.

Nguyên nhân của những thành công

Từ thực tế xây dựng và phát triển vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu trong thời gian qua, có thể rút ra nguyên nhân của những thành công:

- Chủ trương phát triển nhanh các vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu, gắn công nghiệp chế biến và xuất khẩu của tỉnh phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nhất là ở miền núi có tiềm năng đất đai lớn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tích tụ đất đai, trồng mới, thâm canh các cây: chè, mía, cao su... có thu nhập cao, làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.

- Cùng với chủ trương đúng, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất phù hợp, như: trợ giá giống chè, cà phê, cao su, dứa, giống lạc mới; hỗ trợ xây dựng hồ đập ngăn nước tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả; hỗ trợ mua máy thu hoạch chè,... Chỉ tính riêng năm 2007, tỉnh đã bố trí trên 13 tỉ đồng để trợ giá giống, trong đó riêng trợ giá giống chè và cao su là 2,7 tỉ đồng .

- Ứng dụng nhanh các kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống. Nghệ An bước đầu đã chọn được bộ giống cây trồng phù hợp, như: chè LDP1, LDP2; cà phê chè Catimor; giống lạc L14, L12; các giống mía mới,... Kỹ thuật nhân giống chè giâm cành cũng đã được triển khai trên toàn bộ diện tích trồng mới từ nhiều năm nay, phủ nilon cho lạc đã góp phần tăng nhanh năng suất và thành công trong việc trồng lạc vào vụ thu - đông ở Nghệ An.

- Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp có cơ sở chế biến cũng đã tích cực thực hiện một số chính sách của đơn vị thông qua hợp đồng với nông dân như cho vay vốn ưu đãi để khai hoang, làm đất, mua phân bón, điển hình là doanh nghiệp chế biến mía đường, nước dứa. Thông qua đó để gắn kết giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến, tạo điều kiện vừa hỗ trợ nông dân sản xuất vừa đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Những nhiệm vụ cơ bản cần tập trung giải quyết trong thời gian tới

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế, trước mắt cũng như lâu dài Nghệ An còn rất nhiều vấn đề phải làm, trong đó cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, căn cứ vào quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các cây công nghiệp, cây nguyên liệu thành những vùng chuyên canh tập trung lớn. Việc rà soát, điều chỉnh phải bảo đảm sự hài hòa phát triển toàn diện của quy hoạch tổng thể và phát huy thế mạnh của từng cây. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động thu mua nông sản, chế biến nguyên liệu phải quy hoạch các vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu cho đơn vị mình. Các quy hoạch của địa phương, đơn vị phải bảo đảm tính khả thi cao, phát triển bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Trước hết là khâu giống, cần phải có nhiều giống tốt để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Thực hiện có hiệu quả chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản, trong đó có giống cây công nghiệp, cây nguyên liệu. Các địa phương, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận chương trình giống của Nhà nước và năng động tìm kiếm giống tốt, để phát triển nhanh các giống phù hợp với điều kiện sản xuất, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và có chất lượng nông sản tốt. Cùng với giống mới phải đầu tư thâm canh tăng năng suất để các sản phẩm sản xuất ra có giá thành hạ, sức cạnh tranh cao.

Thứ ba, vận động nông dân chuyển đổi, tích tụ ruộng đất kết hợp với cải tạo đồng ruộng, xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trước hết là đường giao thông và các công trình thủy lợi cho các vùng cây công nghiệp, cây nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc ứng dụng các thiết bị kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến.

Thứ tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức tốt khâu thu mua, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích người sản xuất cây công nghiệp, cây nguyên liệu tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến theo tinh thần Nghị quyết số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua hợp đồng, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm quyền lợi cho nông dân trong các vấn đề tiếp nhận sự hỗ trợ về vốn, các biện pháp kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Thứ năm, tăng cường thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ giúp nông dân phát triển cây công nghiệp, cây nguyên liệu, lồng ghép các chương trình, dự án, công tác khuyến nông, để nông dân tiếp cận, ứng dụng có kết quả các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.

Thứ sáu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ chế biến, ưu tiên các doanh nghiệp có công nghệ chế biến nâng cao giá trị của sản phẩm. Xây dựng chiến lược thị trường cho những năm tới và xa hơn, chú trọng các thị trường có khả năng tiêu thụ lớn như Đông Âu, Trung á và Trung Quốc; có định hướng tiếp cận thị trường mới, đồng thời quan tâm thị trường nội địa. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu sản phẩm phù hợp, bảo đảm thu mua, chế biến kịp thời, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả nhất./.