“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Biểu tượng mẫu mực về nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân

TS. Nguyễn Đình Bắc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
15:22, ngày 19-12-2016

TCCSĐT - Cách đây tròn 70 năm, trước vận mệnh của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm tháng đã qua đi, nhưng âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi vẫn còn mãi với thời gian, để lại cho Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta những bài học hết sức quý báu, có ý nghĩa to lớn và thiết thực với công cuộc đổi mới đất nước hôm nay; một trong số đó là bài học khơi dậy, quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân.

1- Trên cơ sở kế thừa truyền thống quý báu của cha ông về tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc - truyền thống “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử vào tình hình và điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam; trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng nước nhà, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tập hợp, khơi dậy và phát huy “sức mạnh vô tận” của quần chúng nhân dân, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng, viết nên những trang sử oanh liệt, oai hùng của dân tộc. Và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trở thành một trong những biểu tượng mẫu mực, đỉnh cao của nghệ thuật khơi dậy và phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh toàn dân trong thời đại mới.

Thật vậy, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một câu hỏi lớn đặt ra cho Đảng và nhân dân ta là, chúng ta sẽ tiến hành cuộc kháng chiến như thế nào để có thể giành được thắng lợi trước một kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, khoa học và quân sự,... Với tư duy biện chứng sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh đã thấy sức mạnh của cuộc kháng chiến ngay ở trong nhân dân. Người chỉ rõ, “trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”(1), và rằng “sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(2).

Một trong những thành công nổi bật trong phát huy sức mạnh toàn dân của Đảng ta và Hồ Chí Minh, được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là đã khơi dậy điểm tương đồng, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ chung của mọi người dân đối với Tổ quốc. Theo đó, không phải ngẫu nhiên mở đầu Lời kêu gọi Hồ Chí Minh lại dùng cụm từ “Hỡi đồng bào toàn quốc!” và sau đó Người còn nhắc lại một lần nữa ba từ “Hỡi đồng bào!”. “Đồng bào” vốn là một khái niệm dùng để gọi những người cùng nguồn cội, giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ này một cách nhuần nhuyễn, tài tình, đúng cách, qua đó đã phát huy hiệu quả đích thực, truyền tải và nhân lên sức mạnh to lớn, làm lay động lòng người, tác động sâu thẳm vào tư tưởng, tình cảm mỗi con người; có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, sự kiên cường, dũng cảm ở mỗi người Việt Nam. Từ đó, làm cho mỗi người nhận thức được mình phải làm gì, làm như thế nào ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, thiết thực đóng góp vào sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ độc lập, tự do. Đồng thời, quy tụ, tập hợp lực lượng, nguồn nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực,.. để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

Mặt khác, sự sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh trong vấn đề này còn được thể hiện ở việc xác định và sử dụng lực lượng để phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân. Trong đó, Lời kêu gọi không dừng lại ở việc nêu lên ý thức trách nhiệm chung chung, ở lực lượng chung chung, mà đã chỉ ra một cách rõ ràng, cụ thể, hợp lý vị trí, vai trò của mỗi một thành phần, mỗi lực lượng trong xã hội. Người viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”(3). Điều đó có nghĩa, lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, lương giáo, đảng phái, dân tộc, thành phần giai cấp, binh sĩ, tự vệ hay dân quân,... Ai cũng đều thấy rõ bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình và phải ra sức chống thực dân Pháp cứu quốc. Bởi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ quốc là chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do, nếu nước mất thì ai cũng phải làm nô lệ. Do vậy, đã là người Việt Nam đều có chung một Tổ quốc, đều có nghĩa vụ và quyền lợi chung là phải đánh giặc, cứu nước. Quyền và nghĩa vụ ấy như một lẽ tự nhiên, lẽ sống của con người chân chính. Nó khác với thứ nghĩa vụ mang tính áp đặt, buộc phải tham gia vào một cuộc chiến tranh trong các chế độ mà người dân không phải là người chủ thực sự của đất nước.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân Nhà máy Ðiện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào thành. Đó cũng là tiếng súng phát lệnh mở màn cho cuộc toàn quốc kháng chiến; toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” và với tư thế đàng hoàng, tự tin, không hề nao núng. Trong đó, tại mặt trận Hà Nội, nhân dân đã chặt cây, đem toa xe lửa, toa tàu điện ra chất đống ở các ngả đường, thậm chí mang cả đồ gia bảo như hoành phi, câu đối, tủ, giường, bàn, ghế,... lập thành chiến lũy để chặn đánh quân thù. Cả Thủ Đô thực hiện “vườn không nhà trống”, không để cho quân Pháp cướp bóc; mỗi ngôi nhà, góc phố đều được mở thông và trở thành một vị trí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm khiến cho quân Pháp phải kinh hoàng.

Trong khi già, trẻ, trai, gái, lương, giáo,... sát cánh cùng bộ đội đánh giặc trong từng căn nhà, góc phố, trực tiếp xây dựng công sự, chiến hào, đắp ụ, chướng ngại vật, phá hủy công trình, đường sá ngăn địch, làm trinh sát, thông tin liên lạc, binh vận, địch vận, cứu thương, vận tải,... thì cán bộ, đội viên lực lượng vũ trang tại mặt trận Hà Nội nêu cao tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với bom ba càng, chai xăng và vũ khí thô sơ đã cùng nhân dân Thủ đô chiến đấu anh dũng suốt 60 ngày đêm (từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947), đập tan hoàn toàn kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của địch, góp phần có ý nghĩa thiết thực vào việc tạo điều kiện, thời gian thuận lợi cho cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến. Với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, quân và dân Hà Nội đã bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào ra khỏi thành phố, di chuyển máy móc ra vùng tự do. Cùng với quân, dân Thủ đô, quân và dân Nam Định, Vinh, Huế,... đã phát huy tinh thần tự lực kháng chiến đã chiến đấu quyết liệt, vây chặt quân địch trong thành phố, tiêu hao sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, giữ gìn và phát triển lực lượng.

Những biểu hiện trên chính là bằng chứng sinh động và đầy thuyết phục về nghệ thuật khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đặc biệt, nghệ thuật đó còn tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và tiếp tục phát huy vai trò to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên thực tế, lịch sử đã ghi nhận, chưa có một thời điểm nào của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sức người, sức của lại được huy động cao độ như chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động: “55.000 cán bộ, chiến sĩ của các Đại đoàn chủ lực, 261.453 dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, với 18.301.570 ngày công phục vụ chiến dịch, trải dài trên tuyến đường 400 - 500km, 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác… và hơn 20.911 xe đạp thồ; 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ; 3.130 chiếc thuyền”(4) cùng các phương tiện vận tải khác để phục vụ chiến dịch. Những con số trên có ý nghĩa thật to lớn đối với một đất nước còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu lại đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước quyết liệt và trường kỳ như Việt Nam.

Trong khi đó, đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng chính từ Lời kêu gọi này mà toàn dân tộc Việt Nam lại ra trận, đoàn kết xông lên đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Thật hiếm khi nào sức mạnh toàn dân lại được thể hiện đầy đủ, toàn diện và phát huy cao độ như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân và dân hai miền Nam - Bắc đã cùng kề vai, sát cánh chiến đấu vì sự nghiệp chung - xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, đồng bào, chiến sĩ miền Bắc ngày đêm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trên thực tế, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc đã tiến hành động viên quy mô lớn và liên tục nhân tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngoài nhân lực cung cấp cho lực lượng vũ trang, nhu cầu về nhân lực của nhiều ngành phục vụ trực tiếp cho chiến tranh cũng tăng lên rất lớn. Tính đến năm 1972, tổng số lao động của miền Bắc được động viên đã lên tới 2,5 triệu người, chiếm 11% dân số miền Bắc. Trong thời gian diễn ra các cuộc tiến công chiến lược (năm 1968, 1972 và 1975), số nhân lực động viên thường vượt quá số lao động xã hội, 70% số hộ gia đình ở miền Bắc có người thân chiến đấu trên các chiến trường; nhiều gia đình hai thế hệ cha, con cùng chiến đấu ở miền Nam. Cùng với đó, hàng vạn cán bộ dân chính, đảng, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong đã được cử đến các vùng giải phóng để tăng cường cho Đảng bộ và chính quyền cách mạng, nhanh chóng ổn định tình hình.

Rõ ràng, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, như tiếng kèn xung trận, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, dân tộc ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong Lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng đã nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm của các tầng lớp nhân dân, trở thành hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và với một thái độ dứt khoát “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

2- Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ra đời cách đây đã 70 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong đó, bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Thực chất, đây cũng là sự nghiệp cách mạng sáng tạo to lớn của nhân dân ta, rất vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, nhiều phức tạp. Vì vậy, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp vĩ đại này, đòi hỏi phải tạo ra sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Từ bài học kinh nghiệm về nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đòi hỏi quan trọng hàng đầu là phải làm tốt việc khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, thông qua những sách lược, định hướng mang tính khoa học, những giải pháp đồng bộ, thiết thực và khả thi. Cụ thể là:

Trước hết, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán trong hành động của từng cán bộ, đảng viên quan điểm mấu chốt “dân là gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”. Đồng thời, chú trọng xây dựng và thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân; phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tích cực chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Hai là, tiếp tục thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, biện pháp cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ một cách đầy đủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức để nhân dân được phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khắc phục mọi biểu hiện vi phạm dân chủ, coi nhẹ dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Mặt khác, tạo cơ hội và điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước.

Ba là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường,... Xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bốn là, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy ngày càng tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới, thực hiện tốt phương châm “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”(5); tăng cường sự đồng thuận xã hội, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng gây mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước./.

-----------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T. 5, tr. 409

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T. 5, tr. 151

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T. 4, tr. 480

(4) Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, T. 1, tr. 305

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158