Sáng ngày 26-5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp với các ngành, quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2008 tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ - thương mại trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá để đảm bảo kinh tế chung của toàn thành phố tiếp tục phát triển. 5 tháng, thu ngân sách được trên 52.500 tỉ đồng, đạt 53,2% kế hoạch cả năm, tăng 59,7% so cùng kỳ. Thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng 60,8%, doanh nghiệp dân doanh tăng 78,5%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài tăng 59,3%... Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của Thành phố vẫn duy trì và tăng trưởng tốt. Trong 5 tháng, Thành phố đã thu hút được 2,3 tỉ USD (với 179 dự án được cấp phép đầu tư), tăng gấp 4,4 lần số vốn so với cùng kỳ.

Nhưng điều đang lo là chỉ số lạm phát 5 tháng cũng đã lên gần 14%. Riêng tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,24% (so với tháng 5 năm 2007 tăng 24%). Đây là mức tăng giá cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Các mặt hàng tăng cao nhất là: lương thực tăng 23,05%, thực phẩm tăng 14,97%, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 9,8%... Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân Thành phố, nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tháng 5 tăng cao là do đợt tăng giá gạo vừa qua.

Sau khi nghe các ngành báo cáo, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nêu ý kiến, chúng ta phải tập trung kiềm chế lạm phát nhưng giá cả đầu vào tăng mà giữ giá hàng hóa không tăng là vấn đề rất khó. Các ngành cần phải quan tâm đến vấn đề này. Khi ngành thuế cho biết thu thuế tăng cao, vậy thì các tiểu thương, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng như thế nào? Đây là bài toán khó cần lời giải cho vấn đề an sinh xã hội. Trong tình hình khó khăn này càng phải thật sự quan tâm đến người dân và doanh nghiệp nhiều hơn.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 6, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo: tập trung thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát và tăng giá nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống đầu cơ, nâng giá, gian lận thương mại; chủ động phòng ngừa các đợt sốt “giá ảo” của các loại hàng hóa, vật tư thiết yếu; thực hiện tiết kiệm 10% các khoản chi tiêu công ở các cơ quan, đơn vị; rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục hồ sơ giải ngân, tạo điều kiện để công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.