Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
TCCS - Với quan điểm cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương “trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”(1). Tư tưởng đó được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta xây dựng, củng cố nên đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ đối với nước ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ gắn bó, đoàn kết, thủy chung giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Những dấu ấn giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp góp phần tạo nền tảng tốt đẹp cho quan hệ Việt Nam - Pháp
Ngày 29-12-1920, cùng với đại đa số đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tại thành phố Tours), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ III (Quốc tế Cộng sản). Tại Đại hội, thiểu số cánh hữu của Đảng Xã hội Pháp đã rời phòng họp, đa số đại biểu còn lại quyết định thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc là một trong số những đại biểu đó, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc đã xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chủ trương liên hệ mật thiết với giai cấp vô sản Pháp. Với chủ trương sáng suốt đó, trong những năm 1930 - 1945, Việt Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, khởi nghĩa tháng Tám đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp: Đảng Cộng sản Pháp đã in các sách báo mác-xít, như Nhà nước và cách mạng, Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; Lao động làm thuê và Tư bản; Tiền công, giá cả và lợi nhuận; gửi theo nhiều đường dây bí mật đến Việt Nam, đồng thời phát động nhiều chiến dịch quyên góp tiền cho Cứu tế đỏ. Theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Pháp và một số trí thức tiến bộ, Ủy ban vận động toàn xá tù chính trị Đông Dương được thành lập ngày 9-3-1933 do P. Langevain làm Chủ tịch. Trong nhiều tháng, nhân dân lao động Pháp dưới sự lãnh đạo của Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi đòi ân xá cho hàng chục ngàn tù binh chính trị ở Đông Dương, đặc biệt đòi bỏ các án tử hình, quyên góp tiền gửi cho những người bị giam trong các nhà tù. Tại Hạ nghị viện Pháp, liên tiếp trong tháng 2 và 3-1933, M. Tôrê tố cáo sự khủng bố của bọn thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp đã cử những người con ưu tú của mình đến tận nơi để khích lệ phong trào và lấy những tư liệu sống cho công tác tuyên truyền. Tháng 8-1933, Pôn Vaiăng Cutuyriê, Ủy viên Ban chấp hành Đảng Cộng sản Pháp dẫn đầu Đoàn đại biểu của phong trào chống phát xít “Amxtécđam - Plâyen” trên đường sang Thượng Hải dự Hội nghị chống chiến tranh đã ghé qua Sài Gòn, tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tố cáo chính phủ thực dân và ủng hộ những nhà cách mạng Đông Dương…
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1945 - 1954), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết, hợp tác với nước Pháp, Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp tiến bộ, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ngày 25-11-1945, trong “Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc”, Trung ương Đảng phân tích những thay đổi căn bản về tình hình, xác định kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Về ngoại giao, Chỉ thị nêu rõ: “Kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”,…thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”(2). Trên cơ sở nhận định đó, Chỉ thị chỉ rõ: kẻ thù chính của dân tộc ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược và nhiệm vụ của cách mạng nước ta là phân hóa cao độ kẻ thù, đoàn kết, hợp tác với nước Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp tiến bộ.
Ngày 3-3-1946, trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, để tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc và có điều kiện để củng cố lực lượng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp, hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp và “liên lạc mật thiết ngay với Đảng Cộng sản Pháp để thực hiện sự hành động chung giữa ta và các đồng chí Pháp”(3). Sau khi Hiệp định sơ bộ được ký kết, ngày 9-3-1946, trong “Chỉ thị hòa để tiến”, Đảng chỉ rõ: “Ra sức tuyên truyền và gây cơ sở Đảng trong đám người Tây ở Đông Dương. Đồng thời mật thiết liên lạc với những phần tử hay đoàn thể cấp tiến Pháp ở Đông Dương và ở Pháp”(4) và hai Đảng Cộng sản Đông Dương và Pháp phải mật thiết liên lạc với nhau nhằm đoàn kết chặt chẽ chống bọn phản động Pháp.
Ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tháng 3-1947, Đảng Cộng sản Pháp ra Nghị quyết khẳng định sự cần thiết “phải chấm dứt những hành động cừu nghịch ở Đông Dương, phải nối ngay những cuộc đàm phán với Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở Hiệp định ngày 6-3-1946, phải tôn trọng độc lập và thống nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trong khuôn khổ liên bang Đông Dương và liên hiệp Pháp”. Từ ngày 11 đến ngày 20-3-1947, Quốc hội Pháp thảo luận sôi nổi về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là ngân sách chiến tranh Đông Dương. Cũng tại Quốc hội Pháp, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez đã lên án mạnh mẽ hành động phản bội và gây chiến của thực dân phản động Pháp ở Đông Dương, buộc Thủ tướng Ramadier phải hứa trước dư luận là đàm phán với Hổ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các đại biểu của cánh tả yêu cầu Chính phủ Pháp phải dàn xếp với Hồ Chí Minh và Việt Minh, những người đại biểu thực sự của Việt Nam. Tháng 4-1950, tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí Maurice Thorez nhấn mạnh việc “đấu tranh cho hòa bình tức khắc ở Việt Nam, ra sức ủng hộ quyền tự do của nhân dân Việt Nam gồm quyền tách khỏi nước Pháp, quyền hoàn toàn độc lập, tức là đấu tranh chống chiến tranh thế giới thứ ba”(5). Đảng Cộng sản Pháp luôn khẳng định, việc chống lại chiến tranh ở Việt Nam không phải là một ủng hộ mà là một nhiệm vụ và “công cuộc chống chiến tranh ở Việt Nam không thể đứng trong thời kỳ tuyên truyền nữa, mà phải chuyển qua thời kỳ tổ chức và hành động”(6).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, năm 1950, một phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân Pháp diễn ra mạnh mẽ. Tiêu biểu là hành động của Raymon de Dien và Henri Martin; các cuộc đình công quyết liệt của công nhân các binh xưởng không chịu chế tạo vũ khí, phương tiện chiến tranh đưa sang Đông Dương; công nhân bốc vác vứt vũ khí, phương tiện xuống biển, không chịu bốc vác lên tàu; công nhân trên các chuyến tàu chống lệnh trưng tập chở binh lính và vũ khí phương tiện sang Đông Dương. Tháng 1-1950, Đảng Cộng sản Pháp cử đồng chí Léo Figuere, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Nghị sĩ Quốc hội, thư ký Đoàn Thanh niên Cộng hòa Pháp sang thăm Việt Nam để tìm hiểu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Hiểu rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, sau chuyến thăm của đổng chí Léo Figuere, ngày 16-11-1950, các đoàn thể nhân dân Pháp bao gồm: Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên Dân chủ Pháp ra thông cáo chung tuyên bố vì Hồ Chủ tịch đã đưa những điều kiện cụ thể để lập lại hòa bình cho Léo Figuere - Tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Dân chủ Pháp, nên họ sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho việc đàm phán hòa bình giữa Pháp và Việt Nam. Các tổ chức dân chủ Pháp quyết định đòi gặp Le Tourneau, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, để chất vấn vấn đề này và tuyên bố Chính phủ Pháp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đổ máu, nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh vô nhân đạo chống lại quyền lợi của nước Pháp. Cùng với Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, nhân dân các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Phát huy những thành công trong quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thúc đẩy hơn nữa quan hệ với nước Pháp và nhân dân Pháp: “Mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nước Pháp cần tiếp tục dùng hình thức thương lượng và đàm phán để điều chỉnh, tránh quá găng để đến nỗi tan vỡ. Tranh thủ đôi bên đều cửa đại biểu đóng ở kinh thành của nhau. Nên mở rộng quan hệ kinh tế, mậu dịch với Pháp trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Quan hệ với nhân dân nước Pháp cần được tăng cường. Tranh thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Pháp cử đoàn đại biểu văn hóa hữu hảo sang phỏng vấn lẫn nhau. Xây dựng Hội Việt Nam - Pháp ở Việt Nam và Pháp - Việt hữu hảo ở Pháp để tăng cường thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Pháp. Làm cho nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp liên hợp chặt chẽ hơn nữa để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, phản đối và ngăn ngừa sự gây hấn của Mỹ và phe thân Mỹ”(7).
Trong bài viết “Nhân dân Việt Nam và nhân dân nước Pháp” (đăng trên báo Nhân Dân ngày 7 và 8-9-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân Pháp đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam: “Chúng ta nhớ đến Đảng Cộng sản Pháp…đã lãnh đạo nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vì vậy mà nhiều lãnh tụ và đảng viên bị bắt, bị tù…công nhân và nông dân Phá đã hăng hái tham gia cuộc đấu tranh ấy…những nhân sỹ tiến bộ Pháp (gồm có những nhà khoa học, những nhà trí thức và nhiều thủ lãnh công giáo), đã phản đối chiến tranh…phụ nữ dân chủ Pháp (gồm nhiều người có chồng con đi lính sang Việt Nam và các em thiếu nữ) đã ủng hộ cuộc kháng chiến của ta…”(8). Kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tháng 12-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài ca ngợi và biết ơn sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Người nêu rõ: “Từ ngày thành lập, Đảng ta luôn luôn được Đảng Cộng sản Pháp hết lòng giúp đỡ,…Từ ngày hòa bình trở lại, quan hệ giữa hai Đảng anh em càng thêm gắn bó, như: Đoàn đại biểu do đồng chí Giannét Vécmétsơ lãnh đạo sang thăm nước ta năm 1958. Vừa rồi Đoàn đại biểu do đồng chí Biu đứng đầu đã tham gia Đại hội lần thứ III của Đảng ta,…Dù đế quốc Pháp đã áp bức bóc lột nhân dân ta suốt 80 năm và đã phá phách đất nước ta trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn, song nhân dân hai nước Việt Nam - Pháp vẫn giữa vững mối tình thân thiện. Đó là do hai Đảng ta đã luôn luôn giáo dục nhân dân hai nước thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản”(9).
Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã nhiều lần lên án việc đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, tuyên bố ủng hộ lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản và tình cảm đặc biệt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, những người cộng sản và giai cấp công nhân Pháp đã sát cánh cùng nhân dân lao động Pháp trong các cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình chống sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Tổng liên đoàn Lao động đã có “những ngày”, “những tuần hành động” để ủng hộ nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phong trào nhân dân Pháp ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ ngày càng phát triển. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lên án những tội ác dã man của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã diễn ra, những “ngày toàn nước Pháp đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam”, những “ngày đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam”, những “tuần đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược Mỹ” đã trở thành những cuộc biểu thị mạnh mẽ tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam. Hàng nghìn công nhân và nhân dân Pháp đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ, hô vang khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, “Đế quốc Mỹ là bọn giết người”… Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp, của Liên đoàn Lao động Pháp và của nhiều tổ chức hòa bình, tiến bộ khác, nhân dân lao động Pháp đã nhiều lần xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam: Tháng 3-1966, khoảng 5 vạn phụ nữ Pháp đã tham gia vào 600 “đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức. Ngày 26-11-1967, hưởng ứng lời kêu gọi của phong trào thanh niên cộng sản Pháp, 7 vạn thanh niên nam nữ từ khắp nước Pháp đã đổ về Thủ đô Paris và hô vang khẩu hiệu “Thanh niên Pháp ủng hộ Việt Nam”. Tháng 3-1968, 18 tổ chức chính trị, xã hội Pháp đã quyết định tổ chức “Ba ngày ủng hộ Việt Nam”; “Ngày trí thức Pháp ủng hộ Việt Nam”; 8 vạn quần chúng nhân dân Paris đã rầm rộ xuống đường, giương cao cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hô vang “Mỹ phải chấm dứt xâm lược”, “Johnson là tên giết người”, “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng”. Nhiều trí thức nổi tiếng như Jean-Paul Sartre, Laurent Schwartz, Simone de Beauvoir…, đã tích cực tham gia hoạt động của Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam (Tòa án được thành lập tháng 11-1966 bởi Bertrand Russel và Jean-Paul Sartre, đây là diễn đàn tư tưởng của các trí thức tiến bộ đấu tranh cho hòa bình). Những lời đanh thép các trí thức trên đã tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời là tiếng nói của những người trí thức tiến bộ Pháp ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nói riêng, cuộc đấu tranh cho hòa bình của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên toàn thế giới nói chung. Để biểu thị tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trong năm 1968, dưới sáng kiến của Đảng Cộng sản Pháp, phong trào quyên góp, ủng hộ (tiền bạc, thuốc men, tặng phẩm,…) giúp đỡ nhân dân Việt Nam đã có tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân Pháp. Phong trào quyên góp “Một chuyến tàu ủng hộ Việt Nam” đã thu được 400 triệu phrăng, vượt quá mức 200 triệu do Đảng Cộng sản Pháp đề ra lúc đầu”(10). Sự giúp đỡ về vật chất, sự ủng hộ về tinh thần của Đảng Cộng sản và nhân dân lao động Pháp đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng của tình đoàn kết quốc tế của nhân dân lao động, góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, tạo nền tảng tốt đẹp cho mối quan hệ hai nước Việt Nam - Pháp.
Nâng tầm phát triển quan hệ đối tác chiến lược đến đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp hiện nay
Với mối quan hệ gắn bó, đoàn kết và thủy chung, với sự nỗ lực của hai nước, ngay trong những năm tháng Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, đất nước chưa thống nhất, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 4-1973). Từ đó, Pháp đi đầu trong việc khai thông quan hệ và xóa nợ cho Việt Nam (giải quyết nợ với các nước là thành viên Câu lạc bộ Paris); trong thập niên 80 khi Việt Nam bị bao vây, cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo với Việt Nam (mở lại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDCAF tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 7-1982). Tháng 3-1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterand thăm Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chuyến thăm nước Pháp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn trong quan hệ hai nước, đánh dấu bước phát triển mới trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong mối quan hệ gắn bó đó, Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam: “Hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của hai nước và hiện có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được mở rộng với sự tham gia của 20 địa phương của Pháp và 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam”(11).
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp hiện nay, phát huy những quan hệ truyền thống sẵn có, hai nước luôn tăng cường quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững. Về quan hệ hợp tác thương mại, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu, cụ thể là: Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt mức độ tăng trưởng bình quân 15,7% năm giai đoạn 2011 - 2019; năm 2022 tăng 11,1%; 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023(12). Về hợp tác đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 633 dự án đầu tư còn hiệu lực. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan), mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro. Hợp tác giáo dục, đào tạo, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Hằng năm, Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, số lượng du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng lên 40% trong 10 năm và hiện có trên 10.000 sinh viên (số lượng du học sinh Việt Nam tại Pháp đứng thứ ba trên thế giới); Pháp dành 5 triệu euro ngân sách hằng năm cho giao lưu văn hóa giữa hai nước và đứng thứ bảy trong các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào du lịch nhiều nhất tại Việt Nam, với 14 dự án có tổng giá trị 188 triệu USD(13).
Với những sự ủng hộ, giúp đỡ, gắn bó thân thiết giữa hai Đảng hơn 100 năm qua (1920 - 2024) cùng những quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa,…giữa hai nước Việt Nam và Pháp trong hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024) và hơn 10 năm đối tác chiến lược (1913 - 2024) đã tạo những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ hai Đảng, hai nước. Đó là cơ sở vững chắc để trong chuyến thăm Pháp (từ ngày 6 đến 7-10-2024) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước: Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và trở thành nước thứ 8 có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Trải qua 100 năm, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, thủy chung giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Pháp và giữa nhân dân hai nước không ngừng được nuôi dưỡng, vun đắp bởi các thế hệ, nhất là lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam và Pháp. Mối quan hệ đó trải qua thời gian, vượt qua khó khăn, thử thách, ngày càng bền vững, phát triển và là “minh chứng sống động cho tình đoàn kết quốc tế giữa những người cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về vật chất và tinh thần mà những người cộng sản và nhân dân Pháp đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, góp phần tích cực phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp”(14)./.
------------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 8, tr. 5
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 27
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 46
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 87
(5) Học viện Quan hệ quốc tế: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1945 - 1954, Tài liệu tham khảo nội bộ, tr. 431
(6) Học viện Quan hệ quốc tế: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1945 - 1954, tlđd, tr. 432
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 304
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 48 - 49
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 739 - 740
(10) Báo Nhân Dân, ngày 14-2-1968, tr. 4, lưu tại Thư viện quốc gia Việt Nam
(11) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 378 - 379
(12) Uyên Hương: Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Pháp, Báo VietnamPlus, ngày 3-10-2024, https://www.vietnamplus.vn/thuc-day-hop-tac-thuong-mai-dau-tu-giua-hai-nuoc-viet-nam-va-phap-post981025.vnp#google_vignette
(13) Minh Anh: Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 4-10-2024, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-phap-di-vao-chieu-sau-thiet-thuc-679688.html
(14) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2023, tr. 383
Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay  (01/12/2024)
Giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong thời kỳ mới  (05/11/2024)
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Cộng hòa Pháp  (07/10/2024)
Chính sách đối ngoại của Pháp trong bối cảnh mới  (19/09/2024)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay