TCCS - Ngày 15-7-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp_Ảnh: TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, đã có 2.870 văn bản được các bộ, ngành, địa phương ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đối thoại và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức được tăng cường. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới. Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 nghị định, 8 nghị quyết; trình Quốc hội cho phép áp dụng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham luận, phân tích sâu về những kết quả nối bật trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cải cách chế độ công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; cải cách thể chế trong ngành ngân hàng; cải cách hành chính để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu_Ảnh: TTXVN

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số vướng mắc, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, như: hạ tầng số ở một số ngành, lĩnh vực còn yếu, thiếu đồng bộ; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức không đồng đều; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đã phần nào làm giảm hiệu quả thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính; một số nơi sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm trong quá trình triển khai… 

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trong việc huy động nguồn lực; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập phát sinh để khơi thông, thúc đẩy phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh hành chính công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy lùi tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa các hồ sơ, cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp khai thác, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh thực hiện không dùng tiền mặt trong chi tiêu tài chính, chống tiêu cực, giảm chi phí tuân thủ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động cải cách hành chính, đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị; đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9-2024 đến cuối năm 2025 sơ kết, đánh giá lại.

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9-2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội đảng bộ các cấp năm 2025; tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục để giải quyết những “nút thắt” về pháp lý và nguồn lực tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; đề xuất khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính...

Theo Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách hành chính là công việc khó, tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân, ngành, lĩnh vực, song không thể không thực hiện nhằm góp phần khơi thông nguồn lực, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tham gia chuỗi cung tứng toàn cầu. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo./.

Hà Phương (tổng hợp)