Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-12-2016

Đức Toàn tổng hợp
14:13, ngày 19-12-2016
TCCSĐT - Khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, xóa bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển, Bộ Công Thương cam kết tiên phong trong cải cách hành chính, một số kết quả cải cách tài chính công, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng giải thưởng cho nhiều sáng kiến cải cách hành chính, Bà Rịa-Vũng Tàu công bố Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung,… là những tin nổi bật tuần qua.

Xóa bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển

Chiều 13-12, Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Một trong ba chủ đề được thảo luận là xóa bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Về nội dung này, PGS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam, như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS. Trần Ngọc Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%. Dẫn lời của chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý học Peter Drucker “Cái gì không đánh giá được thì sẽ không cải thiện được”, ông khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về các bài phát biểu, trước hết là phát biểu về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế của GS. Hausmann, phát biểu về chính sách công nghiệp hoá của GS. Trần Văn Thọ và về những điểm nghẽn trong hệ thống kinh tế của PGS. Trần Ngọc Anh.

Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.

Thủ tướng tán thành cách đặt vấn đề của giáo sư Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn và đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo. “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.

Khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích

Ngày 16-12, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tổ chức Lễ công bố Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu.

Phó Thủ tướng cho rằng đây là sự kiện đặc biệt không chỉ đối với VNPost, ngành bưu điện mà cả quá trình cải cách thủ tục hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và được phục vụ như khách hàng. Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tác động rộng lớn đến người dân khi có thể thực hiện một số thủ tục hành chính thông qua mạng lưới các điểm bưu điện với sự trợ giúp trực tiếp của nhân viên bưu điện.

“Một số dịch vụ công mà VNPost đã thực hiện như chi trả chế độ cho một số đối tượng không chỉ tiết kiệm chi phí mà quan trọng hơn là công khai, minh bạch và đặc biệt người dân được phục vụ như khách hàng”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Đề cập đến tỷ lệ 86% thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến nhưng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 mới 5,1%, cấp độ 4 mới đạt 0,9%, Phó Thủ tướng cho rằng, những công việc tiếp theo còn rất nặng nề, khó khăn, cần có sự quyết tâm của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp… vì lợi ích chung của đất nước, thuận lợi cho người dân.

Thời gian tới, ngành bưu điện cùng các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin cần tích cực phối hợp, hợp tác chặt chẽ vào xây dựng một cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cả hệ thống hành chính. Còn cơ quan hành chính các cấp phải có kế hoạch rất cụ thể, công khai những thủ tục hành chính có thể được thực hiện qua hệ thống bưu điện.

Một số kết quả cải cách tài chính công

Cải cách tài chính công là một trong 6 nhiệm vụ của Chương trình cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy, bổ trợ cho các nhiệm vụ khác, nhất là các nhiệm vụ về cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách thủ tục hành chính.

Từ năm 2011 đến nay, cải cách tài chính công đã có bước chuyển mạnh và đạt được kết quả thiết thực, góp phần tạo hiệu ứng chung của cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Riêng khía cạnh cải cách cơ chế quản lý tài chính của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cải cách tài chính công đã đạt những kết quả quan trọng.

Việc thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 đã mở rộng hơn về quyền tự chủ của cơ quan nhà nước trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đặc biệt là việc chủ động trong sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức.

Phạm vi các cơ quan thực hiện khoán có sự mở rộng đáng kể so với giai đoạn trước. Tính đến nay, hầu hết các bộ đã giao thực hiện chế độ tự chủ cho 100% đơn vị trực thuộc. Tại địa phương, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giao tự chủ đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, từ khi triển khai theo Nghị định 117/2013/NĐ-CP, việc khoán kinh phí hoạt động đã được triển khai đến nhiều UBND xã, phường, thị trấn trên khắp cả nước.

Cơ chế khoán kinh phí đã tăng quyền chủ động của các cơ quan trong quá trình chi tiêu, thực hiện nhiệm vụ nên tỷ trọng kinh phí thực hiện khoán trong tổng kinh phí được giao của các cơ quan hành chính luôn tăng qua các năm. Khối các bộ, ngành trung ương, kinh phí giao tự chủ chiếm trên 60% kinh phí được giao, đối với khối các cơ quan ở địa phương, kinh phí giao tự chủ cao hơn, chiếm trên 70% kinh phí được giao.

Để triển khai cơ chế khoán kinh phí, các cơ quan hành chính phải xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản. Việc thực hiện các quy chế này ngày càng đi vào thực chất, qua đó, đã giúp việc quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán cũng như kinh phí tiết kiệm tại các cơ quan được chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Thông qua việc thực hiện các biện pháp sử dụng kinh phí được giao tiết kiệm, hiệu quả, các cơ quan thực hiện khoán kinh phí đã tiết kiệm hơn và sử dụng nguồn tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Trong đó, việc phân phối thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức đã gắn với hiệu suất công tác trên cơ sở đánh giá, phân loại A, B, C; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.

Bộ Công Thương cam kết tiên phong trong cải cách hành chính

Bộ Công Thương đã bãi bỏ hàng trăm thủ tục theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người dân. Công tác này sẽ được toàn ngành Công Thương tiếp tục chú trọng và thực hiện quyết liệt trong năm 2017. Không chỉ bãi bỏ hàng trăm thủ tục theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người dân, kiện toàn bộ máy nhân sự, tại hội nghị tập huấn về cải cách hành chính do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-12 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương khẳng định: Công tác này sẽ được toàn ngành Công Thương tiếp tục chú trọng và thực hiện quyết liệt trong năm 2017.

Theo ông Trần Hữu Linh, trong năm 2016, công tác cải cách hành chính được Bộ Công Thương hết sức quan tâm thể hiện qua việc Bộ đã ban hành nhiều văn bản về công tác cải cách hành chính. Năm 2017, Bộ sẽ kiện toàn bộ máy, nhiệm vụ về cải cách hành chính; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đầu mối cải cách hành chính. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ dịch vụ công online mức độ 3 và 4; ứng dụng công nghệ thông tin, Internet quản lý văn bản, lưu trữ hồ sơ tài liệu điện tử, quản lý công việc (3 Hệ thống eMOIT, iMOIT, aMOIT).

Bên cạnh đó, Bộ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin trên cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành; kiểm tra ISO tại các đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, hoàn thành việc áp dụng TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan thuộc bộ; nghiên cứu phương án thành lập Trung tâm Hành chính công/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung theo tinh thần Quyết định 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước.

Trao tặng giải thưởng cho nhiều sáng kiến cải cách hành chính

Lễ trao giải thưởng cuộc thi sáng kiến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch đã diễn ra sáng 16-12 tại Hà Nội. Sau hơn 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, tập thể trong và ngoài ngành cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến hết hạn dự thi, Ban Tổ chức nhận được 466 bài dự thi hợp lệ trong đó có 381 bài thi của cá nhân; 85 bài thi của tập thể phân bố khắp 3 miền của đất nước. Đặc biệt có một số bài dự thi của UBND cấp xã, cán bộ văn hóa xã của tỉnh Thái Bình, Cà Mau…

Ban Tổ chức đã trao tặng một giải Nhất, 5 giải Nhì, 15 giải Ba, 30 giải Khuyến khích cho các cá nhân và 10 giải cho tập thể xuất sắc nhất.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Minh Thái cho biết: Nhiều bài dự thi đã đề xuất nội dung cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi của Bộ. Trong đó có những bài đưa ra sáng kiến cải cách sáng tạo, phương án giải quyết thủ tục hành chính liên thông, góp phần cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện. Một số bài đưa ra sáng kiến có tính khả thi cao, mô hình có thể nhân rộng áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố… Tất cả các bài dự thi có sáng kiến hay, sáng tạo sẽ là cơ sở để Ban Tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, rà soát cùng hệ thống thủ tục hành chính hiện hành, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính thời gian tới.

Bà Rịa-Vũng Tàu công bố Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung

Ngày 15-12, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ công bố, đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh.

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị, các sở, ban, ngành nhất là đội ngũ công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động thử nghiệm, nỗ lực khắc phục những hạn chế tồn tại, nhất là nâng cao chất lượng thực thi công vụ, vận hành và kiểm soát hiệu quả hệ thống tiếp nhận và trả kết quả xử lý hồ sơ, xử lý linh hoạt việc chuyển hồ sơ cho các sở, ngành, đem đến sự hài lòng cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tập trung cấp tỉnh thuộc UBND tỉnh, đặt tại Văn phòng UBND tỉnh và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Giai đoạn 1 (từ năm 2015 đến năm 2018), Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tập trung được thành lập trên cơ sở công chức của các sở, ngành cử đến làm việc, do Văn phòng UBND tỉnh quản lý về mặt nội quy, quy chế. Giai đoạn 2 (từ năm 2018 đến 2020), sau khi sơ kết giai đoạn 1 sẽ hình thành Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng công chức được điều chuyển từ các sở, ngành về Văn phòng UBND tỉnh để quản lý toàn diện; bổ sung các cơ quan Trung ương vào thực hiện tập trung.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả này có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, luân chuyển, đôn đốc, trả kết quả, thu phí, lệ phí; khảo sát ý kiến của khách hàng; tiếp nhận và phối hợp tiếp thu, giải đáp các ý kiến đóng góp về chất lượng giải quyết dịch vụ hành chính; phục vụ các dịch vụ hỗ trợ quá trình giao dịch thủ tục hành chính; từng bước liên kết tối đa các giao dịch hành chính từ các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; quản lý nhân sự, tài chính, tài sản tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung theo quy định của pháp luật; quản lý về chấp hành nội quy, quy chế, quy trình, thời gian làm việc, mối quan hệ phối hợp đối với công chức biệt phái từ các sở, ban, ngành làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung.

Trước đó Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đi vào hoạt động thử nghiệm trong hơn 8 tháng. Tính đến ngày 30-11-2016, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã đón tiếp 65.000 lượt người liên hệ, qua đó tiếp nhận tổng số 44.831 hồ sơ các loại, chuyển giải quyết được 42.930 hồ sơ, đúng hẹn: 41.791 hồ sơ (đạt 97,3%), trễ hẹn 1.139 hồ sơ (chiếm 2,7%). Theo thống kê 482 phiếu góp ý, có 441 ý kiến hài lòng (đạt 91,5%), 15 phiếu không hài lòng.../.