Ý nghĩa tượng trưng mang giá trị lịch sử

Phan Lang
17:08, ngày 30-11-2012
TCCSĐT - Ngày 29-11 vừa qua, với hơn hai phần ba phiếu thuận, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã biểu quyết nâng quy chế tư cách của chính quyền tự trị Pa-le-xtin (Palestin) từ quan sát viên lên thành "nhà nước quan sát viên không phải là thành viên" của Liên hợp quốc.
Theo ngôn từ của Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) thì kết quả này là "giấy khai sinh của nhà nước Pa-le-xtin độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ". Cùng với sự công nhận nhà nước này, Đại hội đồng Liên hợp quốc còn công nhận lãnh hổ của nhà nước Pa-le-xtin bao gồm các khu vực Bờ tây sông Gioóc-đan (Jordan), Dải Ga-da (Gaza) và Đông Giê-ru-sa-lem (Jerusalem) trong ranh giới trước năm 1967. Điều đó đồng nghĩa với việc, Đại hội đồng Liên hợp quốc xác nhận I-xra-en (Israel) đã chiếm đóng trái phép miền Đông Giê-ru-sa-lem và một số khu vực lãnh thổ của Pa-le-xtin để xây dựng các khu định cư cho người Do Thái. Trên thực tế, việc I-xra-en tiếp tục chiếm đóng những khu vực lãnh thổ này là một trong những cản trở chính đối với tiến trình hòa bình và hòa giải giữa I-xra-en và Pa-le-xtin theo định hướng, khuôn khổ và lộ trình của thỏa thuận ký kết giữa hai bên ở Ốt-xlô (Oslo - Na uy).

Với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng - kết quả bỏ phiếu này thể hiện rất thuyết phục sự hậu thuẫn chính trị rộng rãi trong 193 thành viên Liên hợp quốc dành cho mục tiêu phấn đấu bền bỉ của Pa-le-xtin có được nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ. Từ năm 1974, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) đã được công nhận là quan sát viên trong Liên hợp quốc. Từ năm 1998, quốc gia này được thêm một số quyền hạn mới, như quyền phát biểu tại Liên hợp quốc và tham gia vào những nghị quyết của Liên hợp quốc. Cho nên thắng lợi quan trọng nhất của Pa-le-xtin ở lần biểu quyết này của Đại hội đồng Liên hợp quốc là được Liên hợp quốc công nhận là "nhà nước". Tuy chưa phải là thành viên chính thức của Liên hợp quốc nhưng quy chế tư cách mới này mở ra khả năng cho Pa-le-xtin tham gia vào các tổ chức và thể chế của Liên hợp quốc cũng như các công ước của Liên hợp quốc, kể cả Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Nhờ đó, Pa-le-xtin sẽ có được vị thế chính trị và pháp lý thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh vì nhà nước độc lập. Đây được xem là bước tiến rất quan trọng đối với Pa-le-xtin trên con đường trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.

Thắng lợi này của Pa-le-xtin tuy chỉ có ý nghĩa trượng trưng nhưng lại có giá trị lịch sử và là một thất bại về chính trị cũng như ngoại giao của cả Mỹ lẫn I-xra-en. Cả hai đều bị cô lập trên thế giới trong vấn đề này. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ gây khó dễ cho Pa-le-xtin như đã gây khó dễ về tài chính cho UNESCO sau khi tổ chức này của Liên hợp quốc kết nạp Pa-le-xtin làm thành viên chính thức. Nhiều khả năng I-xra-en sẽ có quan điểm cứng rắn hơn và găng hơn với Pa-le-xtin, nhưng áp lực buộc I-xra-en đi vào đàm phán hòa bình thực chất với Pa-le-xtin sẽ gia tăng, nhất là khi môi trường chính trị và an ninh ở khu vực đã và đang tiếp tục diễn biến theo hướng bất lợi đối với I-xra-en.

Với thành quả mới này, uy tín và vai trò của ông M.Áp-bát và phe Pha-ta (Fatah) được đề cao, qua đó củng cố sự cân bằng ảnh hưởng giữa Pha-ta và Ha-mát (Hamas) ở Pa-le-xtin, thúc đẩy sự hòa giải và đoàn kết trong nội bộ nước này để cùng nhau hướng tới việc khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình thực chất với I-xra-en. Có thể thấy, tác động của việc bị cho rằng chỉ có ý nghĩa tượng trưng lại rất đáng kể đối với tất cả các bên liên quan.

Đối với Pa-le-xtin, dù chặng đường đi tới mục tiêu để có được một nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ còn rất dài và lắm chông gai, song kết quả biểu quyết nói trên trong Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn là một dấu mốc lịch sử. So với năm ngoái, việc đưa vấn đề này ra Đại hội đồng Liên hợp quốc là một quyết định đúng đắn và hợp thời của Pa-le-xtin sau khi không thể có được thành công trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì Mỹ tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết. Sự trì trệ và thậm chí bế tắc của tiến trình đàm phán hòa bình với I-xra-en đã cho Pa-le-xtin thấy, họ không thể ngồi chờ I-xra-en chấp nhận yêu cầu chính đáng của mình và kỳ vọng sự ủng hộ của Mỹ mà phải chủ động tạo cục diện mới và tình thế mới có lợi cho mình trong vấn đề này cũng như ở khu vực./.