TCCSĐT - Tối ngày 28-12-2014, Cục điều tra sự cố hàng không Xin-ga-po cho biết, đã đề nghị cử 2 nhóm chuyên gia cùng 2 bộ thiết bị dò tìm dưới nước để hỗ trợ In-đô-nê-xi-a tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích khi đang trên hành trình từ In-đô-nê-xi-a đến Xin-ga-po.

Hiệp ước Buôn bán vũ khí chính thức có hiệu lực

Sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm và với số lượng quốc gia thành viên thông qua vượt quá con số 50, Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế (ATT) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 24-12-2014. Nhân sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã gửi thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, hoan nghênh việc ATT chính thức có hiệu lực, đồng thời kêu gọi các nước chưa ký hoặc chưa phê chuẩn sớm có quyết định tham gia hiệp ước.

ATT được thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 02-4-2013, đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm bảo đảm tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường. ATT yêu cầu các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát cấp nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí. Theo đó, những nước thông qua hiệp ước phải có trách nhiệm bảo đảm các hợp đồng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, luật nhân quyền hay có nguy cơ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc tội phạm. ATT được áp dụng đối với các chủng loại xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa, các hệ thống phóng tên lửa và các loại vũ khí hạt nhân khác. Sự ra đời của ATT còn nhằm hạn chế các thương vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới, có doanh thu ước tính từ 60 - 85 tỷ USD.

Tổng thống Nga phê chuẩn Học thuyết quân sự mới

Ngày 26-12-2014, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga. Học thuyết quân sự này vẫn mang tính chất phòng thủ, trong đó nhấn mạnh Nga chỉ buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự khi không còn giải pháp ngoại giao. Học thuyết quân sự mới tiếp tục coi sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, việc bố trí vũ khí chiến lược trên vũ trụ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố là các mối đe dọa đối với nước Nga. Đáng chú ý, học thuyết lần này chỉ ra các mối đe dọa quân sự mới đối với nước Nga, liên quan tới tình hình U-crai-na, các sự kiện ở Xy-ri, I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Học thuyết mới dành tới 14 điểm (trong tổng số 58 điểm), so với 11 điểm trong học thuyết cũ, để chỉ ra những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài, gồm học thuyết tấn công toàn cầu của Mỹ, các yêu sách về lãnh thổ, sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và các nước đồng minh của Nga, các cuộc xung đột vũ trang gần biên giới Nga.

Học thuyết quân sự năm 2014 cũng khẳng định việc tăng cường lực lượng quân sự nước ngoài ở các quốc gia và vùng biển sát Nga với mục đích gây sức ép về chính trị - quân sự là mối đe dọa đối với Nga. Nga cũng coi việc thiết lập ở các quốc gia giáp Nga các chế độ có chính sách đe dọa lợi ích của Nga, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp, là mối đe dọa mới. Ngoài ra, Học thuyết còn chỉ ra các mối đe dọa khác gồm việc sử dụng công nghệ thông tin - liên lạc cho mục đích quân sự, các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt nước ngoài. Về mối đe dọa từ bên trong, Học thuyết quân sự mới chỉ rõ nguy cơ từ cuộc chiến thông tin nhằm vào người dân, đặc biệt là giới trẻ, với mục đích phá hoại truyền thống yêu nước, những giá trị tinh thần và lịch sử của nước Nga trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc.

Về các biện pháp đáp trả, Học thuyết quân sự năm 2014 lần đầu tiên đưa ra khái niệm “kiềm chế phi hạt nhân”, tức là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng thông thường. Ngoài ra, Học thuyết mới cũng cụ thể hóa khái niệm “sẵn sàng động viên”, điều chỉnh các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp quốc phòng,... Đối với Liên minh châu Âu (EU) và NATO, nếu như Học thuyết quân sự năm 2010 đề cập việc phát triển quan hệ thì Học thuyết mới lại nhấn mạnh sự cần thiết duy trì đối thoại bình đẳng. Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý khác là Học thuyết quân sự năm 2014 của Nga đề xuất tăng cường hợp tác với các nước trong khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng như các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).

Tổng thống Mỹ tuyên bố “chấm dứt cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan”

Ngày 28-12-2014, trong một bước đi được nhìn nhận là “mang tính biểu tượng”, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) ra tuyên bố chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của binh lính nước này tại Áp-ga-ni-xtan sau hơn 13 năm. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) cho biết, với tuyên bố chấm dứt sứ mệnh tác chiến, khoảng 15.000 lính Mỹ và binh lính các nước đồng minh NATO ở lại Áp-ga-ni-xtan sẽ chuyển sang sứ mệnh cố vấn, huấn luyện cho các lực lượng bản địa và chống sự nổi dậy của các tay súng Ta-li-ban. Theo ông C. Hây-gơ, con số 15.000 binh lính này là quá nhỏ so với thời kỳ đỉnh cao 180.000 binh lính Mỹ và NATO có mặt tại Áp-ga-ni-xtan.

Tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của lính Mỹ và NATO được đưa ra trong bối cảnh Áp-ga-ni-xtan vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố. Riêng trong năm 2014, tổng số thường dân bị thiệt mạng tại Áp-ga-ni-xtan có thể đạt mốc 10.000 người và số binh lính Áp-ga-ni-xtan bị thiệt mạng cũng lên tới 5.000 người. Cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan đã tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ ít nhất 1.000 tỷ USD.

Các nước đề nghị hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích của AirAsia

 

Phi công tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Strait Times/VOV

Tối ngày 28-12-2014, Cục điều tra sự cố hàng không Xin-ga-po cho biết, đã đề nghị cử 2 nhóm chuyên gia cùng 2 bộ thiết bị dò tìm dưới nước để hỗ trợ nhà chức trách In-đô-nê-xi-a tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ5801 của hãng hàng không AirAsia (Ma-lai-xi-a) bị mất tích khi đang trên hành trình từ In-đô-nê-xi-a đến Xin-ga-po. Dự kiến, quân đội Xin-ga-po cũng sẽ điều động thêm 2 máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của AirAsia; đồng thời, xác nhận không ai trong số 155 hành khách trên chuyến bay mang quốc tịch Mỹ. Cùng ngày, Giám đốc điều hành AirAsia Tô-ni Phéc-nan-đét (Tony Fernandez) cho biết, hãng hàng không này sẽ để các cơ quan của In-đô-nê-xi-a dẫn đầu cuộc tìm kiếm chiếc máy bay trên.

Ngày 28-12, Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giu-xúp Ca-la (Jusuf Kalla) cho biết, chiếc máy bay mất tích của AirAsia có thể đã bị rơi./.