“Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” - tác phẩm đoạt giải Vàng Sách hay năm 2013
TCCSĐT – Với những giá trị to lớn về mặt nghiên cứu lịch sử, văn hóa - xã hội, bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã vinh dự được trao giải Vàng Sách hay và giải Bạc Sách đẹp tại cuộc thi “Sách Việt Nam” năm 2013 vừa qua.
Thăng Long - Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc, từ lâu đã giành được sự ưu ái, quan tâm của rất nhiều thế hệ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực. Bằng tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với mảnh đất ngàn năm văn hiến, GS, NGND Phan Huy Lê cùng đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, nhằm tái hiện một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng cũng không ít thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội. Giáo sư Phan Huy Lê đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Cộng sản về bộ sách này.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, tính đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Xin Giáo sư cho biết bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do Giáo sư chủ biên được trao giải cao nhất Sách hay lần này có gì khác biệt so với những công trình nghiên cứu trước đó?
Giáo sư Phan Huy Lê: Theo tôi, sự khác biệt làm nên giá trị của bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” so với những công trình nghiên cứu về Hà Nội trước đó tập trung ở hai phương diện. Thứ nhất, nó cập nhật được tất cả những kết quả nghiên cứu mới nhất về Hà Nội. Phải nói là trong hai thập kỷ vừa qua thì những kết quả nghiên cứu về Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành tựu mới, dựa trên những nguồn tư liệu vô cùng quý giá bao gồm cả tư liệu trong nước và của nước ngoài. Ở đây, tôi cũng hết sức nhấn mạnh đến vai trò của một nguồn tư liệu rất mới mẻ và có tính chất chân thực vào bậc nhất, đó chính là các tài liệu khảo cổ học. Có thể nói, chưa bao giờ mảnh đất Hà Nội lại được khai quật trên một quy mô lớn như vậy, với tổng diện tích khai quật lên đến 30.000m2. Trên cơ sở những khai quật đó thì lần đầu tiên chúng ta đã đưa ra khỏi lòng đất những di tích và di vật vô cùng quý giá, giúp chúng ta hình dung một cách rõ nét hơn về từng thời kỳ khác nhau của Thăng Long - Hà Nội trải dài suốt 1000 năm. Như vậy, bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” có may mắn là được biên soạn vào lúc mà công việc nghiên cứu về Hà Nội được đẩy mạnh và tập trung nhất từ trước đến nay, nên nó tập hợp những tư liệu rất mới mà những công trình nghiên cứu trước đây chưa có được.
Điểm khác biệt thứ hai, đó là bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã cố gắng biên soạn theo một quan điểm mang tính hiện đại trên cơ sở sự phát triển của xã hội học Việt Nam mà tôi gọi nó là quan điểm có tính chất toàn bộ và toàn diện hơn. Quan điểm này sẽ nhìn lịch sử Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ là lịch sử chính trị, không phải chỉ là lịch sử của những người đứng đầu bộ máy nhà nước, chính quyền, mà bên cạnh vai trò rất quan trọng của chính quyền thì còn phải làm thế nào để phản ánh được toàn bộ đời sống của cư dân Thăng Long - Hà Nội và nhất là vai trò của các thợ thủ công, các thương nhân, vai trò của các phường, hội vốn là đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội mà các tỉnh khác không có hoặc chỉ có được phần nào… Rồi cũng phải chú ý tới đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân, kể cả các tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như những sinh hoạt bình dị của người dân. Đó chính là quan điểm lịch sử phải hướng tới con người nhiều hơn. Đấy chính là hai nét đặc biệt nhất của bộ sách này so với những công trình nghiên cứu trước đây về Hà Nội.
PV: Đây là công trình được triển khai từ năm 2005 và xuất bản vào năm 2011, tức là khi Hà Nội đã có khá nhiều thay đổi về mặt địa giới. Vì thế, có lẽ nhiều độc giả cũng sẽ chú ý đến “tính thời sự” đó của bộ sách?
Giáo sư Phan Huy Lê: Đứng về nguyên lý của sử học thì khi nói về lịch sử của một vùng đất nào đó, bao giờ cũng phải xuất phát từ địa giới hôm nay. Bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” xuất bản năm 2011, tức là khi Hà Nội đã mở rộng địa giới bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh của Hòa Bình. Tuy nhiên, ở đây, tôi thấy cần phải nói ngay là bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” này đã được đặt vấn đề từ năm 2005, đến năm 2007 thì hoàn thành đề cương và kế hoạch thực hiện. Tháng 8 - 2008, Hà Nội mở rộng địa giới, khi đó, nhóm biên soạn chúng tôi cũng đã bàn bạc rất kỹ xem có tính đến yếu tố mở rộng đó trong bộ sử này hay không. Vấn đề đặt ra là nếu như để bộ sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì không thể kịp được, vì diện tích phần mở rộng còn lớn hơn cả diện tích vốn có của Hà Nội. Cho nên, bộ sách này vẫn được biên soạn trên không gian địa lý của Hà Nội trước khi mở rộng địa giới. Người dân Hà Nội ở những nơi được mở rộng, khi đọc bộ sách này có lẽ cũng chưa thật thỏa mãn nên trong lời tựa của bộ sách, chúng tôi cũng đã nói về “món nợ” này đối với phần mở rộng của Hà Nội, hy vọng đến khi tái bản thì có thể khắc phục được phần còn thiếu này.
PV: Xưa nay, có nhiều bộ sách lịch sử hết sức có giá trị, nhưng do tính hàn lâm, tính chuyên biệt về chuyên môn cao nên đối tượng khai thác những tác phẩm ấy thường không rộng lắm. Giáo sư và các nhà khoa học tham gia thực hiện bộ sách này có tính đến vấn đề đó không, để đông đảo độc giả có thể dễ dàng tiếp cận bộ sách, qua đó tăng thêm sự hiểu biết của họ về Thủ đô ngàn năm văn hiến?
Giáo sư Phan Huy Lê: Vấn đề này cũng đã nằm trong chủ trương ngay từ đầu của nhóm tác giả biên soạn. Theo đó, tác phẩm phải đạt hai yêu cầu, một mặt là phải bảo đảm tính chuyên sâu, thậm chí mang tính bác học, nhưng mặt khác thì không phải chỉ để cho một nhóm người làm chuyên môn đọc, mà nó phải khiến cho những người quan tâm đến nó có thể đọc và hiểu được. Vì thế, chúng tôi cũng chủ trương sẽ có một tập sách giản lược, có độ dày khoảng 400 đến 500 trang, chọn lọc những gì cần phổ biến đến đông đảo người đọc nói chung thì mới đưa vào, và nhất là cách hành văn sẽ phải rất phổ thông, để ai đọc cũng có thể hiểu được nhưng cũng không kém phần lôi cuốn. Ở đây tôi muốn nói, giản lược không có nghĩa là tóm tắt, mà hoàn toàn có thể sẽ phải viết lại. Mặc dù để làm được điều này thì cũng không phải dễ dàng nhưng hy vọng là cũng sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất để bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đến được rộng rãi hơn với người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
PV: Thường đối với những bộ sách lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thì việc “không đều tay” về kiến thức, về văn phong, về cách thể hiện… là điều khó tránh khỏi. Bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Vậy với vai trò chủ biên của bộ sách, Giáo sư đã xử lý vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Phan Huy Lê: Đây đúng là một trong những cái vất vả của tôi khi thực hiện bộ sách này. Có thể nói, không riêng gì bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” mà bất cứ công trình khoa học nào có nhiều người tham gia thì đều phải đặt ra vấn đề làm sao để thống nhất những cá tính khác biệt. Khoa học đặc biệt coi trọng cá tính của mỗi người nên không thể thống nhất theo kiểu xóa bỏ đi cái riêng của họ được. Người chủ biên cũng không thể ngồi viết lại tác phẩm mà phải làm như thế nào đó để giảm bớt sự khác biệt, tạo nên một sự thống nhất tương đối. Muốn thực hiện được điều đó thì trước hết phải thống nhất ngay từ đề cương viết của tác phẩm. Bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã được chúng tôi xây dựng đề cương rất công phu, thậm chí làm đi làm lại nhiều lần. Mỗi chương trong tác phẩm cũng phải có một đề cương riêng, rồi trên cơ sở đó, chúng tôi lại phải thống nhất lần nữa và tổng hợp lại thành một đề cương chung. Cũng phải thừa nhận, mỗi chương có một phong cách khác nhau, nếu ai đọc kỹ sẽ phát hiện ra. Tuy nhiên, nhìn tổng quát thì đó vẫn là một thể thống nhất.
Có một việc nữa, mà cái này chủ biên phải kiên quyết làm. Đó là mỗi một chương viết có phân ranh giới rõ ràng từng thời kỳ, nhưng do thói quen, ai cũng muốn có mở đầu trước khi viết vào phần của mình, nên “lấn” sang cả chương trước đó, rồi đoạn cuối cũng có khi nhích sang phần sau... Đối với những trường hợp như vậy thì để tránh sự trùng lặp, không có cách nào khác hơn là chủ biên phải kiên quyết cắt bỏ.
PV: Được biết bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” là một trong những đầu sách “đinh” nằm trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Nhà xuất bản Hà Nội. Là một trong những nhà khoa học tham gia xây dựng Tủ sách từ những ngày đầu, đồng thời cũng là một người đã gần như dành trọn cuộc đời nghiên cứu của mình cho Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư có đánh giá như thế nào về giá trị của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” trong đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô?
Giáo sư Phan Huy Lê: Có thể nói, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến là một sáng kiến rất hay, được giới làm khoa học quan tâm vì nó phản ánh đúng đắn suy nghĩ về cái vị thế đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội đối với cả nước. Bên cạnh đó, một điều may mắn nữa là đội ngũ những người làm lãnh đạo của Hà Nội cũng đã hiểu được tầm quan trọng của tủ sách để ủng hộ và đưa vào kế hoạch tuyên truyền. Và nhờ chủ trương về tủ sách này mà đã, đang và sẽ còn nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội ra đời, được lưu lại và lan rộng dần không chỉ trong phạm vi Thủ đô Hà Nội mà trong cả nước. Ban đầu, việc xây dựng tủ sách cũng rất vất vả, vì thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng rất may là được sự hưởng ứng và tham gia của gần như cả giới khoa học sống trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội này, bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu của mình, nên kết quả trên 100 đầu sách đã được xuất bản cũng là một niềm tự hào của chúng tôi.
PV: Và Giáo sư hy vọng như thế nào về việc bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” nói riêng và “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nói chung sẽ phát huy ý nghĩa của nó vào việc xây dựng Thủ đô trong những năm tới?
Giáo sư Phan Huy Lê: Muốn cho một công trình nghiên cứu phát huy hết ý nghĩa, tác dụng của nó thì nó phải đến với từng con người. Đặc biệt là những cư dân Thăng Long - Hà Nội, họ phải hiểu được mình đang sống trên mảnh đất như thế nào thì từ đó họ mới thấy hết trách nhiệm của mình đối với Thủ đô. Vì vậy, việc bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” nói riêng và những tác phẩm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nói chung sẽ phát huy tác dụng của nó như thế nào vào việc xây dựng Thủ đô thì theo tôi, cần phải nhìn ở hai phương diện. Phương diện thứ nhất là nó phải đi vào con người, chỉ khi những giá trị đi vào con người thì nó mới biến thành sức mạnh để góp phần xây dựng Thủ đô trên mọi lĩnh vực. Tôi nghĩ đây là việc mà Hà Nội phải tiếp tục làm, tức là phải tiếp tục quảng bá rộng lớn hơn nữa ý nghĩa cũng như giá trị của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đến với người dân. Phương diện thứ hai, những người có trách nhiệm và đội ngũ những người lãnh đạo Hà Nội cũng sớm tiếp thu những thành tựu nghiên cứu này để nâng cao hiểu biết của chính bản thân mình về Hà Nội, trên cơ sở đó, nâng tầm của mình lên để từ đó có thể có những ý tưởng mới mẻ khác trong việc quy hoạch, xây dựng một diện mạo mới cho Hà Nội hôm nay và tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc phỏng vấn này./.
Phát triển văn hóa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (04/10/2014)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp Đoàn đại biểu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu  (04/10/2014)
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2014)  (04/10/2014)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Vanuatu  (04/10/2014)
Tôn Hoa Sen đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng xây nhà máy ở Nghệ An  (04/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm