Ngày 27-7, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Việt Nam - ASEAN: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai" tập trung thảo luận đánh giá quá trình nhận thức và thay đổi nhận thức của Việt Nam về hợp tác ASEAN trước và sau khi gia nhập tổ chức này, những thành tựu và hạn chế của hợp tác ASEAN 15 năm qua và triển vọng, vai trò và xu hướng phát triển của ASEAN trong những năm tới.

Hội thảo là một hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đồng thời góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi năm Chủ tịch ASEAN 2010. Tham dự, có các cán bộ lão thành, các nhân chứng lịch sử của quá trình đàm phán gia nhập ASEAN 15 năm trước, các bộ, ngành chủ chốt liên quan hợp tác ASEAN và các học giả về khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Phát biểu ý kiến trong phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, gia nhập ASEAN là một trong những quyết sách hết sức quan trọng của Ðảng và Nhà nước trong việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; góp phần nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam. Trong 15 năm qua, Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời, là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong ngôi nhà chung ASEAN. Trong các bước phát triển của ASEAN thời gian qua luôn có sự đồng hành và đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam, điển hình là những đóng góp to lớn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, với việc tổ chức rất thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan tại Hà Nội vừa qua.

Các đại biểu nhất trí cho rằng, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một sự đổi mới tư duy quan trọng không chỉ của Việt Nam đối với ASEAN, mà còn thể hiện sự thay đổi cách nhìn của ASEAN và thế giới đối với Việt Nam; chuyển từ đối đầu, nghi kỵ sang hòa bình và hợp tác. Việt Nam gia nhập ASEAN đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ASEAN, mở đầu quá trình mở rộng ASEAN, tạo điều kiện để các nước Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma gia nhập Hiệp hội, hoàn tất mục tiêu của Tuyên bố Băng-cốc về một ASEAN bao gồm tất cả các nước Ðông - Nam Á.

Các đại biểu đánh giá cao những kết quả và thành tựu mà Việt Nam đã thu được trong 15 năm là thành viên của ASEAN, với những lợi ích thiết thực cụ thể trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Gia nhập ASEAN cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, có nhiều cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới. Vị trí địa lý chiến lược quan trọng của ASEAN và sự quan tâm hợp tác của các đối tác bên ngoài tiếp tục tạo nhiều cơ hội để ASEAN thúc đẩy kết nối khu vực, tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng. Mặt khác, thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN, những thách thức trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là việc hình thành “cảm nhận về cộng đồng” trong ASEAN sẽ là những khó khăn chủ đạo đối với Hiệp hội thời gian tới. Trong bối cảnh đó, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình trong ASEAN, tham gia ASEAN chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn song cũng linh hoạt và tỉnh táo trước các diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới.

Nhiều vấn đề liên quan tới ASEAN, nhất là các vấn đề về nhận thức cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã được làm rõ hơn, nhiều câu hỏi mới đối với công tác nghiên cứu khoa học về ASEAN cũng đã được đặt ra nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác hoạch định chính sách tham gia ASEAN của Ðảng và Nhà nước thời gian tới./.