Quá trình phát triển lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và một số gợi mở đối với Việt Nam
TCCS - Lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là thành quả cách mạng có ý nghĩa quan trọng, góp phần lãnh đạo toàn thể nhân dân các dân tộc Trung Hoa đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ kiểu mới, từ đó mở ra bước đi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc.
Quá trình phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc không phải là lý luận đơn nhất mà là một hệ thống lý luận được hình thành và hoàn thiện theo tiến trình biến đổi, phát triển của thực tiễn cuộc sống.
Hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bao gồm bốn giai đoạn, tương ứng với bốn thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bốn thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI năm 1978 cho đến nay đều đưa ra những nhận thức và phát triển lý luận mới để làm phong phú hơn chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Giai đoạn thứ nhất: Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Năm 1978, công cuộc cải cách mở cửa được tiến hành dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Hoa tiến hành tổng kết sâu sắc những kinh nghiệm từ ngày đầu thành lập đất nước Trung Quốc mới cho đến nay. Trên cơ sở đường lối “giải phóng tư tưởng”, “thực sự cầu thị”, chuyển đổi căn bản công tác Đảng và trọng tâm nhiệm vụ của đất nước từ chính trị sang lấy kinh tế làm trung tâm, thực hiện cải cách mở cửa, lý luận Đặng Tiểu Bình đã được xây dựng, tạo động lực mới cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
Lý luận Đặng Tiểu Bình gồm nhiều tư tưởng mới. Vấn đề cơ bản đầu tiên là làm rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội, đó là giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất, xóa bỏ bóc lột và sự phân hóa giàu - nghèo, đạt đến cùng giàu có, từ đó nâng cao nhận thức khoa học về chủ nghĩa xã hội. Lý luận Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc và đưa Trung Quốc phát triển, nhưng chủ nghĩa xã hội tất yếu phải phù hợp với chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của Trung Quốc, của thực tế Trung Quốc, mà thực tế lớn nhất của Trung Quốc là vẫn ở trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Do nhiều nhân tố trong nước và quốc tế, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại trong thời gian dài, tuy không phải là mâu thuẫn chủ yếu nhưng vẫn có khả năng bị kích hoạt. Mâu thuẫn chủ yếu trong giai đoạn này chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu văn hóa vật chất ngày càng tăng của nhân dân với sản xuất vật chất xã hội đã lạc hậu. Tất cả mọi vấn đề phải bắt đầu từ đây, phải căn cứ vào tình hình thực tế này để đề ra hướng giải quyết.
Cùng với sự phát triển của thực tiễn, khi nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, lý luận Đặng Tiểu Bình nêu rõ nội hàm tư tưởng trên một số bình diện.
Một là, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với tư cách là đường lối. Lý luận nêu rõ, chủ nghĩa Mác phải kết hợp chặt chẽ với thực tiễn Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội phải là chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của Trung Quốc kết hợp chặt chẽ với thực tiễn Trung Quốc.
Hai là, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với tư cách là chế độ. “Chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta là chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc của Trung Quốc, một nội dung quan trọng của đặc sắc này chính là xử lý vấn đề “một nước hai chế độ”(1).
Ba là, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với tư cách là sự nghiệp chính trị. “Từ năm 1978 đến nay, chúng ta đã mở ra sự nghiệp hoàn toàn mới, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của Trung Quốc” (2).
Giai đoạn thứ hai: Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân.
Tập thể lãnh đạo thế hệ thứ ba của Trung Quốc, mà hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đã kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, kiên trì cải cách mở cửa, tiến lên cùng thời đại và phát triển thành tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”: đó là đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho xu hướng tiến lên của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích căn bản của toàn thể quần chúng nhân dân. Về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chú trọng tìm hiểu mối liên hệ giữa đường lối phát triển, giai đoạn phát triển, chiến lược phát triển, mục đích căn bản, nhiệm vụ căn bản, lực lượng chủ đạo, chiến lược đối ngoại, cũng như xây dựng Đảng trong thời kỳ mới để quán triệt tư tưởng mới, quan điểm mới, luận giải mới nhằm tiến thêm một bước trong việc trả lời câu hỏi: “Thế nào là chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào?”. Về tăng cường đổi mới công tác xây dựng Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi một cách sáng tạo: Cần phải xây dựng một đảng như thế nào và làm thế nào để xây dựng Đảng trong điều kiện lịch sử mới? Điều đó đã thúc đẩy chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc tự hoàn thiện và phát triển “vũ khí lý luận tư tưởng” vững chắc cho mình. Đây cũng là tôn chỉ căn bản để thực hiện mục tiêu lớn là xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
Giai đoạn thứ ba: Quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào.
