Tiềm năng và một số giải pháp để du lịch Đắk Nông phát triển
Tiềm năng phát triển du lịch của Đắk Nông
Đắk Nông là tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực Tây Nguyên và miền Nam Trung Bộ. Là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới dài 130km với Campuchia, đồng thời là vùng kinh tế mới. Đây là nơi cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên, xen kẽ với người kinh và các dân tộc phía Bắc mới di cư vào. Đến nay, Đắk Nông có trên 40 dân tộc anh em cùng cư trú, sinh sống. Vị trí địa lý và thiên nhiên ban tặng cho Đắk Nông một kho tàng danh thắng thiên nhiên và di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú. Đắk Nông có Công viên địa chất Krông Nô với diện tích trên 2.000 km2 có giá trị về địa chất, địa mạo, là điểm đến kích cầu du lịch; là nơi hội tụ nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với nhiều hồ nước tuyệt đẹp như: hồ EaSnô, hồ Tây, hồ Tà Đùng cùng với hệ thống thác nước nổi tiếng như thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, thác Đắk G’lun, thác Liêng Nung, thác Đắk Buk So, thác Lưu Ly,… Hệ thống sông suối của Đắk Nông đã tạo nên tiềm năng để khai thác phát triển các công trình thủy điện có giá trị như: Thủy điện Đồng Nai 3, Thủy điện Đồng Nai 4, Thủy điện Đắk R’Tin. Tỉnh hiện có 2 khu bảo tồn thiên nhiên lớn là Nâm Nung và Tà Đùng có khả năng phát triển loại hình du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên kết hợp nghỉ dưỡng.
Về đặc điểm dân cư, Đắk Nông là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào gắn liền với núi rừng, nương rẫy, mang nếp sống, lối sống văn hóa, văn minh nương rẫy, văn minh núi rừng. Đắk Nông hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu là di sản cồng chiêng và diễn tấu văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống, sử thi huyền thoại, kể khan, các loại hình lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ và các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc và nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: thi cây nêu truyền thống, đi cà kheo, nhảy bao bố, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, đánh chiêng, ngậm nước phun chai, thi bắt lươn trong chum, kéo co, bắn nỏ, phân loại đậu, thi gĩa gạo, nấu cơm nhanh, nấu canh thụt, canh bồi… những hoạt động văn hóa phản ánh nếp sống, phương thức sinh hoạt mang bản sắc riêng của các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời thể hiện vẻ đẹp mang bản sắc riêng của Đắk Nông. Đặc biệt, bộ sử thi Ot N’Drông của đồng bào M’nông được sưu tầm và phục hồi đã thu hút được sự quan tâm chú ý của khách du lịch.
Đắk Nông hiện đã khôi phục được 50 lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó, nhiều lễ hội thường xuyên được tổ chức như: lễ hội mừng được mùa, lễ mừng lúa mới, lễ tắm lúa, lễ ăn cơm mới, lễ cúng mưa đầu mùa, lễ kết nghĩa, lễ cưới của người M’nông, lễ hội cúng mừng sức khỏe già làng, lễ thượng thọ, lễ đền ơn đáp nghĩa của mẹ, lễ phát rẫy (Wer mprang Bri), lễ sum họp cộng đồng (Rnglăpbon), lễ hội sum họp, lễ mừng công, lễ tạ ơn (lễ Tách Năng Yoh), lễ phát rẫy, dọn rẫy (Gio Mur), lễ rước ghế (rước Kơ pan), lễ vào nhà mới, lễ bỏ mả… Tổ chức lễ hội trong cộng đồng thể hiện những khát vọng cầu mong cuộc sống an vui, hạnh phúc, mùa màng bội thu và có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ chăm chỉ, siêng năng lo việc nương rẫy… Lễ hội cũng là sự kết nối, thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc, các buôn bon với nhau, đồng thời thông qua lễ hội nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý báu trong cộng đồng các dân tộc anh em. Đây là những tiềm năng du lịch văn hóa rất lớn cần được khai thác để phát triển du lịch, góp phần tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn tỉnh.
Đắk Nông có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: di tích lịch sử Bon Ba No, Ngục Đắk Mil, Bon cổ Buôn Buôr, Khu căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh 4, Di tích Đồi 722 nằm trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Văn hóa ẩm thực Đắk Nông với nhiều loại thực phẩm, món ăn ngon độc đáo giàu hương vị núi rừng Tây Nguyên như các món thịt nướng, cơm lam, heo quay, cà đắng, canh thụt, rau rừng, măng le và thú uống rượu cần… rất hấp dẫn du khách.
Bên cạnh những nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa có giá trị phát triển du lịch, Đắk Nông còn nằm ở vị trí quan trọng, nơi có cửa khẩu quốc gia Bu Prăng và cửa khẩu Đắk Pơ nối liền với nước bạn Campuchia, là cửa ngõ quan trọng để đón khách quốc tế vào du lịch Việt Nam và du lịch khám phá Đắk Nông và cả vùng Tây Nguyên. Đắk Nông nằm ở chặng cuối cùng trong tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, có điều kiện rất thuận lợi để hình thành các tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Nam Bộ, khu vực miền Trung Tây Nguyên và nước bạn Campuchia… Với vị trí địa lý lợi thế, có nhiều di sản văn hóa có giá trị lại giàu tiềm năng du lịch thiên nhiên, Đắk Nông có rất nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa để phát triển du lịch
Với lợi thế vốn có về tiềm năng danh thắng thiên nhiên và nguồn di sản văn hóa, Đắk Nông đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn cần được đầu tư, khai thác và phát triển. Trong hoạt động du lịch, tỉnh xác định rõ nguồn tài nguyên chủ yếu để khai thác phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông là danh thắng, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, sự đa dạng, độc đáo của văn hóa các tộc người dân tộc thiểu số Đắk Nông… Trên cơ sở đó, ngành du lịch toàn tỉnh đã tổ chức các loại hình du lịch, các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, độc đáo, mang nét đặc trưng văn hóa Đắk Nông, có đặc điểm độc đáo đa dạng của từng tộc người, từng địa phương và khu vực để phát triển du lịch. Trong đó, chủ yếu dựa vào lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và hệ thống di sản văn hóa giàu bản sắc của các tộc người, thể hiện những sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của vùng Tây Nguyên; chú trọng phát triển các chương trình du lịch sinh thái gắn với bản, làng của đồng bào các dân tộc…. Đây cũng là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn, khác biệt của hoạt động du lịch Đắk Nông.
Với phương thức chú trọng đầu tư để phát triển du lịch, tỉnh Đắk Nông đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng khu vực Công viên địa chất núi lửa Krông Nô đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa và phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch; đồng thời hướng đến đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu, làm điểm nhấn thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh Đắk Nông. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung rà soát lại các di sản văn hóa có giá trị, có sự hấp dẫn, độc đáo riêng của từng địa phương, của từng tộc người để gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch, thu hút khách đến khám phá, trải nghiệm. Tỉnh có kế hoạch thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại các khu, điểm du lịch nhằm quảng bá hình ảnh con người và quê hương Đắk Nông đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Vào những dịp Tết, chương trình Hội Xuân Đắk Nông được tổ chức định kỳ và trong các sự kiện văn hóa thể thao đã kết hợp vừa quảng bá các điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh, vừa trưng bày các sản phẩm, dụng cụ gắn liền với cuộc sống lao động hàng ngày và đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ; đồng thời tổ chức một số lễ hội truyền thống độc đáo như lễ cưới của người M’nông, lễ hội cúng mừng sức khỏe già làng, lễ sum họp cộng đồng... để thu hút khách du lịch.
Song song với việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, ngành du lịch Đăk Nông đã hình thành các tour du lịch đi và đến các các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá thiên nhiên để du khách trải nghiệm, khám phá vùng đất và con người Đắk Nông, khám phá di sản thiên nhiên và di sản văn hóa có giá trị.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch Đắk Nông phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực, là điểm tựa để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế của địa phương, nhưng trên thực tế du lịch Đắk Nông phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng; tài nguyên du lịch chưa được khai thác hợp lý để phát triển du lịch; hoạt động du lịch chưa thực sự gắn kết với công tác bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa một cách hiệu quả, công tác bảo tồn, tôn tạo gắn với sử dụng và phát huy tài nguyên du lịch, các yếu tố văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh còn thiếu sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ để cùng phát triển bền vững, do vậy du lịch Đắk Nông chưa phát triển mạnh mẽ, vần tồn tại còn một số hạn chế. Hiệu quả nguồn lợi kinh tế từ du lịch mang lại chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của toàn tỉnh: Giai đoạn 2010-2017, tổng thu từ du lịch của tỉnh Đắk Nông còn thấp (năm 2010 thu 12,7 tỷ đồng, năm 2015 thu 23,29 tỷ đồng, năm 2017, thu 30 tỷ đồng). Sự liên kết giữa Đắk Nông với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và khu vực Nam Trung bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch đặc thù, hấp dẫn còn yếu nên lượng du khách trong nước và quốc tế đến Đắk Nông còn hạn chế, lượng khách du lịch đến Đắk Nông còn thấp (năm 2010, Đắk Nông đón được 5.100 lượt lượt khách quốc tế, đến năm 2017 đón được 7.500 lượt khách, mức tăng trưởng lượng khách quốc tế giai đoạn 2010-2017 ước đạt 5,7%/năm). Lượng khách nội địa cũng ở mức độ còn khiêm tốn (năm 2010, Đắk Nông đón được 132.900 lượt lượt khách nội địa, năm 2017, Đắk Nông đón được 246.600 lượt khách, mức tăng trưởng lượng khách nội địa giai đoạn 2010-2017 ước đạt 8%/năm).
Các sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng và tạo được nét khác biệt để hấp dẫn khách du lịch; sự liên kết để phát triển du lịch chưa được triển khai mạnh mẽ; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và chất lượng phục vụ chưa cao; các yếu tố trong phát triển du lịch bền vững chưa được quan tâm hoặc đã quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn; công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch cũng cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa…
Một số giải pháp để du lịch Đắk Nông bứt phá, phát triển
Nhìn trên tổng thể, tiềm năng du lịch của Đắk Nông vẫn còn nhiều lợi thế cần được khai thác để phát triển du lịch, song để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là ngành kinh tế đem lại hiệu quả cho toàn tỉnh, cần thực hiện một số nội dung:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân thấy được lợi thế tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng di sản văn hóa có điều kiện để phát triển du lịch. Tăng cường các hoạt động quảng bá về tài nguyên thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.
Hai là, xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu số, chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân trong hoạt động du lịch.
Ba là, hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, triển khai xây dựng các mô hình du lịch ở các địa phương trong tỉnh phù hợp với đặc điểm của từng tộc người, từng địa phương như mô hình du lịch trang trại/nông trại; du lịch làng, bản, buôn, du lịch làng nghề; du lịch sinh thái nhân văn, du lịch mạo hiểm với những nét khác biệt để thu hút khách. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Bốn là, đầu tư, nâng cấp phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông vùng, liên vùng để tăng khả năng tiếp cận của du khách với các điểm đến du lịch của Đắk Nông, đặc biệt là đường đi, đến các khu bảo tồn, bản làng, thôn xã vùng sâu, vùng xa; chú ý đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ du lịch, sao cho vừa đáp ứng được các nhu cầu của du khách, vừa đảm bảo sự tiện ích, an toàn trong du lịch và hỗ trợ đời sống của nhân dân trong cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm là, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển du lịch, đầu tư phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương; đặc biệt chú trọng công tác quản lý để bảo tồn và phát triển nét văn hóa độc đáo riêng biệt vốn có của từng buôn, làng; khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật là cần thiết để tạo điều kiện đón khách, nhưng song song với đó phải giữ gìn được các di sản kiến trúc, di tích, danh thắng, phong cảnh thanh bình của các buôn, bon, làng bản truyền thống và nét đẹp văn hóa, bảo tồn các ngành nghề thủ công truyền thống, thuần phong mỹ tục về nếp sống văn hóa truyền thống của các tộc người. Có như vậy, mới đảm bảo tạo sức hấp dẫn du lịch, cuốn hút du khách và mang tính bền vững.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo các kỹ năng mềm cơ bản cho cư dân địa phương, cho đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia thị trường lao động du lịch.. Có cơ chế và khuyến khích người dân địa phương tham gia phát triển du lịch, tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch trong đó sử dụng những lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch. Đảm bảo sinh kế lâu dài cho họ và giúp họ phát triển trở thành những người làm chủ trong hoạt động du lịch tại cộng đồng.
Bảy là, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa hoạt động du lịch để đầu tư khai thác từ các tiềm năng lợi thế từ các di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để phát triển các dịch vụ du lịch. Tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng các dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời thỏa mãn nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và cộng đồng.
Tám là, tăng cường, mở rộng liên kết để phát triển du lịch, Đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở quy mô cấp vùng. Kết nối với các địa phương trong vùng Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ để thu hút các nguồn khách về Đắk Nông, tạo hệ thống sản phẩm hỗ trợ và giảm chi phí cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Song song với các giải pháp này, cần nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh trên cơ sở khai thác các giá trị di sản thiên nhiên và tài nguyên văn hóa hiện có để kích cầu, thu hút du khách như tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giới thiệu văn hóa truyền thống độc đáo đặc sắc, tạo không gian du lịch mới lạ cho du khách. Tập trung vào tính đa dạng văn hóa và tinh thần chinh phục - khai phá thiên nhiên của các dân tộc tại chỗ, nhằm mục đích quảng bá du lịch và văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Đắk Nông ngày càng nhiều hơn../.
--------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015), Kỷ yếu Hội thảo phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc Đào tạo Du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị, Hà Nội, Tháng 12-2017.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (2018), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên, Kon Tum, Tháng 4-2018.
4. Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (2018), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học toàn quốc năm 2018: Giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường Du lịch, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, H, Tháng 7-2018.
5. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (2018), Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học: Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch, Hà Nội, Tháng 6-2018.
Đắk Lắk phải làm gì để trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu?  (10/03/2019)
Quảng bá về Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế uy tín thế giới  (10/03/2019)
Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch hành động xúc tiến thương mại khu vực Tam giác Phát triển CLV  (10/03/2019)
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử  (10/03/2019)
Việt-Lào-Campuchia tháo gỡ rào cản thúc đẩy giao thương mậu biên  (10/03/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay