Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, trong thời gian tới, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ Việt Nam trong triển khai xây dựng chính sách pháp luật về nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã phù hợp với quy chuẩn thế giới.

Cùng với đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ quá trình xây dựng liên minh từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức quốc tế nhằm giáo dục các thế hệ tương lai về bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Phát biểu tại Hội thảo Đánh giá hiệu quả các chiến dịch thay đổi hành vi, nhận thức đối với nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam diễn ra ngày 29-3 tại Hà Nội do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã Freeland cùng tổ chức, Đại sứ Ted Osius cho biết buôn bán động vật hoang dã là ngành kinh doanh có giá trị lớn. Điều này đã dẫn đến những hành vi bất hợp pháp, gây đe dọa nhiều loại động vật trên thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này, cũng là địa điểm trung chuyển, tiêu thụ nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm. Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để phòng chống lại loại hình tội phạm này.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị sau khi thực hiện Dự án WLC (Dự án tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loại động vật hoang dã); Chương trình ARREST (châu Á hành động chống nạn buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng). Việt Nam cần tiếp tục huy động sự tham gia liên ngành; khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân; tăng cường thực thi chính sách và pháp luật; nhân rộng những sáng kiến hiệu quả và mô hình thành công.

Đại diện Cơ quan quản lý CITES, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng cho biết trong thời gian tới kế hoạch hành động tiếp theo của đơn vị này là tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng giáo trình đưa vào giảng dạy toàn quốc./.