Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-3 đến ngày 27-3-2016)
TCCSĐT - "Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011 song cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011 - 2015”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại
Quý I-2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2015.
Giải thích nguyên nhân GDP quý I-2016 có dấu hiệu chững lại, Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa đạt được giá trị cùng kỳ năm 2015 và thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm tăng hơn 6,7% so cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8,74% cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu ở nước ta cũng khá trầm lắng. Xuất khẩu dầu thô là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước giảm hơn một nửa. Ngoài ra, tình hình thời tiết phức tạp như giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.
Cuộc đua lãi suất và những rào cản cho sự phục hồi của nền kinh tế
Sau khi các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ồ ạt tăng lãi suất cách đây khoảng một tháng thì thời điểm này thị trường ngân hàng lại được "hâm nóng" bởi sự vào cuộc của các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV khi đồng loạt tăng lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn thêm 0,3 - 0,5%/năm.
Theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất huy động tăng là do nhiều nguyên nhân, như lạm phát có nhiều nguy cơ tăng trở lại, áp lực giảm giá của tiền đồng, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36... Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính đẩy lãi suất tăng cao chính là trái phiếu Chính phủ.
Hệ lụy lớn nhất đối với lãi suất tăng là tâm lý hoang mang của doanh nghiệp sẽ trở lại. Vì thế, quyết tâm phục hồi, sản xuất vừa được nhen nhóm cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh: “Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý và có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học”. Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng nhằm ổn định lãi suất trên thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ.
Ở góc độ điều hành, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Moody’s: Việt Nam là động lực tăng trưởng của ASEAN hai năm tới
Trong báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) công bố ngày 22-3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết Việt Nam, Indonesia và Philippines được dự đoán sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế trong ASEAN trong các năm 2016 và 2017. Báo cáo nhận định các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng nhẹ do nhu cầu trên toàn cầu giảm ảnh hưởng đến các nền kinh tế hướng về xuất khẩu trong khu vực.
Cụ thể, theo ông Rahul Ghosh - Phó Chủ tịch và là chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Moody’s, trong hai năm tới, các nền kinh tế hướng xuất khẩu lớn trong ASEAN như Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng thấp hơn so với các nền kinh tế hướng về tiêu dùng nội địa nhiều hơn như Indonesia và Philippines.
Moody’s cũng đánh giá Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nổi trội trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của hoạt động sản xuất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Trong khi đó, tăng trưởng của toàn khu vực ASEAN đang sụt giảm, song xu hướng giảm này cũng có những tác động khác nhau đến các nước, phụ thuộc vào hoạt động thương mại đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước.
Giá dầu chững lại sau năm tuần tăng giá liên tiếp trong khi thị trường vàng vẫn chịu sức ép trước triển vọng Fed nâng lãi suất
Giá dầu thế giới tuần qua đã tạm dứt chuỗi năm tuần tăng giá liên tiếp trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và lượng dầu dự trữ tại Mỹ tăng lên. Thị trường mở đầu tuần bằng một phiên tăng giá, tiếp đà tăng mạnh trong những phiên trước đó khi giới đầu tư lạc quan về triển vọng các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới có thể tiến tới đạt được một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu ở mức hiện tại.
Tuy nhiên, giá dầu bắt đầu đảo chiều giảm vào phiên tiếp theo (ngày 23-3) trước thông tin kho dầu dự trữ tại Mỹ lại đầy lên trong tuần trước đó, dấu hiệu cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới đã yếu đi. Chốt phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm xuống 39,79 USD/thùng, sau năm phiên duy trì trên mốc 40 USD/thùng.
Phiên 24-3, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần (do các thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Phục sinh vào ngày thứ Sáu 25-3), giá dầu tiếp tục đi xuống trước áp lực từ việc đồng USD mạnh lên sau khi một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết có khả năng Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất vào đầu tháng Tư tới. Đồng bạc xanh tăng giá khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn, qua đó hạn chế sức mua vào.
Chốt lại tuần qua, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 5-2016 ở mức 39,46 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn ở mức 40,44 USD/thùng.
Trong một diễn biến khác, tại phiên giao dịch ngày 24-3, giá vàng giao ngay tại Mỹ đã phục hồi, sau khi có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong bốn tuần. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn trên đà hướng tới mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2015, trước triển vọng Mỹ tiếp tục nâng lãi suất.
Vào đầu phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đã giảm 0,6% xuống 1.212,20 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 26-2, trước khi lấy lại đà phục hồi và tăng 0,2% lên 1.221,95 USD/ounce. Song, giá kim loại quý này vẫn đang hướng đến mức giảm hàng tuần 2,6%, chủ yếu do mức giảm 2,3% trong phiên 23-3. Trong khi đó, chốt phiên 24-3, giá vàng giao tháng 4-2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 2,4 USD (0,2%) xuống 1.221,60 USD/ounce.
Các nhà phân tích nhận định những bình luận trong tuần này từ một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng cơ quan này sẽ nâng lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay và lần đầu tiên có thể rơi vào tháng tới, đã “phủ bóng đen” lên các hàng hóa định giá bằng đồng USD như vàng.
Các mảng sáng và tối đan xen trong bức tranh nền kinh tế hàng đầu thế giới
Theo số liệu mới công bố, giá trị đơn đặt hàng mới đối với hàng chế tạo lâu bền tại Mỹ giảm trong tháng Hai vừa qua, khi lĩnh vực này tiếp tục phải chịu tác động từ việc đồng USD mạnh và giá dầu thấp.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, giá trị đơn đặt hàng chế tạo lâu bền (từ lò nướng đến máy bay) giảm 2,8% trong tháng Hai, xuống 229,3 tỷ USD, sau khi tăng 4,2% trong tháng Một năm nay. Trong đó, giá trị đơn hàng máy bay thương mại giảm 27,1%, sau khi tăng 48,6%.
Dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy sự giảm sút trong ngành chế tạo sắp kết thúc. Một số báo cáo trong những ngày gần đây cho thấy hoạt động sản xuất ở một số khu vực tăng trong tháng Ba, đưa đến sự lạc quan rằng hoạt động chế tạo nói chung trong tháng này sẽ tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 9-2015.
Trên thị trường lao động Mỹ, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng trong tuần trước, con số đã được điều chỉnh của các tuần trước đó lại cho thấy một thị trường lao động "khỏe" hơn tiên lượng.
Với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức thấp, các nhà kinh tế đang dự đoán số việc làm sẽ tăng mạnh trong tháng Ba. Sự vững vàng của thị trường lao động đã làm giảm bớt lo ngại rằng kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái và sự kết hợp giữa các điều kiện việc làm bảo đảm hơn và lạm phát ổn định có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình nâng dần lãi suất trong năm nay./.
Phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay - Thách thức và vận hội  (29/03/2016)
Phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay - Thách thức và vận hội  (29/03/2016)
Tăng cường giám sát thi hành Hiến pháp 2013  (28/03/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên