Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
TCCS - Ngày 1-10-2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đất nước Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải cách mở cửa, hiện đại hóa và đến nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất là xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu 100 năm lần thứ hai, thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI.
Hệ thống tư tưởng, lý luận, đường lối phát triển đất nước không ngừng được hoàn thiện trên cơ sở kế thừa và có tính liên tục, xuyên suốt.
Kể từ khi được thành lập (năm 1921) đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Dấu ấn của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và hiện nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã tạo ra những bước tiến vĩ đại cho dân tộc Trung Hoa, đưa Trung Quốc từ đứng lên, đến giàu lên và mạnh lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trong suốt tiến trình lịch sử đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện “hai kết hợp” (kết hợp các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tiễn cụ thể của Trung Quốc cùng nền văn hóa truyền thống đặc sắc Trung Quốc) nhằm không ngừng bổ sung và hoàn thiện hệ thống tư tưởng, lý luận phù hợp với tình hình đất nước qua từng giai đoạn phát triển. Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX (tháng 11-2021) khẳng định việc thực hiện “ba bước nhảy vọt” trong “Trung Quốc hóa” chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là hình thành và xác lập tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học và tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới(1).
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (ngày 1-10-1949), Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiến hành cải cách ruộng đất, phát triển hợp tác hóa nông nghiệp. Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (tháng 10-1957), Trung Quốc lần lượt đưa ra các đường lối, như phong trào “đại nhảy vọt”, phong trào công xã nhân dân nhằm tìm ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cách riêng. Tuy nhiên, việc triển khai đường lối phát triển kinh tế không phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất lúc đó đã khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và phải mất nhiều năm để điều chỉnh. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này, Trung Quốc đã thực hiện chuyển đổi thành công từ nền dân chủ chủ nghĩa kiểu mới sang chủ nghĩa xã hội, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặt nền tảng chính trị và chế độ căn bản cho việc xây dựng hiện đại hóa giai đoạn sau này.
Bối cảnh “Đảng, đất nước và nhân dân gánh chịu những thất bại, tổn thất lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”(2) đã “đặt ra vấn đề Trung Quốc sẽ đi về đâu”. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1978) đã xác lập dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa Trung Quốc bước sang giai đoạn mới là cải cách mở cửa, mở ra tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc. Đây là thời kỳ gắn liền với vai trò cá nhân của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng chiến lược về hiện đại hóa theo “ba bước”: 1- Tăng gấp hai lần tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với năm 1980, giải quyết vấn đề ấm no của người dân; 2- Đến cuối thế kỷ XX tăng gấp hai lần GDP một lần nữa, đời sống nhân dân đạt mức khá giả; 3- Đến giữa thế kỷ XXI - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949 - 2049), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt mức trung bình của các quốc gia phát triển trên thế giới, Trung Quốc cơ bản hoàn thành công cuộc hiện đại hóa, trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, hiện đại hóa, giàu có, văn minh, hài hòa.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, Trung Quốc đã đưa ra đường lối cơ bản trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội là “một trung tâm, hai điểm cơ bản”, trong đó “một trung tâm” là lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, “hai điểm cơ bản” là kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản(3) và kiên trì cải cách mở cửa. Trong đó, tái định hình đường lối phát triển về chính trị, kinh tế, đối ngoại với bước chuyển lịch sử từ đấu tranh giai cấp sang tập trung phát triển kinh tế, từ đóng cửa sang mở cửa với bên ngoài. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến lược “bốn hiện đại hóa”(4) với phương châm “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị”. Trung Quốc xác lập mục tiêu cải cách và khuôn khổ cơ bản của hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thiết lập cơ chế kinh tế cơ bản trên cơ sở Quyết định về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XIV (năm 1993). Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, hệ thống lý luận về đường lối phát triển của Trung Quốc tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện với việc xác định tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”(5) - bước sáng tạo mới về lý luận và nhận thức của đảng cầm quyền trong tình hình cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất đang có nhiều thay đổi; xác định “quan điểm phát triển khoa học” với trọng tâm lấy con người làm gốc, hướng tới phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững; xác định phương châm tiến cùng thời đại, xây dựng xã hội khá giá toàn diện, đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; tập trung thúc đẩy công bằng xã hội, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.
Kế thừa và phát triển các mục tiêu chiến lược về phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, ngay từ khi mới lên nắm quyền (năm 2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ý tưởng về “giấc mộng Trung Hoa”. Trong đó xác định rõ hơn nội hàm của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, làm rõ bố cục tổng thể sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là “Ngũ vị nhất thể”(6), bố cục chiến lược là “bốn toàn diện”(7), coi đây là nhiệm vụ chiến lược cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và là khung lý luận tổng thể mang tầm vĩ mô về đường lối quản trị quốc gia; xác định là chiến lược quan trọng dẫn dắt Trung Quốc phát triển trong giai đoạn hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.
Tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017), Trung Quốc đã xác định mục tiêu 100 năm thứ hai (bắt đầu từ năm 2020) nhằm xây dựng Trung Quốc trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp, xác định mục tiêu và định hướng phát triển từ nay đến năm 2035(8) là một trong hai bước tiến đến mục tiêu 100 năm lần thứ hai (năm 2049). Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2022), những thành tựu và phát triển mới của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” tiếp tục được tổng kết và đưa vào Điều lệ Đảng sửa đổi. Nhiệm vụ sứ mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới được xác định là: hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai”, thúc đẩy toàn diện phục hưng dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Đường lối hiện đại hóa kiểu Trung Quốc được đánh giá là tư tưởng, quan điểm về con đường phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn mới đến giữa thế kỷ XXI, với những biến chuyển tư duy rõ hơn về con đường xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, từ “phát triển là nhiệm vụ hàng đầu” của giai đoạn trước chuyển sang xác định “phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”. Trong đó đề ra những trọng tâm, như xây dựng cục diện phát triển mới “vòng tuần hoàn kép”(9), thực hiện phát triển chất lượng cao, “cùng giàu có”.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng đươc tiến hành thường xuyên, đạt nhiều thành tựu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đặt công tác xây dựng tác phong chính trị và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng vào vị trí quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xác định và triển khai phương châm “cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật”. Từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: hai lần sửa đổi Điều lệ Đảng (năm 2017 và năm 2022), một lần sửa đổi Hiến pháp (năm 2018), trong đó xác định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc(10), là ưu thế lớn nhất của chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo chính trị tối cao, kiên trì sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng là nguyên tắc chính trị cao nhất. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX, Trung Quốc xác định “hai xác lập”(11), coi đây là nhân tố quyết định, thúc đẩy sự nghiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước giành được thành tựu mang tính lịch sử; Nghị quyết về sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc được thông qua tại Đại hội XX đã bổ sung nội dung “hai bảo vệ”(12), xác định tăng cường “bốn ý thức”(13), kiên định “bốn tự tin”(14), làm tốt “hai bảo vệ” là nghĩa vụ đảng viên phải thực hiện.
Trung Quốc tập trung triển khai liên tục ba công tác “xây dựng Đảng liêm chính”, “chống tham nhũng, tiêu cực”, “quản lý Đảng nghiêm minh”. Trong đó các quy chế, thể chế, quy phạm pháp luật về chống tham nhũng không ngừng được xây dựng, kiện toàn với phương châm chống tham nhũng cả gốc lẫn ngọn, mục tiêu để cho cán bộ, đảng viên “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng”.
Cải cách kinh tế tạo chuyển biến mạnh mẽ, đưa Trung Quốc vươn lên vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới.
Quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 75 năm qua đã trải qua nhiều thay đổi sâu sắc, từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với dấu mốc lịch sử là cải cách mở cửa được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 12-1978). Trong bài phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa Trung Quốc (ngày 18-12-2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, “cải cách mở cửa đã làm thay đổi to lớn diện mạo của Trung Quốc”, tạo ra những bước tiến vĩ đại cho dân tộc Trung Hoa, từ đứng lên, giàu lên đến mạnh lên; “từ cơm không đủ no, áo không đủ ấm đến khá giả, giàu có”.
Trong 40 năm (1978 - 2017), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng 9,5% - gấp gần ba lần mức tăng GDP bình quân hằng năm của thế giới trong cùng giai đoạn là 2,9% (15); GDP tăng từ 367,9 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 1978 lên 126 nghìn tỷ NDT (khoảng 17.500 tỷ USD) vào năm 2023. Tỷ trọng GDP toàn cầu của Trung Quốc tăng 10 lần, từ mức 1,8% (năm 1978) lên khoảng 18,3% (năm 2021) và 16,9% (năm 2023); nhiều năm liên tục duy trì mức đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu khoảng 30%. Đặc biệt, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc lần lượt vượt Anh (năm 2005), Đức (năm 2008), Nhật Bản (năm 2010) để trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) và duy trì liên tục vị trí này cho đến nay. Hiện nay, Trung Quốc chiếm gần 1/2 GDP ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 140 quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc cũng được biết đến như một “công xưởng của thế giới” với hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới. Tính đến năm 2024, trong số 500 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thế giới, Trung Quốc có hơn 220 sản phẩm có sản lượng đứng đầu toàn cầu, trong đó lĩnh vực chế tạo liên tục 14 năm giữ vị trí số một toàn cầu(16). Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đường sắt cao tốc. Kể từ khi đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vào năm 2008 đến nay, tổng chiều dài đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đạt 45.000km, trong khi tổng chiều dài đường sắt cao tốc tại tất cả nước khác chỉ khoảng 38.000km.
Trung Quốc còn đạt được những tiến bộ đáng kể về tài chính, công nghệ khi sở hữu 4 trong số 10 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới (Thượng Hải, Hồng Công, Bắc Kinh, Thâm Quyến), 3 trong số 10 sở giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới (Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Sở giao dịch chứng khoán Hồng Công và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến); 18 năm liên tiếp có dự trữ ngoại hối hàng đầu thế giới (tính tới năm 2024, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt khoảng 3.200 tỷ USD). Trung Quốc đã và đang vươn lên mạnh mẽ về công nghệ cao từ nghiên cứu cơ bản, đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đến công nghệ mới nổi, công nghệ tương lai...; ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu; đạt nhiều đột phá lớn về nghiên cứu và khám phá không gian, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng viễn thông 5G với các chương trình lớn, như thám hiểm Mặt Trăng, hệ thống định vị Bắc Đẩu, công nghệ lượng tử, siêu máy tính, xe ô-tô năng lượng mới, hàng không vũ trụ, sinh học.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ khó khăn, thách thức hiện nay, như giải quyết mâu thuẫn chủ yếu trong thời đại mới giữa nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân về cuộc sống tốt đẹp với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ; khắc phục những vấn đề do phát triển nóng gây ra, như ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, khoảng cách giàu - nghèo…, Trung Quốc đã tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, chuyển tư duy từ “phát triển là nhiệm vụ hàng đầu” sang xác định “phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”. Từ năm 2022 đến nay, Trung Quốc liên tục hạ thấp mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 5%. Điều này cho thấy, Trung Quốc không còn theo đuổi tăng trưởng nhanh mà chuyển sang duy trì đà tăng trưởng bền vững theo hướng chất lượng cao.
Trước yêu cầu cấp bách về tăng cường năng lực độc lập, tự chủ về kinh tế, công nghệ nhằm ứng phó với khó khăn do cạnh tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ gia tăng và tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, một mặt, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “vòng tuần hoàn kép” nhằm nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phụ thuộc vào bên ngoài; mặt khác, tiếp tục mở cửa, xây dựng hệ thống kinh tế mở ở trình độ cao hơn. Trung Quốc cũng xác định đổi mới công nghệ là động lực quan trọng, coi đây là điểm tựa chiến lược, yêu cầu đặt đổi mới sáng tạo công nghệ vào vị trí nòng cốt trong sự phát triển tổng thể của quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực này với quan điểm “khoa học - công nghệ là nền móng của quốc gia cường thịnh, đổi mới sáng tạo là linh hồn của tiến bộ dân tộc(17), “Trung Quốc muốn cường thịnh, muốn phục hưng nhất định phải phát triển mạnh khoa học - công nghệ”(18). Từ cuối năm 2023 đến nay, Trung Quốc đặt ra yêu cầu chiến lược cho giai đoạn mới là phát triển lực lượng sản xuất mới với nòng cốt là đi sâu ứng dụng công nghệ mới. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX (tháng 7-2024), Trung Quốc lần đầu tiên đặt ra yêu cầu cụ thể về kiện toàn cơ chế, thể chế, đẩy nhanh hình thành quan hệ sản xuất phù hợp hơn với sự phát triển mới của lực lượng sản xuất; thúc đẩy các yếu tố sản xuất tiên tiến tập trung vào sự phát triển mới của lực lượng sản xuất. Năm 2024, đổi mới công nghệ được xác định là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong 10 nhiệm vụ công tác của năm, ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 (dự kiến khoảng 51,5 tỷ USD).
Đối với tầm nhìn về thế giới và khu vực, Trung Quốc đã khởi xướng và triển khai nhiều sáng kiến, cơ chế lớn, như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Sáng kiến “Phát triển toàn cầu” (GDI), Sáng kiến “An ninh toàn cầu” (GSI), Sáng kiến “Văn minh toàn cầu” (GCI).
Bên cạnh phát triển kinh tế, Trung Quốc hết sức coi trọng công tác bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu của Đảng là đem lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho người dân. Năm 1981, tỷ lệ nghèo đói tại Trung Quốc là hơn 88%, nhưng đến cuối năm 2020, Trung Quốc tuyên bố đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đa chiều; hơn 800 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo, đói kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, “cuộc chiến công kiên thoát nghèo giành thắng lợi toàn diện, tạo ra kỳ tích nhân gian và đi vào sử sách”. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2022, Trung Quốc là quốc gia đang phát triển đầu tiên đạt được mục tiêu đầu tiên trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Do vậy, Trung Quốc đã hoàn thành trước 10 năm mục tiêu xóa nghèo trong Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Để làm được điều này, Trung Quốc đã triển khai quyết liệt các giải pháp xóa đói, giảm nghèo với trụ cột chính là tạo cơ hội kinh tế và nâng cao thu nhập, giảm nghèo theo khu vực kết hợp với chính sách bảo trợ xã hội. Điều kiện giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội của Trung Quốc cũng có bước tiến đáng kể. Tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc đã tăng từ 35 tuổi (năm 1949) lên 78,6 tuổi (năm 2023); tỷ lệ biết chữ tăng từ khoảng 20% (năm 1949) lên hơn 96,8% (năm 2023). Hệ thống giáo dục của Trung Quốc đã được mở rộng và nâng cao chất lượng, với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới; công cuộc chấn hưng nông thôn, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với nhiều thành quả quan trọng, hiện nay có hơn 60% dân số sống ở các khu vực đô thị, so với chỉ có 10% vào năm 1949.
Có thể thấy, chặng đường xây dựng và phát triển 75 năm qua đã chứng kiến quá trình từ đứng lên, giàu lên đến mạnh lên của đất nước Trung Quốc. Sức mạnh về kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng và sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, vị thế quốc tế liên tục bước lên tầm cao mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất là xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới mục tiêu 100 năm lần thứ hai, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới./.
----------------------------
(1) 中共中央关于党的百年奋斗重大成就和历史经验的决议(全文)(Tạm dịch: Toàn văn Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng), ngày 16-11-2021, https://www.gov.cn/zhengce/2021-11/16/content_5651269.htm
(2) 关于建国以来党的若干历史问题的决议 (Tạm dịch: Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), ngày 23-6-2008, https://www.gov.cn/test/2008-06/23/content_1024934_3.htm
(3) Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa; kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân; kiên trì sự lãnh đạo của Đảng; kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
(4) “Bốn hiện đại hóa” là mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học - công nghệ để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại.
(5) Đảng Cộng sản Trung Quốc: 1- Đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến của Trung Quốc; 2- Đại diện cho phương hướng tiến bộ của văn hóa tiên tiến Trung Quốc; 3- Đại diện cho lợi ích cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân Trung Quốc
(6) “Năm trong một” bao gồm 5 trụ cột: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, văn minh sinh thái xã hội chủ nghĩa, trong một chỉnh thể là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
(7) “Bốn toàn diện” bao gồm đi sâu cải cách toàn diện, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện.
(8) Giai đoạn thứ nhất (2020 - 2035) đặt ra mục tiêu “cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”; Giai đoạn thứ hai (từ năm 2035 đến giữa thế kỷ XXI) đặt ra mục tiêu “xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp”.
(9) Vòng tuần hoàn trong nước và vòng tuần hoàn quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, trong đó vòng tuần hoàn trong nước đóng vai trò chủ đạo, đáp ứng nhu cầu trong nước là xuất phát điểm và mục tiêu của sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Vòng tuần hoàn trong nước là điều kiện để thu hút các nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy liên kết giữa nhu cầu trong nước và nhu cầu bên ngoài, nhập khẩu và xuất khẩu, hài hòa giữa thu hút đầu tư và đầu tư ra bên ngoài.
(10) Hiến pháp sửa đổi năm 2018
(11) Xác lập vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc; xác lập vị trí chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình
(12) Bảo vệ địa vị hạt nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc; bảo vệ uy tín và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
(13) Ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức thống nhất
(14) Tự tin về con đường, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, tự tin về văn hóa
(15) Xem: 习近平:在庆祝改革开放40周年大会上的讲话(Tạm dịch: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa, ngày 18-12-2018, http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2018-12/18/c_1123872025.htm
(16) Xem: 工信部:我国有220多种工业产品产量位居全球第一 (Tạm dịch: “Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin: Trung Quốc có hơn 220 sản phẩm công nghiệp, đứng đầu thế giới về sản lượng”), ngày 5-7-2024, https://baijiahao.baidu.com/s?id=1803707007477643922&wfr=spider&for=c
(17) Xem: 习近平总书记这样谈中华文明的创新性 (Tạm dịch: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bàn về tính sáng tạo của văn minh Trung Hoa”), ngày 27-2-2024, https://baijiahao.baidu.com/s?id=1792008987195123138&wfr=spider&for=pc
(18) Xem: 要强盛要复兴就要大力发展科学技术 (Tạm dịch: Muốn cường thịnh, muốn phục hưng nhất định phải phát triển mạnh khoa học - công nghệ), ngày 30-5-2018, http://politics.people.com.cn/n1/2018/0530/c1001-30021692.html
Một số dấu ấn nổi bật của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc  (19/11/2022)
Vấn đề già hóa dân số ở Trung Quốc hiện nay  (16/11/2022)
Một số thành tựu nổi bật của Trung Quốc từ sau Đại hội XIX đến nay và tình hình Trung Quốc trước thềm Đại hội XX  (16/10/2022)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên