Chiều 29-5-2008, ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, với 92,9% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và với 96,75% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ.

Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh và Báo cáo nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp chiều 13-5-2008 của kỳ họp này. Sau đó, sáng 14-5, Quốc hội thảo luận tại tổ và sáng 19-5, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về các vấn đề này. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về các vấn đề này ngày 22-5, nhưng do thông tin về một số khía cạnh chưa đầy đủ nên vẫn còn có đại biểu băn khăn, chưa rõ, vì vậy, Quốc hội đã lui đến 29-5 mới biểu quyết  thông qua Nghị quyết này.

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội. Báo cáo của Thủ tướng được trình bày gồm ba phần: quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; việc lựa chọn quy mô mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo phương án 1; lộ trình và các điều kiện thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội từ năm 1961 đến nay đã trải qua 3 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Đó là các năm 1961 và năm 1978 điều chỉnh mở rộng Hà Nội và năm 1991 điều chỉnh thu hẹp Hà Nội. Đây là lần đầu tiên việc nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được tiến hành trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

Quá trình xây dựng đồ án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được thực hiện trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) khẳng định Thủ đô Hà Nội: Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thủ đô Hà Nội lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thủ đô Hà Nội có vinh dự lớn, đồng thời có trách nhiệm hết sức năng nề. Nghị quyết chỉ rõ: Trong 10 năm tới, gắn với chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng long - Hà Nội, thành phố phải phát triển kinh tế - khoa học công nghệ - văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững; bảo đảm xây dựng về cơ bản nền tảng vật chất - kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng .

Pháp lệnh Thủ đô số 29/2000/PL-UBTVQH 10 ngày 28-12-2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định: Xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Pháp lệnh cũng khẳng định: Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ 6 mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là: 1- Xây dựng, phát triển Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; 2- Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; 3- Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; 4- Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đạm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; 5- Phát triển kinh tế Thủ đô với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; 6- Tập trung làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hóa - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Sau khi có Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội. Ngày 2-11-2005, sau khi nghe Thành ủy Hà Nội báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15, Bộ Chính trị khóa VIII kết luận: Giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo trong năm 2006, cùng với việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch Vùng Thủ đô, sớm xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính cho Thủ đô Hà Nội...trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình các cơ quan nhà nước quyết định.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X, tháng 1-2008, sau khi nghe Bộ Chính trị báo cáo về Tờ trình và Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra Nghị quyết, kết luận: Đồng ý chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã: Đồng Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Thủ độ Hà Nội. Giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo trình tự, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo Thủ tướng, đó chính là quan điểm chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội và Đồ án điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được thực hiện trong suốt một quá trình nhiều năm qua và theo đúng các mục tiêu quan trọng mà nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Kết thúc Bản báo cáo, Thủ tướng khẳng định: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội tại kỳ hợp này sẽ có ý nghĩa lịch sử, tạo điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với đất nước ta, dân tộc ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhân kỷ niệm Thủ đô 1000 năm tuổi; góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hằng mong muốn.

Với 92,9% số đại biểu nhất trí, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Như vậy, Thủ đô Hà Nội theo đề án mới bao gồm: Hà Nội cũ hợp nhất thêm: 219.341 ha diện tích tự nhiên và 2.568.000 người của tỉnh Hà Tây; 14.164 ha diện tích tự nhiên và 187.255 người của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; và 8.762 ha diện tích tự nhiên và 20.234 người thuộc 4 xã (Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Như vậy, sau khi điều chỉnh Thủ đô Hà Nội sẽ rộng 334.470 ha và dân số sẽ là 6.232.940 người.

Với 96,75% số đại biểu nhất trí, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết: chuyển toàn bộ xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì (Hà Tây) với diện tích tự nhiên 454.08 ha, dân số 2.721 người về thành phố Việt Trì (Phú Thọ); chuyển ấp C10 thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) với diện tích tự nhiên 128.48 ha, dân sô 830 người về xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai)./.