Sự điều chỉnh chính sách của một số nước lớn tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương
TCCS - Bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay tiếp tục chuyển động phức tạp, dần định hình sang trật tự “đa cực, đa trung tâm” với sự tham gia sâu rộng của nhiều chủ thể khác nhau. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên là địa bàn cọ xát chiến lược gay gắt nhất, là trung tâm của cục diện mới, trật tự mới đang định hình, là địa bàn ưu tiên hàng đầu của nhiều nước lớn. Bên cạnh những không gian địa - chiến lược truyền thống, một số không gian chiến lược mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã và đang dần trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một trong những minh chứng điển hình.
Vị trí của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương
Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương bao gồm 14 quốc gia (quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Cộng hòa quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru, Niue, Palau, Papua New Guine, Samoa, quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu) nằm chủ yếu ở vùng nhiệt đới của Thái Bình Dương giữa châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương có sự đa dạng đặc biệt về ngôn ngữ và văn hóa cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hiện nay, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đang nổi lên như một khu vực khai khoáng mới, nhiều tiềm năng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào dưới đáy biển sâu. Vị trí địa lý của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương mang lại cho những nước này giá trị chiến lược quân sự cao. Mặc dù, tổng diện tích đất liền của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương chỉ có hơn 500 nghìn km2, nhưng diện tích biển đạt hơn 30 triệu km2. Nhiều đảo và đá ngầm có thể sử dụng để xây dựng sân bay và các khu cảng nước sâu. Tuy nhiên, các quốc gia này có vị trí xa xôi, dân cư thưa thớt, sống rải rác trên nhiều hòn đảo, nằm trong số những khu vực phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất trên thế giới. Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khu vực Nam Thái Bình Dương phần lớn tạo dựng được vị thế ôn hòa về mặt địa - chính trị.
Sự điều chỉnh chiến lược của một số nước lớn tại Nam Thái Bình Dương
Chính sách của Mỹ
Vị trí địa lý của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương có ý nghĩa lớn đối với Mỹ, nhất là về quốc phòng. Do hầu hết các nước ở đây đều nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á nên khu vực này được đánh giá có thể trở thành vùng đệm chiến lược giúp ứng phó với những tình huống quân sự bất ngờ tại khu vực châu Á. Với nhiều đảo và bãi đá ngầm phù hợp với việc xây dựng sân bay và cảng nước sâu, khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trở thành địa điểm lý tưởng để Mỹ có thể xây dựng những căn cứ hải quân quan trọng.
Theo truyền thống, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực quốc đảo Nam Thái Bình Dương tập trung vào quần đảo Micronesia. Từ những năm cuối thế kỷ XX, Mỹ đã ký kết Hiệp ước liên kết tự do với Cộng hòa quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau. Theo hiệp ước, ba nước này trở thành các quốc gia liên kết tự do của Mỹ, không duy trì lực lượng quân đội riêng mà do Mỹ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh.
Sau một thời gian gần như “vắng bóng”, năm 2010, Mỹ bắt đầu quan tâm trở lại đối với khu vực Nam Thái Bình Dương, bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, Mỹ đẩy mạnh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Theo đó, Mỹ xem các quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương không còn thuộc diện đối tác ở “vùng sâu, vùng xa”, mà cùng với Australia và New Zealand - hai đồng minh của Mỹ - tạo thành một trong những vùng trọng điểm chiến lược ở khu vực rộng lớn này. Mỹ ngày càng đẩy mạnh mở rộng quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị đang có xu hướng gia tăng tại khu vực. Thứ hai, Trung Quốc đã đạt được những kết quả ban đầu sau một thời gian nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Đơn cử như, tháng 5-2021, Trung Quốc và quốc đảo Kiribati đã hợp tác xây dựng lại đường băng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai trên đảo Kanton, cách thành phố Hawaii (Mỹ) khoảng 3.000km về phía tây nam. Tiếp đó, tháng 7-2023, Trung Quốc chính thức xác định đã ký kết thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon. Những động thái này khiến Mỹ càng đẩy nhanh việc quay trở lại khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô Washington (Mỹ) vào tháng 9-2022 là sự kiện đánh dấu sự tái can dự của Mỹ ở khu vực quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Tại hội nghị, bên cạnh việc cam kết tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, “một phần lớn lịch sử của thế giới sẽ được viết ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm tới. Và các quốc đảo ở Thái Bình Dương có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai. Đó là lý do Mỹ ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương”. Trước đó, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã cam kết bổ sung 810 triệu USD viện trợ mới cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trong thập niên tới, bao gồm 130 triệu USD hỗ trợ các đảo quốc này phát triển nghề cá, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng thân thiện với môi trường(1).
