TCCSĐT - Sau hàng loạt diễn biến căng thẳng kể từ vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ và Pakistan đã có những tuyên bố thiện chí nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Trước cảnh báo của giới phân tích về nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan, những tín hiệu tích cực trên mở ra cơ hội đối thoại giữa hai quốc gia láng giềng này.

Những tín hiệu tích cực hạ nhiệt căng thẳng Ấn Độ và Pakistan

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết, Pakistan sẽ không cho phép các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ của nước này như là “một bàn đạp” để chống lại bất kỳ một quốc gia nào, trong đó có Ấn Độ. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pakistan Qureshi mới đây nêu rõ, Pakistan đã có một chính phủ mới với tư duy và cách tiếp cận mới cùng các chính sách rất rõ ràng. Ông cũng cho biết các lực lượng an ninh Pakistan đã kiểm soát được “trung tâm đầu não” của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM). Liên quan đến quan hệ với Ấn Độ, Ngoại trưởng Pakistan nêu rõ, chính phủ nước này đã có một cách tiếp cận mới và xung đột chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, New Delhi sẵn sàng hỗ trợ Pakistan đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này. Người đứng đầu Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng cho rằng hoặc Pakistan sẽ phải tự diệt trừ khủng bố trên lãnh thổ của mình hoặc các cơ sở khủng bố sẽ bị xóa sổ khỏi Pakistan và không lực lượng nào có thể ngăn chặn điều này.

Thực tế cho thấy, căn nguyên gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Ấn Độ và Pakistan vốn bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir đã kéo dài hơn 70 năm qua. Bên cạnh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, yếu tố tôn giáo cũng tác động nhất định đến quan hệ hai nước. Pakistan luôn đòi chủ quyền ở khu vực Kashmir khi hơn 60% dân số tại bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là người Hồi giáo Ấn Độ. Trong khi đó, các lực lượng Hồi giáo cực đoan, một số có căn cứ ở Pakistan, thường xuyên tiến hành các vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ Ấn Độ để thực hiện ý đồ đòi ly khai tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ cáo buộc Pakistan huấn luyện, trang bị vũ khí và giúp các tay súng này thâm nhập vào Jammu và Kashmir, trong khi Pakistan kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Những vấn đề căng thẳng trên khiến các vụ đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashimir liên tiếp tái diễn, ước tính đã khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng trong 30 năm qua.

Trước nỗ lực trong những ngày gần đây từ cả hai phía Pakistan lẫn Ấn Độ nhằm giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại, theo các chuyên gia phân tích, hai nước cần có những bước đi mềm mỏng. Với Ấn Độ, New Delhi cần mềm mỏng hơn và ngồi vào bàn đàm phán với Pakistan, bởi việc Ấn Độ cáo buộc Pakistan chứa chấp và tài trợ các nhóm phiến quân hoạt động chống Ấn Độ đang khiến khả năng đối thoại giữa hai nước trở nên khó khăn. Lâu nay, Ấn Độ đã yêu cầu Islamabad cấm các tổ chức khủng bố chống Ấn Độ hoạt động trên đất Pakistan và yêu cầu này của Ấn Độ cũng đã nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ cũng cần xử lý thỏa đáng hơn vấn đề ly khai ở Kashmir, nơi đa số người dân theo đạo Hồi và một bộ phận thanh niên đang bị cực đoan hóa.

Về phía Pakistan, nước này cần dứt khoát không cho phép lãnh thổ nước mình bị lợi dụng cho các hoạt động chống phá Ấn Độ, đồng thời thực hiện cam kết trấn áp các nhóm khủng bố. Pakistan đã phải chịu sức ép quốc tế liên quan vấn đề này, song hiếm khi Islamabad phản ứng tích cực. Trước mắt, để làm dịu tình hình, Pakistan có thể thực hiện một số bước đi dù mang tính hình thức, như cấm hoạt động một số nhóm bị coi là khủng bố. Islamabad từng áp dụng biện pháp này hồi năm 2003 khi Mỹ gây sức ép yêu cầu Ấn Độ và Pakistan xuống thang khi bờ vực chiến tranh đang cận kề. Dẫu còn không ít chông gai, song với việc Ấn Độ và Pakistan cùng thể hiện nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng bước đầu đã cho thấy thiện chí của cả hai bên.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện: Bước phát triển mới trong quan hệ Indonesia - Australia

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Sau nhiều tháng trì hoãn do căng thẳng ngoại giao, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia và Australia (IA-CEPA) đã được hai nước ký kết. Hiệp định hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Indonesia và Australia bắt đầu đàm phán về IA-CEPA kể từ năm 2010 và theo lộ trình ký kết trước cuối năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hoãn do căng thẳng ngoại giao giữa hai nước sau khi Thủ tướng Australia S. Morrison hồi tháng 10-2018 đề xuất chuyển Đại sứ quán của Australia tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Đề xuất của ông S. Morrison đã vấp phải những chỉ trích kịch liệt từ phía Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trì hoãn, ngày 04-3-2019, tại thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Thương mại Indonesia E. Lukita và Bộ trưởng Thương mại Australia S. Birmingham đã ký IA-CEPA, khép lại 9 năm đàm phán giữa hai nước.

Sau khi IA-CEPA được ký kết, bộ trưởng thương mại hai nước đều đánh giá đây sẽ là công cụ giúp hai nước thắt chặt quan hệ song phương. Bộ trưởng Thương mại Australia Birmingham nhấn mạnh thỏa thuận này đánh dấu “một chương mới của sự hợp tác” giữa Australia và Indonesia, giúp hai nước châu Á - Thái Bình Dương xích gần nhau hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Lukita cũng nhấn mạnh IA-CEPA có thể mang lại sự thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế hai nước.

Với IA-CEPA, hiệp định này giúp các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục của Australia hưởng lợi nhờ dễ dàng tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Các nông dân chăn nuôi gia súc Australia sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường 260 triệu dân của Indonesia. Tương tự, IA-CEPA cũng sẽ giúp hoạt động của các doanh nghiệp Indonesia trong các ngành dệt may, máy móc tự động, xuất khẩu gỗ, hàng điện tử và dược phẩm được thúc đẩy nhờ thị trường Australia rộng mở hơn đối với nước này.

Indonesia và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1949. Trước đây, Australia thi hành chính sách thân phương Tây, còn Indonesia là nước theo Phong trào không liên kết. Chính vì vậy, hai nước đã từng có mâu thuẫn kéo dài trong lịch sử quan hệ. Năm 2010, quan hệ hai nước mới có những bước cải thiện khi nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Cả Australia và Indonesia hiện nay đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD năm 2017 và Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia. Với dân số hơn 250 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu mới nổi khoảng 50 triệu người, nền kinh tế Indonesia sẽ tạo ra những cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp Australia. Việc Hiệp định IA-CEPA vừa được hai nước ký kết sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Nga tăng cường hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh

 
 Ngoại trưởng Nga S. Lavrov. Ảnh: TTXVN

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov thực hiện chuyến thăm đến một số quốc gia vùng Vịnh như Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), từ ngày 03 đến 07-3-2019. Chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ giữa Nga với các nước vùng Vịnh, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Nga tại khu vực địa chiến lược này.

Qatar là chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov. Tại đây, Ngoại trưởng Nga đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Qatar Sheik Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế song phương, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay giữa Qatar với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, Ngoại trưởng S. Lavrov kêu gọi tất cả các bên cần làm việc với nước trung gian hòa giải là Kuwait để tìm kiếm một giải pháp. Về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Nga tuyên bố Nga không loại trừ khả năng các quan sát viên mới sẽ tham gia vào tiến trình Astana nhằm thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria. Đề cập tới vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng S. Lavrov nhấn mạnh, Nga và Mỹ cần hợp nhất các nỗ lực để giúp người dân Afghanistan khởi động đối thoại dân tộc nhằm giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Nam Á này, đồng thời khẳng định thế đối đầu không mang lại hiệu quả gì.

Tại Saudi Arabia, ông S. Lavrov đã có cuộc gặp với Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Saudi Arabia Adel Al-Jubeir. Hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ngoại trưởng S. Lavrov hy vọng sự phát triển quan hệ giữa Moscow và Riyadh sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Về tình hình Syria, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Saudi Arabia Adel Al-Jubeir khẳng định, Saudi Arabia cam kết ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Arab này. Bàn về vấn đề hòa bình Trung Đông, Ngoại trưởng S. Lavrov cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine, song ông cho rằng hai bên dường như vẫn “chưa sẵn sàng”. Theo ông S. Lavrov, các vấn đề ở khu vực Trung Đông, trong đó có cuộc đấu tranh chống khủng bố và tình hình ở Syria và Yemen chỉ có thể được giải quyết bằng việc thực thi các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Sau Qatar và Saudi Arabia, Ngoại trưởng S. Lavrov tiếp tục thăm Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chuyến công du 4 nước vùng Vịnh lần này của Ngoại trưởng S. Lavrov diễn ra trong bối cảnh vai trò của Nga tại khu vực đang ngày càng được củng cố. Bên cạnh mục đích thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Nga và các quốc gia vùng Vịnh, mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hóa, các nhà phân tích nhận định, việc Nga ngày càng cải thiện quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh cho thấy một chiến lược “khôn khéo” của Nga trong việc nâng tầm ảnh hưởng với một số quốc gia, vốn được xem là đồng minh của Mỹ ở khu vực này.

Thực tế thời gian gần đây, Mỹ đang ấp ủ tham vọng thành lập một liên minh quân sự giữa các nước Arab theo mô hình Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phản ứng trước những động thái trên của Mỹ, Nga cho rằng Mỹ đang tìm cách vẽ lại bức tranh địa - chính trị, song theo một cách gây cản trở sự phát triển tự nhiên của các sự kiện và ngăn chặn sự hình thành các trung tâm tăng trưởng mới. Vì vậy, chuyến thăm 4 nước Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và UAE lần này của Ngoại trưởng S. Lavrov được xem là nhằm khẳng định lại vai trò của Nga trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Ngày 04-3, giới chức Mỹ cho biết, nước này có ý định chấm dứt ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ D. Trump. Trong một tuyên bố, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết, nước này có ý định chấm dứt cơ chế ưu đãi dành cho nước đang phát triển Ấn Độ trong khuôn khổ Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) do nước này không còn tuân thủ những tiêu chí đặt ra. USTR nêu rõ Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại, “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đến hoạt động thương mại của Mỹ.

Cùng ngày, Tổng thống D. Trump tuyên bố ông dự định chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ theo GSP, trong đó cho phép lượng hàng hóa trị giá 5,6 tỷ USD của Ấn Độ xuất sang thị trường Mỹ không bị đánh thuế.

Trong một tuyên bố được coi là phản hồi thông báo của Mỹ về việc chấm dứt cơ chế ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ GSP, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (CIM) ngày 05-3 khẳng định các loại thuế quan của nước này đều nằm trong mức giới hạn theo các cam kết với WTO, và Ấn Độ sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề liên quan đến thương mại. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ A. Wadhawan khẳng định nước này không đưa vấn đề áp thuế trả đũa vào các cuộc thảo luận với Mỹ. Cũng theo ông A. Wadhawan, tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Ấn Độ sang Mỹ đạt gần 80 tỷ USD, song trị giá lượng hàng hóa được hưởng ưu đãi không bị đánh thuế theo GSP chỉ khoảng 5,6 tỷ USD.

Trước đó, sau khi Mỹ cho rằng mức thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Ấn Độ gây bất lợi cho Mỹ, tháng 01-2018, Chính phủ Ấn Độ đã gửi văn bản tới Văn phòng đại diện thương mại Mỹ nhằm nêu bật quan điểm của New Delhi cho rằng, cán cân thương mại hiện tại không phản ánh đúng quan hệ giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh cán cân thương mại này có lợi cho cả hai nước. Văn bản nêu rõ, hiện tại kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ cao hơn kim ngạch nhập khẩu, song cần nhìn nhận hiện trạng này trong mối liên hệ với các yếu tố khác như sinh viên Ấn Độ du học tại Mỹ và đóng góp cho nền kinh tế Mỹ. Tương tự, các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm và thu nhập cho nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Washington cần nhìn vào danh mục các mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, trong đó có những nguyên liệu phục vụ đầu vào của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ. Văn bản trên cũng liệt kê các lĩnh vực mà Mỹ hiện có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Ấn Độ như hàng không và năng lượng.

Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) được Mỹ đưa ra từ năm 1976 cho phép những nước được miễn thuế xuất khẩu “một số sản phẩm nhất định” vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Ấn Độ là nước được hưởng ưu đãi nhiều nhất trên thế giới theo chương trình GSP. Tuy nhiên, chương trình GSP không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề trước quyết định nâng mức áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng thép và nhôm lần lượt lên 25% và 10% của Mỹ vào năm 2018.

Trước việc Mỹ tuyên bố xem xét chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan cho Ấn Độ, các chuyên gia kinh tế nhận định, bất kỳ động thái của Mỹ nhằm hạn chế hàng hóa Ấn Độ tiếp cận thị trường Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè đầu tư vào Ấn Độ. Nếu Mỹ loại bỏ chương trình GSP dành cho Ấn Độ, sức hấp dẫn của Ấn Độ như là một trung tâm sản xuất của thế giới sẽ suy giảm. Thêm vào đó, hàng tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng một khi quyết định chấm dứt ưu đãi thương mại của Mỹ với Ấn Độ có hiệu lực.

Câu chuyện Huawei hay “chiến tranh lạnh công nghệ”

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Vụ việc bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) - bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ được giới phân tích cho là có liên quan đến quyền lực trong lĩnh vực công nghệ.

Tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei là nhà cung cấp giải pháp viễn thông hàng đầu thế giới, đồng thời là một trong những thương hiệu điện thoại thông minh lớn trên toàn cầu. Tập đoàn này được thành lập năm 1987 và có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc. Hiện Huawei đang mở rộng sang những lĩnh vực mới như phát triển điện tử, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, đặc biệt là phát triển mạng 5G.

Theo các nhà chuyên môn, Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông chính cho các nhà khai thác tiến hành thử nghiệm 5G tại Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Các nguồn tin trong ngành cho biết những đối thủ cạnh tranh không thể sánh với Huawei về chi phí và khả năng công nghệ. Huawei cũng là nhà cung cấp chính cho các công ty khai thác viễn thông tại những thị trường mới nổi, như Campuchia, nơi mạng 4G hiện tại của Huawei được xem như một phần không thể thiếu.

Huawei có một bước đường phát triển nhanh chóng, doanh số trong năm 2018 lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Ngay từ năm 2004, tập đoàn này đã có mặt tại 14/19 mạng lưới hạ tầng cơ sở 3G đang xây dựng trên thế giới, với lợi nhuận kiếm được ở ngoài nước nhiều hơn cả ở trong nước, nhất là được hệ thống ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ hơn 10 tỷ USD để chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa tới hồi kết, câu chuyện của Huawei nổi lên như là tâm điểm của một cuộc chiến quốc tế. Giới phân tích nhận định, thế giới viễn thông đang bị cuốn vào một cuộc chiến nóng bỏng vượt ra ngoài khuôn khổ cạnh tranh công nghệ. Không còn chỉ giới hạn ở một cuộc chạy đua công nghệ ở tầm công ty, vụ Huawei phản ánh cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc xem ai kiểm soát được thế giới tương lai mà nhật báo Le Figaro của Pháp ví như là “Cuộc chiến tranh lạnh công nghệ”.

Các nhà quan sát phỏng đoán rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu như một bước leo thang quan trọng trong xung đột thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn đang có nguy cơ đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế. Trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống D. Trump yêu cầu Bắc Kinh phải dừng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ dành cho những ngành chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot) - hai lĩnh vực mà Huawei đang đặt nhiều tham vọng, đồng thời là trọng tâm trong chiến lược công nghệ mang tên “Made in China 2025” của Trung Quốc./.