Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
TCCSĐT - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến của cả nước, ngày 19-12, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Đài phát sóng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Giới thiệu cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”.
Kỷ niệm 70 năm Ngày phát sóng Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu, nguyên lãnh đạo Đài các thời kỳ, các đơn vị trong Đài và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực văn học nghệ thuật tới dự sự kiện.
Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng cho biết: Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự là cơ quan báo chí đầu tiên phát đi Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào sáng 20-12-1946, từ hang Trầm, huyện Chương Mỹ (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cùng với việc phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945, sự kiện này ghi thêm một mốc son quan trọng trong lịch sử vẻ vang của đất nước, của giới báo chí cách mạng và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhắc lại kỷ niệm lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi Đài Tiếng nói Việt Nam là công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động cách mạng của Đảng, Chính phủ. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy, Người đã sử dụng làn sóng phát thanh để phát lệnh chiến đấu, kêu gọi và động viên mọi tầng lớp nhân dân ra sức đánh thực dân Pháp cứu nước, cứu nhà. Nghe theo lời kêu gọi của Bác, cán bộ, nhân viên của Đài đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hành quân, vận chuyển trang thiết bị lên chiến khu Việt Bắc. Trong 9 năm kháng chiến, đồng hành cùng dân tộc, một số cán bộ, nhân viên của Đài đã anh dũng hy sinh nhưng Tiếng nói Việt Nam vẫn phát thanh hùng tráng, liên tục, hoàn thành sứ mạng lịch sử, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Đài phát sóng Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn thể cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thành kính tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí minh, các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Hiện nay, Đài đang đổi mới mạnh mẽ nhằm thực hiện hiệu quả, nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đáp ứng những thay đổi to lớn, mạnh mẽ của đời sống báo chí, truyền thông hiện đại và yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Đài cũng đang nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, truyền dẫn phát sóng, nguồn nhân lực và năng lực quản trị với 4 loại hình báo chí (phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in) phấn đấu trở thành một trong những cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước.
Tại sự kiện, các đại biểu cùng nhau nghe lại băng ghi âm giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến; cùng nhau trao đổi về tác phẩm mới được Nhà xuất bản trẻ ấn hành mang tên “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tác phẩm là những ghi chép chân thực, sống động của một nhà báo đã theo suốt cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bắt đầu từ chiến trường khói lửa Bình Trị Thiên, theo chân các đoàn quân và ra tới Thủ đô Hà Nội trong niềm vui chiến thắng.
Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12) và 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều phim chất lượng tốt sẽ được trình chiếu trong cả nước tại Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016) và kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2016).
Các phim được chọn chiếu trong Tuần phim gồm: Phim truyện “Vòng xòe dưới ánh trăng” do Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo sản xuất; phim tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” (2 tập) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.
Bên cạnh đó, các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố tiếp tục khai thác lại những chương trình phim có nội dung phù hợp do Cục Điện ảnh phát hành trong các Đợt phim, Tuần phim trước đây như phim truyện “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng”, “Nhìn ra biển cả”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Mùi cỏ cháy”, “Đường thư”, “Đừng đốt”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Vào Nam ra Bắc”…; các phim tài liệu “Đỉnh cao chiến thắng”, “70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng”, “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, “Bác Hồ với nông dân”, “Đường tới độc lập, tự do”, “Ngày cuối cùng của chiến tranh”, “Điện Biên Phủ”, “Địa chấn ở Điện Biên Phủ”, “Hồi ức Điện Biên”… để trình chiếu phục vụ nhân dân trong Tuần phim.
Cùng với việc tổ chức Tuần phim, Cục Điện ảnh sẽ in 2 phim “Vòng xòe dưới ánh trăng”, “Giọt nước giữa đại dương” bằng file HD vào ổ cứng và đĩa DVD gửi tới tất cả các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chiếu tại rạp và trong chương trình chiếu bóng lưu động.
Cục cũng cung cấp đĩa DVD chương trình băng hình miền núi số chuyên đề: Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất tới các đội chiếu bóng lưu động của các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phim truyện “Vòng xòe dưới ánh trăng” kể về Lan - nữ bác sĩ trẻ đã không quản ngại khó khăn đến với bản làng vùng sâu vùng xa để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt rét. Với nỗ lực đưa kiến thức y tế khoa học đến từng gia đình trong bản, hướng dẫn, thuyết phục dân bản thực hiện, cứu giúp người ốm, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, Lan đã bảo vệ được lý tưởng sống của mình. Từ chối viễn cảnh sung sướng mà người yêu là thiếu gia nhà giàu hứa hẹn, Lan lựa chọn những cung đường mù sương, bản làng heo hút nhưng đầm ấm tình người. Bộ phim mang tới thông điệp ngắn gọn: Lý tưởng sống sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, can đảm chấp nhận mọi gian khổ, thách thức.
Phim tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” kể về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng thiên tài, một huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với lịch sử xây dựng và trưởng thành của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời trong sạch và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về đạo đức và trí tuệ cho quân và dân ta nhưng khi nói về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông chỉ cho mình là “một giọt nước giữa đại dương”.
Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22-12-2016 trên cả nước, Tuần phim do Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Dâng hương tưởng niệm các chiến sỹ bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò
Sáng 19-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò và gặp gỡ các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, 25 năm thành lập Ban liên lạc các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dâng hương tưởng niệm các chiến sỹ bị địch bắt tù đày, hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò; đồng thời đi thăm khu trưng bày tội ác của thực dân Pháp, khu trại giam, khu thành lập chi bộ Đảng trong tù, khu giới thiệu chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với tù binh Mỹ, cửa cống nơi các chiến sỹ vượt ngục, cây bàng nhân chứng lịch sử… tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ sự xúc động và cảm phục đối với các chiến sỹ cách mạng anh dũng, kiên trung với Đảng, cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tại buổi gặp gỡ các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Bí thư Thành ủy Hà Nội xúc động khi được chứng kiến bầu không khí đầm ấm và ngập tràn tình cảm của những người chiến sỹ yêu nước, cách mạng bị địch bắt, tù đày chính tại nơi từng bị giam cầm. Bí thư Thành ủy Hà Nội vui mừng khi thấy các cựu tù mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tham gia hoạt động xã hội, ở cơ sở, tiếp tục có những cống hiến, đóng góp hết mình vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và Thủ đô. Bí thư Thành ủy bày tỏ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn luôn tự hào, trân trọng những hy sinh, đóng góp của các chiến sỹ bị địch bắt tù đày vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Nhà tù Hỏa Lò là nhà tù lớn vào bậc nhất ở miền Bắc Đông Dương, là “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội. Tại đây, thực dân dân Pháp đã dùng những thủ đoạn tàn ác, vô nhân đạo đối với những tù nhân yêu nước và cách mạng, song chính nơi ngục tù gian khổ ấy lại là nơi mài sáng ý chí cách mạng, tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất, niềm tin tưởng thắng lợi của các chiến sĩ cách mạng. Trong nhà tù thực dân hà khắc, thường xuyên bị tra tấn chết đi sống lại, nhưng các chiến sĩ cộng sản kiên trung luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng, đoàn kết giúp nhau vượt qua mọi khổ ải, chết chóc, mưu trí đấu tranh làm thất bại các âm mưu đen tối của kẻ thù, với niềm tin son sắt vào thắng lợi của cách mạng.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an, Anh hùng lực lượng vũ trang kể về những ngày gian khổ khi bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò và bị đầy ở Khe Tù, Tiên Yên, Quảng Ninh. Thiếu tướng chia sẻ tình cảm khi được sinh hoạt trong Ban liên lạc và mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm hơn đến các cựu tù Hỏa Lò. Cụ Nguyễn Thị Hồng, cựu tù Hỏa Lò bày tỏ vui mừng khi cùng các đồng chí ôn lại kỷ niệm về một thời gian khó bị địch bắt giam giữ tại nhà tù nhưng vẫn một lòng trung thành, bất khuất giữ vững khí tiết cách mạng của người cộng sản./.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Biểu tượng mẫu mực về nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân  (19/12/2016)
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Biểu tượng mẫu mực về nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân  (19/12/2016)
Ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý biển, đảo  (19/12/2016)
Khai mạc Phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (19/12/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-12-2016  (19/12/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên