Dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn

Nguyễn Trung Kiên
Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an
20:04, ngày 15-09-2024

TCCS - Xác định vai trò quan trọng của đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện rõ tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta. Trong thời kỳ Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn đã có những bước chuyển đầy ấn tượng, ghi nhiều dấu mốc quan trọng trong nền đối ngoại nước nhà.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan trưng bày sách về Ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12-2023 _Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao với các nước lớn

Nhìn lại lịch sử, mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước lớn, như Trung Quốc, Nga, Mỹ xuất hiện từ rất sớm. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã có mối liên hệ cách đây khoảng 2.200 năm kể từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, sau khi đất nước giành độc lập vào nửa đầu thế kỷ X đến trước khi rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ XIX(1). Đối với Mỹ, dấu ấn bang giao chính thức đầu tiên giữa hai nước là sự kiện hai lần vua Tự Đức cử Bùi Viện xuất dương sang Mỹ thực hiện sứ mệnh ngoại giao vào giai đoạn 1873 - 1875. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhằm xác lập tiến trình ngoại giao của Việt Nam với các nước lớn trong giai đoạn trước lịch sử hiện đại.

Kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao kiệt xuất, người đặt nền móng đầu tiên cho nền đối ngoại của Việt Nam - đã đưa ra chiến lược, sách lược ngoại giao của Việt Nam, nhất là đối với các nước lớn... Trên cơ sở nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực mở ra mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc mở rộng, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước lớn, Việt Nam cần thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam tự cô lập, tách rời dân tộc với thế giới. Người luôn nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2). Chính vì vậy, Người chủ trương đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của hai nước lớn trong khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc.

Vào thời kỳ đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam xác định rõ chính sách đối với Trung Quốc “là phải thân thiện”. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (năm 1949), ngày 18-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Nhân dịp này, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Tiếp đó, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc vào năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình”(3). Năm 1963, chính sách thân thiện hợp tác được Người tiếp tục phát triển, nâng lên thành tình “đồng chí anh em” trong dịp đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vào tháng 5-1963.

Kể từ khi Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30-1-1950, việc tăng cường và củng cố tình hữu nghị với Liên Xô được xác định là vấn đề trọng tâm, then chốt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ tháng 12-1954 đến tháng 8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón 105 đoàn của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Đồng thời, Việt Nam cũng cử nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội sang thăm Liên Xô để bàn thảo những vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, ký kết nhiều văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Trong năm 1965, Liên Xô đã ký kết với Việt Nam nhiều hiệp định, nhất là các hiệp định viện trợ không hoàn lại về kinh tế, kỹ thuật cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3-2001, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Liên Xô và Trung Quốc là hai đồng minh lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, đặt trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều xung đột giữa các nước lớn, giữa các nước tư bản chủ nghĩa với các nước xã hội chủ nghĩa và trong nội tại các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, nhất là khi mâu thuẫn Liên Xô - Trung Quốc nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt, thì việc triển khai chiến lược đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam gặp không ít khó khăn. Song, nhờ kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú, ứng xử ngoại giao khôn khéo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua thách thức, củng cố, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị lâu đời với Liên Xô và Trung Quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương ứng phó nhanh nhạy, mềm dẻo với mọi biến chuyển của tình hình. Quán triệt phương châm “chưa hiểu thì chưa nên bày tỏ thái độ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt thời kỳ mâu thuẫn Liên Xô - Trung Quốc diễn ra gay gắt, trên các phương tiện truyền thông chính thống, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự cân bằng trong lập trường, quan điểm trước vấn đề này. Đặc biệt trong những năm 1960 - 1964, khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô cao trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn mềm mỏng và kiên trì khẳng định: “Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và cho quần chúng nhân dân lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, luôn luôn tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước anh em khác”(4).

Không chỉ vậy, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc có những tác động lớn đến phong trào cách mạng chung của thế giới cũng như cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử khéo léo, với uy tín cao, kết hợp giải thích, thuyết phục và tìm cách hòa giải vấn đề này. Trong bài phát biểu trước hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế được nhóm họp vào ngày 2-11-1960 tại Thủ đô Moscow, Người nhấn mạnh: “Trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Mác - Lê-nin trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc có một tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc... Chúng ta đều là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế. Để đánh thắng kẻ thù chung chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ”(5). Nhờ đó, Người đã đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận về Tuyên bố chung của Hội nghị quan trọng này. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khéo léo tỏ rõ lập trường quan điểm của mình.

Có thể nói, trong mối quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa cương và nhu, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo, vô cùng linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, từ đó nhận biết, nắm bắt thời điểm để xử lý thành công quan hệ Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Những quan điểm, phong cách ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu cho đường lối đối ngoại của Việt Nam ngày nay trong bối cảnh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong quan hệ với Mỹ, trước tình hình đế quốc Mỹ vẫn âm mưu xâm lược Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ hòa bình, thống nhất non sông. Trong thư gửi những người đứng đầu của 70 quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn giải quyết hoà bình, thì họ phải công nhận lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chứng tỏ điều đó bằng việc làm thật sự; phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(6). Nêu cao tính chính nghĩa của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Tại Mỹ, đã có hàng trăm cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của hàng chục vạn người dân Mỹ tiến bộ. Năm 1967, khi tương quan lực lượng trên chiến trường Đông Dương có lợi cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tạo dựng cục diện “vừa đánh, vừa đàm” với Mỹ, mở đầu cuộc đàm phán Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Mặc dù hơn nửa thế kỷ sau, nguyện vọng “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được hiện thực hóa, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Người là minh chứng rõ nét về đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước” trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.

Việc ký kết thành công Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 là một bước ngoặt quan trọng để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những thay đổi vượt bậc. Ngày 11-7-1995, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ khi Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước được rộng mở trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Những cột mốc ngoại giao trong lịch sử đã cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, nền ngoại giao hiện đại Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với những bước đường cách mạng của cả dân tộc, đóng góp xứng đáng vào những thành quả cách mạng của đất nước(7). Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế.

Kế thừa nền tảng vững chắc

Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “ngoại giao cây tre”; xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”,gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, “thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(8); qua đó, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tháng 11-2022 _Ảnh: Tư liệu

Đối với Trung Quốc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vận dụng cách ứng xử mềm dẻo và linh hoạt, vừa kiên định bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác. Hiện nay, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tháng 10-2011, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai nước đã ký kết Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều này thể hiện chủ trương của Việt Nam trong giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tháng 4-2015, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 7 văn bản hợp tác và ra Thông cáo chung, khẳng định chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.

Tháng 11- 2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Tiếp đó, tháng 1-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước đều nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo; sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 15 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực và ra Thông cáo chung bao gồm 10 điểm. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm ngay sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp tục cho thấy sự trân trọng đặc biệt của nhà lãnh đạo Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Diễn ra ngay sau khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2022), chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11-2022 là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới, như kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết quản lý tốt bất đồng trên biển thông qua đối thoại và tham vấn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá chuyến thăm “thể hiện sự coi trọng cao độ của chúng ta đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam”(9). Nhân chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao tặng Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người bạn tốt, chân thành” của Trung Quốc, “người định hướng và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời đại mới”. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình cảm sâu sắc, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam, bao hàm niềm hy vọng của hai Đảng và nhân dân hai nước cùng theo đuổi tương lai tốt đẹp.

Tiếp nối những kết quả đạt được, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12-2023, nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023), hai bên đã làm sâu sắc hơn quan hệ với Tuyên bố chung về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, trên cơ sở 16 chữ (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”) và 4 tốt (“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”).

Đối với quan hệ Việt Nam - Nga, trên chặng đường 74 năm hữu nghị, mối quan hệ giữa hai nước luôn nồng ấm, tin cậy, ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ... Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu và Nga cũng đặc biệt coi trọng Việt Nam trong “chính sách hướng Đông” của mình. Giai đoạn từ 2011 - 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện 7 chuyến thăm lẫn nhau. Trong đó, Tổng thống Nga V. Putin có 5 chuyến thăm Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017, 2024 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 2 chuyến thăm Nga vào các năm 2014, 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư, năm 2018 _Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm Nga chính thức đầu tiên vào năm 2014 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được các chính trị gia, giới học giả, chuyên gia đánh giá là dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Chuyến thăm Nga chính thức lần thứ hai vào năm 2018 là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội XII của Đảng cũng là chuyến thăm của nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thăm Nga sau khi Tổng thống Nga V. Putin tái đắc cử nhiệm kỳ mới, tiếp tục cho thấy Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, xem Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của mình và mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất, hiệu quả với Nga trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Đáng chú ý, tháng 6-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đón tiếp Tổng thống Nga V. Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga  (1994 - 2024). Đây được xem là sự kiện đối ngoại mang tính biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, theo đó, hai bên nhất trí về những định hướng lớn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Chuyến thăm không chỉ khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Nga, mà còn thể hiện sự khéo léo của Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh địa - chính trị phức tạp.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn 2011 - 2024 đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, đánh dấu “chuyến thăm lịch sử” mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung, thể hiện quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác về các vấn đề khu vực, quốc tế.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ B. Obama đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào tháng 5-2016. Trong chuyến thăm, Tổng thống Mỹ B. Obama công bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn trong quan hệ hai nước. Hơn một năm sau (tháng 11-2017), Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trở lại Việt Nam vào tháng 2-2019, nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần thứ hai tại Thủ đô Hà Nội, Tổng thống Mỹ D. Trump đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, coi đây là trọng tâm, động lực tăng cường quan hệ đối tác toàn diện.

Tháng 9-2023, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden là một bước ngoặt lịch sử, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đó, vào năm 2015, khi ông J. Biden là Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã từng có cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng. Tại buổi tiếp, ông J. Biden đã trích dẫn hai câu Kiều, đó là: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Năm 2023, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông J. Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn duy trì mối quan hệ với tư cách cá nhân chứ không chỉ quan hệ giữa hai quốc gia. Sự phát triển trong quan hệ hai nước có thể được xem là một “kỳ tích” của nghệ thuật ngoại giao thông qua những minh chứng cụ thể mà Việt Nam đạt được sau nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó có dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, tháng 12-2023 _Ảnh: Tư liệu

Tiếp tục nâng tầm quan hệ với các nước lớn trên nền tảng tư tưởng “ngoại giao cây tre”

Kế thừa di sản ngoại giao của các thế hệ đi trước, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam.

Lấy hình ảnh cây tre làm biểu tượng bản sắc ngoại giao Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem đến một cách nhìn mang tính hình ảnh nhưng phổ quát và bao trùm về chiến lược ngoại giao của dân tộc. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong những chuyển dịch hiện nay của thời đại. Trong thế giới biến động và khó lường, thách thức luôn luôn đan xen với cơ hội, rủi ro luôn đi kèm với thời cơ”(10).

Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao của đất nước, như Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn phát huy truyền thống hòa hiếu của cha ông, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt trong phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn cho thấy cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà ngoại giao xuất sắc, là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, là cầu nối giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập niên. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm mức toàn diện với ba quốc gia có những khác biệt lớn về quan điểm chính trị cho thấy ý nghĩa lý luận toàn diện, sâu sắc của tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Gần 13 năm trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, di sản trong công tác đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là vô giá. Trong gần ba nhiệm kỳ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày hôm nay qua những thành tựu của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới.

Nếu như gần 40 năm đổi mới đã tạo tiền đề vững chắc, thì gần một thập niên qua đã đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trên tất cả lĩnh vực. “Cây tre Việt Nam” luôn bám rễ chắc, thân cành luôn uyển chuyển trước mọi biến động của thế giới. Những thành tựu đó mang đậm dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ ở tầm đối tác chiến lược với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Kế thừa, phát huy và nâng tầm nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên dấu ấn ngoại giao của Việt Nam với thế giới, đặc biệt trong 10 năm qua, khi Việt Nam bước sang giai đoạn mới về phát triển, hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc kế thừa và phát huy di sản đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, sẽ góp phần giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.

----------------------------------

(1) Xem: Văn Tân: Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (Từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XVIII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 32 - 41
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 147
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 12
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 604
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, tr. 723 - 724
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 34
(7) Xem: Vũ Trọng Lâm (Chủ biên): Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 131
(8) Xem: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 14-12-2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm
(9) Xem: “Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nói về chuyến thăm đầu tiên sau Đại hội XX: Phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam”, ChinaNews, ngày 31-10-2022
(10) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023