TCCSĐT - Ngày 27-6, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (vốn FDI). Ðến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hoàng Quân, đại diện các bộ, ngành trung ương, đại diện của gần 400 doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Thành phố và lãnh đạo của 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

FDI - động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nhìn lại chặng đường 20 năm thu hút FDI, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 3.128 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 25,6 tỉ USD. Riêng năm 2008, vốn đầu tư đạt hơn 8 tỉ USD, cao hơn tổng số vốn tính chung từ năm 2002 đến năm 2007.

Ma-lai-xi-a là quốc gia có tổng vốn đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào Thành phố, tiếp đến là Xin-ga-po, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan...

Về cơ cấu đầu tư, các dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp. Ðáng chú ý là trong 5 năm gần đây, FDI có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao... với quy mô ngày càng lớn. khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vốn đăng ký, cụ thể là ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản có 792 dự án (chiếm 25%) với tổng vốn đầu tư 7,2 tỉ USD (chiếm 27,81%) và các ngành dịch vụ khác là 952 dự án (chiếm 30%) với tổng vốn đầu tư 11 tỉ USD (chiếm 43,01%).

Nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn trong nước và trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độc tăng trưởng kinh tế của Thành phố tăng từ 9% năm 2000 lên 12,6% năm 2007.

Hoạt động FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; gia tăng kim ngạch trong tổng giá trị xuất khẩu của Thành phố, từ 10,3% (năm 1995) lên 26,7% (năm 2007). Các dự án FDI còn có tác động mạnh trong giải quyết việc làm cho lao động nội và ngoại thành, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục...

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Thái Văn Rê khẳng định, việc thu hút FDI đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng của Thành phố, cụ thể là tiếp nhận những công nghệ - kỹ thuật hiện đại, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu…
 
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là hình ảnh ấn tượng của một giai đoạn khởi nguồn thu hút FDI của Thành phố Hồ Chí Minh trong 20 năm qua. Trên 3.500 ha từ đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp đã trở thành một khu đất công nghiệp rộng lớn có đủ điện, nước, đường giao thông, các cơ sở dịch vụ, các công trình bảo vệ môi trường… góp phần rất lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố.

Ghi nhận những đóng góp của các đối tác đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín khẳng định: “Các doanh nhân nước ngoài khi đến đầu tư, kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận của nền kinh tế Thành phố. Thành công của doanh nhân cũng là thành công của Thành phố. Chính quyền Thành phố sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ”.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét, 20 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực vượt bậc về thu hút FDI, nhưng con số giải ngân còn thấp, có khoảng cách quá xa với vốn đăng ký. Trong số hơn 25,6 tỉ USD vốn đăng ký thì đến nay chỉ mới giải ngân được khoảng 10 tỉ USD, đạt khoảng 39% so với tổng vốn.

Để tiếp tục là đầu tàu, là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn này, Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý những vấn đề sau:

Một là, đánh giá nghiêm túc hiệu quả thu hút FDI. Hai là, đánh giá khả năng, mức độ doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu công nghệ cao và năng lực quản lý chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đa quốc gia. Ba là, rà soát, thực hiện tốt hơn nữa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư. Bốn là, tìm cách khắc phục những tồn tại không đáng có để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn FDI. Năm là, nhanh chóng nâng cấp kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong thời gian tới sẽ khắc phục điểm yếu trong cải cách hành chính, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, cấp phép… Trước mắt, cục sẽ cùng thành phố phối hợp chọn điểm khoảng 50 dự án đầu tư để tìm hiểu vì sao giải ngân chậm để cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân khẳng định, trong thời gian tới Thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường... Trước hết là tập trung đầu tư có hiệu quả vào các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm thành khu Trung tâm Thương mại tài chính, khu đô thị Tây Bắc thành phố, khu du lịch sinh thái Cần Giờ, khu Thanh Đa, cảng Hiệp Phước và các tuyến đường Metro…

Thành phố sẽ ưu tiên thu hút FDI vào các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Thành phố sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch đất đai, thống kê quỹ đất trống với thông số cụ thể về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu về quy hoạch, hình thức đầu tư để công bố rộng rãi phục vụ cho các nhà đầu tư; giải quyết các vấn đề về kết cấu hạ tầng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư…/.