Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
TCCS - Cuộc tổng tuyển cử năm 2024 tại Ấn Độ đã đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi. Theo đó, giới phân tích quốc tế nhận định, cục diện chính trị mới này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của Ấn Độ trong năm năm tới - giai đoạn bản lề để quyết định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Không chỉ vậy, việc Thủ tướng N. Mô-đi tiếp tục là người đứng đầu chính quyền liên bang tại Ấn Độ, có thể tác động đến sự phát triển của Ấn Độ và dòng chảy chính trị và kinh tế quốc tế.
Khát vọng hùng cường
Là quốc gia có nền văn minh vĩ đại, có dân số đứng đầu thế giới và nằm ở vị trí địa lý thuận lợi ở giao lộ Nam Á, Trung Á và Ấn Độ Dương, nhưng vị thế là quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng không đến với Ấn Độ một cách tự nhiên. Theo Ross Munro, trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, dù là quốc gia đi đầu cho phong trào phi thực dân hóa, ảnh hưởng của Ấn Độ với chính trị quốc tế tương đối hạn chế do thực lực kinh tế và quân sự yếu, quan hệ quốc tế bó hẹp bởi chính sách không liên kết(1).
Sau Chiến tranh lạnh, Ấn Độ thể hiện một vai trò tích cực, chủ động hơn. Tuy nhiên, đến thời kỳ chính quyền của Thủ tướng N. Mô-đi, khát vọng về việc nâng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ được thể hiện rõ nét. Sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tuyên bố với cử tri: “Tôi cam đoan với các bạn, đất nước này [Ấn Độ] có vận mệnh”, đó là đóng vai trò lớn lao trong chính trị quốc tế(2).
Ấn Độ đã khẳng định vai trò “người đại diện tiếng nói” cho các nước phương Nam (các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Á, châu Đại Dương). Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20(3) năm 2023, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi nhấn mạnh mục tiêu “nâng cao tiếng nói của các quốc gia ở Nam Bán cầu” và ưu tiên làm cho G20 “trở nên toàn diện và lấy con người làm trung tâm”(4). Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở I-ta-li-a (tháng 6-2024), Thủ tướng N. Mô-đi tiếp tục nhấn mạnh “Ấn Độ coi trách nhiệm của mình là đưa các ưu tiên và mối quan tâm của các nước Nam Bán cầu lên trường quốc tế”(5). Bằng cách đề cập và ủng hộ các nước phương Nam tại diễn đàn này, Ấn Độ khẳng định vị thế một quốc gia có ảnh hưởng và đang nỗ lực đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng hơn.
Với tầm nhìn Viksit Bharat 2047, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi khẳng định sẽ đưa Ấn Độ hướng tới một nền kinh tế phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập. Trong ngắn hạn, Ấn Độ nỗ lực đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa lên tới 6,69 nghìn tỷ USD vào năm 2030 (từ mức 3,51 nghìn tỷ USD năm 2024)(6). Với xuất phát điểm hiện tại, để trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, ước tính Ấn Độ cần tăng trưởng ít nhất 7,6%/năm liên tục trong hơn hai thập
niên tới.
Kể từ thời điểm lên nắm quyền từ năm 2014, với tầm nhìn dài hạn, khát vọng mạnh mẽ và hành động quyết liệt, cùng với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tạo ra những thay đổi sâu sắc cho Ấn Độ. Khác với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi thể hiện rõ mong muốn khẳng định vị thế của Ấn Độ thông qua xây dựng một nền kinh tế mạnh, cải thiện căn bản đời sống nhân dân, nâng cấp sức mạnh quốc phòng và phát huy ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ.
Một thập niên chuyển mình
Sau 10 năm (2014 - 2024) dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng N. Mô-đi, Ấn Độ chứng kiến nhiều thay đổi to lớn. Về kinh tế, Ấn Độ tạo dựng được nền tảng và bước chạy đà quan trọng. Trong giai đoạn này, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức cao, khoảng 5,6%/năm, nền kinh tế Ấn Độ vượt qua các nền kinh tế chủ chốt khác, như Anh, Pháp, I-ta-li-a và Nga, vươn lên vị trí thứ 5 toàn cầu. Từ năm 2014 đến năm 2022, GDP đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) tại Ấn Độ tăng từ 5.000 USD lên hơn 7.000 USD, mức tăng khoảng 40%(7). Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo đói cùng cực giảm từ 18,7% năm 2015 xuống còn 12% trong năm 2021(8). Kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội tại Ấn Độ cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong vòng 9 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), khoảng 50.000 km đường cao tốc đã được xây dựng; tỷ lệ dân số nông thôn kết nối với mạng lưới điện tăng từ 88% năm 2014 lên 99,6% năm 2020. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tăng từ 48,3% lên 71,1% trong cùng thời gian này(9). Nền kinh tế Ấn Độ được cơ cấu lại và thúc đẩy bằng một loạt sáng kiến cải cách kinh tế quan trọng, như thiết lập hệ thống thuế hàng hóa, dịch vụ thống nhất (GST), phi tiền tệ hóa nhằm chống tham nhũng, Sản xuất ở Ấn Độ (Make in India), Ấn Độ tự chủ, kết nối sản xuất (PLI), Số hóa Ấn Độ (Digital India)... Về khoa học - công nghệ, Ấn Độ ghi nhận nhiều tiến bộ, đặc biệt là việc phóng thành công tàu Chandrayaan-3 trong sứ mệnh khám phá Mặt Trăng và tàu Aditya-L1 trong sứ mệnh quan sát Mặt Trời(10).
Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi triển khai nhiều biện pháp để tăng cường nội trị, quốc phòng - an ninh. Về nội trị, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi theo đuổi chính sách cải cách nhằm chống tham nhũng, tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương, bảo đảm an ninh nội địa và chống khủng bố, phát huy các giá trị dân tộc truyền thống. Về quốc phòng, Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa quân đội thông qua triển khai 93 dự án hiện đại hóa với tổng trị giá khoảng 18,4 tỷ USD(11). Chính phủ Ấn Độ ưu tiên sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước trên cơ sở sáng kiến “Make in India” với thành tựu lớn nhất là tự đóng thành công tàu sân bay INS Vikrant(12).
Vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế cũng được nâng cao đáng kể. Năm 2023, Ấn Độ đồng thời giữ vai trò chủ tịch của hai tổ chức lớn là G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), qua đó thể hiện vị thế kinh tế và năng lực ngoại giao quốc gia. Hội nghị G20 thành công với sự đồng thuận về Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ trong quản trị toàn cầu trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ nghiêm trọng. Cũng trong năm 2023, Ấn Độ hai lần tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam, tập hợp hơn 120 quốc gia để thảo luận về những thách thức chung, thúc đẩy tiếng nói của các nước đang phát triển và nhấn mạnh nhu cầu cải cách quản trị toàn cầu(13). Việc Liên minh châu Phi (AU) gia nhập nhóm G20 là một thành tựu đáng kể, nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ trong việc đại diện và bảo vệ lợi ích của các quốc gia đang phát triển.
Trên cơ sở chính sách “không chọn bên”, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tập trung vào việc phát triển, củng cố các quan hệ đối tác, thúc đẩy “đa liên kết”, can dự cân bằng với các nước lớn. Chỉ hai năm sau khi Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi lên nắm quyền, Mỹ công nhận Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chủ chốt”. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi cũng ký kết nhiều thỏa thuận thương mại và quốc phòng quan trọng với Mỹ và Pháp, chẳng hạn như công nghệ quân sự tiên tiến và máy bay chiến đấu, qua đó tăng cường năng lực quân sự và quan hệ kinh tế của Ấn Độ. Nhập khẩu quốc phòng của Ấn Độ từ Mỹ, Pháp tăng đáng kể, phản ánh tầm quan trọng chiến lược của các đối tác này. Khi cuộc xung đột Nga - U-crai-na diễn ra vào tháng 2-2022, Ấn Độ kiên định lập trường trung lập, kêu gọi đối thoại hòa bình, tiếp tục cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây. Bất chấp sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây, Ấn Độ vẫn nhập khẩu dầu và duy trì quan hệ chiến lược với Nga.
Trong cuốn sách “Phương cách Ấn Độ” (India Way) năm 2020, chuyên gia Giai-xhan-các đúc kết phương thức đối ngoại của Ấn Độ, đó là “trong một thế giới cạnh tranh, Ấn Độ sẽ khai thác cạnh tranh giữa các nước lớn để tối đa hóa lợi ích của mình, tránh bị ràng buộc vào bất kỳ bên nào. Đây là thời điểm Ấn Độ định hình lại quan hệ với Mỹ, quản lý quan hệ với Trung Quốc, vun đắp với Liên minh châu Âu, trấn an Nga, khuyến khích Nhật Bản tăng cường vai trò, củng cố quan hệ với các nước láng giềng...”(14). Chủ trương chính sách “không chọn bên” đã được Ấn Độ phát triển từ thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ G. Nê-ru. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng N. Mô-đi, Ấn Độ ngày càng trở nên chủ động hơn trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi, tìm cách thích ứng một cách tích cực với biến chuyển diễn biến, cục diện quốc tế. Thay vì đặt quốc gia ở thế bị động, Ấn Độ tranh thủ môi trường cạnh tranh quốc tế để cùng lúc trở thành thành viên quan trọng của nhóm “Bộ tứ” (QUAD) do Mỹ dẫn dắt và SCO do Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Ấn Độ tham gia các cơ chế ba bên với Trung Quốc và Nga và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Trong bối cảnh an ninh thế giới bất ổn, việc gìn giữ quan hệ hài hòa với nhiều nước còn giúp Ấn Độ nâng cao vị thế trong vai trò trung gian hòa giải. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - U-crai-na, Ấn Độ duy trì quan điểm trung lập, với ưu tiên hàng đầu là sơ tán an toàn công dân nước này từ các điểm xung đột, đồng thời kêu gọi Nga và U-crai-na tìm kiếm giải pháp hòa bình. Trong cuộc điện đàm ngày 7-3-2022 với Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi mong muốn Nga đàm phán trực tiếp với U-crai-na nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng. Việc tham gia với tư cách là trung gian hòa giải vào cuộc khủng hoảng ở U-crai-na cho thấy khả năng của Ấn Độ trong việc góp phần duy trì trật tự toàn cầu và nâng tầm vóc của Ấn Độ như là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong hệ thống quốc tế.
Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi củng cố ảnh hưởng ở khu vực thông qua chính sách “Láng giềng trên hết” và “Hành động Hướng Đông”. Trong giai đoạn 2014 - 2023, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã có hơn 50 chuyến thăm cấp cao và ký kết hơn 100 biên bản ghi nhớ (MOU) với các nước láng giềng Nam Á. Trong giai đoạn 2014 - 2022, kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Băng-la-đét tăng 2,6 lần, với Nê-pan tăng gần 2 lần, với Bu-tan là gần 3 lần(15). Chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ được tăng cường, tập trung vào việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế, chiến lược và văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng lên 110 tỷ USD trong các năm 2020 - 2021 từ mức 80 tỷ USD trong năm 2014; ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, chiếm khoảng 10,6% tổng thương mại của Ấn Độ(16). Các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng được đẩy mạnh dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi, đặc biệt là tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Mi-an-ma - Thái Lan, dài 1.360 km và dự án vận tải đa phương thức Ka-la-dan, kết nối Côn-ca-ta với cảng Sít-uy ở Mi-an-ma.
Ấn Độ tham gia tích cực các thể chế đa phương quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc và các cơ chế cho ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Thông qua các cơ chế này, Ấn Độ thể hiện sự tích cực, chủ động đóng góp định hình luật chơi chung, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, đồng thời vận động để cải cách theo hướng mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ tích cực tham gia các hợp tác tiểu đa phương và hợp tác nhóm trên các lĩnh vực cụ thể. Ấn Độ là thành viên của cả SCO, BRICS và QUAD. Trong khuôn khổ của QUAD, Ấn Độ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a hướng đến bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, trong đó có an ninh mạng, an ninh hàng hải và phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ mới nổi(17). Trong khuôn khổ của SCO, BRICS, thông qua cân bằng và đối trọng, Ấn Độ chủ động sử dụng mối quan hệ để làm đòn bẩy lẫn nhau, qua đó tối đa hóa lợi ích quốc gia. Để phát huy vai trò dẫn dắt và tập hợp lực lượng, Ấn Độ thúc đẩy nhiều sáng kiến mới, như Liên minh Năng lượng mặt trời (ISA), Liên minh hạ tầng bền vững chống thiên tai (CDRI), Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) hay Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBA)...
Chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tập trung mạnh mẽ vào ngoại giao kinh tế, nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng cường quan hệ thương mại. Các sáng kiến, như “Make in India”, “Digital India”, “Production Link Initiative” đã được quảng bá trên toàn cầu để khuyến khích đầu tư. Dưới thời kỳ của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi, dòng vốn FDI của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục 81,72 tỷ USD trong năm tài chính 2020 - 2021, phản ánh niềm tin toàn cầu vào tiềm năng kinh tế của Ấn Độ và thành công của các cải cách kinh tế dưới thời kỳ của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi(18). Về kinh tế, sự lãnh đạo của Thủ tướng N. Mô-đi đã đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2022. Cột mốc nhấn mạnh sự tăng trưởng kinh tế và tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã sử dụng quan hệ đối ngoại để quảng bá văn hóa và bản sắc Hin-đu trên toàn cầu, tăng cường sử dụng “sức mạnh mềm” của Ấn Độ thông qua ngoại giao văn hóa, tập trung vào di sản văn hóa cổ xưa và những thành tựu văn hóa hiện đại. Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Thủ tướng N. Mô-đi đã xác định Sanskriti evam Sabhayata (liên kết văn hóa và văn minh) là một trong năm trụ cột quan trọng hàng đầu của ngoại giao Ấn Độ(19). Trụ cột này được liên kết với các mục tiêu chính trị và kinh tế rộng lớn hơn của Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh mối liên hệ văn hóa của Ấn Độ với các quốc gia khác để củng cố chiến lược quyền lực mềm của quốc gia này. Ngày Quốc tế Yoga do Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi khởi xướng, đã trở thành một sự kiện toàn cầu, nâng cao ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ(20). Là nơi khởi nguồn của Phật giáo, Ấn Độ cũng tích cực triển khai quảng bá lịch sử và triết lý của Phật giáo, giúp xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ nhân dân với các nước Đông Á.
Cơ hội và thách thức
Trên thực tế, sự phát triển của khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” hơn một thập niên qua phản ánh tầm quan trọng của Ấn Độ và Ấn Độ Dương trên bàn cờ địa - chính trị thế giới. Là một cường quốc quân sự, được xếp hạng thứ tư toàn cầu theo bảng xếp hạng của GFP, Ấn Độ có đủ sức mạnh răn đe để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của mình. Về vị trí địa chiến lược, Ấn Độ nằm ở trung tâm Nam Á, nhìn ra Ấn Độ Dương và ở giao lộ kết nối châu Âu, Trung Đông với Đông Á. Nói cách khác, Ấn Độ có khả năng phát triển thành các trung tâm hàng không và hàng hải kết nối hai lục địa Á - Âu, án ngữ các tuyến vận tải biển quan trọng kết nối châu Âu, Trung Đông và Đông Á. Vị trí địa lý này cho phép Ấn Độ phát huy ảnh hưởng ở Trung Á, Trung Đông, Đông Nam Á và có khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương.
Không chỉ vậy, dư địa tăng trưởng và phát triển kinh tế của Ấn Độ là rất lớn. Là quốc gia đông dân nhất trên thế giới với 1,4 tỷ người, Ấn Độ có cơ cấu dân số trẻ (65% dân số ở độ tuổi dưới 35) và lực lượng lao động tiếp tục mở rộng. Ấn Độ là nước có lực lượng lao động trong các ngành, nghề chuyên môn có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh lớn nhất thế giới. Cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài có hơn 30 triệu người trên khắp thế giới và tương đối thành đạt, giữ nhiều trọng trách lớn ở các chính phủ và các tập đoàn lớn(21).
Đáng chú ý, Ấn Độ đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển và mở rộng từ góc độ quốc tế và khu vực. Cạnh tranh địa - chính trị gay gắt giữa Mỹ, phương Tây với Trung Quốc, Nga làm gia tăng “vị thế chiến lược” của Ấn Độ. Mỹ và phương Tây mong muốn một Ấn Độ thịnh vượng, mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn hơn ở châu Á. Ngược lại, Nga và Trung Quốc đều không muốn Ấn Độ ngả về phía Mỹ và phương Tây. Chiến tranh thương mại, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và phân tán rủi ro khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nền kinh tế phát triển và các tập đoàn sản xuất lớn. Dự báo FDI và các dòng vốn gián tiếp đến Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, Ấn Độ phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Môi trường an ninh khu vực tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, như tranh chấp biên giới dai dẳng, kéo dài giữa Ấn Độ - Pa-ki-xtan, sự gián đoạn trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh địa - chính trị ở Nam Á. Dân số lớn và trẻ tuổi tạo ra áp lực về việc làm và tăng trưởng bền vững. Mặc dù thị trường nội địa lớn và còn nhiều dư địa mở rộng, Ấn Độ khó có thể phát triển nếu tiếp tục xu thế khép kín, ít liên thông với các thị trường lớn trên thế giới, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay ASEAN. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc phần lớn vào thị trường nội địa (70% GDP đến từ tiêu dùng trong nước)(22). Bên cạnh đó, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Ấn Độ đang ở mức xuất phát điểm khá thấp, GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2023 chỉ khoảng 2.800 USD, chi phí cho lao động vẫn ở mức thấp trên thế giới. Nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông đường bộ, điện, nước, thông tin và các công trình công cộng) là rất lớn do nhiều vùng của Ấn Độ nằm sâu trong nội địa, ít kết nối với các trung tâm kinh tế lớn.
Nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Mô-đi và kỳ vọng bứt phá
Ngày 9-6-2024, Thủ tướng đắc cử N. Mô-đi và nội các mới đã có lễ tuyên thệ nhậm chức trang trọng tại Thủ đô Niu Đê-li. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tham dự Hội nghị Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng tại Thủ đô Rôm (I-ta-li-a, tháng 6-2024), có buổi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mỹ, phương Tây; thực hiện cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Pu-tin tại Thủ đô Mát-xcơ-va nhân chuyến thăm Nga (tháng 7-2027). Trong nội các mới của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi, ông S. Giai-xhan-ca tiếp tục được tín nhiệm ở vị trí Bộ trưởng Ngoại giao. Những tín hiệu này cho thấy chính sách của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi sẽ tiếp tục là kim chỉ nam để Ấn Độ ứng xử với các mối quan hệ quốc tế, đồng thời Ấn Độ sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc gia, hội nhập sâu hơn với thế giới trong khi duy trì tự chủ chiến lược và đóng vai trò chủ động, tích cực trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tiếp tục hướng đến chính sách “tự chủ chiến lược”. Theo nhận định của một số chuyên gia, Ấn Độ triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, năng động, nhấn mạnh lợi ích quốc gia - dân tộc. Cụ thể, Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ưu tiên đẩy mạnh vai trò tích cực của Ấn Độ trong các vấn đề quốc tế, tập trung vào xây dựng các quan hệ đối tác, trong đó tăng cường hợp tác với Mỹ và phương Tây, duy trì quan hệ với Nga, giữ vững lập trường trong quan hệ với Trung Quốc.
Thủ tướng N. Mô-đi sẽ tiếp tục dẫn dắt Ấn Độ thêm một nhiệm kỳ năm năm. Đây là cơ hội để ông hiện thực hóa tầm nhìn đưa Ấn Độ trở thành một nền kinh tế phát triển với GDP kỳ vọng ở mức 30.000 USD vào năm 2047(23). Trong tương lai gần hơn, theo dự báo của nhiều chuyên gia, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027. Do vậy, Ấn Độ cần chuyển đổi từ một nền kinh tế phần lớn dựa vào dịch vụ, nông nghiệp và nông thôn trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, tạo ra đủ công ăn, việc làm cho lực lượng lao động khổng lồ, qua đó gia tăng năng suất lao động tổng hợp. Dân số đông, chi phí lao động thấp là điều kiện cần để Ấn Độ thúc đẩy sản xuất ở quy mô lớn. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ cần triển khai một loạt cải cách để giảm rào cản hành chính, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng xuất khẩu.
Cơ hội rộng mở, nhưng thách thức cũng nặng nề. Thách thức đặt ra cho Đảng BJP và Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi là khai thác được cơ hội, vượt qua thách thức để tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Theo đó, nhiều khả năng chính quyền Thủ tướng N. Mô-đi sẽ giành ưu tiên cao hơn cho mở rộng kinh tế đối ngoại, coi trọng thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, mở rộng quyền tiếp cận cho doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập các thị trường lớn, gia tăng hàm lượng nghiên cứu và phát triển trong các sản phẩm để đạt giá trị cao. Trên nền tảng “tự chủ chiến lược”, chính quyền của Thủ tướng N. Mô-đi sẽ tinh chỉnh theo hướng tập trung hơn vào ngoại giao kinh tế, thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế với các đối tác lớn, như Anh, Ô-xtrây-li-a, Liên minh châu Âu (EU)... Đồng thời, Ấn Độ có thể tiếp cận thương mại quốc tế ở góc độ cởi mở hơn, giảm bớt hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông xuyên biên giới, qua đó kích thích phân công lao động, sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao.
Có thể thấy, sự vươn lên của Ấn Độ là khó có thể đảo ngược và xu thế này có tác động lớn đến môi trường an ninh khu vực và quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Là nước lớn ủng hộ hành xử có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế, Ấn Độ tiếp tục đóng góp tích cực để ngăn chặn xu hướng chính trị cường quyền, thúc đẩy hợp tác đa phương và duy trì thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới. Chia sẻ lợi ích và cách tiếp cận cơ bản đối với an ninh khu vực, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ (từ ngày 30-7 đến 1-8-2024) của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ là thông điệp quan trọng về quan hệ đối tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, sâu sắc hơn với Kế hoạch Hành động thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2024 - 2026. Trên cơ sở phát huy thành tựu sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2024), hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực./.
--------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Cục diện thế giới giai đoạn 2025 - 2045: Dự báo và định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Mã số: KX.04.35/21-25
(1) Ross, H. Munro: “The Loser: India in the Nineties” (Tạm dịch: Người thua cuộc: Ấn Độ trong thập niên 90), National Interest, No. 33, 1993, tr. 62 - 63
(2) Chris Ogden: “Thinking Big, Modi’s Foreign Policy Priorities for India” (Tạm dịch: Ưu tiên chính sách đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi), FPC Briefing, ngày 19-1-2018, https://fpc.org.uk/modi-foreign-policy/.
(3) G20 thường được biết đến với tên gọi: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu. Gần đây, Liên minh châu Phi đã trở thành thành viên mới nhất của G20.
(4) “Dấu ấn của Ấn Độ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 1-12-2023, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dau-an-cua-an-do-trong-nhiem-ky-chu-tich-g20-653919.html
(5) Ajmal Abbas, “Global South suffers most from uncertainties around the world: PM at G7 Summit” (Tạm dịch: Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi tại Hội nghị thượng đỉnh G7: Nam Bán cầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những bất ổn trên toàn thế giới), India Today, ngày 15-6-2024, https://www.indiatoday.in/india/story/pm-modi-speech-at-g7-summit-global-south-suffers-most-from-uncertainties-around-the-world-2553404-2024-06-15
(6) Sarita Chaganti Singh: “Exclusive: Modi sets ambitious India economic goals for probable third term” (Tạm dịch: Độc quyền: Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đặt ra các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng của Ấn Độ cho nhiệm kỳ thứ ba có thể xảy ra), Reuters, ngày 4-4-2024, https://www.reuters.com/world/india/ modi-sets-ambitious-india-economic-goals-probable-third-term-2024-04-04/
(7) Xem: Kunal Sen: “How India’s Economy Has Fared under Ten Years of Narendra Modi” (Tạm dịch: Nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển như thế nào trong 10 năm cầm quyền của Thủ tường Na-ren-đra Mô-đi), United Nations University, ngày 7-5-2024, https://unu.edu/article/how-indias-economy-has-fared-under-ten-years-narendra-modi
(8) Xem: Manoj Kumar: “One-tenth of India’s population escaped poverty in 5 years - government report” (Tạm dịch: Một phần mười dân số Ấn Độ thoát nghèo trong 5 năm - báo cáo của chính phủ), Reuters, ngày 17-7-2023, https://www.reuters.com/world/india/one-tenth-indias-population-escaped-poverty-5-years-government-report-2023-07-17/
(9) Kunal Sen: “How India’s Economy Has Fared under Ten Years of Narendra Modi” (Tạm dịch: Nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển như thế nào trong 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi), Tlđd
(10) Anil Chopra: “Space is the new frontier: Time for India to increase strategic focus” (Tạm dịch: Không gian là biên giới mới: Đã đến lúc Ấn Độ tăng cường tập trung chiến lược), Firstpost, ngày 1-1-2024, https://www.firstpost.com/opinion/space-is-the-new-frontier-time-for-india-to-increase-strategic-focus-13563432.html
(11) Joe Saballa: “Indian Army has 93 modernisation projects in Progress: Report” (Tạm dịch: Quân đội Ấn Độ có 93 dự án hiện đại hóa đang được tiến hành: Báo cáo), The Defense Post, ngày 26-1-2022, https://www.thedefensepost.com/2022/01/26/indian-army-modernization/
(12) Rajat Pandi: “Army cracking up modernisation drive with focus on high-volume firepower, surveillance & night-fighting” (Tạm dịch: Quân đội đang đẩy mạnh chiến dịch hiện đại hóa tập trung vào hỏa lực mạnh, giám sát và chiến đấu ban đêm), The Times of India, ngày 26-1-2022, https://timesofindia.indiatimes.com/ india/army-cranking-up-modernisation-drive/articleshow/89125603.cms
(13) Xem: Derek Grossman: “India Can Bridge the U.S. - Russia Divide over Ukraine” (Tạm dịch: Ấn Độ có thể hàn gắn sự chia rẽ Mỹ - Nga về Ukraine), RAND, ngày 20-3-2023, https://www.rand.org/pubs/ commentary/2023/03/india-can-bridge-the-us-russia-divide-over-ukraine.html
(14) Subrahmanyam Jaishankar, “The India Way: Strategies for an Uncertain World” (Tạm dịch: Phương cách Ấn Độ: Chiến lược cho một thế giới bất định), HarperCollins, 2020
(15) Tổng hợp từ website của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, https://www.mea.gov.in/index.htm
(16) Syed Munir Khasru: “Can Modi’s third term bring India and ASEAN closer together?” (Tạm dịch: Liệu nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi sẽ đưa Ấn Độ và ASEAN xích lại gần nhau), South China Morning Post, ngày 26-6-2024, https://www.scmp.com/opinion/asia-opinion/article/3266045/can-modis-third-term-bring-india-and-asean-closer-together
(17) “Modi at the G7 outreach summit: A shift in India’s foreign policy” (Tạm dịch: Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi tại Hội nghị G7: Chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ), The Diplomat, ngày 18-6-2024, https://thediplomat.com/2024/06/modi-at-the-g7-outreach-summit-a-shift-in-indias-foreign-policy/; “Indian Foreign Policy in an Election Year” (Tạm dịch: Chính sách đối ngoại Ấn Độ trong năm bầu cử), The Diplomat, ngày 18-1-2024, https://thediplomat.com/2024/01/indian-foreign-policy-in-an-election-year/
(18) “India attracted highest ever total FDI inflo of US$ 81.72 billion during 2020-21, 10% more than last financial year” (Tạm dịch: Ấn Độ thu hút dòng vốn FDI kỷ lục, 81,72 tỷ USD niên khóa 2020 - 2021, 10% cao hơn cùng kỳ năm trước), Ministry of Commerce and Industry, ngày 24-5-2021, https://www.pib.gov.in/PressReleasePage.aspx?PRID=1721268#:~:text=India%20attracted%20highest%20ever%20total,than%20the%20last%20financial%20year
(19) Harsh Mahaseth: “Enhancing India’s soft power through the prism of Buddhism” (Tạm dịch: Tăng cường sức mạnh mềm của Ấn Độ thông qua lăng kính Phật giáo), Hindustan Times, ngày 12-5-2024, https://www.hindustantimes.com/ht-insight/international-affairs/enhancing-india-s-soft-power-through-the-prism-of-buddhism-101715428573968.html
(20) How Modi has changed Indian Foreign Policy” (Tạm dịch: Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đã thay đổi chính sách đối ngoại của Ấn Độ như thế nào), The Diplomat, ngày 25-3-2024, https://thediplomat.com/2024/03/how-modi-has-changed-indian-foreign-policy/
(21) Xem: Shreya Challagalla: “The diaspora and India’s growth story” (Tạm dịch: Cộng đồng hải ngoại và câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ), ORF, ngày 20-8-2023, https://www.orfonline.org/research/the-diaspora-and-india-s-growth-story
(22) Xem: Shariq Khan: “India will be a $4 trillion economy in 2024-25” (Tạm dịch: Ấn Độ sẽ là nền kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ USD vào năm 2024 - 2025), The Economic Times, ngày 13-7-2023, https://economictimes.indiatimes.com/small-biz/sme-sector/india-will-be-a-4-trillion-economy-in-2024-25-phd-chamber/articleshow/101724441.cms?from=mdr
(23) Xem: “PM Modi Oath Taking Ceremony Live Updates: Look forward to serving 140 crore Indians, says PM Modi” (Tạm dịch: Lễ tuyên thệ của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi: Mong được phục vụ 1.400 triệu người Ấn Độ), The Times of India, ngày 9-6-2024, https://timesofindia.indiatimes.com/india/india-pm-narendra-modi-swearing-in-oath-taking-ceremony-today-live-updates-date-time-venue-delhi-traffic-advisory-at-rashtrapati-bhavan-on-june-9/liveblog/110835425.cms
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ  (01/08/2024)
Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu: Tiềm năng, thách thức và triển vọng  (11/07/2024)
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist Sitaram Yechury  (10/06/2023)
Ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân kết nối Việt Nam - Ấn Độ  (18/10/2022)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng hội đàm trực tuyến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít  (29/06/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla  (21/04/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm