TCCSĐT - Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật; Tiếp tục đề xuất giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính trong công tác Đảng; Nghệ An phấn đấu đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh vào hoạt động năm 2019; Tiền Giang sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phù hợp thực tế địa phương; Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với dân vận chính quyền; Sau sắp xếp lại, tỉnh Quảng Trị giảm 19 xã, hàng trăm thôn, khu phố; là những tin nổi bật tuần qua.

Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật

Chiều ngày 08-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng khẳng định xây dựng, hoàn thiện thể chế là một khâu đột phá. Nhắc nhở các bộ ngành về một số vấn đề như còn tình trạng “giao khoán” công tác xây dựng thể chế cho thứ trưởng, vụ trưởng, thậm chí chuyên viên, có dự thảo còn làm sơ sài, thiếu trách nhiệm, đưa tư duy cũ hay tư tưởng bao cấp, xin cho, lợi ích nhóm vào trong văn bản, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tập trung hơn, dành nhiều thời gian hơn cho công tác này, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm chất lượng thể chế.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền. Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm, với tinh thần là triệt để cải cách hành chính, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm, việc gì địa phương làm tốt hơn, cấp dưới làm nhanh hơn mà vẫn bảo đảm kiểm soát tốt quyền lực thì phân cấp, không ôm đồm lên trung ương, lên cấp trên. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết dự án có nhiều nội dung nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng như không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ công chức, viên chức; tạo sự đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn; cùng các quy định mới về thu hút nhân tài, xét nâng ngạch công chức, bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu với cán bộ, công chức bị kỷ luật… Thủ tướng đã cho ý kiến về một số nội dung cụ thể trong dự án Luật này.

Tiếp tục đề xuất giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, chuẩn bị báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, trao đổi với Ngân hàng Thế giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Báo cáo môi trường kinh doanh 2020; làm việc với Bộ Tài chính để xác định cơ quan chủ trì theo dõi về chỉ số mua sắm công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong quá trình đánh giá các hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm tính bền vững của những cải cách này tại Việt Nam; tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách mạnh mẽ các chỉ số môi trường kinh doanh trong những năm tiếp theo.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc thực hiện kịp thời, đầy đủ Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01-01-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; kiểm tra việc chuẩn bị chu đáo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính trong công tác Đảng

Chiều 05-3, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết đợt thi đua cao điểm các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính trong công tác Đảng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự hội nghị.

Trong đợt thi đua cao điểm do Ban Thường vụ Thành ủy thành phố phát động từ tháng 11-2018 đến cuối tháng 01-2019 với chủ đề “Mỗi đơn vị quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, mỗi tổ chức chính trị - xã hội, mỗi tổ chức Đảng có một giải pháp thiết thực, một sáng kiến cải cách hành chính góp phần giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, có 78/79 đơn vị khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đăng ký thi đua, với 157 giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính được triển khai thực hiện. Trong đó, các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính bám sát chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị theo hướng rút ngắn quy trình, thủ tục, hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giảm phiền hà cho cơ sở.

Định hướng công tác cải cách hành chính trong Đảng trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều trước tiên các cấp ủy Đảng cần làm là phải số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ; hợp lý hóa, chuẩn hóa quy trình công tác Đảng và số hóa, xây dựng biểu mẫu các quy trình đó; từng bước thực hiện giao dịch không giấy, thay vào đó là thực hiện qua phương tiện điện tử; sử dụng phần mềm xây dựng kế hoạch công tác và theo dõi tiến độ thực hiện. Các cấp ủy cần xây dựng cơ sở dữ liệu đặc thù để việc khai thác và thực hiện công việc được thuận tiện nhất; cải tiến, tối thiểu hóa các tờ trình thông qua thực hiện và đẩy mạnh phân cấp một cách hợp lý; tổ chức giám sát của Thường vụ cấp ủy có hiệu quả cao.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công tác cải cách hành chính thời gian qua được đẩy mạnh và đã có công cụ để ghi nhận phản ánh, đánh giá sự hài lòng của người dân, nhưng thực tế vẫn chưa được nhiều người dân tham gia đánh giá. Vì vậy trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp để ghi nhận thực chất ý kiến đánh giá của người dân. Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị phải hướng dẫn để người dân biết sử dụng, thực hiện; các quận huyện phải có hệ thống ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân.

Nghệ An: Đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh vào hoạt động năm 2019

Tỉnh Nghệ An đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để trong năm 2019 đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động. Việc đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh vào hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như hiện nay và đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công ra đời sẽ công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản danh mục thủ tục hành chính và hỗ trợ những trường hợp không có khả năng tiếp cận với thủ tục hành chính. Cùng với đó sẽ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Nghệ An hiện có 21/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 6 cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với 1.359 thủ tục hành chính đang được áp dụng thực hiện. Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ quá hạn nhiều; chất lượng và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại một số cơ quan, đơn vị chưa cao, chưa đảm bảo thời gian theo quy định, tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn ít. Mặt khác, vẫn có trường hợp thu thêm các thành phần hồ sơ không quy định tại quyết định công bố; việc thu phí, lệ phí chưa thực sự đảm bảo tính chính xác, minh bạch; công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết chưa đầy đủ, thiếu chính xác.

Tiền Giang sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phù hợp thực tế địa phương

Sáng 08-3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo lộ trình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, nhất là thực hiện các mô hình thí điểm; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, ngành và các đơn vị sự nghiệp công lập theo nội dung đề án. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang mô hình tự chủ hoàn toàn về tài chính và thực hiện xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp có khả năng, đủ điều kiện xã hội hóa cao. Ngoài ra, còn tập trung xây dựng, triển khai đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện và sáp nhập các ấp, khu phố chưa đủ điều kiện theo quy định khi có chủ trương của Trung ương.

Thực hiện các nghị quyết Trung ương, Tiền Giang đúc kết được những bài học kinh nghiệm qúy. Đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động và kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách sâu rộng, đạt kết quả tốt. Tỉnh ủy cũng xác định lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trong đó những việc đã rõ và đủ điều kiện thì thực hiện ngay. Đối với những việc mới chưa được quy định nhưng phù hợp thì thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, không máy móc, cầu toàn, nóng vội… Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng nên tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị. Ngoài ra, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, điển hình làm tốt.

Qua thực tế triển khai, Tiền Giang cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về tổ chức bộ máy, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông trong toàn hệ thống chính trị; cần quy định thống nhất, liên thông về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Ngoài ra, có quy định cụ thể, hướng dẫn về trình tự, thủ tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và sáp nhập ấp, khu phố…

Vĩnh Long: Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với dân vận chính quyền

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Long thực hiện cải cách hành chính gắn với dân vận chính quyền, đồng thời thực hiện tốt phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Đó là một trong những yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long tại Hội nghị tổng kết cải cách hành chính năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 được UBND tỉnh tổ chức chiều 06-3.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Phi Hùng, năm 2018, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thủ tục hành chính từng bước được chuẩn hóa, cập nhật và công khai kịp thời. Trong năm, tỉnh đã ban hành 77 Quyết định để công bố mới 598 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 272 thủ tục và bãi bỏ 760 thủ tục. Hiện Vĩnh Long đang áp dụng 1.852 thủ tục hành chính; trong đó cấp tỉnh là 1.415 thủ tục, cấp huyện 285 thủ tục và cấp xã 152 thủ tục. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước đã nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 497 thủ tục và dịch vụ công mức độ 4 là 29 thủ tục.

Tổ chức bộ máy các cấp của tỉnh được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối bên trong theo lộ trình, có định lượng và thời gian thực hiện. Cụ thể, các sở, ban ngành của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, kiện toàn lại các phòng chuyên môn bên trong. Đối với đơn vị sự nghiệp, tỉnh đã sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long trực thuộc Sở Y tế, trên cơ sở sát nhập 4 trung tâm (Y tế dự phòng, Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phòng, chống HIV/AIDS); thành lập Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao trực thuộc UBND cấp huyện trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và Đài truyền thanh cấp huyện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, sớm đưa Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động, từ đó đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức kịp thời, đúng quy định. Các ngành, địa phương hoàn chỉnh việc xây dựng, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, vị trí việc làm theo nguyên tắc một việc giao cho một đơn vị quản lý thực hiện; rà soát, tinh giản biên chế những cán bộ, công chức yếu kém, thiếu trách nhiệm; sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Dự kiến sau sắp xếp lại, tỉnh Quảng Trị giảm 19 xã, hàng trăm thôn, khu phố

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố. Theo đó, đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Trị thực hiện từ quý IV-2019, chậm nhất đến quý I-2020 hoàn thành. Để đạt được mục tiêu này, ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của pháp luật liên quan.

Đối với sắp xếp thôn, khu phố, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4-2019, Sở Nội vụ tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục, đề án sắp xếp thôn, khu phố của các huyện, thành phố, thị xã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, Sở Nội vụ tỉnh tham mưu Ủy ban nhân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sắp xếp thôn, khu phố. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ra quyết định sắp xếp thôn, khu phố, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bàn tổ chức triển khai thực hiện. Thời gian hoàn thành sắp xếp thôn, khu phố từ tháng 4 đến tháng 6-2019.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Quảng Trị sẽ sáp nhập 23 xã, thị trấn; trong đó 21 xã, thị trấn không đạt 50% về hai tiêu chí diện tích và dân số, 1 xã có dân số dưới 1.000 người, 1 xã có diện tích dưới 3 km2. Sau khi sáp nhập, tỉnh giảm được 19 đơn vị cấp xã, số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập còn lại là 122 đơn vị. Tỉnh cũng sáp nhập 730 thôn, khu phố có quy mô số hộ dưới 50% theo quy định. Sau khi sáp nhập, tỉnh giảm từ 300 - 400 thôn, khu phố; số thôn, khu phố còn lại sau sáp nhập từ 600 - 750 thôn, khu phố./.