Tiến sĩ John Prados là chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, làm việc tại Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ. Ông từng viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, trong đó có thể kể đến các cuốn như: Thung lũng quyết định (Valley of Decision), Các cuộc chiến bí mật của các đời tổng thống (Presidents’Secret Wars), Những người quan trọng nhất (Keepers of the Keys), Lịch sử bí mật cuộc chiến tranh Việt Nam (Hidden History of the Vietnam War,… Năm 1998, ông cho ra mắt cuốn “Con đường máu” (The Blood Road)-một công trình lịch sử có sức hấp dẫn đối với người đọc khi nhắc đến cuộc chiến ở Việt Nam.

Vào đầu những năm 60, thế kỷ XX, nhiều người Mỹ đã quen với cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Tuyến đường này vừa là một hướng chiến trường quan trọng, vừa là một tuyến hậu cần chiến lược đảm đương vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật; cơ động binh lực, hỏa lực cho các chiến trường từ miền Bắc vào miền Nam.

Đường mòn là trung tâm của cuộc chiến tranh. Các nhà chiến lược của Mỹ cũng nhận thức được vị trí chiến lược, tầm quan trọng to lớn của đường Hồ Chí Minh đối với cách mạng miền Nam và họ tin chắc rằng nếu ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam thì có thể đè bẹp cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, kết thúc chiến tranh.

John Prados viết: “Không có câu chuyện nào về cán cân lực lượng của cả hai bên trong cuộc chiến tranh có thể hoàn thiện mà không liên quan tới đường mòn Hồ Chí Minh. Đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng như một tuyến đường huyết mạch, liên quan tới không chỉ các quốc gia tham chiến mà cả các nước đồng minh; không chỉ những người lính mà cả các hoạt động chính trị, chiến đấu và các cuộc tranh luận bí mật về chiến lược. Đường mòn là hiện thân của những giấc mơ, những khát vọng của cả một dân tộc”.

Cuốn sách dày 432 trang, bao gồm cả phần chú dẫn và phụ lục, chia làm 14 chương. Chương 1 có tiêu đề “Cửa ngõ để vào Đông Nam Á”, viết về giai đoạn từ 1954 đến 1960. Tác giả cho rằng “Điện Biên Phủ đã trở thành một cuộc chiến đấu giữa nỗ lực cắt đứt tuyến đường của người Pháp và nỗ lực duy trì tuyến đường của người Việt Nam. Hàng trăm tấn bom của Pháp cũng không ngăn cản được dòng người và dần dần quân Pháp đã bị bóp nghẹt tới khi các cứ điểm cuối cùng rơi vào tay Việt Minh ngày 7-5-1954 và bắt đầu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cuộc chiến tranh của người Pháp ở Việt Nam như một cuộc chiến giữa “một chú voi với một chú hổ”, trong khi nhà viết tiểu thuyết Jean Lartéguy lại muốn so sánh với những chú kiến và chứng minh sự tương đồng giữa cuộc chiến ở Điện Biên Phủ của người Pháp và cuộc chiến của người Mỹ ở miền Nam. Tác giả cho rằng, chiến lược của Mỹ xuyên suốt cuộc chiến tranh Việt Nam là phải vật lộn với vấn đề biên giới và nỗ lực ngăn chặn các đường biên giới. Giới quân sự và CIA Mỹ cũng nhanh chóng nhận thấy tầm quan trọng của con đường và cho rằng sự thâm nhập của quân đội, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam sẽ trở thành một thách thức thực sự. Con đường này, nếu không ngăn chặn, sẽ chắc chắn trở thành một cửa ngõ để đi vào Đông Nam Á.

Chương 2 có tiêu đề “Những chú kiến và những chú voi”. John Prados đã lấy hình ảnh trong chuyện ngụ ngôn về cuộc đấu một bên là những chú kiến và một bên là những chú voi để mô tả những cố gắng của phía Việt Nam DCCH (được coi là những chú kiến) và của phía Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn (được coi là những con voi). Tác giả nhận xét: những chú kiến, một khi đã bắt tay vào công việc, sẽ làm việc hết sức cần cù và kiên định. Họ thường xuyên nhắc nhở mình về giấc mơ tái thống nhất Việt Nam, về trọng trách trước lịch sử. Những chú kiến đã vượt qua mọi khó khăn, cản trở, từng bước mở dài, mở rộng con đường. Cuộc cạnh tranh giữa nỗ lực duy trì đường mòn của Hà Nội và nỗ lực ngăn chặn của Mỹ đã nhanh chóng trở nên ác liệt hơn.

Là người có điều kiện tiếp xúc với nhiều tài liệu lưu trữ của các cơ quan của chính quyền và quân đội Mỹ, ở các chương tiếp theo, John Prados đã sắp xếp các nội dung, sự kiện liên quan đến quá trình hình thành, mở rộng con đường; nỗ lực của các bên trong cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn, kể cả trên những đoạn đường đi qua Lào và Campuchia. Đối với Hà Nội và những người lính Bắc Việt, giấc mơ thống nhất Việt Nam đã vẫy gọi họ vào Nam. Những thứ như lương thực, đạn dược và vũ khí có thể được gửi vào Nam bằng đường thủy, chuyển theo dọc bờ biển Việt Nam hoặc qua các cảng của Campuchia; còn những người vào miền Nam chiến đấu chỉ có thể đi bằng đường bộ. Tạo ra đường mòn là cần thiết và kinh nghiệm xây dựng đường mòn hay phát triển nó đã được cả một thế hệ người Việt Nam từ miền Bắc vào tích luỹ và vận dụng sáng tạo.

Chương 3 viết về đường phân thủy (Watershed), về đường biên giới giữa các nước mà đường mòn chạy qua.

Chương 4 đề cập mối quan tâm đến cuộc chiến tranh và đến con đường của các bên như Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam DCCH, Lào, Campuchia, đặc biệt là Mỹ. Mối quan tâm đó có những lúc được thể hiện bằng hành động, bằng các cuộc đụng độ, có lúc được thể hiện bằng các cuộc đấu trí giữa một bên tìm mọi cách mở rộng con đường và một bên tìm mọi cách để phá, ngăn chặn, cắt đứt nó.

Tác giả cho rằng, sự vươn sâu, mở rộng của con đường tới đâu chính là thước đo sự thành công của phía Việt Nam DCCH và các lực lượng giải phóng ở miền Nam tới đó. Trái lại, nó chứng minh sự thất bại của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

John Prados viết: “Trọng tâm chiến lược của Hà Nội sẽ là không ngừng để duy trì khả năng cho các chuyến vượt Trường Sơn vào Nam dễ dàng hơn. Còn các nhà chiến lược Mỹ, dựa vào học thuyết chống nổi dậy, lại cho rằng bịt kín các đường biên giới với Lào, Campuchia và Khu phi quân sự (DMZ) sẽ cô lập được các nhóm du kích ở miền Nam Việt Nam. áp dụng công thức của Mao Trạch Đông cho chiến tranh du kích, coi du kích như là con cá đang bơi trong biển, bịt kín đường biên giới sẽ làm biển cạn dần và lúc đó cá dễ dàng bị bắt gọn”.

Chương 5: Con đường đen tối ở phía trướcChương 6: Thế giới và vấn đề Việt Nam, đề cập đến sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, trong việc trợ giúp về vũ khí, trang bị và nhân lực cho Việt Nam, được tác giả phân tích, đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể. Chương 7 có tiêu đề “Vắt kiệt sức Hà Nội”, John Prados đưa ra con số thống kê các chuyến bay của Mỹ đánh phá con đường mòn và số thiệt hại của cả Mỹ và của Hà Nội và cho biết các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng với những nỗ lực lớn như thế, Bắc Việt Nam không thể không đầu hàng. Tuy nhiên, các báo cáo tình báo lại khẳng định bộ đội miền Bắc vẫn tiếp tục vào Nam trên con đường đó.

Trong Chương 8 có tiêu đề Miền đất của các thổ dân, tác giả trích báo cáo của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về con đường mòn như sau: “… Do hệ thống đường cần sửa chữa trở nên dài hơn và tuyến đường mới mở đã kéo đến tận những vùng biên giới của Việt Nam, nên số nhân công phục vụ việc mở đường vào năm 1967 đã lên tới 23.000 người. Tuy nhiên, đến tháng 1-1968, con số này đã giảm xuống 11.500 do sự tăng thêm các thiết bị cơ giới làm đường”. Đến thời kỳ 1973-1975, đường mòn đã được xây dựng, nâng cấp thành đường tiêu chuẩn quốc gia cấp 4 miền núi, chạy suốt từ Bắc tới Nam.

Chương cuối có tiêu đề Con đường vào Nam, tác giả khẳng định Đường mòn đã trở thành con đường chính dẫn tới thắng lợi, là tuyến huyết mạch thực sự của chiến thắng. Tổng chiều dài của đường trục và các đường nhánh của Đường mòn (với 5 tuyến chính và 29 nhánh) lên tới 12.000 dặm (gần 20.000 km). Đã có khoảng 1.000.000 bộ đội miền Bắc vào Nam trên con đường này. Đường mòn Hồ Chí Minh, với những đội quân, những dòng người, đã trở thành sức sống của cả một chiến dịch trường kỳ đi đến thắng lợi to lớn. Đằng sau việc mở, xây dựng và bảo vệ con đường, và vượt lên trên điều đó, là kinh nghiệm đấu tranh quý báu của cả một thế hệ.

Dựa vào các tài liệu bí mật của chính phủ Mỹ, của Trung tâm lưu trữ quốc gia, thư viện của các tổng thống, dựa vào hàng loạt cuộc phỏng vấn các nhân chứng, các cuốn hồi ký, tác giả-Tiến sĩ John Prados đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh, đa chiều về lịch sử con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tuy quan điểm đánh giá của một nhà sử học Mỹ không thể và không phải lúc nào cũng trùng hợp với các nhà nghiên cứu Việt Nam, nhưng có thể nói, đây là một công trình hấp dẫn, thể hiện sự nghiên cứu khá công phu của tác giả. Nó có giá trị về mặt tư liệu cho những ai quan tâm đến lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh hùng của nhân dân Việt Nam, thông qua sự suy ngẫm, phân tích, đánh giá của một học giả Mỹ./.
 

(*) Trích từ cuốn: The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War, Nxb John Wiley & Son, 1998.