TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong hợp tác với Nhật Bản… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật trong ngày.

Lập Hội đồng thẩm định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Phó Chủ tịch Hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên của Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên của Hội đồng, cơ quan thường trực của Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Hội đồng được thuê liên danh tư vấn nước ngoài và tư vấn nước ngoài bảo đảm tính độc lập, khách quan với tư vấn lập Dự án để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Việc thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra Dự án được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn Chủ đầu tư Dự án sớm hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc lập, thẩm định, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong hợp tác với Nhật Bản


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa (CNH) của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Chiến lược CNH.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, giải pháp lớn để thực hiện Chiến lược CNH, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề quan trọng, liên ngành cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược CNH và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược này.

Ban Chỉ đạo cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược CNH; tháo gỡ các vấn đề quan trọng, liên ngành để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chiến lược CNH...

Trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; tổ chức, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo; phê duyệt chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo và quyết định họp đột xuất khi cần thiết.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành một số hoạt động của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình và đánh giá kết quả theo định kỳ việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược CNH, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo đôn đốc, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động phát triển các ngành ưu tiên trong Chiến lược CNH thuộc lĩnh vực phụ trách của bộ, ngành mình; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược CNH thuộc lĩnh vực phụ trách của mình theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, theo cơ chế phối hợp thông qua các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và trách nhiệm được giao của mỗi Ủy viên.

Sửa đổi quy định về an toàn công trình dầu khí trên đất liền


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11-02-2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.

Cụ thể, Nghị định 25/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định bảo đảm an toàn công trình khí; đảm bảo an toàn các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; biện pháp bảo vệ các công trình dầu khí.

Trong đó, về đảm bảo an toàn các công trình khí, Nghị định sửa đổi quy định về khoảng cách an toàn đối với nhà máy xử lý, chế biến; kho chứa khí hóa lỏng và các sản phẩm khí hóa lỏng; cảng xuất nhập khí và các sản phẩm khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng, nhận thoi. Theo đó, tổ chức, cá nhân xác định khoảng cách an toàn đối với nhà máy chế biến, kho tồn chứa dưới áp suất chứa khí, các sản phẩm khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng, nhận thoi, cảng xuất nhập dầu khí và các sản phẩm dầu khí theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân xác định khoảng cách an toàn đối với kho lạnh chứa khí theo kết quả đánh giá định lượng rủi ro.

Đối với phần ống đặt nổi, trường hợp đường ống vận chuyển khí có một phần đặt nổi trên mặt đất thì tổ chức, cá nhân áp dụng khoảng cách an toàn tương ứng với phần ống nổi.

Về bảo đảm an toàn các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, Nghị định quy định khoảng cách an toàn đối với kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Khoảng cách an toàn đối với bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được quy định: Khoảng cách an toàn từ các thiết bị công nghệ có nguy cơ cháy nổ trên bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đến các đối tượng được bảo vệ theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Khoảng cách an toàn từ mép ngoài cùng của bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đến mép ngoài cùng của các bến cảng, cầu cảng khác theo các quy định pháp luật chuyên ngành hàng hải.

Nghị định 25/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi biện pháp bảo vệ các công trình dầu khí, các hoạt động không được thực hiện trong khoảng cách an toàn các công trình dầu khí.

Trong phạm vi khoảng cách an toàn của các công trình dầu khí, không được thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động và sự an toàn của các công trình dầu khí bao gồm: 1- Các hoạt động có khả năng gây cháy nổ, sụt lún, chuyển vị, các hoạt động đào bới, gây ảnh hưởng tới đường ống; 2- Trồng cây; 3- Thải các chất ăn mòn; 4- Tổ chức hội họp đông người, các hoạt động tham quan, du lịch khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; 5-Neo đỗ phương tiện vận tải đường thủy, hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, khai thác cát, nạo vét hoặc các hoạt động khác dưới nước có thể gây cản trở đến hoạt động, sự an toàn của công trình dầu khí và các phương tiện ra, vào công trình dầu khí, trừ trường hợp các hoạt động kiểm soát dòng thủy lưu và hoạt động giao thông, vận chuyển trên sông; 6 - Trường hợp đường ống hoặc tuyến ống lắp đặt đi qua sông, vào bất kỳ thời điểm nào, điểm gần nhất của hệ thống neo buộc của phương tiện phải cách tối thiểu 40 m về hai phía thượng lưu và hạ lưu đối với đường ống, không cho phép các hoạt động neo đỗ phương tiện vận tải đường thủy, hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, khai thác cát, nạo vét hoặc các hoạt động khác dưới nước có thể gây nguy hại đến đường ống; trừ trường hợp các hoạt động kiểm soát dòng thủy lưu và hoạt động, vận chuyển trên sông.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22-4-2019./.