Nằm trong khuôn khổ FOIP, Chiến lược đối tác Thái Bình Dương lần đầu tiên được Mỹ(2) công bố tại hội nghị, cũng nhấn mạnh bốn mục tiêu chính: 1- Xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hiện diện ngoại giao cũng như can dự của Mỹ ở khu vực; 2- Tăng cường kết nối các đảo quốc Thái Bình Dương với thế giới; 3- Xây dựng khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương bền vững và sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và các thách thức khác của thế kỷ XXI. Với mục tiêu này, Mỹ cam kết duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của mình trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời phối hợp với các quốc đảo Thái Bình Dương trong thích ứng và quản lý các tác động của biến đổi khí hậu; 4- Mang lại cơ hội phát triển cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Mỹ cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các quốc đảo Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ nhân dân, cải thiện cấu trúc y tế ở Thái Bình Dương, mang lại cơ hội phát triển và giáo dục cho người dân Thái Bình Dương, nhất là phụ nữ và thanh niên.
Ngay sau hội nghị, Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên phụ trách các đảo quốc Thái Bình Dương. Ngày 27-1-2023, Mỹ chính thức mở cửa đại sứ quán mới tại Thủ đô Honiara của quần đảo Solomon sau 30 năm đóng cửa (năm 1993). Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, việc mở đại sứ quán ở quần đảo Solomon không chỉ nhằm tăng cường hiện diện ngoại giao trong khu vực, mà còn kết nối các chương trình và nguồn lực của Mỹ với nhu cầu phát triển chung của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường quan hệ giữa người dân các nước(3).
Tháng 9-2023, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai tiếp tục được tổ chức tại Nhà Trắng (Mỹ). Trong khuôn khổ quan hệ đối tác Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, Mỹ cam kết tăng cường hiện diện tại khu vực, thiết lập quan hệ ngoại giao với đảo Cook và Niue; dự kiến mở đại sứ quán tại Vanuatu, cơ quan đại diện tại Kiribati, văn phòng đại diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Fiji và Papua New Guine; duy trì trao đổi cấp cao, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ ba vào năm 2025 và dự kiến sẽ thể chế hóa việc tổ chức hoạt động này định kỳ 2 năm/lần. Bên cạnh đó, Mỹ công bố một loạt chương trình về nâng cao năng lực pháp lý, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, quản lý môi trường biển, xử lý tình trạng nước biển dâng, phát triển kinh tế xanh,… với trị giá gần 200 triệu USD. Mỹ nhấn mạnh tiếp tục củng cố an ninh hàng hải trong khu vực, cùng Australia và New Zealand triển khai Sáng kiến nhận biết an ninh hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPMDA) của Nhóm “Bộ tứ”. Lần đầu tiên Mỹ gửi tàu cảnh sát biển tham gia chương trình hợp tác với các đối tác, gia tăng sự hiện diện của lực lượng cảnh sát biển tại khu vực. Mỹ cũng cam kết thúc đẩy hợp tác đào tạo quân sự với Fiji, Tonga, Papua New Guine thông qua Chương trình đào tạo và giáo dục quân sự quốc tế (IMET). Ngoài ra, Tuyên bố chung của hội nghị cũng đề cập đến các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại, phát triển kết cấu hạ tầng, an ninh mạng, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân. Mỹ dự kiến đầu tư khoảng 40 triệu USD cho các dự án kết cấu hạ tầng tại khu vực.
Tháng 6-2023, Mỹ đã cùng các đồng minh Australia, New Zealand, Anh và Nhật Bản khởi động cơ chế hợp tác không chính thức với tên gọi “Đối tác Thái Bình Dương xanh” (PBP), nhằm tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế giữa các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Năm quốc gia đối tác cùng khẳng định quyết tâm chung trong việc mở rộng hợp tác để hỗ trợ và mang lại lợi ích cho người dân các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, minh bạch và trách nhiệm.
Chính sách của Trung Quốc
Kể từ những năm 2000, lợi ích của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể, mở rộng từ khả năng tiếp cận các nguồn lực sang khía cạnh chiến lược, bao gồm cả việc tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao tại các thể chế đa phương. Với sự phát triển vượt bậc về năng lực của lực lượng hải quân, Trung Quốc ngày càng gia tăng đẩy mạnh sự hiện diện ở Nam Thái Bình Dương. Với vị trí địa - chiến lược nằm trên tuyến đường giao thông chính của Nam Thái Bình Dương, hướng về Australia và New Zealand, Nam Cực và lục địa Mỹ, việc Trung Quốc tạo dựng được vai trò ngày càng lớn tại khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương được cho là sẽ góp phần làm suy giảm vị thế của Mỹ và các đồng minh ở khu vực. Do đó, Trung Quốc đã phát triển một chiến lược dài hạn để củng cố, duy trì vị thế tại khu vực.
Năm 2006, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thực hiện chuyến công du đến Fiji. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc tới khu vực này và tham dự Diễn đàn Hợp tác và Phát triển kinh tế Thái Bình Dương - Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Trung Quốc tuyên bố mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và cam kết tăng cường đóng góp cho sự phát triển của khu vực này. Năm 2014, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tiến hành thăm Fiji. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc tới khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Kể từ chuyến thăm này, hoạt động ngoại giao giữa Trung Quốc và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương không ngừng gia tăng. Trung Quốc tuyên bố xây dựng các mối quan hệ dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Trung Quốc là đối tác đối thoại của Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) và Cộng đồng Thái Bình Dương kể từ năm 1990. Việc thành lập các Viện Khổng Tử tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng được Trung Quốc xúc tiến.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia Nam Thái Bình Dương cũng ngày càng mạnh mẽ. Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, quần đảo Cook, Niue và Micronesia. Tháng 10-2023, Thủ tướng Papua New Guine thực hiện chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) lần thứ ba. Hai bên cam kết xây dựng “Cộng đồng Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương chung vận mệnh”, tích cực hỗ trợ thực hiện Chiến lược Thái Bình Dương xanh 2050, cùng xây dựng các nền tảng hợp tác đa phương về nguồn cung cấp khẩn cấp, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo; thúc đẩy hợp tác tổng thể giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương đạt đến một tầm cao mới.
Diễn đàn Phát triển và Hợp tác Trung Quốc - Thái Bình Dương đóng vai trò như một “véc-tơ” thúc đẩy chính sách viện trợ của Trung Quốc đối với khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc đã xây dựng nhiều dự án tiếp cận các nguồn tài nguyên tại khu vực này, trong đó vận tải, khai thác mỏ, xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sá, cảng biển sâu, gỗ, du lịch là những lĩnh vực ưu tiên. Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.
Chính sách của Ấn Độ
Sự quan tâm của Ấn Độ đối với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một phần trong cam kết về ý thức hệ đối với khu vực Nam bán cầu và mục tiêu hiện thực hóa tham vọng trở thành một “cường quốc toàn cầu, lãnh đạo khu vực” của nước này. Tham gia đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương (FIPIC) lần thứ ba tại Papua New Guinea vào ngày 22-5-2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch hành động 12 điểm để thúc đẩy quan hệ đối tác của Ấn Độ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong đó, Ấn Độ cam kết hỗ trợ nhiều hơn về thương mại và phát triển, bao gồm một số nội dung chính, như thành lập bệnh viện chuyên khoa tim mạch tại Fiji; hỗ trợ thành lập các đơn vị lọc máu và cung cấp tàu cứu thương cho 14 quốc đảo; xây dựng trung tâm điều trị dành cho người tàn tật ở Papua New Guinevà từ năm 2024… Ngoài ra, thông qua Chương trình Aushadhi/Ấn Độ, Ấn Độ cam kết cung cấp cho người dân tại các quốc đảo Thái Bình Dương khoảng hơn 1.800 loại thuốc chất lượng cao với giá ưu đãi; đề xuất thành lập các Trung tâm Yoga ở các quốc đảo Thái Bình Dương; thành lập trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và an ninh mạng ở Papua New Guine; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp cho công dân Fiji và các quốc gia khác trong khu vực; công bố dự án phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc đảo Thái Bình Dương, cung cấp máy móc thiết bị công nghệ và các chương trình nâng cao năng lực cho người dân; thực hiện dự án chuyển đổi năng lượng mặt trời; cam kết cung cấp các thiết bị khử mặn cho người dân để giải quyết vấn đề khan nước; công bố chương trình “Học bổng Sagar Amrut” cung cấp 1.000 suất học bổng trong vòng 5 năm tới cho các quốc đảo Thái Bình Dương(4).
Kế hoạch hành động 12 điểm của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi dựa trên những ưu tiên và nhu cầu phát triển chung của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Mặc dù các quốc đảo Nam Thái Bình Dương có diện tích đất liền tương đối nhỏ và cách xa Ấn Độ, nhưng nhiều quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và mang đến không ít cơ hội hợp tác hiệu quả, đầy hứa hẹn đối với Ấn Độ. Cam kết của Ấn Độ đối với 14 quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một phần trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.
Chính sách của Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia
Ngày 2-9-2021, tại cuộc “Đối thoại Quốc phòng Nhật Bản - các đảo quốc Thái Bình Dương” lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và Bộ trưởng Quốc phòng các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đã cam kết thắt chặt quan hệ hợp tác để duy trì trật tự hàng hải. Cuộc đối thoại này diễn ra tiếp sau cuộc họp giữa lãnh đạo Nhật Bản và các nước Thái Bình Dương vào tháng 7-2021, trong đó các nước nhất trí hợp tác trong khuôn khổ FOIP. Bên cạnh đó, bộ trưởng quốc phòng các nước cũng thảo luận về hợp tác cứu trợ thiên tai và biến đổi khí hậu trong bối cảnh các quốc đảo ngày càng quan ngại về mực nước biển dâng cao.
Với mong muốn thúc đẩy một khu vực “tự do, hòa bình và thịnh vượng” được xây dựng trên nền tảng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ngày 29-5-2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Hàn Quốc - các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, đánh dấu bước khởi đầu thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Chính phủ Hàn Quốc công bố vào năm 2022. Hội nghị tập trung thảo luận về các lĩnh vực rủi ro thiên tai, khả năng phục hồi, quản trị đại dương và các vấn đề hàng hải. Tại hội nghị, Hàn Quốc cam kết tăng gấp hai lần hỗ trợ phát triển cho khu vực và phát triển hợp tác an ninh trong các lĩnh vực hàng hải, khí hậu, năng lượng, hệ thống mạng và y tế.
Australia - quốc gia lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên của Nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) cũng tăng cường các hoạt động ngoại giao để khẳng định vai trò tại khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Australia nhấn mạnh mong muốn Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương(5) sẽ là trung tâm đoàn kết và bảo vệ lợi ích chung của khu vực trong bối cảnh Nam Thái Bình Dương đã và đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhất là cuộc cạnh tranh địa - chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tác động đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Theo giới chuyên gia, việc Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước gia tăng ảnh hưởng và can dự tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương có thể khiến:
Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng của các nước lớn tại khu vực sẽ ngày càng mở rộng cả về lĩnh vực và địa bàn. Châu Á - Thái Bình Dương là tiếp tục là tâm điểm trong “cuộc đua” củng cố và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và một số đồng minh, đối tác.
Thứ hai, sự cọ xát và cạnh tranh ảnh hưởng, lôi kéo bằng nhiều phương thức, biện pháp kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ,… khác nhau sẽ đẩy nhiều nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong đó có các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đứng trước áp lực “chọn bên” ngày càng gia tăng, đòi hỏi các nước cần triển khai chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo. Tuy nhiên, áp lực này cũng tạo điều kiện cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đứng trước cơ hội phát triển nếu tận dụng tốt những điều kiện về viện trợ, đầu tư, phát huy hiệu quả “lợi thế chiến lược” của mình, nhất là liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, sự bảo đảm an ninh và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Thứ ba, đặt trong tương quan so sánh về việc triển khai các biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự… của Mỹ và Trung Quốc ở các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc dường như đang giành nhiều lợi thế hơn Mỹ, khi nắm rõ nhu cầu sát sườn của các nước, nhất là viện trợ kinh tế. Trong khi đó, Mỹ dù có nhiều lợi thế về sức mạnh an ninh và hệ thống đồng minh, đối tác tại khu vực (Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), song trên thực tế sự hỗ trợ của Mỹ đối với khu vực cũng bị giới hạn do phải cùng lúc dàn trải nguồn lực ở các khu vực khác và bị tác động bởi tình hình chính trị nội bộ phức tạp. Sự gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang khiến một số nước có xu hướng “chọn bên” và việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước trong các vấn đề khu vực ngày càng trở nên khó khăn.
Thứ tư, các quốc gia, như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đang tìm kiếm ảnh hưởng trong một khu vực quan trọng đối với các kênh vận chuyển toàn cầu và nền kinh tế đại dương cũng như những lợi thế an ninh chiến lược liên quan đến biển. Thực tiễn triển khai chính sách của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cho thấy, hoạt động tiếp cận của các nước này chủ yếu để mở rộng vòng cung bảo vệ lợi ích quốc gia, thay vì quá tập trung hay đứng về một phía. Đây có thể được xem là một trong những cách tiếp cận thực tế, mềm dẻo, linh hoạt mà các quốc gia vừa và nhỏ có thể tham khảo.
Mối quan tâm lớn nhất của các quốc đảo Thái Bình Dương là giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Tháng 5-2022, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama từng khẳng định: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi không phải là địa - chính trị mà là biến đổi khí hậu”. Trong thập niên qua, các quốc đảo Thái Bình Dương đã thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khí hậu trong khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc; tăng cường phối hợp xúc tiến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và tích cực vận động đối thoại tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26, năm 2021). Hội nghị lãnh đạo Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF), diễn ra tại Thủ đô Suva (Fiji) vào tháng 7-2022, đã thông qua Chiến lược năm 2050 cho Lục địa Thái Bình Dương Xanh. Đây là một chiến lược nhằm thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư và viện trợ của các tổ chức, các quốc gia trên thế giới vào khu vực quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Ngày 29-3-2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Nghị quyết đề nghị IJC làm rõ trách nhiệm của các nước thành viên trong bảo vệ khí hậu Trái đất. Nghị quyết do Vanuatu và các nước nhóm quốc đảo Thái Bình Dương khởi xướng, được 132/193 nước thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
Việc Mỹ, Trung Quốc và một số nước trong thời gian gần đây đẩy mạnh hiện diện và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương - khu vực vốn ít có ảnh hưởng trước đây, cho thấy cạnh tranh và tập hợp nước lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp, địa bàn và lĩnh vực mở rộng, trọng tâm là cạnh tranh về chính trị - an ninh. Các quốc gia ven biển, nhất là tại các vùng biển có vị trí địa - chiến lược quan trọng, tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh. Điều này đòi hỏi các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, cần bám sát các mục tiêu, nguyên tắc đối ngoại tối quan trọng, đồng thời cần linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý quan hệ với các nước lớn, tiếp tục mở rộng “vòng cung” dư địa ngoại giao, trong đó trọng tâm là củng cố quan hệ chính trị và lòng tin chiến lược với các nước lớn, thúc đẩy quan hệ với các nước vừa và nhỏ trong và ngoài khu vực, kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, chủ quyền của đất nước. Đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh, như du lịch, nông nghiệp, nghề cá, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cũng có thể mở rộng và tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia quốc đảo Thái Bình Dương tại các cơ chế hợp tác đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và các diễn đàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.
---------------------------
(1) Xem: “Remarks by President Biden at the U.S.-Pacific Island Country Summit” (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - quốc đảo Thái Bình Dương), The White House, ngày 29-9-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/09/29/remarks-by-president-biden-at-the-u-s-pacific-island-country-summit/
(2) Chiến lược đối tác Thái Bình Dương đề cập đến 7 lĩnh vực: lãnh đạo chính trị và chủ nghĩa khu vực; phát triển lấy con người làm trung tâm; hòa bình và an ninh; phát triển tài nguyên và kinh tế; biến đổi khí hậu và thiên tai; đại dương và môi trường tự nhiên; công nghệ và kết nối.
(3) Xem: “Mỹ mở đại sứ quán ở quần đảo Solomon”, Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 2-2-2023, https://vov.gov.vn/my-mo-dai-su-quan-o-quan-dao-solomon-dtnew-465007
(4) Xem: Dũng Hoàng: “Ấn Độ công bố kế hoạch thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương”, Báo điện tử VOV, ngày 22-5-2023, https://vov.vn/the-gioi/an-do-cong-bo-ke-hoach-thuc-day-quan-he-voi-cac-quoc-dao-thai-binh-duong-post1021875.vov
(5) Được thành lập vào năm 1971, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương bao gồm 18 thành viên: Australia, quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Cộng hòa quần đảo Marshall, Samoa, quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu. Tầm nhìn của Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương là một khu vực Thái Bình Dương kiên cường với hòa bình, hòa hợp, an ninh, hòa nhập xã hội và thịnh vượng, bảo đảm mọi người dân Thái Bình Dương đều có thể sống cuộc sống tự do, khỏe mạnh và hiệu quả.
Vận dụng tư duy chiến lược Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cục diện thế giới mới  (10/06/2024)
Vận dụng tư duy chiến lược Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cục diện thế giới mới  (10/06/2024)
Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia châu Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam  (24/04/2024)
Nhìn lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2023 và dự báo chiều hướng năm 2024  (31/03/2024)
Nhận thức về cục diện quốc tế  (30/12/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay