TCCS - Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Lực lượng lao động ở Trung Quốc đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2021. Già hóa dân số được đánh giá là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và làm thiếu hụt nguồn cung lao động nói chung và lao động chất lượng cao nói riêng của Trung Quốc.
Thực trạng già hóa dân số ở Trung Quốc
Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới và là nước đang phát triển với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Già hóa dân số trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với tương lai của Trung Quốc. Năm 2020, dân số của Trung Quốc đạt mốc 1,411 tỷ người, tăng 72 triệu người so với năm 2010. Năm 2020, dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 59 tuổi) giảm xuống còn 894 triệu người; số lượng người từ 60 tuổi trở lên tăng đến 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó, số lượng người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số, số lượng người từ 80 tuổi trở lên đạt 35,8 triệu người, chiếm 2,54% tổng dân số, tăng 14,85 triệu người so với năm 2010 (1). Nhiều chuyên gia nhận định, tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc sẽ vượt qua tốc độ già hóa dân số ở Nhật Bản vào năm 2025, khi tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số của Trung Quốc gần bằng tỷ lệ của Nhật Bản. Điều đáng nói là, tại thời điểm với tỷ lệ người già như Trung Quốc hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản đã cao gấp 2,5 - 3 lần so với Trung Quốc. Năm 2022, Trung Quốc bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng với tỷ lệ người từ độ tuổi 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số (tăng 7% sau hai thập niên - mức tăng nhanh nhất trên thế giới). Ước tính đến năm 2040, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên vượt 20% tổng dân số. Đồng thời, xu hướng già hóa của dân số cao tuổi ngày càng rõ nét: người già từ 80 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ 5%/năm và sẽ tăng lên hơn 74 triệu người vào năm 2040. Dự báo đến năm 2050, số lượng người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc, lên tới 380 triệu người.
Đặc biệt, các thách thức đối với vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc thể hiện ở hai đặc điểm: Thứ nhất, phần lớn người già tập trung ở vùng nông thôn, nơi điều kiện kinh tế hạn chế và dịch vụ chăm sóc y tế có hạn; thứ hai, già hóa dân số diễn ra nhanh chóng trong khi hệ thống dưỡng lão và an sinh xã hội chưa hoàn thiện. Quá trình già hóa dân số ở Trung Quốc đang diễn ra với quy mô lớn trong giai đoạn then chốt của quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Điều này thực sự đang là một thách thức lớn đối với Trung Quốc.
Giai đoạn 2020 - 2050 được dự báo là thời kỳ cao điểm già hóa dân số ở Trung Quốc và cũng là thời kỳ then chốt của quá trình hiện đại hóa đất nước Trung Quốc. Do đó, vấn đề già hóa dân số được xác định là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ XXI.
Nguyên nhân của già hóa dân số Trung Quốc
Thứ nhất, tỷ lệ sinh giảm. Già hóa dân số tại Trung Quốc diễn ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà phần lớn là do tỷ lệ sinh giảm. Do Trung Quốc thực hiện chính sách một con và can thiệp dân số trong một thời gian dài nên tỷ lệ sinh đã giảm và ở mức thấp. Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số, giảm mức sống, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng chậm cùng nhiều thách thức kinh tế khác.
Theo dữ liệu điều tra dân số của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021 với 10,62 triệu ca sinh. Năm 2016, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đạt mức 18,83 triệu người và liên tục giảm kể từ đó. Năm 2019, con số này giảm xuống còn 14,65 triệu ca và năm 2020 tiếp tục giảm còn 12 triệu ca. Năm 2021 là năm ghi nhận số lượng ca sinh thấp nhất tại Trung Quốc kể từ năm 1949 (2). Đến cuối năm 2021, dân số Trung Quốc chỉ tăng 480.000 người, đạt 1,4126 tỷ người. Chỉ có 43% số lượng ca sinh tại Trung Quốc trong năm 2020 là con thứ hai, giảm so với tỷ lệ tương ứng 50% của năm 2017.
Thứ hai, do trình độ phát triển kinh tế không ngừng được nâng cao, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, điều kiện y tế được cải thiện, tuổi thọ của dân số Trung Quốc tiếp tục được kéo dài, tỷ lệ tử vong giảm. Tuổi thọ của người dân Trung Quốc gia tăng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và sự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, bởi khi kinh tế phát triển, người dân có cuộc sống tốt hơn và có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tạo cơ sở để người dân sống lâu hơn. Tuổi thọ con người gia tăng kéo theo sự gia tăng của độ tuổi trung bình do số lượng người cao tuổi tăng lên. Theo “Công báo thống kê năm 2019 về phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe” do Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc công bố (3), tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc đã tăng lên 77,3 tuổi vào năm 2019, tăng 0,3 tuổi so với năm 2018.
Thứ ba, quan niệm về lối sống, mức sinh của người dân Trung Quốc đã có nhiều thay đổi so với trước đây, chi phí giáo dục tăng cao, môi trường nuôi dạy trẻ cùng chi phí nhà ở, cũng như lo ngại rằng phụ nữ mất cơ hội thăng tiến khi nghỉ thai sản… - những lý do này đều khiến người phụ nữ không muốn sinh con để giữ gìn sức khỏe, nâng cao và cải thiện chất lượng mức sống - cùng với sự gia tăng của mặt bằng giá cả và tốc độ cuộc sống tăng nhanh, khiến mức độ sẵn sàng sinh con của người dân suy giảm đáng kể, đã dẫn đến tỷ lệ sinh thấp. Vì vậy, tỷ lệ dân số già ngày càng tăng, vấn đề già hóa dân số cũng ngày càng nghiêm trọng.
Tác động của già hóa dân số đến phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc
Tỷ lệ dân số già tăng lên kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động nói chung và lao động chất lượng cao nói riêng.
Già hóa dân số không chỉ làm tăng quy mô và tỷ trọng dân số cao tuổi mà còn xuất hiện những thay đổi tương ứng về dân số ở các nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là quy mô và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm từ 70,1% trong giai đoạn 2000 - 2010 xuống còn 63,3% vào năm 2020. Số lượng người trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 ở Trung Quốc đã giảm hơn 40 triệu người trong vòng 10 năm (2010 - 2020) (4). Theo dự báo của một số chuyên gia phân tích, Trung Quốc sẽ giảm 35 triệu lao động trong vòng 5 năm (2021 - 2025) và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động sẽ chỉ chiếm một nửa dân số Trung Quốc vào năm 2050 (5).
Già hóa dân số mang lại thách thức lớn trong thay đổi cơ cấu lao động. Năng suất lao động của những người cao tuổi sẽ thấp hơn năng suất của các nhóm lao động trẻ tuổi hơn trong lực lượng lao động, đồng thời chi phí y tế và các phúc lợi xã hội cho người cao tuổi tăng lên, dẫn tới thu nhập của nền kinh tế và các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Dân số già hóa tạo ra thách thức cho chính mỗi gia đình khi nhiều người già không có thu nhập hay lương hưu và phải sống dựa vào con cháu.
Quỹ lương hưu ngày càng chịu áp lực bởi nguồn lao động bị thu hẹp, những khoản chi trả cho lương hưu sẽ giảm. Trung Quốc hiện nay chỉ dành khoảng 9,2% GDP cho phúc lợi xã hội (6), thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là 12,8%. Một số chuyên gia dự báo rằng, quỹ lương hưu chính cho cư dân thành thị tại Trung Quốc có thể cạn kiệt vào năm 2035, dẫn tới những lo ngại về bất ổn xã hội diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc. Già hóa dân số cũng khiến quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, thị trường nội địa bị thu hẹp, giảm sức hấp dẫn đầu tư.
Viễn cảnh dân số già hóa trước khi giàu đang ngày càng hiện hữu ở Trung Quốc. Chính sách khuyến khích sinh con thứ hai (được đưa ra vào năm 2016) cũng khó có thể thúc đẩy tỷ lệ sinh hiện nay ở Trung Quốc (hiện tỷ lệ sinh bình quân là 1,3 con/phụ nữ). Bởi ở các đô thị lớn hiện nay, sinh thêm con là chuyện không dễ dàng khi áp lực giá nhà ở và sinh hoạt phí tăng cao.
Già hóa dân số làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và suy giảm tiềm lực tài chính.
Dân số vốn là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc dựa vào số lượng lao động trẻ dồi dào sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, giá nhân công đang tăng cao, một phần do thiếu hụt nguồn cung lao động. Dân số già gây áp lực lớn lên các bệnh viện và hệ thống hưu trí. Già hóa dân số khiến các khoản chi phí dành cho an sinh xã hội lớn hơn, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “mất cân bằng và động lực tăng trưởng đang suy yếu” (7). Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách “Zero-COVID” làm giảm sự tương tác với nền kinh tế quốc tế đều là những mối đe dọa lâu dài đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Già hóa dân số tạo gánh nặng lên hệ thống lương hưu và an sinh xã hội.
Với sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi, hệ thống bảo hiểm tuổi già sẽ trở thành hạng mục chi tiêu lớn nhất trong toàn bộ hệ thống an sinh xã hội. Việc kéo dài tuổi thọ sẽ kéo dài thời gian người cao tuổi được hưởng lương hưu, đồng thời áp lực chi trả lương hưu của Nhà nước sẽ tăng lên. Vì vậy, vấn đề lớn nhất mà quỹ lương hưu ở Trung Quốc phải đối mặt là vấn đề thâm hụt quỹ, có áp lực kép là giảm thu nhập và tăng chi. Già hóa dân số tạo áp lực lên thị trường việc làm, tạo gánh nặng lên ngành y tế trong vấn đề cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trung Quốc đã công bố kế hoạch quốc gia nhằm phát triển ngành công nghiệp người máy (robot) và nâng cấp các thiết bị cũng như quy trình trong lĩnh vực sản xuất phục vụ cho ngành y tế. Tuy nhiên, tự động hóa có thể giúp hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt về năng suất lao động, nhưng sẽ không giải quyết được nhiều các vấn đề về doanh thu, thuế và tiền lương hưu. Bên cạnh đó, già hóa dân số còn tác động đến bảo hiểm y tế, khiến tổng chi phí y tế do an sinh xã hội gánh chịu tăng lên, gây áp lực rất lớn đối với hệ thống bảo hiểm y tế.
Một số chính sách ứng phó vấn đề già hóa dân số
Trước những thách thức của vấn đề về dân số, để giảm áp lực trước sự già hóa dân số tăng nhanh, Trung Quốc đã và đang áp dụng những chính sách cơ bản sau:
Một là, ban hành chính sách khuyến khích sinh con với các khoản hỗ trợ kinh phí sinh hoạt.
Trước sức ép từ dân số già, Trung Quốc đã nới lỏng các quy định kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt để ứng phó với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm, trong đó có chính sách quy định sinh một con. Trung Quốc đã chuyển chính sách sinh một con kéo dài nhiều thập niên qua sang chính sách sinh hai con. Năm 2016, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con và đến năm 2021 cho phép sinh con thứ ba. Chính sách của Trung Quốc đưa ra hướng đến giảm chi tiêu trong thai sản, khám, chữa bệnh, học hành. Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp ở cả cấp Trung ương và địa phương như cắt giảm các khoản phí chăm sóc trẻ em, tăng thời gian nghỉ phép của cha mẹ và giúp các gia đình tiếp cận với điều kiện giáo dục, nhà ở và các nguồn lực khác tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc triển khai dự án phát triển các trung tâm cộng đồng tại 150 tỉnh, thành phố để tạo ra 500.000 địa điểm trông giữ trẻ trong Kế hoạch 5 năm (2020 - 2025) (8). Chính phủ nhiều địa phương ở Trung Quốc đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ ba với nhiều đãi ngộ như có thêm 1 tháng nghỉ thai sản, trợ cấp nuôi con đến 3 tuổi cùng với 30 ngày nghỉ phép bổ sung…
Hai là, chính sách kéo dài thời gian làm việc và hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp cho người cao tuổi.
Khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi. Xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người lao động an tâm khi đến tuổi nghỉ hưu, có lương hưu bảo đảm nhằm đem lại sự độc lập về kinh tế và giảm nghèo cho người cao tuổi.
Để đối phó với hàng loạt thách thức liên quan đến tình trạng dân số già, Trung Quốc đã xem xét nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không chỉ giảm bớt áp lực cho quỹ lương hưu, mà còn giúp giảm tỷ lệ phụ thuộc vào tuổi già. Ngoài ra, việc nâng tuổi nghỉ hưu góp phần gia tăng số lượng nguồn lao động phù hợp. Ở một mức độ nhất định, điều này giúp giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung lao động trên thị trường lao động của Trung Quốc do tình trạng già hóa dân số gây ra. Năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu theo phương thức cộng thêm tháng đối với mỗi năm. Do tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất thế giới (60 tuổi đối với nam giới và 50 tuổi đối với nữ giới), vì vậy, chính sách này giúp giảm áp lực đối với hệ thống lương hưu, nhất là khi quỹ hưu trí có nguy cơ cạn tiền nếu các chính sách không được thực hiện hợp lý.
Ba là, hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ngày 28-2-2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch 5 năm lần thứ mười ba về phát triển sự nghiệp người cao tuổi và xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”. Tháng 3-2018, Ủy ban Công tác quốc gia về người cao tuổi được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số ở Trung Quốc. Trong điều kiện hiện nay, mô hình chăm sóc tại gia đình dựa vào cộng đồng là mô hình đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội, không chỉ cho phép chăm sóc người cao tuổi tại nhà, mà còn là mô hình sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dịch vụ cộng đồng cho người cao tuổi, thành lập các điểm giao lưu văn hóa, thể thao, cơ sở chăm sóc khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Xây dựng các cơ sở phúc lợi, trợ giúp người cao tuổi gặp khó khăn, bù đắp sự thiếu hụt thông qua các dịch vụ cộng đồng. Các tổ chức cộng đồng không chỉ giúp đỡ nhất định về vật chất, mà còn chăm sóc, đáp ứng nhu cầu tâm lý của người cao tuổi.
Xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để quá trình già hóa dân số diễn ra một cách năng động. Đồng thời, tăng cường đào tạo cán bộ chăm sóc và cán bộ chuyên môn y tế trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi đến từ các thành viên trong gia đình, các cán bộ cộng đồng.
Huy động các nguồn lực đa dạng để đáp ứng nhu cầu của sự già hóa dân số. Nhu cầu của nhóm dân số già sẽ đem đến những cơ hội như hình thành các thị trường mới và để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi. Sử dụng vốn đầu tư công làm vốn đầu tư ban đầu, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đáp ứng các nhu cầu về y tế, văn hóa ngày càng cao của nhóm người cao tuổi.
Bốn là, phát triển “kinh tế bạc” để ứng phó với tình trạng già hóa dân số lâu dài.
“Kinh tế bạc” là nền kinh tế mà các hoạt động sản xuất, phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều nhằm đáp ứng nhu cầu của người già. Do tình trạng già hóa dân số tăng cao trong khi các ngành, nghề phục vụ người già còn thiếu cân đối và không tương xứng với thực tế, buộc Chính phủ Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ và chăm sóc y tế cho người già. Chính phủ Trung Quốc triển khai thực thi các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người già và tăng cường sự giám sát đối với thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của người già.
Năm 2020, nền “kinh tế bạc” của Trung Quốc đạt 5.400 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 25,6% từ mức 4.300 tỷ NDT vào năm 2019. Năm 2021, giá trị nền “kinh tế bạc” của Trung Quốc tăng lên 5.900 tỷ NDT khiến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất dành cho người già (9).
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa sâu sắc và quy mô dân số già ngày càng mở rộng, là một thực trạng không thể đảo ngược. Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới mặc dù vẫn đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” (2007 - 2039). Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm 17% (đạt 19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% năm 2050 (28 triệu người) (10). Vì vậy, việc tham khảo những chính sách đối với vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc là kinh nghiệm hữu ích đối với Việt Nam./.
-------------------
(1), (8) Gia Linh: “Già hóa dân số ở một số nước châu Á”, Tạp chí Con số Sự kiện điện tử, ngày 21-1-2022, https://consosukien.vn/gia-ho-a-dan-so-o-mo-t-so-nuo-c-chau-a.htm
(2) 2021年我国人口增长48万,低生育水平怎么看?(Tạm dịch: Vào năm 2021, dân số nước tôi sẽ tăng thêm 480.000 người. Bạn nghĩ gì về mức sinh thấp?), ngày 18-1-2022, http://sn.people.com.cn/n2/2022/0118/c378287-35099900.html
(3) 2019年我国卫生健康事业发展统计公报 (Tạm dịch: Công báo thống kê năm 2019 về phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe), ngày 9-4-2021, http://www.gov.cn/guoqing/2021-04/09/content_5598657.htm
(4) 国家统计局: 我国人口发展呈现新特点与新趋势 ( Tạm dịch: Cục Thống kê quốc gia: Những xu thế và đặc điểm mới trong sự phát triển dân số Trung Quốc), ngày 13-5-2021, http://www.stats.gov.cn/xxgk/jd/sjjd2020/202105/t20210513_1817408.html
(5), (7) Minh Trang: “Già hóa dân số - thách thức mới của kinh tế Trung Quốc”, Trang tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25-1-2022, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/gia-hoa-dan-so-thach-thuc-moi-cua-kinh-te-trung-quoc-20220124225421972.htm
(6) 中国社会福利,距中等发达国家有多远?(Tạm dịch: Phúc lợi xã hội của Trung Quốc cách các nước phát triển tầm trung bao xa?), ngày 30-5-2022, http://k.sina.com.cn/article_1887344341_707e96d5020019jzk.html
(9) 银发经济”加速升温 (Tạm dịch: Nền kinh tế bạc đang tăng tốc), ngày 16-7-2021, https://www.sohu.com/a/477766419_120536144
(10) “Ngày Quốc tế người cao tuổi năm 2017 - Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số”, Trang thông tin điện tử Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, ngày 1-10-2017, http://gopfp.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ngay-quoc-te-nguoi-cao-tuoi-nam-2017-chu-%C4%91ong-thich-ung-voi-qua-trinh-gia-hoa-dan-so-7984-1.html
Một số thành tựu nổi bật của Trung Quốc từ sau Đại hội XIX đến nay và tình hình Trung Quốc trước thềm Đại hội XX  (16/10/2022)
Thành phố Hà Nội: Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (12/10/2022)
Thành phố Hà Nội: Thị trường lao động, việc làm sôi động trở lại sau dịch COVID-19  (12/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập  (20/08/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển