Việt Nam - Lào: Mối quan hệ đặc biệt được tạo dựng từ trong lịch sử
TCCS - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (18-7-1977 - 18-7-2022), nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào là cơ sở quan trọng để tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa hai nước vì sự trường tồn và phát triển phồn vinh của hai dân tộc.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử sinh tồn của hai quốc gia - dân tộc và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào luôn đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống sự xâm lược và ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, mặc dù các phong trào đấu tranh đều bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt, song nhân dân hai nước Việt Nam - Lào vẫn luôn sát cánh bên nhau. Điều này cho thấy việc xây dựng khối đại đoàn kết đấu tranh trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của hai dân tộc. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở đầu những trang sử vẻ vang của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lý luận, đường lối và lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển của dân tộc Việt Nam, cũng như của nhân dân các bộ tộc Lào; đồng thời, mở ra một thời kỳ mới, một sự chuyển biến về chất trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào. Với chính cương cách mạng và khoa học, chứa đựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thấm đượm tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đã tạo ra một xung lực mới cho mối quan hệ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào trên con đường đoàn kết đấu tranh, hòa bình và gắn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 với việc xác định đường lối cách mạng vô sản đã mở đầu cho những trang sử quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kiến trúc sư” vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt đó. Đồng chí Kaysone Phomvihane từng trân trọng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối”(1).
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp và phát triển trong tiến trình lịch sử.
Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, dày công vun đắp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), hai nước có hoàn cảnh lịch sử tương đồng, cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản cũng là con đường phù hợp để giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ. Tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một chính đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự ra đời và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó có một bộ phận hoạt động ở Lào) đã tác động mạnh mẽ, là một nhân tố quyết định sự chuyển biến của phong trào cách mạng Lào. Trong phong trào đấu tranh của nhân dân Lào, nhiều người con ưu tú của nhân dân Lào được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây chính là những “hạt giống đỏ” để từng bước xúc tiến thành lập Xứ bộ Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Từ ngày 6-9 đến 9-9-1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao tại Lào đã được thành lập. Trên các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra những quyết định quan trọng nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và dẫn đường cho cách mạng hai nước giành thắng lợi. Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12-10-1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào lên tầm liên minh chiến đấu.
Trong kháng chiến chống ngoại xâm (1945 - 1975), ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước tương trợ Việt Nam - Lào và Hiệp định về tổ chức liên quân Việt Nam - Lào, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào. Với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào giai đoạn từ năm 1945 - 1975, hai nước đã liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia. Quan điểm “Chúng tôi coi hạnh phúc và thịnh vượng của anh em Lào cũng như của mình”(2) của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình” được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào lĩnh hội, tiếp tục soi rọi trong tiến trình lịch sử của hai dân tộc.
Đối với Hoàng thân Souphanouvong, sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, bắt đầu sự nghiệp cách mạng. Ngay từ khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng chỉ huy quân đội trong Chính phủ Lào Issara (tháng 10-1945), Hoàng thân Souphanouvong đã khẳng định: “Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự, cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu”(3). Đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước (giữa năm 1950) và Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tháng 12-1975), ông tiếp tục lãnh đạo cách mạng Lào bước sang trang sử mới và nâng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.
Đối với Chủ tịch Kaysone Phomvihane, ngay từ cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946(4) đến khi đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Pathet Lào (tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, diễn ra từ ngày 22-3 đến 6-4-1955) đã khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết giữa hai dân tộc và xây dựng về tổ chức, lực lượng vũ trang đối với cách mạng Lào. Tiếp đó, nhằm tăng cường giáo dục và tuyên truyền cho thế hệ trẻ, qua đó vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1990), Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhấn mạnh: “Để thực hiện di huấn của Bác Hồ, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sĩ, anh hùng, với bao nước mắt đau thương của những bà mẹ, người chị, bao công sức và tâm huyết của đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước Việt - Lào, mà không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi”(5).
Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, nhân dân hai nước có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên minh chiến đấu Việt - Lào để cùng chung sức đẩy mạnh kháng chiến chống kẻ thù chung. Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào sát cánh cùng lực lượng vũ trang Pathet Lào trong cuộc kháng chiến. Quyết tâm, hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc Hiệp định Genève năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.
Từ sau năm 1954, tinh thần đoàn kết Việt Nam - Lào càng được hun đúc, tôi luyện khi hai nước hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra.
Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy vinh quang, góp phần to lớn giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2-12-1975 tại Lào.
Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”(6). Còn Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn khẳng định: “Chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí với sự hiểu biết sâu sắc mối quan hệ đặc biệt đã gắn bó hai Đảng, hai dân tộc Lào, Việt Nam chúng ta suốt 25 năm chiến đấu sống chết có nhau chống kẻ thù chung. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng... Trên thế giới ít có những đảng hiểu nhau sâu sắc, đoàn kết với nhau chặt chẽ, ruột thịt như hai Đảng chúng ta. Có thể nói đây là một mẫu mực trong quan hệ giữa các đảng anh em”(7).
Bước vào thời kỳ mới xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1975 đến nay), quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV (tháng 12-1976) của Đảng, đã khẳng định: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào”(8).
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào là việc hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước, nêu rõ: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”(9). Việc ký kết các hiệp ước còn có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.
Từ năm 1986, Việt Nam và Lào cùng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được lãnh đạo hai nước chú trọng nâng lên tầm cao mới, trong điều kiện lịch sử chung của hai nước đều kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi nước, kết hợp thỏa đáng thông lệ và tập quán quốc tế với tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, có sự ưu tiên cho nhau, phù hợp với khả năng của mỗi nước.
Bước sang thế kỷ XXI, đây là giai đoạn hai nước tăng cường đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên nền tảng hai quốc gia đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Những thành quả từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước.
Trong chuyến thăm và dự Tết cổ truyền của Lào từ ngày 12 đến ngày 13-4-2014, tại cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng sẽ làm hết sức mình cùng với Lào giữ gìn, vun đắp... mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc”(10).
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới (tháng 11-2016), hai Đảng đã ra Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai bên khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc”(11).
Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhìn lại truyền thống quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, đồng chí Thongloun Sisoulith đã khẳng định: “Trong giai đoạn cùng chiến đấu khốc liệt, hàng chục nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã gác lại gia đình, họ hàng, quê hương của mình, cùng nhau vác súng, đeo ba lô hành quân vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ sang nước Lào chúng tôi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cùng quân đội và nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân kiểu cũ và mới. Có thể nói rằng, hầu hết các chiến trường trên mảnh đất Lào, chiến sĩ Lào - Việt Nam đều cùng nhau chiến đấu, chung một chiến hào, góp phần làm cho lực lượng cách mạng Lào từng bước giành được chiến thắng, hoàn toàn giành được thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền và ra đời nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2-12-1975” và chính “Sự gian khổ, sự kiên cường và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hai nước chúng ta trước đây đã để lại di sản quý báu, đó là đất nước Lào, Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ; nhân dân có cuộc sống yên bình trên Tổ quốc mến yêu... Đây cũng chính là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong của chúng ta”(12).
Nhìn lại lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua hơn 9 thập niên kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái. Mối quan hệ này đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau”. Vì vậy, “chúng tôi nguyện sẽ làm hết sức mình cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bảo vệ, giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”(13).
Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai và là hành trang quý giá, là cơ sở vững chắc để các thế hệ Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”./.
-----------------------
(1) Kaysone Phomvihane: “Bài phát biểu tại cuộc mít-tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Nhân dân, ngày 19-5-1990, tr. 1, 3
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 416
(3) Trần Đương: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2007, tr. 20
(4) Thời gian đồng chí Kaysone Phomvihane tham gia công tác Ban Liên lạc Lào - Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội
(5) Kaysone Phomvihane: “Bài phát biểu tại cuộc mít-tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tlđd, tr. 2 - 3
(6) Trích lược một số ý kiến phát biểu của anh Bảy (đồng chí Kaysone Phomvihane), anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) tại cuộc hội đàm giữa hai Trung ương Đảng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1971
(7) Trích lược một số ý kiến phát biểu của anh Bảy (đồng chí Kaysone Phomvihane), anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) tại cuộc hội đàm giữa hai Trung ương Đảng, Tlđd
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004, t. 37, tr. 618
(9) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, t. II, tr. 44-45.
(10) “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”, Báo Quân đội nhân dân, số 19043, ngày 14-4-2014, tr. 7
(11) “Tuyên bố chung Việt Nam - Lào”, Báo Quân đội nhân dân, số 19990, ngày 26-11-2016, tr. 4
(12) Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ngày 29-6-2021), Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 7-2021, tr. 6
(13) Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ đón tiếp Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào sang thăm chính thức Việt Nam, Hà Nội (ngày 28-6-2021), Báo Nhân dân, ngày 29-6-2021. tr. 3
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào  (10/01/2022)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp và hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh  (09/01/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên