Thỏa thuận thương mại tự do Nhật Bản - EU: Bước tiến nhiều mong đợi?
TCCSĐT - Tháng 7-2018, tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã ký Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) Nhật Bản - EU (JEFTA), tạo nên một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới.
Việc ký kết FTA giữa hai đối tác lớn trên thế giới được nhận định vừa có tác động tích cực đến thương mại quốc tế, tới nền kinh tế các quốc gia thành viên, vừa gửi thông điệp đến với thế giới về tầm quan trọng của tự do thương mại trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Một số nội dung chính của Thỏa thuận
Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu đàm phán JEFTA từ năm 2013. Hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - EU (tháng 7-2017) và nhất trí được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017. Đến tháng 7-2018, hai bên chính thức khép lại các cuộc đàm phán thương mại trong 05 năm bằng việc ký kết Thỏa thuận. Tuy nhiên, văn kiện sẽ còn phải được trình lên Quốc hội Nhật Bản và Nghị viện châu Âu phê chuẩn để có hiệu lực, dự kiến vào cuối tháng 3-2019.
Theo các nội dung trong Thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% tất cả những mặt hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp. Điều này sẽ giúp các sản phẩm bơ, sữa, phomai, rượu vang, các sản phẩm nông nghiệp và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản. Tokyo cũng công nhận một số tiêu chuẩn quốc tế về dược phẩm và các sản phẩm y tế nhằm tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các sản phẩm của châu Âu. Ngoài ra, các công ty của EU có thể tham gia đấu thầu những hồ sơ đấu thầu mua sắm công, như trong lĩnh vực đường sắt.
Phía EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99% các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, đề ra lộ trình xóa bỏ thuế đối với những sản phẩm chủ lực của Nhật Bản, như sau 08 năm đối với mặt hàng ô-tô và sau 06 năm đối với mặt hàng vô tuyến truyền hình kể từ khi JEFTA có hiệu lực. Khi thỏa thuận này có hiệu lực, 90% tổng số thuế quan còn lại giữa EU và Nhật Bản được loại bỏ và sau giai đoạn chuyển tiếp, hầu như tất cả các rào cản thương mại sẽ được bãi bỏ. Mức thuế này cũng áp dụng đối với mặt hàng xe cơ giới, giúp các nhà xuất khẩu EU có thể tiết kiệm được khoảng 01 tỷ euro. Đồng thời, các nhà sản xuất ô-tô của Đức có thể áp đặt lại thuế quan, nếu các nhà sản xuất ô-tô của Nhật Bản quá thành công và xâm nhập thị trường EU.
Nguyên nhân khiến Nhật Bản đẩy nhanh ký kết Thỏa thuận
Thứ nhất, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã thực hiện chính sách cởi mở, bao gồm cả thương mại, lao động và du lịch, quyết tâm bãi bỏ bảo hộ đối với nhiều mặt hàng nhạy cảm, đi ngược lại với chính sách bảo hộ, khắt khe của các chính quyền tiền nhiệm.
Thứ hai, Nhật Bản nhận thấy rằng, thị trường nội địa đang dần “già” hóa, không còn nhiều động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thị trường Nhật Bản còn đang phụ thuộc nhiều vào thương mại cũng như mạng lưới cung ứng và sản xuất quốc tế của các công ty Nhật Bản. Như vậy, việc ký kết FTA với EU hay ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh nguy cơ phụ thuộc vào thị trường Mỹ - quốc gia đang có những động thái bảo hộ thương mại.
Thứ ba, Mỹ liên tục gây sức ép về thương mại, áp thuế tự vệ đối với hàng hóa của các bạn hàng lớn của Nhật Bản, như Trung Quốc, EU, khiến căng thẳng thương mại giữa các bên ngày càng leo thang, thậm chí đe dọa dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại. Điều này khiến Nhật Bản và EU hết sức quan ngại, khiến hai bên nhượng bộ lẫn nhau trong đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận.
Đánh giá của Nhật Bản và EU về JEFTA
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, việc ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật Bản - EU cho thế giới thấy quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của Nhật Bản và EU là dẫn đầu thương mại tự do cũng như dẫn dắt thế giới đi theo hướng này trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại gia tăng.
Ca ngợi JEFTA là hiệp định thương mại tự do song phương lớn nhất từ trước tới nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, việc ký kết JEFTA là thông điệp thương mại tự do và công bằng, là “tín hiệu mạnh mẽ” chống lại xu hướng bảo hộ thương mại. Trong khi đó, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố, việc ký kết này không chỉ là thông điệp mạnh mẽ về tương lai của thương mại tự do và công bằng, mà còn thể hiện rằng thương mại không chỉ là thuế quan hay rào cản, mà cốt lõi là ở những giá trị đem lại và việc tìm kiếm giải pháp sao cho các bên cùng có lợi. Còn người phát ngôn của EC Margaritis Schinas khẳng định, JEFTA là hiệp định quan trọng nhất từ trước đến nay mà EC tham gia đàm phán, và được ký kết trong bối cảnh Mỹ không “mặn mà” hoặc rút khỏi nhiều hiệp định thương mại tự do.
Những tác động của việc Nhật Bản và EU ký JEFTA
Việc Nhật Bản VÀ EU ký kết JEFTA có ý nghĩa cả về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, việc JEFTA được ký kết sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế phát triển thông qua việc dần xóa bỏ gần 98% dòng thuế cũng như các rào cản phi thuế quan giữa các bên ký kết và thông qua các quy tắc thương mại hiện đại. Dự kiến sau khi gỡ bỏ các loại rào cản thương mại, xuất khẩu của Nhật Bản sang EU tăng 23%, còn từ EU sang Nhật Bản tăng 30%. Bên cạnh đó, một khi JEFTA có hiệu lực, khu vực thương mại tự do Nhật Bản - EU sẽ chiếm tới gần 1/3 GDP toàn cầu, với khoảng 600 triệu dân tại 29 quốc gia, trở thành một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, tạo nên khu vực kinh tế tự do và phát triển nhất. Bên cạnh đó, JEFTA sẽ góp phần tăng GDP của Nhật Bản khoảng 1% (xấp xỉ 05 triệu yên) và tăng tỷ lệ việc làm của Nhật Bản cũng như của châu Âu.
Về chính trị, khi JEFTA đi vào hiệu lực sẽ giúp ứng phó với các thay đổi địa - chính trị trên thế giới, cụ thể là:
Thứ nhất, mâu thuẫn trong chính quyền hiện nay của Mỹ về lập trường đối với tự do hóa thương mại đa phương đã khiến Nhật Bản và EU nổi lên như những nước đi đầu trong vấn đề thương mại tự do toàn cầu và hiệp định đa phương. Điều này được minh chứng bằng việc tiến trình đàm phán JEFTA vẫn được tiếp tục tiến hành, thậm chí đẩy nhanh sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ hai, sự hiện diện ngày một tăng của Trung Quốc tại châu Âu đã gióng lên hồi chuông báo động đối với cả Nhật Bản và EU. EU ngày càng quan ngại trước sự bành trướng lợi ích của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế chiến lược của EU.
Thứ ba, nước Anh ra khỏi EU (Brexit) là vấn đề thách thức đối với cả EU và Nhật Bản. EU xem JEFTA là biểu trưng cho mong muốn hợp tác với thế giới bất chấp các cuộc khủng hoảng bên trong Khối, như vấn đề “Brexit”. Còn về phía Nhật Bản, do lo ngại sẽ mất đi “lối vào EU” một khi Anh ra khỏi Khối Nhật Bản xem JEFTA như là phương cách để duy trì và xúc tiến hoạt động đầu tư vào lục địa này.
Thứ tư, JEFTA cho thấy sự thất vọng của EU và Nhật Bản đối với hệ thống Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hiện nay. Nhật Bản đang cố gắng khắc phục các hạn chế trong WTO bằng cách ký kết một loạt FTA để thiết lập lại tiêu chuẩn thương mại toàn cầu. EU cũng đang chuẩn bị khởi động đàm phán FTA với Australia và New Zealand để mở rộng thêm mạng lưới các FTA hiện có của khối.
Mặc dù tác động tích cực mà JEFTA đem đến cho nền kinh tế của các nước thành viên là không có gì phải bàn cãi, thế nhưng JEFTA không thể giải quyết tất cả những thách thức trong quan hệ kinh tế. Đặc biệt là JEFTA không thể xóa bỏ các rào cản không chính thức khi tiếp cận thị trường Nhật Bản bao gồm vấn đề văn hóa kinh doanh với chi phí tiếp cận thị trường cao (ví dụ như, chi phí để học tiếng Nhật Bản, chi phí để có được mạng lưới liên hệ đáng tin cậy…). Tương tự, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng không thích rủi ro và còn e ngại khi đầu tư vào một vài nước thành viên EU mà Nhật Bản ít tiếp xúc, JEFTA chỉ giúp giải quyết phần nào những lo ngại của nhà đầu tư bằng việc cung cấp khuôn khổ pháp lý ổn định để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Như vậy, việc Nhật Bản và EU xích lại gần nhau, trước mắt, sẽ chưa thể trực tiếp cân bằng lại tình hình kinh tế thế giới, tuy nhiên, nếu hai bên đi đúng hướng, mối quan hệ này được dự báo có thể thúc đẩy thành công thương mại tự do, tác động tích cực đến tình hình kinh tế thế giới./.
Xây dựng nền tảng chính trị: Sứ mệnh quan trọng của đối ngoại đảng  (03/10/2018)
Đề phòng tình trạng lạnh cóng và các bệnh thường gặp trong mùa đông  (03/10/2018)
Lãnh đạo Lào chia buồn về việc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần  (02/10/2018)
Hội nghị Trung ương 8: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng Đảng  (02/10/2018)
Đồng chí Đỗ Mười với ngành dầu khí Việt Nam  (02/10/2018)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tập trung quyết liệt vào công tác quản trị  (02/10/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên