Đảng bộ Kiên Giang: Những giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội X trong nửa nhiệm kỳ còn lại
TCCS - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, trong bối cảnh có những thuận lợi song cũng không ít khó khăn, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo đà cho sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Trong 3 năm qua (2006 - 2008), kinh tế của tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.075 USD; số hộ nghèo giảm còn 7,43%. Đến nay, đã có 24/42 xã đã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; đồng bào dân tộc thiểu số, người có công và các đối tượng chính sách được chăm lo tốt hơn. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự - an toàn xã hội ổn định. Vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước được nâng cao. Hệ thống chính trị được kiện toàn; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; đoàn kết trong Đảng bộ được giữ gìn và phát huy... Qua 3 năm thực hiện, tỉnh đã đạt 16/34 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiên Giang còn nhiều mặt hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục. Trong đó đáng chú ý là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thế mạnh về du lịch chưa được đầu tư khai thác đúng mức; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông còn yếu kém. Việc chậm quy hoạch tổng thể lâu dài cho toàn tỉnh, các ngành, lĩnh vực đã ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc; chất lượng giáo dục - đào tạo các cấp học còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ còn thấp. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc Khmer còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, một số vụ khiếu kiện kéo dài tuy đã được tập trung giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp còn nhiều hạn chế so với yêu cầu v.v..
Với mục tiêu từ nay đến năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm là 14,8%; sản lượng lương thực đạt từ 3,3 triệu đến 3,4 triệu tấn; thu nhập bình quân từ 40 triệu đến 60 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20% - 23%; phấn đấu đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 6%. Hằng năm, trên 80% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trên 65% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ,...
Trên cơ sở các mục tiêu đó, phương hướng nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đặt ra từ nay đến hết nhiệm kỳ là: Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trước mắt, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh và mục tiêu lớn, xuyên suốt là quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã xây dựng.
Để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ trên, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang xác định sẽ tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế; đi đôi với việc thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững. Trước hết, khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, làm căn cứ, cơ sở vững chắc cho việc đầu tư và quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh hơn để góp phần hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản. Xây dựng và thực hiện dự án quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ; tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm về du lịch để thúc đẩy tăng trưởng nhanh khu vực dịch vụ. Rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh để thực hiện thống nhất các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đối với đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, khu chức năng, khu đô thị và cắm mốc giới quy hoạch. Đồng thời đẩy nhanh triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, bến cảng, điện, cấp nước, sân bay, khu tái định cư v.v.. để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án; đi đôi với rà soát lại các dự án đã cấp phép đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc triển khai quá chậm để giao cho các nhà đầu tư có đủ năng lực thực sự và tâm huyết. Đẩy mạnh thực hiện lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa các công ty nhà nước của tỉnh; tập trung xử lý dứt điểm các công ty thua lỗ kéo dài, thu chi tài chính không lành mạnh. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, nhất là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực gắn với bảo đảm chất lượng và giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, gắn với thực hiện cuộc vận động chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cả trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội. Tăng cường đào tạo nghề đi đôi với đào tạo lao động chất lượng cao; phấn đấu từ nay đến năm 2010, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20% - 23%. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phấn đấu mỗi năm giảm 1,5% - 2% để đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 6%. Tăng cường đội ngũ y, bác sĩ và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế xã, phấn đấu đến năm 2010, bảo đảm có 90% trạm y tế xã có bác sĩ, 100% các xã mới chia tách đều có trạm y tế.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm tốt an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo. Tập trung ngăn chặn các hoạt động móc nối, liên kết bên trong với bên ngoài nhằm gây rối, chống phá; ngăn chặn sự xuất hiện các tổ chức, chống đối trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Thứ tư, hết sức coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị có chất lượng cao đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Chủ động nắm tình hình và định hướng tư tưởng trong nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Củng cố, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tăng cường phân công, phân cấp, xác định rõ quyền và nghĩa vụ cho từng cơ quan, đơn vị, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.
Quan tâm phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, làm tốt công tác phát triển Đảng, chú trọng đến những địa bàn quan trọng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; phấn đấu đến năm 2010, tất cả các ấp, khu phố, doanh nghiệp đều có đảng viên và thành lập được chi bộ. Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động trong toàn Đảng bộ, trong đó cán bộ chủ chốt các cấp phải tiêu biểu, gương mẫu thực hiện tốt Cuộc vận động này.
Nhiệm vụ đặt ra cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2005 - 2010 của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang còn rất nặng nề. Với sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ; sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, Kiên Giang sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại; từng bước vươn lên, tạo thế và lực mới, sánh vai và hội nhập với các tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước./.
Giới thiệu chính sách mới số 177  (15/05/2009)
Đường mòn Hồ Chí Minh là hiện thân của những giấc mơ, khát vọng của cả một dân tộc(*)  (15/05/2009)
Đường mòn Hồ Chí Minh là hiện thân của những giấc mơ, khát vọng của cả một dân tộc(*)  (15/05/2009)
Hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ đối với nông dân Đồng Nai  (15/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên