TCCSĐT - Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, công tác đối ngoại đảng của nước ta trong những năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, nghệ thuật “phát huy sức mạnh tổng hợp”, thông qua một nền ngoại giao toàn diện, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, là một đặc điểm nổi bật, một phong cách độc đáo và là một nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của đối ngoại Việt Nam, cả trong thời kỳ kháng chiến, cũng như thời kỳ Đổi mới. Cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại đảng từ lâu đã trở thành “mảnh ghép” rất quan trọng, với sứ mệnh thông qua tăng cường quan hệ, giao lưu và hợp tác với các đảng phái chính trị, để tạo lập cơ sở chính trị, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong những năm qua, Đảng ta đã không ngừng mở rộng, phát triển quan hệ với nhiều đảng, tham gia diễn đàn đa phương chính đảng, tổ chức, phong trào ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Hiện nay, Đảng ta đã có quan hệ với 245 chính đảng ở 111 quốc gia trên thế giới. Hình thức quan hệ đảng ngày càng phong phú và hiệu quả thông qua nhiều cơ chế hợp tác mới, như gặp gỡ cấp cao, hội thảo lý luận, tham vấn chính trị, cơ chế “đường dây nóng”, cơ chế đặc phái viên của Tổng Bí thư...

Đối tượng của quan hệ đảng cũng ngày càng được mở rộng, bên cạnh các chính đảng, các tổ chức quần chúng thuộc chính đảng, Đảng ta đã phát triển và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, chính giới, các cơ quan hành pháp, lập pháp ở nhiều nước.

Nội dung của hoạt động đối ngoại đảng cũng ngày càng đa dạng, từ các hoạt động phục vụ phát triển quan hệ đối ngoại đến việc tham gia thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề gắn với an ninh và phát triển, thúc đẩy định hình các cơ chế quản trị dân chủ, tiến bộ và công bằng.

Đối với những đảng cầm quyền tại các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, tình hình chính trị nội bộ của một số nước có những thay đổi nhanh chóng, hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao với Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba đã định hướng tổng thể quan hệ, xử lý các vấn đề nảy sinh, đề ra những nội dung và giải pháp lớn để củng cố, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước này. Qua các cơ chế đó, lãnh đạo các bên đã có những trao đổi thẳng thắn về các vấn đề đặt ra, kể cả những vấn đề nhạy cảm, vướng mắc và còn khác biệt, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, phát triển, bảo đảm lợi ích của Việt Nam cũng như của các nước đối tác.

Đảng ta tiếp tục duy trì tốt, củng cố quan hệ theo hướng thực chất, có trọng tâm, trọng điểm đối với các đảng cộng sản, công nhân có vị trí, vai trò trên chính trường các nước, có nhiều ảnh hưởng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đây là một lực lượng hậu thuẫn chính trị quan trọng, là các đảng có quan hệ truyền thống, luôn dành tình cảm và đánh giá cao thành quả đổi mới của Việt Nam, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, một hướng phát triển có tính đột phá là quan hệ với những đảng cầm quyền, tham chính tại các nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính tại các nước, trong đó có các nước đối tác lớn, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ...

Thực tiễn quan hệ thời gian qua cho thấy, dù theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, song hầu hết các đảng và chính giới các nước đều thể hiện sự đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng ta, mong muốn tăng cường hợp tác, hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Tham gia và phát huy tốt vai trò, uy tín tại các diễn đàn đa phương chính đảng, như Hội nghị quốc tế các đảng chính trị ở châu Á (ICAPP), Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Diễn đàn Sao Paulo (SPF),… Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, định hướng phối hợp trong hoạt động của các diễn đàn theo hướng năng động, thực chất hơn. Qua đó, tranh thủ được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các đảng đối với nhiều vấn đề có ý nghĩa đối với lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng.

Các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng trong thời gian qua, đặc biệt là các chuyến thăm tới một loạt nước đối tác quan trọng, như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Pháp, Cuba, Indonesia, Myanmar của Tổng Bí thư đã tạo nhiều đột phá, xử lý nhiều vấn đề đặt ra và thúc đẩy quan hệ giữa nước Việt Nam với các nước, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, tạo cục diện quốc tế thuận lợi, nâng cao vị thế của Đảng, mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn cho đất nước.

Đối ngoại đảng thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần xử lý nhiều vấn đề có liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước, hóa giải những tình thế phức tạp, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông, biên giới, nguồn nước sông Mê Công,... qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thông qua các hoạt động đối ngoại song phương cũng như đa phương, đối ngoại đảng đã góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước đối tác trên thế giới, trong đó có nhiều đối tác lớn, quan trọng. Đây là nhiệm vụ có tầm bao quát, chủ chốt và quan trọng nhất của đối ngoại đảng. Đối ngoại đảng với sứ mệnh là kênh tạo lập cơ sở chính trị thông qua tăng cường quan hệ, giao lưu và hợp tác với các đảng phái chính trị ở các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy quan hệ giữa nước ta với các nước.

Trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới, quan hệ đảng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác lập nền tảng chính trị và chỉ đạo quan hệ về mặt Nhà nước, là kênh đặc biệt góp phần xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quan hệ, tăng cường hiểu biết và sự tin cậy.

Đối với nhiều nước khác, việc mở rộng và củng cố quan hệ trên kênh đảng với các đảng cầm quyền, tham chính đã góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng đi vào thực chất, đồng thời tạo “dư địa” nhằm linh hoạt thích ứng với những biến chuyển trên chính trường các nước, nhất là ở các nước đối tác có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ngoài ra, công tác đối ngoại đảng được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất đã giúp Đảng ta tích lũy thêm kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan tới nghiên cứu về lý luận, nghiên cứu về thế giới và khu vực, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn, góp phần triển khai toàn diện đường lối đối ngoại và chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tóm lại, trong thời gian qua, phát huy vai trò và chức năng của một trong ba “binh chủng” đối ngoại chủ lực, đối ngoại đảng đã cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tạo nên thế chân kiềng vững chắc, có những đóng góp hiệu quả đối với nền ngoại giao toàn diện của Việt Nam. Lấy “bất biến” là lợi ích quốc gia - dân tộc để ứng xử “vạn biến” linh hoạt, thích ứng với một thế giới không ngừng biến đổi trên nền tảng của các mối quan hệ chính trị tốt đẹp và vị thế ngày càng được nâng cao của Đảng ta, của Việt Nam trên trường quốc tế, đối ngoại đảng sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thắng lợi trên các chặng đường cách mạng của đất nước, phục vụ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.