Tập thể lãnh đạo thế hệ thứ tư của Trung Quốc, mà hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, đã tiếp cận từ các góc độ kiên trì phát triển Đảng và phát triển đất nước Trung Quốc, tổng kết thực tiễn phát triển công cuộc cải cách mở cửa, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, bám sát nguyên lý phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác, kế thừa tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và đề xuất quan điểm phát triển khoa học. Trọng tâm của quan điểm này là trả lời các câu hỏi: Thế nào là phát triển, vì sao phải phát triển và phát triển như thế nào?
Nội dung chính của quan điểm này là nắm vững nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng cầm quyền là phát triển, tập trung tinh thần, ý chí mưu cầu phát triển, dốc sức nắm vững quy luật phát triển, sáng tạo lý luận phát triển, thay đổi phương thức phát triển, tháo gỡ những nút thắt trong phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển để chấn hưng đất nước.
Hạt nhân của quan điểm phát triển khoa học là lấy con người làm gốc. Muốn thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện con người thì phải lấy việc thực hiện tốt, bảo vệ tốt, phát triển tốt lợi ích căn bản của toàn thể quần chúng nhân dân làm điểm xuất phát và cũng là đích đến của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Phải tôn trọng địa vị chủ thể của nhân dân, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, bảo đảm quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân dân để đi con đường cùng ấm no, hạnh phúc.
Yêu cầu cơ bản của quan điểm phát triển khoa học là phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Phương pháp căn bản của quan điểm phát triển khoa học là trù tính tổng thể các mặt. Ý nghĩa cơ bản của quan điểm phát triển khoa học chính là tiến thêm một bước trong việc làm phong phú và phát triển hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Giai đoạn thứ tư: Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình.
“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn tổng kết thực tiễn, sáng tạo lý luận, trả lời một cách hệ thống các câu hỏi: Cần kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như thế nào? Làm thế nào để kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới?. Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác một cách hết sức rõ nét.
Về nội dung tư tưởng, những vấn đề cơ bản mà chủ nghĩa Mác đề xuất, đều được đề cập trong tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Một là, lý giải tư tưởng của chủ nghĩa Mác về quy luật phát triển của xã hội loài người. Chủ nghĩa Mác đã chứng minh một cách khoa học rằng, chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ diệt vong, chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ giành thắng lợi; tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới thể hiện rõ nhận thức sâu sắc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển chủ nghĩa xã hội; đi lên chủ nghĩa cộng sản là một quá trình lịch sử có tính giai đoạn, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ lý tưởng lâu dài của chủ nghĩa cộng sản với lý tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thống nhất chặt chẽ với những công việc mà Trung Quốc đang làm, kiên định “bốn tự tin” (tự tin đường lối, tự tin lý luận, tự tin chế độ, tự tin văn hóa), góp phần cống hiến cho sự phát triển chung. Văn kiện Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Người cộng sản Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có kết hợp nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của Trung Quốc, kết hợp với nền văn hóa truyền thống ưu tú Trung Hoa, kiên trì vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có thể trả lời đúng đắn những vấn đề trọng đại của thời đại và thực tiễn, mới có thể luôn luôn duy trì sức sống bền vững và năng động của chủ nghĩa Mác”(3).
Hai là, lý giải tư tưởng về kiên định lập trường nhân dân của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác có sức ảnh hưởng vượt qua biên giới các nước, vượt qua thời đại, bởi xuất phát từ lợi ích của nhân dân, chỉ rõ con đường đúng đắn dựa vào nhân dân để thúc đẩy lịch sử phát triển. Kiên trì lấy nhân dân làm gốc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lĩnh vực, nội dung tư tưởng. Lập trường chính trị nổi bật là lập trường nhân dân, sự chỉ đạo tập trung nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là hướng đến việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người dân; làm sáng tỏ quan điểm duy vật lịch sử rằng, lịch sử sáng tạo là của nhân dân, nhân dân chính là người anh hùng chân chính nhất; quan điểm cầm quyền lấy con người làm gốc, nhân dân là trên hết, “lập Đảng vì công, cầm quyền vì dân” chính là lý luận khoa học nói thay cho tiếng nói của người dân, “lập ngôn vì nhân dân” là lý luận khoa học được ghi sâu trong trái tim, khối óc người dân Trung Quốc. Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Tính nhân dân là thuộc tính bản chất của chủ nghĩa Mác, lý luận của Đảng là lý luận từ nhân dân, vì nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, thực tiễn mang tính sáng tạo của nhân dân là cội nguồn vô tận cho sáng tạo đổi mới lý luận. Mọi lý luận xa rời nhân dân đều là phai nhạt, yếu đuối, mọi lý luận không mang lại hạnh phúc cho nhân dân đều không có sức sống”(4).
Ba là, lý giải tư tưởng về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác cho rằng, sự vận động của các mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có mối quan hệ biện chứng với nhau, thúc đẩy toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) đến nay, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã xác định rõ mục tiêu tổng thể của cải cách sâu sắc, toàn diện chính là phát triển và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, kiên định quan điểm cải cách sâu sắc, toàn diện, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tạo đột phá mạnh vào các nhóm lợi ích, tiến hành điều chỉnh quan hệ sản xuất để kích thích phát triển sức sản xuất xã hội, tiến hành hoàn thiện kiến trúc thượng tầng thích ứng với yêu cầu phát triển của cơ sở kinh tế, làm cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc phù hợp với quy luật phát triển.
Bốn là, lý giải tư tưởng về dân chủ nhân dân của chủ nghĩa Mác. Nhân dân làm chủ là đặc trưng bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhiều lần khẳng định rằng, phong trào của giai cấp vô sản là phong trào độc lập của đại đa số người dân, mưu cầu lợi ích cho đại đa số người dân. Từ Đại hội XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng kiện toàn và bảo đảm hệ thống chế độ nhân dân làm chủ, kiên định đi theo đường lối phát triển chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.
Năm là, lý giải tư tưởng chủ nghĩa Mác về xây dựng văn hóa. Chủ nghĩa Mác cho rằng, xây dựng tư tưởng văn hóa được quyết định bởi nền tảng kinh tế, nhưng tư tưởng văn hóa cũng có tác động trở lại đối với nền tảng kinh tế. Tư tưởng quan trọng của Tập Cận Bình về xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa là sự kế thừa và phát triển lý luận văn hóa của chủ nghĩa Mác kết hợp với văn hóa truyền thống ưu tú của dân tộc Trung Hoa và tư tưởng xây dựng văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan điểm về văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt đến tầm cao mới, mở ra bước tiến mới cho lý luận văn hóa của chủ nghĩa Mác. Theo bình diện này, địa vị chủ đạo của chủ nghĩa Mác trên lĩnh vực ý thức hệ được củng cố và phát triển, quan điểm giá trị hạt nhân của chủ nghĩa xã hội ngày càng đi sâu vào các lĩnh vực phát triển xã hội. Sự chuyển hóa, phát triển mang tính sáng tạo của văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa kế thừa văn hóa cách mạng và văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần xây dựng tinh thần, giá trị và sức mạnh Trung Quốc trong thời đại mới.
Sáu là, lý giải sâu sắc tư tưởng về xây dựng xã hội của chủ nghĩa Mác. Ý tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về một xã hội tương lai sẽ là xã hội mà ở đó, tất cả mọi người đều có công ăn việc làm đầy đủ, có đời sống vật chất đầy đủ và có tự do đầy đủ. Từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, tư tưởng lấy nhân dân làm gốc đã thấm sâu vào trong suy nghĩ, hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bảy là, lý giải sâu sắc tư tưởng về xây dựng chính đảng chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác cho rằng, trong các giai đoạn phát triển của lịch sử đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, người cộng sản luôn đại diện cho toàn bộ lợi ích của phong trào đấu tranh này, luôn mưu cầu lợi ích cho tất cả mọi người. Sự nghiệp của Đảng và nhân dân phát triển đến giai đoạn nào, tầm cỡ nào thì việc xây dựng Đảng cần phải được đẩy mạnh phát triển đến giai đoạn đó, tầm cỡ đó. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo, quản lý Đảng nghiêm minh, toàn diện. Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ quan điểm lãnh đạo toàn diện cuộc đấu tranh vĩ đại, công trình vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại, giấc mơ vĩ đại, tăng cường “bốn ý thức”, kiên trì thúc đẩy công cuộc trị Đảng nghiêm minh toàn diện, kiên trì xác định công tác xây dựng Đảng là công tác quan trọng hàng đầu, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, làm sâu sắc hơn nhận thức trong toàn thể đảng viên về quy luật xây dựng chính đảng cầm quyền chủ nghĩa Mác.
Nội hàm chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Qua quá trình phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, có thể xét nội hàm khoa học của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc theo hai khía cạnh:
Thứ nhất, xét từ nghĩa rộng.
Nội hàm của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc chủ yếu chỉ các bình diện đường lối, hệ thống lý luận và chế độ. Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định rõ đường lối chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và đã luận giải một cách sáng tạo hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7-2011), Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã nêu rõ phạm trù chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lần đầu tiên luận giải rõ đường lối chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Dựa trên nội hàm xét về nghĩa rộng có thể thấy:
Một là, đường lối chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân các dân tộc Trung Quốc đã đứng vững trên tình hình thực tiễn của đất nước, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì nguyên tắc “bốn cơ bản”(5), kiên trì cải cách mở cửa, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển toàn diện con người, từng bước thực hiện toàn dân cùng giàu có, xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa văn minh, hài hòa, dân chủ, giàu mạnh.
Hai là, hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là sự kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học và tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.
Ba là, chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bao gồm chế độ chính trị Đại hội đại biểu nhân dân làm căn bản, chế độ đa đảng hợp tác và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ chính trị khu vực dân tộc tự trị và các tổ chức chính trị quần chúng tự trị, hệ thống pháp luật chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, chế độ công hữu làm chủ thể, chế độ kinh tế căn bản nhiều loại sở hữu cùng phát triển. Các thể chế kinh tế, thể chế văn hóa, thể chế xã hội,… đều được xây dựng dựa trên nền tảng các chế độ trên.
Thứ hai, xét từ nghĩa hẹp.
Nội hàm của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực cụ thể: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, Đảng lãnh đạo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự kết hợp chặt chẽ giữa thực tiễn, lý luận và chế độ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc đúc kết thực tiễn để “thăng hoa” thành lý luận và dùng lý luận để chỉ đạo thực tiễn mới; từ phương châm, chính sách đã đạt được hiệu quả của thực tiễn tiếp tục “chưng cất” thành những giá trị chế độ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là con đường tất yếu để thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là “phiên bản mới” của Trung Quốc hóa chủ nghĩa xã hội khoa học. Chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là bảo đảm căn bản cho sự tiến lên của công cuộc phát triển Trung Quốc.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ lịch sử lâu dài, vô cùng gian khổ. Những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội tất yếu phải xuất phát từ thực tiễn, từ thực tiễn đúc kết thành kinh nghiệm, từ thất bại khắc phục khó khăn để nhận thức rõ quy luật khách quan, từ đó có bước nhảy vọt trong nhận thức để đi tới thành công.
Một số gợi mở đối với Việt Nam
Một là, phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, sáng tạo lý luận là trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng. Trọng trách này không được lơ là, buông lỏng, cần phải kiên quyết, kiên trì trong tư tưởng lãnh đạo, trong ý chí quyết tâm, trong quan điểm, mục tiêu phấn đấu và trong phương thức triển khai, thực thi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học”(6). Khẳng định này của Tổng Bí thư càng như nhấn mạnh thêm trọng trách của Đảng trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, sáng tạo lý luận trong bối cảnh mới, tình hình mới.
Hai là, đổi mới tư duy, nghiên cứu phát triển lý luận mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(7). Cương lĩnh cũng chỉ rõ: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”(8). Quan điểm nhất quán của Đảng ta là đổi mới phải luôn dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với vận dụng sáng tạo, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nhân tố quyết định cho định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Ba là, phải luôn quán triệt tư tưởng, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường phát triển của Việt Nam. Đảng ta đã xác định rõ đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này đã thể hiện đậm nét nội dung cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đã rút ra bài học: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(9). Bài học kinh nghiệm này thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Đảng đã quán triệt đầy đủ quan điểm có giá trị chỉ đạo của V.I. Lê-nin về phát triển tất yếu, phương thức tiến lên chủ nghĩa xã hội: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(10). Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”(11).
Bốn là, cần tăng cường đi sâu nghiên cứu phát triển lý luận mới để làm sâu sắc hơn những luận điểm về: 1- Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; 2- Con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; 3- Chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Cần triển khai nghiên cứu sâu, cụ thể những câu hỏi lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”(12)./.
-----------------------
(1), (2) 习近平 “在庆祝中国共产党成立一百周年大会上讲话” (Tạm dịch: “Tập Cận Bình: Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc”), ngày 1-7-2021, https://www.gov.cn/xinwen/2021-07/01/content_5621847.htm
(3), (4) 习近平: 高举中国特色社会主义伟大旗帜為全国建设设会主义现代化国家而团结奋斗一在中国共产党第二十次全国代表大会上的报告 (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và đoàn kết xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại trên cả nước - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 25-10-2022, https://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm
(5) Bốn nguyên tắc cơ bản: 1- Kiên trì đường lối xã hội chủ nghĩa; 2- Kiên trì chuyên chính giai cấp vô sản; 3- Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; 4- Kiên trì chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông
(6), (12) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2022, tr.17, 17
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 50, tr. 610
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 131
(9) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 678
(10) 邓小平文选: 第二卷 (Tạm dịch: Các tác phẩm chọn lọc của Đặng Tiểu Bình: tập 2), 北京, 人民出版社, 1994
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.109
Hội thảo Lý luận lần thứ 17 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc  (31/03/2023)
Sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hiện nay  (29/03/2023)
Một số thành tựu nổi bật của Trung Quốc từ sau Đại hội XIX đến nay và tình hình Trung Quốc trước thềm Đại hội XX  (16/10/2022)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên