Dù ở tư cách là đảng nắm độc quyền lãnh đạo trong hệ thống chính trị năm 1955 hay là đảng giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống chính trị sau năm 1993, Đảng Dân chủ tự do (LDP) trước nay vẫn luôn là đảng cầm quyền ở Nhật Bản.

Tổ chức bộ máy của Đảng Dân chủ tự do

Đảng Dân chủ tự do là chính đảng lớn nhất ở Nhật Bản với đội ngũ khoảng 1,7 triệu đảng viên, được tổ chức thành 47 đảng bộ cấp tỉnh, thành (năm 2005) và có cơ sở xã hội đông đảo từ 22 triệu đến 25 triệu cử tri.

Hệ thống các cơ quan lãnh đạo của LDP được phân thành 3 loại tùy thuộc vào chức năng. Đó là các cơ quan chỉ đạo (thông qua các quyết định), các cơ quan chấp hành, các cơ quan kiểm tra.

Đại hội Đảng Dân chủ tự do

Đây là cơ quan quyền lực tối cao của LDP, do chủ tịch đảng triệu tập với sự phê chuẩn của Hội đồng phụ trách các vấn đề chung. Đại hội thường kỳ được triệu tập vào tháng giêng hằng năm. Tại đó, ban lãnh đạo báo cáo tổng kết các hoạt động của LDP trong nhiệm kỳ trước, thông qua đường lối hoạt động nhiệm kỳ mới, đồng thời tiến hành bầu lại ban lãnh đạo LDP. Đại hội được coi là hợp thức nếu có hơn nửa số đại biểu có chức vụ tham gia. Chỉ đại hội đảng mới có thẩm quyền sửa đổi và bổ sung Cương lĩnh và Điều lệ LDP. Đại hội bất thường có thể được triệu tập theo yêu cầu của Khóa họp toàn thể các nghị sĩ quốc hội của LDP. Các quyết định của đại hội được thông qua khi có đa số phiếu tán thành, còn trong trường hợp số phiếu tán thành và phản đối ngang nhau thì chủ tịch đại hội đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu về chính trị Nhật Bản cho rằng, trên thực tế đại hội của LDP thường mang tính hình thức, bởi trước khi diễn ra đại hội đã có sự thỏa thuận, sắp đặt sẵn giữa các phe phái.

Khóa họp toàn thể các nghị sĩ quốc hội của Đảng

Khóa họp này liên quan đến các cơ quan chấp hành của LDP. Theo Điều lệ, quyết định của khóa họp về các vấn đề đang còn tranh cãi có thể thay thế cho quyết định của toàn Đảng, nếu có từ 2/3 trở lên số lượng nghị sĩ quốc hội có trong danh sách của LDP tham gia khóa họp này.

Chủ tịch LDP

Chủ tịch Đảng chịu trách nhiệm cao nhất, đại diện và thực hiện công việc lãnh đạo chung, quyết định thành phần lãnh đạo, chịu trách nhiệm về ngân sách của LDP, về công việc bầu cử, đồng thời là thủ tướng Nhật Bản. Khi chủ tịch mới được bầu, thì nhiệm kỳ của tất cả những người có chức vụ ở nhiệm kỳ cũ cũng kết thúc. Về hình thức, thẩm quyền của chủ tịch Đảng cũng bị hạn chế bởi các quyết định của đại hội LDP hoặc của Khóa họp toàn thể các nghị sĩ của cả hai viện của Quốc hội. Song, trên thực tế thẩm quyền của chủ tịch LDP vượt ra ngoài khuôn khổ các quy định trong Điều lệ. Cụ thể, chủ tịch LDP theo quan điểm riêng của mình giải quyết tất cả mọi công việc của Đảng, có tính đến ý kiến của thủ lĩnh các phe phái trong Đảng.

Chủ tịch Đảng được đại hội LDP bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. ứng cử viên vào chức vụ này phải là nghị sĩ quốc hội và phải được đề cử lên.

Tổng thư ký của Đảng

Là nhân vật quan trọng thứ hai trong bộ máy lãnh đạo của LDP, tổng thư ký là người giúp việc cho chủ tịch Đảng và giải quyết các công việc của Đảng; trực tiếp lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Nhân sự, Vụ Tài chính, Vụ Nghiên cứu, Vụ Quốc tế và Văn phòng kiểm tra; kiểm soát công việc của Ban Thông tin, Văn phòng hoạt động quần chúng, Ban Chính sách quốc hội. Người đứng đầu ba cơ quan đó đều do tổng thư ký bổ nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng phụ trách các vấn đề chung. Tổng thư ký là cánh tay phải của chủ tịch Đảng, chịu trách nhiệm về việc hoạch định chiến lược cho Đảng và các kế hoạch hoạt động của Đảng, đồng thời chịu trách nhiệm phối hợp các hoạt động và sự thống nhất bên trong Đảng cũng như về các cuộc thương lượng với các lực lượng, đảng phái bên ngoài. Tổng thư ký còn là người phát ngôn của Đảng, là người gây quỹ cho Đảng.

Hội đồng phụ trách các vấn đề chung

Hội đồng này thuộc loại cơ quan chấp hành, có chức năng thảo luận những vấn đề quan trọng nhất về Đảng, về chính sách của Đảng ở Quốc hội và cũng là cơ quan thông qua các quyết định tập thể về tất cả các vấn đề đó. Trong tổng số 30 thành viên của Hội đồng thì 8 thành viên do chủ tịch Đảng trực tiếp bổ nhiệm, 15 thành viên được Hạ viện cử trên nguyên tắc phân bổ theo vùng, 7 thành viên được bầu ra từ số thượng nghị sĩ. Hội đồng bầu ra chủ tịch và các phó chủ tịch từ số thành viên của mình. Chủ tịch của Hội đồng thường là thủ lĩnh hay nhân vật có uy tín của một trong số các phe phái lớn trong Đảng, nhưng không phải là phe của chủ tịch Đảng. Hội đồng họp 2 lần/ tuần có sự tham dự của tổng thư ký và chủ tịch Hội đồng nghiên cứu các vấn đề chính sách. Nếu không có sự phê chuẩn của Hội đồng thì không thể thực hiện bất kỳ sự thuyên chuyển nào về nhân sự ở cấp trung ương, cũng như không thể bổ nhiệm tổng thư ký, các phó tổng thư ký và các thư ký của tổng thư ký. Chỉ sau khi có sự chuẩn y của Hội đồng, các dự thảo luật liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, do Hội đồng nghiên cứu các vấn đề chính sách soạn thảo, mới được trình ra Quốc hội. Các quyết định khác của Chính phủ muốn được trình ra Quốc hội cũng phải báo cáo cho Hội đồng phụ trách các vấn đề chung và phải được Hội đồng chấp thuận.

Hội đồng nghiên cứu các vấn đề chính sách

Chức năng của Hội đồng này là nghiên cứu các vấn đề chính sách và chuẩn bị những kiến nghị tương ứng về các vấn đề đó. Mọi dự thảo luật mà LDP muốn đưa ra Quốc hội phải được trình Hội đồng này trước. Thành phần của Hội đồng nghiên cứu các vấn đề chính sách bao gồm các nghị sĩ quốc hội của Đảng. Ngoài ra, chủ tịch Đảng còn mời nhiều nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia vào hoạt động của Hội đồng. Hội đồng có tất cả 17 ban, các ban này lại chia thành các tiểu ban, khi cần có thể lập ra các ủy ban nghiên cứu đặc biệt. Theo giới nghiên cứu, cơ cấu của Hội đồng này gần như trùng với cơ cấu của Chính phủ, cho nên đôi khi người ta còn gọi Hội đồng là Chính phủ thứ hai. Hội đồng có quan hệ mật thiết với các bộ, cục của Chính phủ và thường cũng nhận được các số liệu, dữ liệu nguyên bản từ đó. Hơn nữa, một phần đáng kể nhân sự của Hội đồng là cựu quan chức chính phủ. Điều này đã tạo ra sự phụ thuộc bộ máy của LDP vào giới quan liêu của Chính phủ trong quá trình lập pháp. Ước tính có đến 90% dự thảo luật, do Hội đồng thông qua rồi trình Quốc hội nhân danh Đảng và Chính phủ, thực tế là được soạn thảo bởi bộ máy hành chính có quan hệ trực tiếp với giới chủ doanh nghiệp.

Như vậy, cơ cấu tổ chức các cơ quan trung ương của LDP là một hệ thống rất phức tạp. Một mặt, đó là sự phân chia các công việc thuần túy của Đảng như quản lý đảng và chức năng chính trị như hoạch định chính sách của Đảng; mặt khác, căn cứ vào chức năng, hoạt động của Hội đồng phụ trách các vấn đề chung, cơ quan trung ương của LDP còn có nhiệm vụ giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến mọi chức năng của Đảng. Mặc dù bộ máy lãnh đạo của LDP phân ra nhiều ban và tiểu ban, song thông qua cơ chế họp đặc biệt với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các ban và tiểu ban, các cơ quan trung ương của LDP duy trì mối liên hệ thường xuyên chặt chẽ với nhau, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất.

Những nội dung cốt lõi trong đường lối của LDP

Mục tiêu, định hướng chiến lược LDP được xác định trong khuôn khổ các văn kiện mang tính cương lĩnh. Đại hội thành lập LDP (tháng 11-1955) đã thông qua những văn kiện mang tính cương lĩnh, bao gồm Sắc lệnh thành lập Đảng, về tính chất, sứ mệnh, Cương lĩnh chính trị của Đảng. LDP tự coi mình là đảng mang tính nhân dân, hòa bình, dân chủ và nghị viện. Đặc trưng quan trọng của các văn kiện trên thể hiện ở chỗ, LDP chỉ nhấn mạnh đến tính nhân dân của mình, tuyên bố ý tưởng về một sự đồng thuận chung, về sự hợp tác giữa lao động với tư bản.

Đảng cũng tuyên bố mục đích hành động nhằm xây dựng một nhà nước phúc lợi. Để xây dựng nhà nước phúc lợi và bảo đảm đầy đủ công ăn việc làm cho nhân dân, LDP đề nghị thực hiện mục tiêu đó trên cơ sở kinh doanh tự do, mở rộng sản xuất bằng cách tạo ra tính chất tổng thể và kế hoạch cho sản xuất, đồng thời thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội rộng rãi. Đảng gắn tự lực kinh tế với việc tạo ra những thay đổi trong cơ cấu kinh tế quốc dân bao gồm cả việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử, với việc áp dụng các biện pháp đặc biệt cho tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Trên lĩnh vực kinh tế, LDP cho rằng, cần duy trì hệ thống kinh tế thị trường và chế độ tư hữu. Mặc dù trung thành với chế độ tư bản chủ nghĩa, các nhà chính trị LDP cũng không thể bỏ qua nguyện vọng và dư luận của nhân dân, luôn cố tỏ ra rằng họ thường xuyên hướng về mục tiêu đạt sự đồng thuận chung của toàn xã hội.

Trên phương diện đối nội, mục tiêu cơ bản của LDP là ổn định cuộc sống của nhân dân, nâng cao phúc lợi xã hội. Đảng không lý tưởng hóa xã hội tư bản chủ nghĩa, phản đối vị trí thống trị của giới hành chính quan liêu, lo lắng về tình trạng xuống cấp đạo đức của chính giới.

Trên phương diện đối ngoại, LDP tích cực thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình phù hợp với nguyện vọng chung của nhân dân thế giới, kêu gọi cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đảng là hợp tác chặt chẽ với các nước dân chủ tự do, ưu tiên quan hệ của Nhật Bản với Mỹ.

Thay đổi để duy trì quyền lực

Nhận thức rõ sự thay đổi của tình hình trong và ngoài nước, LDP thường xuyên có những bổ sung vào các văn kiện cương lĩnh, chẳng hạn, LDP thông qua văn bản cương lĩnh mới gọi là Hiến chương các nguyên lý của Đảng (ngày 19-1-1965), Hiến chương về thanh niên (ngày 22-1-1966), Hiến chương về lao động (ngày 28-6-1966), Hiến chương về phụ nữ (ngày 23-1-1969)...

Trong số các văn kiện trên, đáng chú ý là Hiến chương các nguyên lý của Đảng. Nội dung cơ bản của Hiến chương này là LDP không được để xảy ra tình trạng rối loạn về chính trị và kinh tế, phải giữ gìn trật tự pháp luật, giáo dục tinh thần thống nhất và lòng yêu nước, bởi đây là thể hiện sức mạnh dân tộc. Hiến chương khẳng định, sự tiến bộ đích thực chỉ có thể đạt được trong điều kiện bảo đảm trật tự, khi các giá trị sáng tạo được tích lũy trên nền tảng những truyền thống thống nhất. Sở dĩ những nội dung như vậy được đưa ra trong năm 1965 là vì lúc đó Nhật Bản đã qua thời kỳ phục hồi sau chiến tranh và đang trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao. Đảng nhận ra rằng, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên cơ sở tiến bộ khoa học - kỹ thuật không chỉ tạo bước nhảy vọt trong việc cải thiện cuộc sống của người Nhật Bản mà còn có nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Đảng rất chú trọng đến việc bảo vệ nền dân chủ nghị viện, theo đó các công dân hình thành ý thức tự giác về xã hội dân chủ, còn các chính đảng và các chính trị gia cần thông qua biện pháp thương lượng để xác định đường lối mang tính nguyên tắc của đất nước. Dân chủ nghị viện phải được chỉ đạo bằng nguyên tắc quyết định theo đa số, song không được bỏ qua ý kiến của thiểu số.

Đảng luôn kêu gọi tăng cường sự nhất trí, hài hòa không chỉ trong xã hội mà cả trong sản xuất, kinh doanh, kêu gọi phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động và của cả dân tộc.

Nhìn chung, Hiến chương các nguyên lý của Đảng đã phản ánh sát thực những thay đổi to lớn diễn ra trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội Nhật Bản. Đặc biệt, nhiều biến đổi trong quan hệ quốc tế của Nhật Bản như việc Nhật Bản gia nhập Liên hợp quốc, quyết định xét lại các điều kiện có lợi hơn cho Nhật Bản trong Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ... cũng được Hiến chương ghi nhận.

Ba thập niên sau khi thành lập, ngày 15-11-1985, LDP đã thông qua Tuyên bố đặc biệt và Cương lĩnh chính trị thay cho Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1955. Điểm khác căn bản của Tuyên bố đặc biệt so với Cương lĩnh chính trị năm 1955 là Đảng xuất phát từ những thành tựu to lớn của Nhật Bản thời gian trước đó để đề ra mục tiêu mang tính toàn cầu, đó là Nhật Bản phải đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế, giành lấy vị trí xứng đáng hơn trên trường quốc tế, cùng hành động để gìn giữ hòa bình và tiến bộ xã hội, thực hiện giải trừ quân bị, bao gồm cả giải trừ vũ khí hạt nhân.

Cương lĩnh chính trị năm 1985 đã cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố đặc biệt. Đảng đặc biệt nhấn mạnh tính nhân dân của mình, khẳng định LDP không đại diện cho lợi ích của một nhóm xã hội và không ngả theo áp lực của nhóm xã hội đó, mà luôn cố gắng thực hiện đường lối chính trị nhân danh toàn thể nhân dân. LDP còn khẳng định là đảng có trách nhiệm bảo đảm độc lập và an ninh của Nhật Bản, sự thịnh vượng và hạnh phúc lâu dài của nhân dân. Tính chất bảo thủ của Đảng được nhấn mạnh ở chỗ, Đảng bảo vệ những giá trị lịch sử và truyền thống của Nhật Bản, đồng thời cho rằng, dưới tác động của thời đại mới, Đảng phải kiên quyết thực hiện cải cách, đóng góp vào sự phát triển lịch sử và sự tiến bộ của đất nước bằng cách sử dụng các thành tựu văn hóa và xã hội tốt nhất của thời đại.

Văn kiện tiếp tục khẳng định khẩu hiệu "xây dựng nhà nước phúc lợi", song mở rộng thành "nhà nước phúc lợi nhân dân". Vấn đề đạo đức, ý nghĩa quan trọng của gia đình, của cộng đồng địa phương cũng được nhấn mạnh trong Cương lĩnh này. Tuy nhiên, có một điểm mới nữa trong Cương lĩnh là không tiếp tục khẳng định "Đảng Dân chủ tự do là một đảng chính trị hòa bình" như trước, mà nhấn mạnh đến ý muốn thông qua một bản hiến pháp tự lực, ý định nghiên cứu, xét lại Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản để phù hợp với những thay đổi của thời đại.

Cương lĩnh chính trị năm 1985 còn cụ thể hóa các phương hướng hoạt động của Đảng, đề ra hẳn một mục với tên gọi "Sứ mệnh cao cả của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế”. Như vậy, mục tiêu toàn cầu của Nhật Bản đã được đưa vào Cương lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền. Điều này lý giải vì sao Nhật Bản đã tiến hành những bước đi cụ thể theo hướng này khi tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời thông qua một số đạo luật tăng cường chức năng, sứ mệnh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sau “sự kiện ngày 11-9-2001” xảy ra ở Mỹ./.
 

* ThS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh