TCCS - Cạnh tranh trên lĩnh vực khoa học - công nghệ nằm trong trong tổng thể cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ - Trung Quốc, có tác động sâu rộng đến vai trò dẫn dắt trật tự thế giới hiện nay của hai siêu cường. Dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực, lĩnh vực khoa học - công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục là “mặt trận chính” trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc với các cấp độ và phạm vi ngày càng gia tăng.

Khoa học - công nghệ trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung Quốc

Chủ nghĩa tân hiện thực cho rằng cạnh tranh quyền lực là động lực của quan hệ quốc tế, là quá trình diễn tiến liên tục và không có hồi kết, do đó, các hệ thống quốc tế “về cơ bản không ổn định”. Trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ, khi không có một quốc gia nào có đủ khả năng đạt được quyền bá chủ toàn cầu, xây dựng thế giới đơn cực thì tình hình quan hệ quốc tế luôn vận hành trong sự cạnh tranh liên tục giữa các cường quốc(1). Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của Trung Quốc có tác động đến sự phân bổ quyền lực trong hệ thống quốc tế hiện nay(2), trong khi đó, Mỹ không muốn mất đi sự ảnh hưởng đối với các quốc gia khác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, dẫn đến thực trạng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tham quan nhà máy bán dẫn của của Intel ở bang Arizona (Mỹ)_Nguồn: reuters.com

Cạnh tranh chiến lược trên lĩnh vực khoa học - công nghệ đưa hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc cùng rơi vào trạng thái vừa hợp tác, vừa đối trọng để mang lại lợi ích cho mỗi bên. Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1972, hợp tác khoa học - công nghệ là lĩnh vực đầu tiên được hai nước “khai phá”, mở đường cho các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác(3). Bước sang thế kỷ XXI, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có nhiều hợp tác khoa học - kỹ thuật; về phía Mỹ, thúc đẩy hợp tác công nghệ với Trung Quốc sẽ nâng cao khả năng thu hút nguồn lực nhân tài từ đất nước tỷ dân. Đặc biệt, trong quan hệ giữa hai nước, công nghệ đã trở thành một nhân tố chi phối chính, có tính quyết định đến tương quan so sánh lực lượng giữa hai nước; quốc gia nào sở hữu tiềm lực mạnh về công nghệ sẽ có ảnh hưởng hơn trong trật tự toàn cầu. Các cường quốc về công nghệ sẽ có nhiều ưu thế hơn trong phát huy sức ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế thông qua các hình thức ngoại giao kỹ thuật số, sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, quảng bá(4)...

Thực tiễn triển khai cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc từ năm 2017 đến nay trên một số lĩnh vực cụ thể

Trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - yếu tố có thể dẫn đến sự thay đổi trật tự toàn cầu trong tương lai. Sự phát triển của công nghệ AI được xem là biểu tượng về sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo. Từ năm 2017 đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã ban hành và tiếp tục xây dựng nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI cũng như nâng cao vị thế quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Về chính trị, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về AI nằm trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, thể hiện ở các chính sách, chiến lược của hai nước(5). Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ ban hành “Sắc lệnh sáng kiến AI”, sáng kiến kêu gọi tập trung mọi nguồn lực của nước Mỹ để thúc đẩy phát triển công nghệ AI nhằm duy trì và khẳng định vị thế của nước Mỹ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tháng 1-2021, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, “Sắc lệnh sáng kiến AI” chính thức trở thành Đạo luật sáng kiến AI quốc gia của Mỹ nhằm mục tiêu tập trung nguồn lực của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ đổi mới công nghệ AI, bảo đảm để Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu, phát triển và sử dụng AI, qua đó giúp tăng cường sự thịnh vượng, an ninh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Mỹ. Sáng kiến có 6 trụ cột chính, bao gồm: đổi mới, thúc đẩy sự tin cậy đối với công nghệ AI, giáo dục - đào tạo, hạ tầng, ứng dụng và hợp tác quốc tế(6).  

Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục công bố Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đến năm 2030, sau khi ban hành Kế hoạch đổi mới khoa học và công nghệ trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ XIII vào tháng 8-2016. Kế hoạch này đặt mục tiêu phát triển Trung Quốc trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI, dự kiến thu hút được khoảng 150 tỷ USD. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (tháng 10-2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ “tăng cường nghiên cứu cơ bản về khoa học ứng dụng, khởi động các dự án khoa học và công nghệ lớn của quốc gia và ưu tiên đổi mới trong các công nghệ chủ chốt, đặc biệt tập trung vào các ngành internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo”(7). Đề cập đến công nghệ AI, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc cần thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ AI mới để có thể đạt được thế chủ động trong cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ trên toàn cầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp và các nhà quản lý Trung Quốc phải nỗ lực làm chủ “công nghệ then chốt và cốt lõi”, bao gồm công nghệ cơ bản, công nghệ thường được sử dụng, công nghệ bất đối xứng, công nghệ tiên tiến, công nghệ đột phá.

Về quốc phòng - an ninh, vào năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đánh giá công nghệ AI đang trở thành một trong những trọng tâm trong cạnh tranh quốc tế. Do vậy, Trung Quốc cần đưa ra sáng kiến nhằm nắm chắc hơn, rõ hơn về giai đoạn phát triển mới của ngành công nghệ AI và tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới, mở ra cơ hội phát triển những ngành công nghiệp mới, cũng như tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia(8).

Về kinh tế - thương mại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện các chính sách nhằm đối trọng với các chính sách khoa học - công nghệ của Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Mỹ hạn chế phát triển và đưa vào danh sách hạn chế vì liên quan đến lĩnh vực AI và các sản phẩm an ninh, như ByteDance, SenseTime, Megvii, Yitu....(9). Đặc biệt, tháng 5-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa công ty công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách hạn chế thương mại, dẫn đến các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn(10).  

Về đầu tư, Mỹ đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc vào các tập đoàn công nghệ AI của Mỹ nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ AI thông qua hoạt động mua cổ phần. Trung Quốc hiện đang vượt Mỹ về đầu tư mới trong tiến trình phát triển AI nói chung. Năm 2017, Trung Quốc chiếm 48% số lượng vốn đầu tư về phát triển AI toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 38%. Mỹ vẫn luôn “thống trị” trong các quỹ đầu tư về nghiên cứu và phát triển AI, tuy nhiên, có phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn duy trì tăng mức đầu tư trong thời gian tới, nhiều khả năng đất nước này sẽ vượt Mỹ về tổng số các quỹ đầu tư về nghiên cứu và phát triển công nghệ AI(11).

Trên lĩnh vực công nghệ 5G

Công nghệ 5G là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới; đồng thời trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Công nghệ 5G vừa có ý nghĩa quan trọng đối với cam kết đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đề cập trong chiến lược “Made in China 2025” của Chính phủ Trung Quốc(12). Cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn dẫn dắt công nghệ 5G bởi công nghệ này góp phần giúp các quốc gia sở hữu tài sản trí tuệ có tác động lớn đến sự phát triển của các công nghệ di động trong tương lai(13). Ngoài các lợi ích về thương mại, mạng di động 5G còn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc cách mạng hóa công nghệ an ninh và quân sự.

Với Trung Quốc, 5G còn là cơ hội đầu tiên để vượt Mỹ và dẫn đầu thế giới. Tính đến cuối tháng 6-2023, Trung Quốc đã xây dựng được 3 triệu trạm 5G, đạt tỷ lệ trung bình 1.400 người có 1 trạm gốc 5G. Trong khi đến giữa năm 2024, tỷ lệ xây dựng trạm 5G của Mỹ mới chỉ đạt 3.300 người có 1 trạm. Tốc độ mạng 5G của Trung Quốc cũng phát triển nhanh hơn Mỹ(14). Đến nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ dẫn đầu thế giới về 5G trên nhiều phương diện, từ quy mô và tốc độ phổ cập kết cấu hạ tầng 5G, thương mại mạng 5G cũng như ứng dụng công nghệ 5G trong sản xuất công nghiệp, phát triển thiết bị 5G, số bằng sáng chế, cả trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu(15)... Dự kiến, Trung Quốc sẵn sàng có 1 tỷ kết nối di động 5G vào năm 2025.

Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghệ 5G của Trung Quốc vẫn phụ thuộc Mỹ về linh kiện quan trọng, đặc biệt về chip. Gần 30% giá trị trạm gốc 5G của tập đoàn Huawei phụ thuộc vào các linh kiện có xuất xứ từ Mỹ, hầu hết trong số đó là các con chip tối quan trọng trong việc xử lý tín hiệu radio, điều khiển nguồn năng lượng cũng như chip nhớ(16). Có thể thấy, việc Mỹ ngày càng khoét sâu vào hạn chế Trung Quốc trong lĩnh vực 5G khiến mục tiêu “tự chủ công nghệ bán dẫn và chip tiên tiến” của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, Mỹ đã có những thay đổi trong chính sách nhằm hình thành một cách tiếp cận mới trong chiến lược công nghệ. Ngày 29-3-2019, Kỳ họp Quốc hội Mỹ lần thứ 116 đã đưa ra dự thảo “Luật an toàn 5G và mở rộng” yêu cầu Tổng thống Donald Trump xây dựng một chiến lược cấp liên bang nhằm bảo đảm sự an toàn của hệ thống mạng và hạ tầng 5G tại Mỹ cũng như ở các quốc gia đồng minh. Kỳ họp này cũng đưa ra dự thảo “Luật công nghệ số tiên phong” (E-FRONTIER Act) với yêu cầu tổng thống và các cơ quan liên bang không xây dựng, vận hành và cung cấp dịch vụ viễn thông mà không có sự cho phép của Quốc hội(17).

Đáng chú ý, vào tháng 11-2019, Tập đoàn Phát triển tài chính Mỹ (DFC) khẳng định sẽ sử dụng ngân sách 60 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp của Mỹ và các nước đồng minh, như Nokia hay Ericsson, phát triển các thiết bị và dịch vụ 5G. Mục tiêu của Mỹ là giúp các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển có nhiều lựa chọn hơn trong công nghệ 5G thay vì phải phụ thuộc vào các công nghệ của Trung Quốc...(18).

Có thể thấy, Mỹ đã bước đầu có sự điều chỉnh, thay đổi về tư duy, thể hiện qua sự chủ động và tích cực hơn của Chính phủ về hoạch định khuôn khổ chính sách, cung cấp nguồn lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển mạng 5G. Cách tiếp cận này đã có sự can dự cũng như hỗ trợ lớn hơn từ Chính phủ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình định hình chiến lược còn gặp nhiều khó khăn về các quy định và luật liên quan cần được điều chỉnh.

Trên lĩnh vực chất bán dẫn

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, đã hình thành từ lâu và thực sự nổi lên trong giai đoạn vừa qua. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu, khi việc phong tỏa trên diện rộng dẫn đến tình trạng các nhà máy bị đình trệ và làm đứt chuỗi cung ứng. Từ đây, nhiều quốc gia bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu từ lĩnh vực này, trong đó phải kể đến hai cường quốc kinh tế, công nghệ là Mỹ và Trung Quốc(19).

Chất bán dẫn và chip điện tử là yếu tố sống còn với nền kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Đối với Trung Quốc, chất bán dẫn là yếu tố quan trọng để phát triển các thiết bị điện tử có tính cạnh tranh ngày càng cao và chiếm thị phần toàn cầu. Việc Trung Quốc phát triển nhanh trong công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc cải thiện năng lực quốc phòng, do đó có khả năng hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới, thách thức vị thế và an ninh của Mỹ. Hơn nữa, hầu hết các hệ thống phòng thủ lớn của Mỹ đều dựa trên chất bán dẫn và nếu có thiệt hại thì an ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa. Sự cạnh tranh về chip bán dẫn đã dần trở thành xung đột lợi ích trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chính trị, quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, sự xung đột này ngày càng trở nên quyết liệt và chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần(20).

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong ngành bán dẫn, kiểm soát 48% (tương đương 193 tỷ USD) thị phần xét về mặt doanh thu tính đến năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng chất bán dẫn, phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là các nhà sản xuất ở Mỹ, để phát triển hầu hết công nghệ của mình. Tính tới hết năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 479,5 tỷ đơn vị mạch tích hợp (IC), trị giá 349,4 tỷ USD(21). Thông qua sáng kiến ​​“Made in China 2025” và “Hướng dẫn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mạch tích hợp quốc gia”, gần một thập niên qua, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực tận dụng nguồn tài chính, các ưu đãi, sở hữu trí tuệ (IP) và các tiêu chuẩn chống độc quyền nhằm đẩy nhanh sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và từng bước định hình là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên toàn cầu.  

Trước những chính sách mang tính định hướng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, Mỹ cũng đã có nhiều chính sách đối trọng thông qua ba phương thức chính, bao gồm: 1- Hạn chế các thương vụ mua nguyên liệu bán dẫn; 2- Áp thuế đối các ngành nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc; 3- Ngăn chặn các khoản đầu tư đối với chất bán dẫn.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng thúc đẩy các đối tác tại khu vực Đông Á, bao gồm: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập liên minh công nghiệp “Chip 4” với mục đích tách Trung Quốc ra khỏi hệ sinh thái công nghệ quốc tế. Mỹ đang cố gắng củng cố vai trò trung tâm của mình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới và bảo đảm rằng Trung Quốc không thể sản xuất chip tiên tiến nhất. Việc kiểm soát các chất bán dẫn sẽ không chỉ định hình tương lai của nền kinh tế thế giới, từ lĩnh vực điện toán đám mây đến xe tự hành, mà còn được coi là nền tảng cho sức mạnh quân sự.

Về phía Trung Quốc, giống như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc) - vùng lãnh thổ này vốn chiếm hơn 90% nguồn cung chip cao cấp toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được các bước tiến đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp nội địa, khiến cuộc đua công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn(22)

Một kỹ thuật viên kiểm tra chip tại một doanh nghiệp công nghệ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc)_Nguồn: chinadaily.com.cn

Cạnh tranh khoa học - công nghệ Mỹ - Trung Quốc thời gian tới

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden được đánh giá là không có nhiều thay đổi lớn so với người tiền nhiệm, đặc biệt là trong chính sách đối với Trung Quốc, khi cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có cùng quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ và là một mối đe dọa về mặt chiến lược đối với Mỹ(23). Về bản chất, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden là sự tiếp nối đường lối chính sách của chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã có những bước đi cứng rắn hơn với Trung Quốc khi chuyển từ việc tập trung đối đầu trực diện sang cách tiếp cận cạnh tranh dựa trên thế mạnh thông qua việc chú trọng tăng cường quan hệ với các nước đồng minh và đối tác tại châu Á. Việc xử lý quan hệ với Trung Quốc tiếp tục là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc được xem là phép thử lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Mặc dù sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế Trung Quốc nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ vẫn duy trì hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề Mỹ ưu tiên và có lợi ích, dựa trên nguyên tắc “cạnh tranh với Trung Quốc khi nên, hợp tác với Trung Quốc khi có thể và coi Trung Quốc là kẻ thù khi cần”(24). Hơn nữa, hai nước vẫn cần hợp tác ở mức độ cần thiết nhằm phục vụ các tính toán chiến lược và bảo đảm lợi ích của mỗi bên. Mỹ có thể hướng tới một “mối quan hệ đối tác cạnh tranh” với Trung Quốc, trong đó, hai bên tìm cách tạo ra một môi trường an toàn trong đa dạng và hợp tác trong lĩnh vực hai bên cùng có lợi.

Trong thời gian tới, Mỹ sẽ thực hiện chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học - công nghệ với với ba trọng điểm: Thách thức sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; tiếp tục thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty của Trung Quốc; tăng cường vị thế của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Do vậy, thời gian tới, công nghệ sẽ tiếp tục là mặt trận quan trọng trong cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, ít nhất là trong tương lai ngắn hạn. Cạnh tranh chiến lược trong lĩnh vực công nghệ Mỹ - Trung Quốc sẽ dần chuyển từ đối đầu trực tiếp, gây thiệt hại cho đối thủ sang gián tiếp, thông qua các biện pháp tập hợp lực lượng, thiết lập tiêu chuẩn, tăng cường hơn nữa nội lực mỗi nước.

Có thể khẳng định, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về khoa học - công nghệ đang ngày càng gia tăng. Khi cạnh tranh gia tăng, sự tách biệt thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều quốc gia khác cũng tham gia cuộc đua cạnh tranh khoa học - công nghệ. Bằng nhiều phương thức triển khai cạnh tranh chiến lược, khoảng cách phát triển trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp, tạo ra mối đe dọa với Mỹ. Vì thế, nước Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và sau là Tổng thống Joe Biden đã coi Trung Quốc là đối thủ và khoa học - công nghệ - một trong những lĩnh vực cạnh tranh chủ đạo mang tính chiến lược. Sự gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra một số tác động tới các quốc gia trên thế giới. Sự không đồng nhất và biến đối khó lường trong phản ứng chính sách của các nước cho thấy cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về khoa học - công nghệ sẽ khó có kết quả rõ ràng trong tương lai.

Trong bối cảnh trên, Việt Nam cần nghiên cứu điều chỉnh chiến lược, đưa ra những chính sách phù hợp để tranh thủ tận dụng cơ hội nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể xảy ra từ cuộc cạnh tranh trên. Trên cơ sở “lợi ích quốc gia - dân tộc” là trên hết, Việt Nam cần đa phương hóa hợp tác về công nghệ với các nước, đồng thời, tăng cường nội lực khoa học - công nghệ của đất nước, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn./.

-----------------

(1) Xem: J. Mearsheimer: “The Tragedy of Great Power Politics” (Tạm dịch: Bi kịch của nền chính trị cường quyền), W. W. Norton & Company, 2001, https://samuelbhfaure.com/wp-content/uploads/2015/10/s2-mearsheimer-2001.pdf
(2) Xem: Ian Clay và R. Atkinson: “Wake Up, America: China Is Overtaking the United States in Innovation Capacity” (Tạm dịch: Nước Mỹ, hãy thức tỉnh: Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ về năng lực đổi mới), Information Technology & Innovation Foundation, ngày 23-1-2023, https://itif.org/publications/2023/01/23/wake-up-america-china-is-overtaking-the-united-states-in-innovation-capacity/
(3) Xem: Nam Đoàn: “Trân trọng quá khứ giúp Trung Quốc thành siêu cường khoa học công nghệ”, Báo điện tử Dân trí, ngày ngày 22-11-2023, https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tran-trong-qua-khu-giup-trung-quoc-thanh-sieu-cuong-khoa-hoc-cong-nghe-20230921114906404.htm
(4) Xem: Nguyễn Việt Lâm, Lê Trung Kiên: Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc thời đại 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 26
(5) Xem: Eric Schmidt: “The AI Revolution and Strategic Competition with China” (Tạm dịch: Cuộc cách mạng AI và cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc), Project Syndicate, ngày 30-8-2021, https://www.project-syndicate.org/commentary/ai-revolution-competition-with-china-democracy-vs-authoritarianism-by-eric-schmidt-2021-08
(6) Xem: Nguyễn Việt Lâm: “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 23-3-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825134/canh-tranh-my---trung-quoc-ve-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao--thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.aspx
(7) Alexander Chipman Koty: “Key Takeaways from Xi’s Speech at China’s 19th Party Congress” (Tạm dịch: Những điểm chính trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc), China Briefing, 19-10-2017, https://www.china-briefing.com/news/key-takeaways/
(8) Xem: “Trung Quốc với tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 23-7-2017, https://nhandan.vn/trung-quoc-voi-tham-vong-dan-dau-the-gioi-ve-tri-tue-nhan-tao-post298948.html
(9)
Xem: Xuân Chi: “Mỹ giáng đòn vào tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc”, Báo Tin tức điện tử, ngày 11-10-2019, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-giang-don-vao-tham-vong-tri-tue-nhan-tao-cua-trung-quoc-20191010211751655.htm
(10) Xem: Hosuk Lee-Makiyama và Robin Baker: “The paradox of Washington’s 5G sanctions” (Tạm dịch: Nghịch lý lệnh trừng phạt 5G của Washington), East Asia Forum, ngày 1-8-2022, https://eastasiaforum.org/2022/08/01/the-paradox-of-washingtons-5g-sanctions/
(11) Xem: Zachary Kallenborn: “The race is on: Assessing the US-China artificial intelligence competition” (Tạm dịch: Đánh giá cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc), Modern War Institute, ngày 16-4-2019, https://mwi.westpoint.edu/race-assessing-us-china-artificial-intelligence-competition/
(12) Xem: Nguyễn Nhâm: “5G - Tụ điểm cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung?”, Báo điện tử VOV, ngày 28-12-2018, https://vov.vn/cong-nghe/5g-tu-diem-canh-tranh-chien-luoc-my-trung-856687.vov
(13)
Xem: Phan Văn Hòa, “Ai sẽ thắng trong cuộc đua 5G giữa Mỹ và Trung Quốc?”, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 26-7-2020, https://vietnamnet.vn/ai-se-thang-trong-cuoc-dua-5g-giua-my-va-trung-quoc-660208.html
(14)
Xem: Nghi Vũ: “Trung Quốc xây dựng 3 triệu trạm phát, bỏ xa Mỹ trong cuộc đua 5G”, Báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 20-7-2023, https://tuoitre.vn/trung-quoc-xay-dung-3-trieu-tram-phat-bo-xa-my-trong-cuoc-dua-5g-20230720201732546.htm
(15) Xem: Phạm Mạnh Hùng: “Công - tư kết hợp, Trung Quốc vượt Mỹ về 5G”, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 3-11-2021, https://vietnamnet.vn/cong-tu-ket-hop-trung-quoc-vuot-my-ve-5g-788692.html
(16) Xem: “Phần lớn linh kiện trạm gốc 5G của Huawei có xuất xứ từ Mỹ”, Báo điện tử Dân Việt, ngày 12-10-2020, https://etime.danviet.vn/phan-lon-linh-kien-tram-goc-5g-cua-huawei-co-xuat-xu-tu-my 20201012173047673.htm
(17) Xem: “S.893 - Secure 5G and Beyond Act of 2020” (Tạm dịch: S.893 - Đạo luật bảo mật 5G và ngoài năm 2020), US Congress, ngày 23-3-2020, https://www.congress.gov/bill/116th-congress/senate-bill/893/text
(18) Xem: Việt Đức: “Mỹ tính dành 60 tỷ USD chi cho các nước thay thế thiết bị Huawei”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 7-12-2019, https://tapchitaichinh.vn/my-tinh-danh-60-ty-usd-chi-cho-cac-nuoc-thay-the-thiet-bi-huawei.html
(19) Xem: Nguyễn Tiến Dũng: “Cuộc chiến trong lĩnh vực Chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt”, Tạp chí An toàn Thông tin, ngày 3-9-2023, https://antoanthongtin.vn/an-ninh-quoc-phong/cuoc-chien-trong-linh-vuc-chip-ban-dan-giua-my-va-trung-quoc-ngay-cang-quyet-liet-109272
(20) Xem: Nguyễn Tiến Dũng: “Cuộc chiến trong lĩnh vực Chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt”, Tlđd
(21) Xem: Thế Vinh, “Trung Quốc: Nhập khẩu chip vượt dầu thô trong năm 2023”, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 13-1-2024, https://vietnamnet.vn/trung-quoc-nhap-khau-chip-vuot-dau-tho-trong-nam-2023-2238779.html
(22) Xem: Hà Thanh: “Cuộc đua công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng”, Tạp chí điện tử VnEconomy, ngày 12-9-2022, https://vneconomy.vn/cuoc-dua-cong-nghe-chip-giua-my-va-trung-quoc-ngay-cang-nong.htm
(23) Xem: Đỗ Mai Lan, Nguyễn Thanh Hải: “Cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực khoa học - công nghệ từ 2017 - nay: Thực trạng và triển vọng”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3 (126), (tháng 9-2021), tr. 101 - 124
(24) Antony J. Blinken, “A Foreign Policy for the American People” (Tạm dịch: Chính sách đối ngoại cho người dân Mỹ ), US Department of State, ngày 3-3-2021, https://www.state.gov/a-foreign-policy-for-the-american- people/.