TCCSĐT - Việc dạy, dùng cán bộ chính là việc dạy và dùng đối với những người: “… đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ ra công tác dạy cán bộ và dùng cán bộ (mục 2. Dạy cán bộ và dùng cán bộ thuộc phần IV. Sửa đổi lối làm việc - vấn đề cán bộ). Cũng ở phần IV, tiểu mục 1, Người đã bàn tới vấn đề Huấn luyện cán bộ. Mở đầu Bác giải thích rất rõ cán bộ là ai, họ có vai trò, vị trí như thế nào trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Công tác huấn luyện cán bộ được Hồ Chí Minh xác định “là công việc gốc của Đảng”. Do đó, Đảng phải mở rộng các lớp, các trường để huấn luyện cán bộ. Người phê phán tình trạng “huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính”. 

Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”(1). Đồng thời ở mục 1 bàn về Huấn luyện cán bộ, Bác cũng đã nêu rõ những vấn đề cần sửa chữa, cần làm trong 4 loại huấn luyện cơ bản: a) Huấn luyện nghề nghiệp; b) Huấn luyện chính trị; c) Huấn luyện văn hóa; d) Huấn luyện lý luận. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi tập trung suy nghĩ thêm về việc dạy cán bộ và dùng cán bộ mà Bác viết trong mục 2 thuộc phần IV, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Chúng ta đã biết, giành được chính quyền, nước nhà được hưởng những ngày độc lập ngắn ngủi, chưa kịp lại sức đã buộc phải gồng mình quyết bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go mà ta biết không thể nào tránh được. Thách thức đối với một đảng non trẻ mới cầm quyền được 2 năm là những khó khăn do âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, dã tâm từ phía kẻ thù và khả năng hơn hẳn về quân sự của chúng; do điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước và từ những đòi hỏi ngang tầm về nhân cách đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, trong khi đó phần đông họ chưa có nhiều tri thức, kinh nghiệm để cầm quyền, hoặc chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu về phẩm chất đối với người cán bộ của một đảng cách mạng cầm quyền là vì dân, vì nước mà quên mình, phải biết lo trước thiên hạ, khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, sướng sau thiên hạ. Những khó khăn từ phía kẻ thù mang lại, từ hoàn cảnh điều kiện của đất nước đặt ra, từng bước toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhau khắc phục. Những yếu kém về năng lực, đạo đức cách mạng của không ít cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước đòi hỏi Đảng phải tổ chức để sửa, cán bộ phải tự sửa, giúp nhau cùng sửa, kịp đáp ứng yêu cầu cách mạng đang đặt ra và sẽ đặt ra, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc mau đến thành công.

Tiểu mục chỉ có 579 từ, nhưng “Dạy cán bộ và dùng cán bộ” được bàn một cách toàn diện về hai vấn đề lớn là dạy và dùng cán bộ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, những người làm việc nào thì là cán bộ. Do đó, theo Hồ Chí Minh, việc dạy, dùng cán bộ chính là việc dạy, dùng đối với những người: “… đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. Theo chúng tôi, ở đây chỉ bàn đến sự tác động theo một hướng - hướng từ trên xuống. Đảng, Nhà nước với tư cách chủ thể hành động dạy và dùng cán bộ; cán bộ chịu sự chi phối, là chủ thể hành động tiếp thu sự dạy và thực hành sáng tạo sự dùng của Đảng, Chính phủ và nhân dân. 

Dạy cán bộ 

Nếu hiểu đúng bản chất của vấn đề theo quan điểm Hồ Chí Minh, cán bộ trước hết họ là đầy tớ của nhân dân thì mới hiểu đúng về cách đặt vấn đề là Đảng, Nhà nước và nhân dân phải dạy cán bộ. Công việc của người đầy tớ của nhân dân đòi hỏi những tiêu chuẩn rất nghiêm túc, cao về cả đức và tài, không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Chỉ những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm cách, tự nguyện cống hiến cho dân, cho nước một cách vô tư thì mới đảm đương được. Nhưng những phẩm chất, năng lực đó không tự nhiên có mà phải do đào tạo, trui rèn, giúp đỡ của Đảng, của dân mới được.

Mục 1 phần IV này, Hồ Chí Minh đã trình bày một cách căn bản về công tác Huấn luyện cán bộ. Sau khi phê phán tình trạng đây đó trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng và Nhà nước ta còn nhiều yếu kém về nội dung, phương pháp dẫn đến hiệu quả huấn luyện chưa cao, Hồ Chí Minh đã đưa ra cách sửa chữa cho từng loại huấn luyện. Huấn luyện cán bộ là trang bị cho cán bộ của Đảng quan điểm, lập trường, đường lối cách mạng, nghiệp vụ chuyên môn, văn hóa, lý luận,… Vậy dạy cán bộ là làm gì ?

Trước hết, Hồ Chí Minh đặt vấn đề về vai trò to lớn, giá trị quý báu của đội ngũ cán bộ và khẳng định sự cần thiết phải nuôi dạy cán bộ cách mạng: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. 

Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới. Mặt trận dân tộc ngày càng rộng, nảy nở ra hàng ngàn, hàng vạn người hăng hái nhưng lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít. Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ tự phải giải quyết. Vì vậy chúng ta cần phải đặc biệt chú ý săn sóc những cán bộ đó”(2).

Thứ hai, bên cạnh công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh còn lưu ý đối với loại cán bộ “lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít” thì Đảng, Nhà nước phải dày công dạy dỗ. Vấn đề đặt ra là nhận diện cho được những cán bộ đó để kịp thời giúp đỡ họ. 

Điều kiện của chúng ta, từ nền kinh tế tiểu nông với tất cả những kinh nghiêm, tri thức cũ đã trở thành lối mòn ở mỗi người, trong đó có đội ngũ cán bộ của Đảng. Không phải tự nhiên một sớm, một chiều làm thay đổi được ngay, càng không thể trong ngày một, ngày hai có ngay được khả năng mới thích ứng tốt nhu cầu cuộc sống hiện tại và tương lai được. Vì vậy, việc dạy dỗ đối với cán bộ là cần kíp và thường xuyên, nhất là vào thời điểm bước ngoặt căn bản của lịch sử Việt Nam: từ nền kinh tế tiểu nông sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ở đó trình độ sản xuất nhất thiết phải hướng tới là một nền công nghiệp tiên tiến và hiện đại. Xóa bỏ lề lối cũ, xây dựng lề lối mới đều tất yếu như nhau. Những tri thức mới, những phẩm chất mới hình thành từ hạ tầng xã hội là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với chúng ta nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ còn rất mới mẻ, vừa thiếu tri thức, vừa ít kinh nghiệm, nhưng đó là công việc tất yếu phải làm và sớm thích ứng. Việc làm cho cán bộ nhận thức được những yêu cầu của xã hội đương đại, mà trước hết là từ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và có phương hướng, phương pháp, cách làm, bước đi trong mọi công việc thuộc đời sống xã hội, đời sống kinh tế, đời sống chính trị, đời sống văn hóa mới cho cán bộ, chính là cái mà Đảng phải dạy đối với họ. Cách dạy của ta trong 26 năm đổi mới đạt kết quả đáng trân trọng, góp phần làm nên thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Nhưng cách dạy, nội dung dạy đó còn nhiều vấn đề phải tiếp tục cách mạng. Ví dụ, rất nhiều vấn đề đang đặt ra, chưa được làm sáng tỏ, trong khi nó lại là phương pháp luận cho suy nghĩ, hành động của chúng ta hiện nay như: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Việt Nam hiện nay nói riêng?; Làm thế nào để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế?; Đảng cầm quyền với nắm quyền khác nhau ở chỗ nào và cơ chế lãnh đạo cụ thể ra sao?; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, nhà nước pháp quyền của thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng?; Cổ phần hoá trường công, bệnh viện công theo phương cách nào để vừa phát huy được nguồn lực, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa?; Những vấn đề tâm linh và khoa học chân chính được sử dụng và lan tỏa như thế nào để xã hội ta phát triển lành mạnh, nhanh, bền vững, an dân?; Công tác giáo dục lý luận thì quá cũ nhưng lý luận mới, phương pháp mới là thế nào thì nhiều vấn đề rất cơ bản đang được đặt ra, đòi hỏi lời giải để định hướng thì còn lúng túng,... Trong khi đó, chúng ta đang khủng hoảng thiếu những nhà lý luận đầu đàn, cho nên tổng kết quá trình xây dựng đất nước về mọi mặt có thể làm được, nhưng rút ra những quy luật vận động của thời kỳ phát triển này thì chưa ngang tầm!. Do những vấn đề mới chưa được nhận thức đầy đủ, những vấn đề cũ đã lỗi thời mà những người làm công tác đi dạy thì vẫn phải dạy, cho nên cả nội dung và phương pháp giảng dạy hoặc là chưa đủ sức thuyết phục, hoặc sáo mòn những lý thuyết cũ, xa rời thực tế. Thậm chí, những vấn đề lạc hậu, bất cập ấy trong hệ thống giáo dục, ở nhiều cấp học, nhiều nhà trường, học viện đào tạo cán bộ vẫn chiếm thời lượng đáng kể. Trong khi đó, quy định chuẩn hóa cán bộ theo những nấc thang khác nhau đều phải trải qua các trường đào tạo theo quy định. Nhưng giữa các nhà trường cùng nằm trong hệ thống đào tạo cán bộ thì nội dung các môn học bị trùng lặp quá nhiều. Do chúng ta đánh giá quá cao một số môn học, coi đó là những khoa học của khoa học, phương pháp luận,… nên trong loại hình đào tạo nào cũng đưa vào. Thành ra, người được dạy phải nghe đi, nghe lại quá nhiều vấn đề đã được học đi học lại. Nhiều học viên phải kêu lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nếu một môn học được đưa vào nhiều cấp học thì nội dung nhất thiết không trùng nhau, nếu học lại phải tuân thủ nguyên tắc xoáy trôn ốc, tức là càng lên cao, tri thức càng sâu. Tri thức của cuộc sống là vô cùng, vô tận, dài, rộng, cao, sâu ở tất cả những vấn đề của tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Đối với cán bộ, vị trí công tác càng cao thì yêu cầu hiểu biết càng nhiều và sâu sắc về những vấn đề của đời sống xã hội. Đó là tri thức nền tảng, là vốn văn hóa cần thiết đối với người cán bộ. Song, quỹ thời gian của mỗi người là hữu hạn, chúng ta không thể “nhồi sọ” để họ có thể học được tất cả. Vấn đề là lựa chọn những gì? Kiến thức nào là cơ bản, là cơ sở, là kiến thức chuyên môn thuộc chuyên ngành đã được học ở bậc đại học? Các nhà trường đào tạo cán bộ cần phân loại thật cụ thể các ngành học để đào tạo tập trung đúng cái mà cuộc sống đang cần. Chỉ có cái cuộc sống cần, người cán bộ cần thì công việc dạy đối với họ mới trở nên hứng thú và có hiệu quả thiết thực. Học là để hành, chứ không phải học để đáp ứng yêu cầu “chuẩn hóa” theo tiêu chí đặt ra. Cần hết sức tránh tình trạng giáo điều về các môn học mà chúng ta còn đang vướng. Dạy phải trúng đích mà cuộc sống đặt ra. Không thể dạy cái người dạy có, để rồi người học không biết sử dụng làm gì trong cuộc sống thực. Thời gian đối với mỗi người nói chung, với cán bộ nói riêng là rất hữu hạn, nhưng đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là đối với hoàn cảnh, điều kiện của nước ta hiện nay là vô hạn. Bố trí việc dạy hợp lý là vấn đề khoa học và nhân văn mà nền giáo dục nói chung, công tác đào tạo cán bộ nói riêng phải từng bước hướng tới. Đó chính là quan điểm dạy đối với cán bộ của Hồ Chí Minh.

Một vấn đề nữa trong việc dạy cán bộ là: Người đi dạy phải là người thế nào?. Lê-nin đã từng yêu cầu: người đi giáo dục trước hết phải là người được giáo dục. Việc “được giáo dục” ở đây cần được hiểu là người có đủ tri thức, đủ đạo đức để dạy người. Họ được Đảng, nhân dân ủy thác cho nhiệm vụ cao quý là dạy cho được đội ngũ những người để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chúng ta cần rà soát lại một cách thật nghiêm túc đội ngũ này. Vấn đề là ở chỗ, phải có một “bộ lọc” thật tốt, thật chuẩn xác, chỉ giữ lại và tuyển vào hàng ngũ những người đi dạy được đồng nghiệp và người học thừa nhận về năng lực và phẩm chất.

Dùng cán bộ

Sáu điều mà Hồ Chí Minh lưu ý tổ chức đảng các cấp, các đơn vị khi sử dụng cán bộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự.

Một là, “phải biết rõ cán bộ”. Việc đánh giá cán bộ một cách thường xuyên và khách quan có ý nghĩa quan trọng để Đảng nhận diện được cán bộ mà mình đang dùng và sử dụng đúng người, đúng việc. Có rất nhiều cách để đánh giá cán bộ, nhưng cách chắc chắn nhất vẫn là qua công việc. Hãy mạnh dạn giao công việc cho cán bộ, kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn chặt chẽ quá trình cán bộ đó tổ chức thực hiện, và cuối cùng là tổ chức nghiệm thu, đánh giá rút kinh nghiệm từng công việc cụ thể. Thường xuyên tổ chức làm điểm hay hội thi, thao diễn, có đánh giá nghiêm túc. Tổ chức đối thoại giữa cán bộ và quần chúng được cán bộ đó phục vụ, hoặc lãnh đạo. Công tác tự phê bình và phê bình cần được tiến hành thường xuyên hơn, thực chất hơn gắn liền với chế độ thưởng về vật chất trong khuôn khổ phát triển của đơn vị. Bản chất của vấn đề "biết rõ cán bộ" là để đánh giá đúng cán bộ, sử dụng đúng cán bộ, cất nhắc chính xác cán bộ nhằm phát huy tối đa khả năng của cán bộ trong bộ máy công quyền.

Hai là, “phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”. Hồ Chí Minh lưu ý tới việc tất yếu phải bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề là phải bổ nhiệm đúng người với việc, đúng thời điểm cần bổ nhiệm. Muốn làm được như vậy, các tổ chức đảng trên cơ sở có đủ thông tin về cán bộ đó (lắng nghe ý kiến các tổ chức, đoàn thể mà cán bộ sinh hoạt, thăm dò tín nhiệm theo quy trình chặt chẽ), đánh giá chính xác nhân cách của họ từ các góc nhìn khác nhau. Trên cơ sở đó, với nhận thức lý tính và cả cảm tính, dám chịu trách nhiệm mà người đứng đầu quyết định. Tuyệt đối tránh tình trạng bổ nhiệm “hậu duệ” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề cập, và nếu đã có trường hợp nào thuộc tình trạng này thì tổ chức đảng, ban lãnh đạo cấp đó, nơi đó cần nghiêm túc kịp thời sửa chữa. Nếu chậm chễ chỉ kéo dài tình trạng phản cảm của xã hội, để “viên gạch thối” lây lan “công trình” mà Đảng và nhân dân đang nỗ lực xây dựng. Để cán bộ phát huy cao nhất khả năng của mình, tổ chức Đảng và ban lãnh đạo phải tạo môi trường thuận lợi nhất, điều kiện làm việc tốt nhất trong hoàn cảnh có thể và cuối cùng là chế độ đãi ngộ tương thích.

Ba là, “phải khéo dùng cán bộ”. Khó có thể cầu toàn về nhân cách của một cán bộ, nhưng thế mạnh nào nổi trội thì bổ nhiệm vào cương vị mà họ phát huy cao nhất sở trường, hạn chế tối đa sở đoản. Đó là sự khéo léo trong việc dùng người mà Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Dụng nhân như dụng mộc”. Không có sự vô dụng, chỉ có biết khéo léo sử dụng hay không. Khéo léo dùng người chính là ta đã biết đặt đúng người vào với việc, chỉ có như vậy mới phát huy sức mạnh của từng con người, từng đơn vị, nhân lên thành sức mạnh tổng hợp của đơn vị, của đất nước. 

Bốn là, “phải phân phối cán bộ cho đúng”, tức là việc bố trí công tác, phân công nhiệm sở, phân phối cán bộ giữa các vùng, miền, địa phương, ngành,… sao cho phù hợp với năng lực, nguyện vọng để họ phát huy cao nhất khả năng của mình; đồng thời để các cấp, các ngành, các địa phương cùng phát triển nhanh, bền vững. Hồ Chí Minh đứng vững trên lập trường mác-xít với quan điểm đúng đắn: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nên việc phân phối cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu là người cán bộ đó có huy động tối đa sức mạnh của quần chúng hay không? Sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân phản ánh việc phân phối cán bộ của cấp có thẩm quyền có đúng hay không. Việc luân chuyển cán bộ hiện nay của chúng ta cũng cần lưu ý tới vấn đề này.

Năm là, “phải giúp cán bộ cho đúng”, có nghĩa là phải công bằng nhưng thân thiện, nghiêm túc mà thân ái, đòi hỏi họ cống hiến nhưng chân tình giúp đỡ họ, thưởng và trọng thị khi họ có công. Phải nghiêm khắc nhưng có lòng rộng lượng giúp đỡ để họ sửa chữa lỗi lầm. Tóm lại, con người là quý giá nhất không gì bằng, cho nên, trân trọng, khuyến khích, nghiêm khắc, rộng lượng,… đều phải được dành cho họ để họ vừa giữ mình, vừa hăng say cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung.

Sáu là, “phải giữ gìn cán bộ”. Hiểu rộng việc giữ gìn cán bộ theo quan điểm của Hồ Chí Minh không chỉ là công tác bảo đảm an toàn về tính mạng mà cả an toàn về sinh mạng chính trị đối với họ. Ở đâu và cương vị nào cán bộ công tác có hiệu quả, an toàn thì tiếp tục giao nhiệm vụ, thậm chí giao nhiệm vụ cao hơn và phải bảo vệ họ tuyệt đối an toàn. Ở vị trí nào và ở đâu không còn phù hợp, hiệu quả thấp, thiếu tính an toàn thậm chí đã bắt đầu có những biểu hiện sai lầm thì không nên kéo dài thời gian công tác của cán bộ mà cần điều động họ tới nơi mới, vị trí mới hoặc sớm xử lý để họ có thể chấm dứt ngay sai lầm, tiếp tục phát huy tốt nhất khả năng của mình. Đó là giải pháp bảo vệ cán bộ tối ưu nhất.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với đó là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI, "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", thì những chỉ bảo của Bác 65 năm trước vẫn còn nguyên giá trị./.

-----------------------------------------

(1) X.Y.Z, Sửa đổi lối làm việc, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 59-60

(2) X.Y.Z, Sđd, tr. 65