TCCS - Khánh Hòa và Đắk Lắk là hai tỉnh giáp ranh, có vị trí trọng yếu của hai vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung; nhân dân hai địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời, giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, đồng cam cộng khổ trong chiến tranh và hợp tác, hỗ trợ cùng nhau trong quá trình xây dựng, phát triển; đặc biệt, những điều kiện, thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực kinh tế của hai tỉnh là cơ sở để kết nối phát triển liên vùng. Trong bối cảnh mới, việc tăng cường kết nối là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cùng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn hai địa phương. 

Ủ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột_Nguồn: chinhphu.vn

Cộng hưởng nguồn lực từ kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk

Kết nối và phát huy các nguồn lực cho phát triển được hiểu là quá trình xây dựng và phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa các khu vực trong một vùng hoặc giữa các vùng, địa phương với nhau thông qua hạ tầng kinh tế - xã hội và các yếu tố khác. Kết nối địa phương, vùng chủ yếu thông qua việc mở rộng các đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng như các chính sách, quy hoạch và các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; là giải pháp lâu dài cho sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc điểm cơ bản của kết nối địa phương, vùng là bảo đảm bổ sung chức năng, tạo sự đồng bộ trong phát triển, tăng cường sự giao lưu; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, dịch vụ, con người và thông tin giữa các khu vực; giúp phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Tăng cường kết nối địa phương, vùng ở Việt Nam đang trở thành quyết tâm chính trị sâu rộng(1) nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển vùng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương”(2). Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua đã nhận định: “Kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”. Một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, được Chiến lược xác định là: “Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế”(3).

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vai trò kết nối chiến lược hai miền Nam - Bắc; những tiềm năng phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung trong chiến lược phát triển có thể bù đắp, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch văn hóa…; kết nối phát triển hành lang kinh tế từ cửa khẩu trên bộ vùng Tây Nguyên đến các cảng biển miền Trung... Theo đó, việc tăng cường kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk nhằm phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương trong kỷ nguyên mới là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hai địa phương nói riêng và vùng Tây Nguyên - duyên hải miền Trung nói chung. Trong bối cảnh mới, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả kinh tế, là điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi giá trị liên vùng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; phát huy lợi thế của nhau, như tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, công nghệ, hạn chế đầu tư trùng lặp, lãng phí nguồn nhân lực; giúp các khu vực kém phát triển tiếp cận được cơ hội, nguồn lực từ các vùng phát triển hơn, hạn chế tình trạng chênh lệch giàu nghèo; thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh, giảm áp lực lên các đô thị trung tâm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua quy hoạch phát triển đồng bộ; tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực trạng kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk 

Khánh Hòa(4) và Đắk Lắk(5) là hai tỉnh lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để hợp tác, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Việc tăng cường kết nối giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk không những phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để cùng nhau phát triển, mà còn tác động đến sự phát triển chung của vùng Tây Nguyên - duyên hải miền Trung và cả nước… Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có vai trò chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quốc gia; không chỉ là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên mà còn nằm trong khu vực “Tam giác phát triển” Campuchia - Lào - Việt Nam với nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế. Với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nguồn nhân lực, tỉnh Đắk Lắk từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; nỗ lực khẳng định vị thế thủ phủ của Tây Nguyên, trở thành động lực phát triển cho cả khu vực. Trong khi đó, Khánh Hòa là tỉnh ven biển có lợi thế vượt trội, có vị trí địa - chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ chính ra Biển Đông; có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và quốc tế; kết nối khu vực Nam Lào và Bắc Campuchia để thông thương với các nước trên thế giới qua đường hàng hải quốc tế từ hệ thống cảng biển tại Khu kinh tế Vân Phong(6).

Về đường bộ, kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk chủ yếu thông qua hệ thống giao thông đường bộ quốc lộ 26, 26B và tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang triển khai xây dựng(7). Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được xác định là tuyến đường đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối chiến lược rừng và biển, kết nối Tây Nguyên với duyên dải miền Trung. Đây sẽ là tuyến vận chuyển nông sản chính của vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua các cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế Vân Phong (với Cảng tổng hợp Nam Vân Phong công suất tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT và Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong công suất tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT). Hai dự án cảng biển tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong đi vào hoạt động sẽ góp phần phục vụ ngành kinh tế hàng hải của hai tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk và các địa phương khu vực lân cận, từng bước trở thành trung tâm logictics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng. Trong đó, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong nằm trên trục quốc lộ 26B, liền kề Khu công nghiệp Ninh Thủy với diện tích 207,9ha, cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 120km; hiện nay, phần lớn nguồn hàng thông qua cảng để phục vụ cho địa phương và khu vực Tây nguyên.

Theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, ngày 16-6-2022, của Quốc hội, “Về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1”, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoàn thành, đi vào khai thác, hoạt động sẽ tăng cường thêm một trục ngang quan trọng cùng với tuyến quốc lộ 26 kết nối tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần tạo động lực phát triển cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vùng Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ nói chung. 

Kinh nghiệm cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều tăng năng lực cạnh tranh, có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho các địa phương. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào khai thác sẽ giúp hình thành và phát triển tuyến Hành lang kinh tế Vân Phong - Buôn Ma Thuột. Qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh vùng Tây Nguyên và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa và khu vực Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung; tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các trung tâm kinh tế của khu vực, cảng biển quốc tế; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển miền Trung - Tây Nguyên.

Việc đẩy mạnh kết nối và phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước, được xác định tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thực hiện chủ trương lớn này, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã ký kết biên bản hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, là dấu mốc, tiền đề vững chắc để kết nối, hợp tác, qua đó sẽ giúp hai địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng về mọi mặt…

Những thách thức đặt ra

Kết nối về giao thông giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk chủ yếu thông qua đường quốc lộ 26, tuy nhiên, quốc lộ này có trọng tải thấp, lại đang dần bị xuống cấp, trong khi nhu cầu về đường cao tốc hiện đại kết nối hai địa phương đang đặt ra cấp thiết. Hiện nay, mặc dù tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng để phát triển theo chuỗi giá trị, phát triển theo vòng tuần hoàn ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh phát triển chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Việc kết nối, giao thương giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa nói riêng, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế chưa được thông suốt, nên chưa phát huy được giá trị tối đa. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa là cửa ngõ giao thông hướng biển với nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi; có sân bay quốc tế Cam Ranh cùng nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy, lan tỏa tích cực đến phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk nói riêng… Theo đó, tăng cường kết nối và phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển của hai tỉnh; mở ra cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền hai địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Bốc, xếp hàng hóa tại cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa)_Nguồn: tư liệu

Giải pháp tăng cường kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk nhằm phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương

Trong bối cảnh mới, việc tăng cường kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển hai địa phương trên tinh thần “cùng thắng” (win to win), khai thác thế mạnh của từng bên về yếu tố nông, lâm sản, du lịch, nguyên liệu, logistics, các ngành công nghiệp công nghệ cao..., từ đó, phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương, theo đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác, sử dụng các dự án giao thông lớn đang triển khai, gồm dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021 - 2025 và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Nha Trang - Vân Phong) để tỉnh Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế mà Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”( ) đã đề ra. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong, đặc biệt là các tuyến giao thông nội vùng của khu kinh tế để kết nối với hệ thống cao tốc, các tuyến quốc lộ làm nền tảng dẫn dắt, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 24-2-2022, của Chính phủ, về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó định hướng quy hoạch các khu vực gần đường cao tốc đi qua để hình thành các khu công nghiệp mới, cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu đô thị, dân cư mới nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh trong kết nối vùng...; đồng thời, tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án vào Khu kinh tế Vân Phong trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tăng cường kết nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung để hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hóa qua các cảng, đặc biệt là các cảng tổng hợp ở Khu kinh tế Vân Phong; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các cảng trong việc kết nối cung cầu để thuận tiện đưa hàng hóa qua các cảng; phối hợp phát triển tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh (tuyến Nha Trang - Buôn Ma Thuột; Ninh Hòa, Vạn Giã - Buôn Ma Thuột); phối hợp phát triển chuỗi logistics trong lưu thông phân phối hàng hóa thông qua các trục hành lang vận tải giữa hai tỉnh nhằm góp phần phát triển kinh tế của cả hai địa phương. 

Đảng và Nhà nước đã có những định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội liên vùng; tuy vậy, phải xác lập cơ chế liên kết vùng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, hướng tới tận dụng các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực giữa các địa phương với nhau. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần thảo luận các phương án hợp tác, liên kết các vùng nuôi trồng các sản phẩm chủ lực của vùng Tây Nguyên đến các khu vực sản xuất, nhà máy chế biến công nghệ cao bám theo hành lang cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tận dụng lợi thế giảm chi phí vận chuyển, xuất khẩu để tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm của vùng trong xuất khẩu. Tỉnh Đắk Lắk phải bảo đảm giữ được rừng, trong khi tỉnh Khánh Hòa bảo đảm tình trạng bền vững môi trường biển.

Thứ tư, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa” vào thực tiễn, đặt biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của Khu kinh tế Vân Phong, đặt biệt là các dự án nằm trên Hành lang Kinh tế Vân Phong - Buôn Ma Thuột. Sớm hình thành các khu công nghiệp lớn, xây dựng các chương trình quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp, đặc biệt các dự án FDI có quy mô lớn, có thương hiệu, có tác động lan tỏa đối với các ngành, nghề theo định hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp như Nghị quyết số 09-NQ/TW đặt ra.

Thứ năm, tập trung thu hút nguồn lực ngoài ngân sách kết hợp vốn ngân sách phát triển kinh tế cảng biển, thị trường logistics nhằm phát huy lợi thế kết nối giao thông và cảng biển tiếp cận đường hàng hải quốc tế. Vừa phát triển công nghiệp tại khu vực Ninh Hòa, Nam Vân Phong vừa kết hợp phát triển du lịch biển cao cấp khu vực phía Bắc Vân Phong. Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế từ thị trường du lịch, không chỉ riêng cho tỉnh Khánh Hòa mà tạo ra các chuỗi du lịch liên kết, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung thông qua các trục giao thông chiến lược. Thu hút nguồn vốn từ thị trường bất động sản công nghiệp, dịch vụ - du lịch, phát triển mô hình đô thị công nghiệp tạo điều kiện cho phát triển thị trường lao động chất lượng cao trong khu vực, thuận lợi trong sinh hoạt và làm việc.

Đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu ở châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trên cơ sở lợi thế vốn có, tỉnh Khánh Hòa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng cho phát triển, với kinh tế biển làm nền tảng. Đồng thời, việc tăng cường kết nối với tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương nói riêng, các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Tỉnh Khánh Hòa được xem là “trái tim kết nối” của vùng và những nỗ lực kết nối của tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, từng bước đi vào chiều sâu. Trong bối cảnh mới, khi tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành, với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 và những giải pháp mang tính chiến lược, Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và hành lang kinh tế gắn kết khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác để phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn, hiện đại của khu vực và cả nước, góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, phấn đấu đạt được mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, như mục tiêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.

------------------

(1) Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 225 - 226
(3) Xem: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2011-2020-1527
(4) Tỉnh Khánh Hòa thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ giao thông hướng ra biển với nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi; có sân bay quốc tế; có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang được Bộ Giao thông vận tải và hai tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy kết nối hợp tác, giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa nói riêng được thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của hai vùng kinh tế và hai địa phương
(5) Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh,... đối với vùng và cả nước; có diện tích tự nhiên là 13.070,41km2 (đứng thứ 4 cả nước), trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao nhất toàn quốc (657.728ha); có 49 dân tộc cùng sinh sống, với nền văn hóa đa bản sắc, là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại; có lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch cảnh quan, sinh thái…
(6) Khu kinh tế Vân Phong được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg, ngày 25-4-2006, của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang khoảng 30km về phía Bắc, với tổng diện tích khoảng 150 nghìn ha (gồm 70 nghìn ha mặt đất và 80 nghìn ha mặt nước biển), nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Tính đến tháng 6-2024, Khu kinh tế Vân Phong thu hút 150 dự án đầu tư, trong đó có 122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; vốn thực hiện 2,68 tỷ USD, đạt 65% vốn đăng ký; giải quyết việc làm cho 11.802 lao động. Trong số 98 dự án đi vào hoạt động, có một số dự án lớn, hoạt động hiệu quả, như Nhà máy đóng tàu Hyundai - Việt Nam, vốn đầu tư hơn 350 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4 nghìn lao động, hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh Khánh Hòa
(7) Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Dự án có điểm đầu tại nút giao tại quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực Cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (khoảng Km 12 + 450), tỉnh Đắk Lắk; trong đó, đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,8km. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô tô cao tốc tốc độ thiết kế 80 - 100km/giờ; giai đoạn 1, đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027
(8) Ngày 21-3-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, “Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị”. Và sau hơn 4 tháng, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa”