Ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân kết nối Việt Nam - Ấn Độ
TCCS - Đều là những nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cùng sự giao thoa văn hóa và kết nối nhân dân có bề dày lịch sử sâu sắc, ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua là cầu nối đưa văn hóa lan tỏa đến mỗi người dân và mỗi người dân có vai trò như những “đại sứ văn hóa” kết nối giữa hai dân tộc. Ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân còn góp phần phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại của hai nước trong thế kỷ XXI.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với khái niệm “sức mạnh mềm”, khái niệm “ngoại giao văn hóa” (cultural diplomacy) ngày càng được sử dụng phổ biến rộng rãi trong quan hệ quốc tế. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nội hàm của khái niệm này đều thống nhất ở một điểm, đó là sử dụng văn hóa để phục vụ các mục tiêu quốc gia thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại. Ngoại giao văn hóa được công nhận là một công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại trong việc thúc đẩy liên kết quốc tế giữa các dân tộc và các quốc gia.
Việt Nam và Ấn Độ từ rất sớm đã có mối liên hệ và giao lưu thương mại, văn hóa, tôn giáo và hai nước đã chia sẻ điểm tương đồng về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Lịch sử giao lưu văn hóa - tôn giáo Việt Nam - Ấn Độ được thể hiện sinh động thông qua sự hiện diện của những ngôi chùa Phật giáo và ngôi đền Hindu giáo nằm rải rác trên khắp đất nước Việt Nam. Giao lưu văn hóa - tôn giáo Việt Nam - Ấn Độ cũng được tiếp tục thúc đẩy trong thời cận hiện đại khi hai nước cùng tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Trải qua nhiều thời kỳ, ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ được tiếp nối truyền thống, trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam
Ở Việt Nam, vào những năm 90 của thế kỷ XX, nhận thức về vai trò của văn hóa trong chính sách ngoại giao đã được nhấn mạnh, điều này thể hiện ở Nghị quyết số 04/NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”, khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu”. Chính phủ đã đưa nội dung “ngoại giao văn hóa” là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Ngày 23-12-2008, Bộ Ngoại giao đã ban hành Chỉ thị số 4252/2008/CT-BNG, “Về tăng cường công tác ngoại giao văn hóa tạo động lực mới cho Ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế”. Ngoại giao văn hóa tiếp tục nâng tầm khi được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2011): “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân; đối ngoại, quốc phòng và an ninh; chính trị đối ngoại, kinh tế và văn hóa đối ngoại”(1). Cùng với đó, Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ cũng được ban hành nhằm xác định năm hoạt động chính của ngoại giao văn hóa, bao gồm: 1- Mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực có nhiều quan hệ với ta; 2- Xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; 3- Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; 4- Vận động để Việt Nam có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; 5- Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc(2).
Thuật ngữ “sức mạnh mềm văn hóa” lần đầu tiên được đưa vào trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều này thể hiện bước đột phá trong tư duy nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, phát triển đất nước ở mọi lĩnh vực. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “... xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(3). Nếu như văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia thì ngoại giao văn hóa chính là lực lượng xung kích để hiện thực hóa sức mạnh ấy trên phạm vi thế giới. Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24-11-2021) nhấn mạnh: “Văn hóa là động lực phát triển”, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia(4). Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 (tháng 12-2021) và Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 1-2022) một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của ngoại giao văn hóa.
Tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có ba điểm mới nổi bật, đó là: Làm rõ nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ phục vụ hai mục tiêu là đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa; xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp; cập nhật và cụ thể hóa năm nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu và tiếp thu tinh hoa nhân loại(5). Trên cơ sở đó, mỗi người dân, chủ thể đều là những “đại sứ văn hóa” với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đã quán triệt, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược văn hóa. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chú trọng gắn nội dung ngoại giao văn hóa ở diện rộng về địa bàn, đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung, hình thức, đã góp phần tăng cường hợp tác, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam với các nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; đóng góp vào việc nâng cao “sức mạnh mềm” quốc gia.
Có thể nói, cho đến nay, ngoại giao văn hóa đã và đang là một trong những thành công của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. Thông qua ngoại giao văn hóa, nhân dân nhiều nước đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam... và hơn cả là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.
Ấn Độ với chính sách ngoại giao văn hóa
Sau khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ đã nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa như một công cụ để kết nối các dân tộc. Văn hóa và ngoại giao văn hóa đã nổi lên như một động lực để kết nối, xây dựng quan hệ song phương và hàn gắn những rạn nứt do lịch sử và chính trị để lại. Ấn Độ xem liên kết văn hóa là một trong những phương cách để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới. Việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa ở Ấn Độ được củng cố bởi cấu trúc thể chế mang tính biểu tượng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA), Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) với mục tiêu phục hồi và củng cố các mối quan hệ văn hóa của Ấn Độ với phần còn lại của thế giới. Chủ tịch ICCR Karan Singh khẳng định: “Văn hóa không có ranh giới và sử dụng nó như một cách để tương tác với quần chúng là cách hiệu quả nhất để thu phục lòng người trong thời đại toàn cầu hóa”(6). Do đó, văn hóa gắn liền với con người và ngoại giao văn hóa gắn liền với giao lưu nhân dân. Ngoại giao văn hóa là cầu nối đưa văn hóa lan tỏa và thẩm thấu vào các dân tộc; đồng thời, sự thấu hiểu văn hóa khiến con người xích lại gần nhau hơn. Theo đó, ICCR đã thực hiện các chính sách thông qua các chương trình đưa Ấn Độ ra thế giới và đưa thế giới đến với Ấn Độ, như: Tổ chức các lễ hội văn hóa nước ngoài ở Ấn Độ, lễ hội Ấn Độ ở nước ngoài; giao lưu các đoàn văn hóa; tổ chức các cuộc triển lãm, hội nghị, hội thảo ở Ấn Độ và nước ngoài; tài trợ cho các chuyến thăm của các học giả và các nghệ sĩ Ấn Độ ở nước ngoài, cung cấp nền tảng cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng trên toàn cầu; các chương trình học bổng và nghiên cứu sinh; thành lập Trung tâm Văn hóa và chức danh giáo sư Ấn Độ (Chair)(7).
Bên cạnh ICCR, còn rất nhiều thể chế khác đã được xây dựng ở Ấn Độ để xúc tiến ngoại giao văn hóa, như Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI), Hội đồng các vấn đề thế giới (ICWA) và các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Hòa bình, đoàn kết toàn Ấn (AISPO); Tổ chức Hợp tác văn hóa và hữu nghị Ấn Độ (ISCUF)... Có thể thấy, Chính phủ Ấn Độ đã công nhận tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa như một công cụ để kết nối con người với con người, trung tâm của “ngoại giao văn hóa” là thúc đẩy sự hiểu biết, kết nối các dân tộc có các nguồn gốc và nắm giữ các giá trị khác nhau, thông qua phương tiện văn hóa.
Ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ
Là một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh nhân loại, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ra thế giới cũng rất mạnh mẽ. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, văn hóa Ấn Độ đã hấp thụ những ảnh hưởng bên ngoài và lan tỏa rộng khắp. Sự truyền bá văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam là một phần của ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á. Trên nhiều bình diện, văn hóa Ấn Độ “thẩm thấu” vào Việt Nam một cách liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ở thời kỳ hiện đại, Ấn Độ luôn xem ngoại giao văn hóa là công cụ quan trọng của chính sách “quyền lực mềm” trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các dân tộc và các quốc gia; trong khi đó Việt Nam cũng xem ngoại giao văn hóa là một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại. Đối với Việt Nam, Ấn Độ luôn có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Tăng cường vun đắp mối quan hệ với Ấn Độ được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nan. Những dấu ấn và giá trị văn hóa của Ấn Độ thể hiện qua nhiều lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo… trong văn hóa Việt Nam chính là cầu nối thắt chặt sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Là một bộ phận cấu thành của ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ cũng xuất hiện từ sớm với nhiều hình thức khác nhau. Từ thế kỷ XVIII - XIX, Ấn Độ và Việt Nam đã có sự thông thương, giao lưu nhân dân. Hàng nghìn người dân Ấn Độ đã đến Thành phố Hồ Chí Minh và mang kiến thức, văn hóa đến vùng đất này của Việt Nam. Một số nét văn hóa và tôn giáo của người Ấn Độ đã tích hợp thành công vào nền văn hóa và tín ngưỡng địa phương, được thể hiện qua các ngôi đền Hindu giáo của Việt Nam. Đến thế kỷ XX, Rabindranath Tagore được coi là đại diện văn hóa tiêu biểu nhất của Ấn Độ đến Việt Nam vào năm 1929. Chuyến thăm của R. Tagore và cảm hứng mà ông mang lại cho người dân Việt Nam được xem là một bước ngoặt trong kết nối văn hóa - giao lưu nhân dân Ấn Độ - Việt Nam.
Những năm gần đây, các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo của hai nước giúp tăng cường kết nối văn hóa và nhân dân giữa hai bên. Văn hóa luôn là một khía cạnh thiết yếu trong các chuyến thăm cấp cao. Năm 2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây bồ đề lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Hà Nội như một minh chứng cho mối quan hệ văn hóa sâu sắc giữa hai dân tộc. Năm 2020 chứng kiến bước phát triển đáng kể trong việc thúc đẩy liên kết văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ngày 21-12-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến và đưa ra Tuyên bố chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân (8). Trong đó, trên cơ sở nhận thức về sức mạnh và sự ủng hộ dành cho quan hệ của hai nước xuất phát từ tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, lần đầu tiên, người dân đã chính thức trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương trong các văn bản ký kết.
Ngoại giao văn hóa cũng được biểu hiện trong lĩnh vực giáo dục. Trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, trên cơ sở Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước với Hiệp định hợp tác văn hóa được ký kết năm 1976, hằng năm, ICCR dành 40 suất học bổng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam. Với những suất học bổng này, Ấn Độ đã giúp đào tạo sinh viên Việt Nam bậc đại học, sau đại học trong hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân...; giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, công nghệ thông tin...
Một dấu ấn quan trọng trong quan hệ văn hóa - nhân dân Việt Nam - Ấn Độ là sự ra đời của Trung tâm Văn hóa Ấn Độ (ICC) tại Hà Nội được thành lập vào tháng 9-2017 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam. Năm 2019, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC). SVCC luôn tích cực thúc đẩy tương tác văn hóa Ấn Độ - Việt Nam, tổ chức các sự kiện phổ biến nền văn hóa rộng lớn và đầy màu sắc của Ấn Độ tại Việt Nam. Ngoài các sự kiện thông thường, SVCC Hà Nội còn phối hợp với các cơ quan khác tổ chức các sự kiện quy mô lớn, như Ngày Quốc tế Yoga tại Hà Nội, các chương trình lễ hội Diwali với ánh sáng và biểu diễn đặc sắc... Những hoạt động này đã giúp SVCC Hà Nội tạo dựng được cơ sở và nổi tiếng là một trung tâm chia sẻ văn hóa Ấn Độ đến với người dân Việt Nam. Điều đó cho thấy, ngoại giao văn hóa khi được định hướng có thể tạo ra bước đột phá trong xây dựng “sức mạnh mềm” quốc gia. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, kết nối nhân dân do ICCR - SVCC tích cực thúc đẩy, các tổ chức nhân dân hoạt động trong lĩnh vực đoàn kết hữu nghị cũng là một lực lượng nòng cốt giúp tập hợp và kết nối đông đảo nhân dân giữa hai dân tộc, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa rộng lớn.
Trong thời gian qua, các tổ chức hữu nghị Ấn Độ đã phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa rộng khắp ở cả hai quốc gia. Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ nhất do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và AISPO tổ chức thành công vào năm 2007 đã tạo tiền đề thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân tổ chức luân phiên tại hai nước. Chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc trong các liên hoan hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam ở các bang Ấn Độ và các tỉnh, thành phố Việt Nam đã thu hút được hàng nghìn người từ nhiều tầng lớp nhân dân đến tham dự. Điều này giúp nhân rộng sự hiểu biết về văn hóa của nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 11 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2022 tại Ấn Độ.
Các chi hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ cũng được nhân rộng ở các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, như: Giới thiệu và hướng dẫn múa cổ điển Ấn Độ; xuất bản giáo trình về văn hóa Ấn Độ; duy trì mối quan hệ gắn bó với các trường đại học tại Ấn Độ, như Đại học Jawaharlal Nehru, Học viện Nghệ thuật quốc gia Ấn Độ; tổ chức triển lãm sách về Ấn Độ, duy trì trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác thư viện với các đối tác Ấn Độ…
Năm 2022, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, lãnh đạo hai nước thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ở các cấp để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ. Tháng 12-2021, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nhà lãnh đạo đều khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hai nước xúc tiến phối hợp tổ chức “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ” và “Tuần Văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam” vào năm 2022; tăng cường thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực khảo cổ học, trùng tu, phục chế di sản văn hóa; hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh. Việt Nam sẵn sàng đón các nhà làm phim Bollywood sang quay phim tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam...
Có thể khẳng định, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ được duy trì sâu sắc bởi các mối liên kết văn hóa và giao lưu nhân dân. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là quan hệ văn hóa và kết nối con người. Chính sự gắn kết về văn hóa, văn minh đã khiến mối quan hệ song phương trở nên gắn kết. Trong lĩnh vực hợp tác chính trị và quân sự, Việt Nam và Ấn Độ đã là đối tác chiến lược toàn diện; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cũng được đẩy mạnh; song, hợp tác văn hóa - giao lưu nhân dân trong thời gian qua chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng. Do vậy, hai nước cần tận dụng tối đa nguồn lực để thúc đẩy hơn nữa ngoại giao văn hóa - giao lưu nhân dân, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác thông qua việc xây dựng chiến lược chung, trong đó có việc cụ thể hóa các nội dung, công cụ thực hiện; tăng cường trao đổi thông tin đối ngoại trên cơ sở phối hợp tổ chức các sự kiện, diễn đàn về ngoại giao văn hóa - giao lưu nhân dân; tăng cường sự hiện diện của các cơ quan truyền thông ở hai nước để truyền bá, nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam - Ấn Độ đến với người dân mỗi nước./.
------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 47
(2) Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020”, http://vbpl.vn/bongoaigiao/Pages/vbpq-print.aspx?ItemID=86745
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 115 - 116
(4) “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Trang thông tin điện tử Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, ngày 24-11-2021, http://dukcqtw.dcs.vn/hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-duk15401.aspx
(5) Khánh Linh: “Ngoại giao “chắp cánh” sức mạnh mềm văn hóa”, Báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 23-4-2022, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-chap-canh-suc-manh-mem-van-hoa-180979.html
(6) Paramjit S. Sahai: “India’s Cultural Diplomacy” (Tạm dịch: Ngoại giao văn hóa của Ấn Độ), Diplomat Magazine, ngày 3-11-2013, https://diplomatmagazine.eu/2013/11/03/indias-cultural-diplomacy-globalised-world/
(7) Paramjit S. Hai: “India’s Cultural Diplomacy in Southeast Asia: A New Thrust” (Tạm dịch: Ngoại giao văn hóa của Ấn Độ ở Đông Nam Á: Một lực đẩy mới”), in Kỷ yeus hội thảo quốc tế: Indian Footprints in Vietnam - Southeast Asia Acculturalation, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 - 16-5-2009
(8) “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 22-12-2020, https://baochinhphu.vn/print/tuyen-bo-tam-nhin-chung-viet-nam-an-do-ve-hoa-binh-thinh-vuong-va-nguoi-dan-102284732.htm
Thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước  (09/10/2022)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng hội đàm trực tuyến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít  (29/06/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla  (21/04/2022)
Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam  (19/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  (16/04/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm