Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
TCCS - Kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, sức mạnh biển của Mỹ dường như có sự suy giảm về mặt quy mô. Trong khi đó Trung Quốc, nhất là từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012), với tiềm lực quân sự, kinh tế đang trên đà phát triển, đã trở thành một trong những quốc gia được đánh giá có đủ năng lực cạnh tranh vị trí “cường quốc biển” hàng đầu đối với Mỹ. Để tiếp tục truyền tải thông điệp Mỹ vẫn là “cường quốc biển” hàng đầu, Mỹ đã tích cực xây dựng cũng như triển khai mạnh mẽ chính sách và mục tiêu chiến lược biển nhằm gia tăng ảnh hưởng và nắm quyền chỉ huy, kiểm soát các tuyến đường biển, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược về quyền chỉ huy trên biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Năm 2011, khi quyết định triển khai chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ - chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tích cực sử dụng đồng minh, đối tác để tái bố trí lại lực lượng ở khu vực, hình thành các tuyến phòng ngự chiến lược, tăng cường khả năng răn đe và kiểm soát khả năng vươn tới các vùng biển xa của các quốc gia mà Mỹ coi là “đối thủ”. Năm 2014, lực lượng hải quân của Mỹ quay trở lại căn cứ quân sự ở Vịnh Subic (Philippines) sau khi Mỹ ký kết Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng nâng cao (Enhanced Defense Cooperation Agreement - EDCA) với Philippines. Đây là khuôn khổ pháp lý cho phép lực lượng quân đội Mỹ hiện diện luân phiên tại Philippines trong thời gian lưu trú kéo dài, giúp Mỹ dễ dàng tiếp cận Biển Đông và chủ động triển khai lực lượng nếu xảy ra khủng hoảng và xung đột(1); đồng thời, cho phép Mỹ xây dựng và vận hành cơ sở quân sự tại các căn cứ của Philippines đối với cả lực lượng quân đội Mỹ và Philippines. Tại khu vực Đông Bắc Á, Mỹ củng cố phòng tuyến trên biển bằng cách triển khai thêm các tàu chiến đấu tới khu vực. Năm 2014, Mỹ đưa tàu USS Ronald Regan, tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo USS Benfold (DDG-65) tới thành phố cảng Yokosuka (Nhật Bản). Tháng 1-2016, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry (DDG-52) của Mỹ với công nghệ tiên tiến đã gia nhập Hạm đội 7 thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka (Nhật Bản)(2). Bên cạnh đó, Mỹ đạt được thỏa thuận với Australia về việc cho lực lượng không quân và lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ luân phiên sử dụng các cơ sở quân sự tại thành phố Darwin (Australia) kể từ năm 2011, duy trì sự có mặt thường xuyên tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng quân sự và triển khai công nghệ mới tại các căn cứ quân sự ở quần đảo Hawaii hay Guam (Mỹ) - những mắt xích quan trọng đối với quyền chỉ huy và kiểm soát biển của Mỹ. Hawaii là nơi Mỹ đặt trụ sở chính của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) và các cơ sở quan trọng của từng quân chủng, bao gồm Căn cứ chung Trân Châu Cảng - Hickam (JBPHH) cho hải quân và không quân, căn cứ thủy quân lục chiến và lực lượng quân đội Mỹ. Trong khi đó, Guam có thể được coi như một tiền đồn cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do sự gần gũi về mặt địa lý đối với các đồng minh khác, như Philippines và Hàn Quốc, Guam trở thành vị trí “chốt chặn” quan trọng của Mỹ trong chiến lược đối phó với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Kể từ năm 2012, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận tiến hành cơ cấu lại khoảng 4.000 lính thủy quân lục chiến từ tỉnh Okinawa (Nhật Bản) tới đảo Guam như một phần trong kế hoạch xây dựng sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở khu vực châu Á. Chính phủ hai nước cũng tiếp tục hợp tác phát triển Trại Blaz - cơ sở chính của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ(3).
Dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) Mỹ năm 2017 xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”; là “thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất” đối với an ninh và lợi ích sống còn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump (2017 - 2021), Mỹ thực hiện những chính sách cứng rắn trên nhiều chiến tuyến đối với Trung Quốc. Theo đó, một trong những điểm nổi bật là việc sử dụng lực lượng hải quân Mỹ một cách mạnh mẽ hơn. Năm 2017, Mỹ quyết định triển khai ba nhóm tấn công tàu sân bay tới khu vực Tây Thái Bình Dương, khi cuộc khủng hoảng hạt nhân với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên diễn biến phức tạp; đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Đồng thời, tăng cường bố trí thêm số lượng tàu sân bay, máy bay chiến đấu tại khu vực để khẳng định quyền chỉ huy, kiểm soát biển ở cường độ thường xuyên hơn so với thời kỳ chính quyền Tổng thống B. Obama.
Quyền chỉ huy, kiểm soát trên biển của Mỹ không chỉ thể hiện đơn phương, mà còn kết hợp với các hoạt động tập hợp lực lượng. Năm 2017 và năm 2018, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đưa lực lượng hải quân tiến vào Biển Đông, thể hiện động thái tăng cường hiện diện chiến lược an ninh biển của Nhật Bản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của chính quyền Tổng thống D. Trump(4). Năm 2018, tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 17 được tổ chức ở Singapore, Anh và Pháp quyết định đưa lực lượng vũ trang tham gia các cuộc diễn tập và hoạt động tự do hàng hải do Mỹ khởi xướng(5).
Xu thế này tiếp tục được đẩy mạnh dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden(6). Theo thống kê của Tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI), các hoạt động diễn tập chung giữa Mỹ và đồng minh, đối tác có xu hướng gia tăng(7). Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nhận định, lực lượng quân đội Mỹ vẫn hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hiện diện thường xuyên, liên tục trên mọi lĩnh vực, không chỉ riêng FONOP(8). Tại Đông Nam Á, trong năm 2022, Mỹ và Philippines đạt được thỏa thuận mở rộng số lượng căn cứ quân sự trong phạm vi của EDCA. Và mặc dù Singapore không phải là đồng minh của Mỹ, song việc Mỹ vẫn được sử dụng căn cứ hải quân Changi, đem lại Mỹ lợi thế lớn trong việc kiểm soát các vùng biển tại khu vực.
Tác động và phản ứng của các nước trong khu vực
Đối với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phản ứng đối với chiến lược sức mạnh biển và quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ khá đa dạng.
Là một đồng minh chính thức của Mỹ, Philippines thể hiện lập trường khá rõ ràng đối với chiến lược sức mạnh biển và quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ dưới thời kỳ của Tổng thống Philippines Marcos Jr. bằng nhiều biện pháp khác nhau(9). Hợp tác quốc phòng với Mỹ được củng cố, bao gồm cả việc mở rộng phạm vi của EDCA, giúp nâng cao năng lực của lực lượng quân đội Mỹ trong triển khai sức mạnh và kiểm soát tình hình tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông. Mặt khác, việc hợp tác an ninh với các quốc gia khác trong khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, cũng được thúc đẩy tích cực. Năng lực quân sự của Philippines được nâng cao khi Tổng thống Marcos Jr nhấn mạnh tính cần thiết hiện đại hóa, phát triển năng lực hải quân của Philippines trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập lực lượng hải quân Philippines vào tháng 5-2023. Theo đó, việc bổ sung thêm các tàu, tàu ngầm, máy bay và hệ thống radar hiện đại để tăng cường khả năng phòng thủ, giám sát biển trong giai đoạn 2023 - 2028 sẽ được đẩy mạnh(10). Dự thảo Luật ngân sách năm 2025 được Bộ Ngân sách Philippines công bố vào tháng 7-2024 dự tính, Philippines sẽ dành khoảng 4,38 tỷ USD (tương đương 256,1 tỷ peso) phục vụ chi tiêu quốc phòng năm 2025. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines được đầu tư thêm 6%, với mức khoảng 542 triệu USD (31,4 tỷ peso)(11). Trong năm 2024, Trung Quốc và Philippines đã có những cáo buộc nhau về những sự việc xảy ra tại Biển Đông. Trung Quốc phản đối việc Philippines và Đức ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, đồng thời coi việc Philippines tập trận với các nước như Mỹ và Nhật Bản là động thái “lôi kéo các nước bên ngoài khu vực thúc đẩy đối đầu tại Biển Đông sẽ chỉ gây ảnh hưởng đến ổn định khu vực”(12). Động thái trên đã phản ánh sự quyết đoán hơn của Philippines tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Là quốc đảo có mối quan hệ về an ninh lâu dài với Mỹ và có vai trò quan trọng trong khả năng triển khai sức mạnh biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore coi sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là động lực cho sự ổn định của khu vực. Việc Singapore cho phép lực lượng hải quân Mỹ tiếp cận căn cứ hải quân Changi, đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ thực hiện các hoạt động chỉ huy, kiểm soát trên biển. Sự hợp tác chặt chẽ của Singapore trên cơ sở trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo, phản ánh mối quan hệ sâu sắc hơn với các nước phương Tây về chính trị, kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những đặc thù dễ bị tổn thương về địa - chính trị khiến Singapore luôn thận trọng hợp tác với các đối tác. Theo đó, mặc dù là quốc gia nằm tại eo biển Malacca, có vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách về sức mạnh biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song Singapore luôn chủ động định vị mình là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong triển khai Sáng kiến “Vàng đai, Con đường” (BRI) tại Đông Nam Á. Năm 2022, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Singapore vào Trung Quốc đạt 72,3 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Trung Quốc kể từ năm 2013. Hai nước đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án chung, như xây dựng và phát triển Khu công nghiệp Tô Châu, Thành phố sinh thái Thiên Tân. Singapore chủ động tìm cách cân bằng sức ảnh hưởng đối với cả hai cường quốc hàng đầu thế giới thông qua việc thúc đẩy các kênh hợp tác, đối thoại. Việc Singapore đăng cai tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên với sự tham dự của các bộ trưởng quốc gia trên thế giới, nhấn mạnh vai trò của nước này như một nhân tố chủ chốt về an ninh khu vực, là một ví dụ điển hình.
Đối với Indonesia, trước diễn biến về chính sách sức mạnh biển của Mỹ trong những năm qua, quốc gia này luôn tỏ ra thận trọng trong việc xử lý quan hệ với cả hai cường quốc. Cách tiếp cận của Indonesia đối với chiến lược triển khai quyền chỉ huy và kiểm soát biển của các cường quốc, trong đó có Mỹ, bắt nguồn sâu sắc từ nguyên tắc ngoại giao “tự do và chủ động” lâu đời của nước này, với việc đề cao chính sách không liên kết và tự chủ chiến lược. Xuất phát từ mong muốn có “một triệu người bạn và không có kẻ thù”, chính sách này không chỉ giúp Indonesia đạt được nhiều thành tựu, mà còn tránh bị lôi kéo vào các cuộc xung đột giữa các cường quốc(13). Indonesia có mối quan hệ gần gũi lâu dài với Mỹ và hai nước đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng - an ninh chung. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước được thúc đẩy toàn diện về cả mua sắm vũ khí, huấn luyện chung, gìn giữ hòa bình và chia sẻ thông tin. Về an ninh, hai bên hợp tác chặt chẽ về chống khủng bố, an ninh biển, an ninh mạng. Năm 2023, nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, trong đó, an ninh hàng hải được xem là lĩnh vực ưu tiên. Đây là một yếu tố quan trọng bởi Indonesia là quốc gia chịu tác động từ những bước phát triển trong chiến lược sức mạnh biển của Trung Quốc. Vì vậy, trong quan hệ đối với Trung Quốc, mặc dù Indonesia luôn tích cực thúc đẩy hợp tác, tham gia một số dự án trong BRI, song Indonesia vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Natuna (Indonesia). Indonesia cũng thường ưu tiên giải quyết những vấn đề mâu thuẫn với Trung Quốc một cách “êm dịu”, không có sự tham gia của các cường quốc bên ngoài.
Các quốc gia ASEAN giáp biển khác cũng có những nỗ lực riêng trong triển khai chính sách đối ngoại và an ninh hàng hải. Việt Nam là một trong những nước chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào hoạt động an ninh hàng hải trong quan hệ với Mỹ và các nước khu vực khác.
Việt Nam trước những biến động mới của chính sách và triển khai quyền chỉ huy biển của Mỹ tại khu vực
Là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng trước bối cảnh ngày càng phức tạp trong triển khai chiến lược chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ và quan hệ an ninh hàng hải của Mỹ với các nước khác, Việt Nam luôn chủ động duy trì chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Trong những năm qua, từ thế đứng tự nhiên - lịch sử, cùng với vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế trên biển, vùng ven biển và hải đảo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” như Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, khóa XI, khóa XIII, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”… Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã khẳng định mục tiêu “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”(14). Trong đó, việc đẩy mạnh giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển là một trong những giải pháp đã được đề cập trực tiếp.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo, và đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi luật pháp trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”(15). Hằng năm, Quân chủng Hải quân phối hợp ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và cấp ủy các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tính chất phức tạp, quyết liệt, lâu dài của cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đối với an ninh quốc gia. Những kiến thức và văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước và luật biển quốc tế; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông; văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định… đã được phổ biến đến mọi đối tượng, từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tới người dân, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; học sinh, sinh viên; người nước ngoài.
Là một quốc gia biển trong khu vực Biển Đông, Việt Nam với vị thế đặc thù là “ban công” hướng ra biển Thái Bình Dương, có nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cũng là vị trí xung yếu về mặt quốc phòng - an ninh; tạo cho nước ta một vị thế địa - chính trị và địa - kinh tế then chốt trong chiến lược phát triển, mở rộng ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó, quan hệ với Mỹ đã được nâng cấp lên mức độ cao nhất - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện(16). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xây dựng và thi hành chính sách/chiến lược biển là một quá trình hết sức phức tạp, đòi hỏi việc điều chỉnh và thống nhất các chính sách khác nhau, hài hòa các xung đột về lợi ích trong việc sử dụng tài nguyên biển. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp quản lý đặc biệt cho việc thực thi, như tái cấu trúc/xây dựng mới các tổ chức thể chế quản lý cùng với việc kiện toàn, xây dựng những khung khổ pháp lý về biển. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng những bước triển khai phù hợp, hài hòa trong quan hệ với các đối tác. Việt Nam giữ vững lập trường đối ngoại “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” trên nền tảng chính sách đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” được nêu rõ trong nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng, cũng như kiên định triển khai chính sách đối ngoại quốc phòng “bốn không”(17). Cách tiếp cận này cho phép Việt Nam quản lý những rủi ro và cơ hội do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn mang lại, trong khi vẫn bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới và tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới, vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.
------------------------------
(1) Michael J. Green, Nicholas Szechenyi, Ernest Z. Bower, Victor Cha, , et al.: “U.S. Force Posture Strategy in the Asia - Pacific Region: An Independent Assessment” (Tạm dịch: Chiến lược bố trí lực lượng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Đánh giá độc lập) trong “Asia-Pacific Rebalance 2025: Capabilities, Presence, and Partnerships”, (Tạm dịch: Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương năm 2025: Năng lực, sự hiện diện và quan hệ đối tác), tháng 1-2016, Center for Strategic and International Studies (CSIS), tr. 33, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/legacy_files/files/publication/160119_Green_AsiaPacificRebalance2025_Web_0.pdf
(2) Sexton, Clara B.: “USS Lassen Departs Yokosuka after 10 Years Forward Deployed” (Tạm dịch: USS Lassen rời Yokosuka sau 10 năm triển khai), PACOM News, tháng 6-2016, https://www.pacom.mil/Media/News/Article/641752/uss-lassen-departs-yokosuka-after-10-years-forward-deployed/
(3) Yamaguchi, Mari.: “US Marines start partial transfer from Okinawa to Guam” (Tạm dịch: Lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ bắt đầu chuyển một phần từ Okinawa đến Guam), Marine Corp Times, ngày 17-12-2024, https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2024/12/16/us-marines-start-partial-transfer-from-okinawa-to-guam/ 4
(4) Scott, David.: “The Geoeconomics and Geopolitics of Japan’s ‘Indo-Pacific’ Strategy” (Tạm dịch: Địa - kinh tế và địa - chính trị trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản), Journal of Asian Security and International Affairs, Vol. 6(2), 2019, tr. 136 - 161
(5) Mishin, Igor.: “U.S. Policy in the South China Sea During the Presidency of D. Trump” (Tạm dịch: Chính sách của Mỹ ở Biển Đông dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ D. Trump), Russian Politics & Law, Vol. 58, Nos. 3-4, tr. 155 - 172
(6) Lee, Matthew: “Biden backs Trump rejection of China’s South China Sea claim” (J. Biden ủng hộ việc D. Trump bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc), AP News, ngày 12-7-2021, https://apnews.com/article/business-government-and-politics-china-south-china-sea-5ea0eeb76a57d529dc982caeb802c456
(7) South China Sea Strategic Situation Probing Initiative: An Incomplete Report on US Military Activities in the South China Sea in 2023 (Tạm dịch: Báo cáo chưa đầy đủ về hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông năm 2023), Beijing, 2024, tr. 1
(8) Kritenbrink, Daniel: “Thirteenth Annual South China Sea Conference: Lunch Keynote by Assistant Secretary of State for the Bureau of East Asia and the Pacific Affairs Daniel Kritenbrink” (Tạm dịch: Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 13: Bài phát biểu chính trong bữa trưa của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink”, CSIS, ngày 28-6-2023, https://www.csis.org/analysis/thirteenth-annual-south-china-sea-conference-lunch-keynote-assistant-secretary-state
(9) De Castro, Renato Cruz: “The Philippines’ Renewed “Hard Balancing” Policy toward China: Has the Time Come for De Facto Philippine-Taiwan Security Relations?” (Tạm dịch: Chính sách “cân bằng cứng” được đổi mới của Philippines đối với Trung Quốc: Đã đến lúc thiết lập mối quan hệ an ninh trên thực tế giữa Philippines và Đài Loan), Global Taiwan Brief, Vol. 9, Issue 5, tr. 6 - 9.
(10) Nepomuceno, Priam: “AFP modernization's Horizon 3 to focus on archipelagic defense” (Tạm dịch: Hiện đại hóa AFP Horizon 3 để tập trung vào phòng thủ quần đảo), Philippine News Agency, ngày 15-1 2024, https://www.pna.gov.ph/articles/1216955
(11) Quỳnh Vũ: “Philippines sẽ tăng 6,4% ngân sách quốc phòng”, Báo Đại biểu nhân dân, ngày 30-7-2024, https://daibieunhandan.vn/The-gioi-24h/philippines-se-tang-6-4-ngan-sach-quoc-phong-i382657/
(12) PV/VOV1 (biên dịch): “Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines tập trận hàng hải chung ở Biển Đông”, Báo điện tử VOV, ngày 6-4-2024, https://vov.vn/the-gioi/my-nhat-ban-australia-va-philippines-tap-tran-hang-hai-chung-o-bien-dong-post1087455.vov
(13) Ryahana, Rania: “Indonesia’s Neutral Approach Amid US-China Conflict” (Tạm dịch: Cách tiếp cận trung lập của Indonesia trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung Quốc), Consortium of Indo-Pacific Researchers, ngày 22-4-2023, https://indopacificresearchers.org/indonesias-neutral-approach-amid-us-china-conflict/
(14) Bích Liên”: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 26-6-2020, https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/dua-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-bien-giau-tu-bien-557878.html
(15) Hội đồng Lý luận Trung ương: Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 123
(16) Bùi Thanh Sơn: “Ngoại giao Việt Nam năm 2023: Gặt hái những thành tựu mới mang ý nghĩa lịch sử”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 26-2-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ngoai-giao-viet-nam-nam-2023-gat-hai-nhung-thanh-tuu-moi-mang-y-nghia-lich-su
(17) 1- Không tham gia liên minh quân sự; 2- Không liên kết với nước này để chống nước kia; 3- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 4- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”
Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (05/01/2025)
Đông Nam Á trong triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” của Trung Quốc  (28/11/2024)
Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới  (12/11/2024)
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực  (09/09/2024)
Hoạch định đường lối đối ngoại của Nhật Bản hiện nay  (24/05/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên