Xếp hạng đại học và cách tiếp cận mới trong xếp hạng đại học
TCCSĐT - Vấn đề xếp hạng các đại học (university) và trường đại học (college) trong phạm vi quốc gia vốn đã có từ lâu. Cách đây 26 năm, tuần báo US News & World Report (USNWR) có sáng kiến đầu tiên trong việc xếp hạng các đại học và trường đại học Mỹ.
Các xếp hạng quốc gia
Về cơ bản, đây là một sáng kiến cạnh tranh trong một thị trường truyền thông rất khốc liệt ở Mỹ. Việc xếp hạng này nhắm tới đối tượng độc giả đông đảo là học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Nó giúp cho lớp khách hàng này có một đánh giá tổng thể về cơ sở giáo dục đại học dựa trên thứ bậc của cơ sở đó trên thang xếp hạng. Điểm số xếp hạng được tổ hợp từ các tiêu chí liên quan đến 7 dữ liệu đầu vào, 4 dữ liệu về quá trình, 4 dữ liệu đầu ra. Bên cạnh các dữ liệu khách quan nói trên, còn phải tính đến một dữ liệu chủ quan là việc đánh giá danh tiếng nhà trường trên cơ sở thu thập ý kiến các nhà quản lý của các trường khác.
Thành công không thể chối cãi được của USNWR là đã đi đầu trong công tác xếp hạng phức tạp này, đã thiết lập được nguồn dữ liệu cốt lõi cho việc đánh giá, đã cung cấp được thông tin minh bạch cho sinh viên trong việc chọn trường. Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều học giả, nhà quản lý và nhà nghiên cứu vẫn phê phán gay gắt việc xếp hạng của USNWR trên nhiều phương diện như sự võ đoán trong cách chọn tiêu chí và trọng số, độ tin cậy của dữ liệu, khả năng bóp méo thực tế nhà trường, tác động tiêu cực tới hoạt động dạy và học. Thậm chí một loạt hiệu trưởng các trường đại học Mỹ, trong năm 2007, đã lên tiếng bất cộng tác với USNWR trong việc trả lời các phiếu khảo sát.
Ở Anh, từ năm 1992, báo The Times đã công bố hằng năm bảng xếp hạng các đại học Anh dựa trên một số tiêu chí liên quan đến chất lượng giảng dạy, kết quả nghiên cứu khoa học, sự hài lòng của sinh viên, điểm trung bình nhập học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên khá giỏi, tỷ lệ sinh viên kiếm được việc làm sau tốt nghiệp. Nhiều báo khác như The Guardian, Daily Telegraph, Financial Times… cũng công bố các bảng xếp hạng riêng tạo thành một thị trường cạnh tranh trong xếp hạng đại học.
Ngày nay, ở khá nhiều nước trên thế giới, việc xếp hạng đại học đã trở thành một hoạt động phổ biến và quan trọng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về phương pháp luận và tác động mặt trái của việc xếp hạng đại học, nhưng tác dụng tích cực của nó trong việc chiếu X quang vào các cơ sở giáo dục đại học đã khiến đại bộ phận các nhà chính trị và công chúng đi đến kết luận rằng, giáo dục đại học cần tìm cách chung sống với việc xếp hạng.
Xu thế xếp hạng quốc tế
Xu thế này hình thành ngẫu nhiên từ cố gắng của các nhà khoa học Trung Quốc muốn trả lời một số câu hỏi thoạt đầu không hề liên quan đến việc xếp hạng. Đó là: 1/ thế nào là một đại học đẳng cấp quốc tế; 2/ khoảng cách giữa các đại học hàng đầu của Trung Quốc với các đại học đẳng cấp quốc tế là bao xa.
Để có câu trả lời khách quan, chính xác và tin cậy, các nhà khoa học của Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) tiến hành khảo sát, đánh giá và xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới. Do yêu cầu về tính khách quan và đo được của các tiêu chí đánh giá nên chất lượng dạy và học vốn là một tiêu chí không đo được, bị đặt ra bên ngoài việc đánh giá. Việc đánh giá và xếp hạng quy về một chiều đo duy nhất là thành tựu nghiên cứu khoa học của đại học, với các tiêu chí khách quan như số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu, số nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất, số giải Nobel và Fields. Vì thế phạm vi khảo sát của Đại học Giao thông Thượng Hải thu lại đáng kể, chỉ gồm khoảng 2000 đại học trên toàn thế giới, với kết quả công bố hằng năm từ 2003 đến nay là bảng xếp hạng của top 500.
Theo SJTU, đại học đẳng cấp quốc tế là đại học thuộc top 100. Trung Quốc hiện mới có 2 đại học hàng đầu thuộc top 200, 6 thuộc top 300, 15 thuộc top 400, 18 thuộc top 500.
Trên một phương diện khác, báo The Times Higher Education (THE) cho rằng, đại học đẳng cấp quốc tế phải dựa trên 4 cột đỡ chính là chất lượng giảng dạy; chất lượng nghiên cứu; khả năng làm việc sau tốt nghiệp; tầm quốc tế. Vì vậy, THE chủ trương một sự đánh giá toàn diện hơn. Tuy nhiên, bảng xếp hạng của THE không được đánh giá cao bằng bảng xếp hạng của SJTU vì THE đưa vào một tiêu chí mang nặng tính chủ quan là ý kiến đánh giá của các chuyên gia giáo dục và các nhà tuyển dụng toàn cầu. Các ý kiến đánh giá chủ quan này lại được cho điểm với trọng số cao là 50%. Khá nhiều học giả cho rằng, đây là một kiểu đánh giá thiếu tin cậy. Mặc dù vậy, từ 2004 đến nay, THE vẫn công bố đều đặn bảng xếp hạng hằng năm của các trường thuộc top 100, top 200… trong tổng số khoảng 600 đại học trên thế giới được xem xét để xếp hạng.
Với sự quan tâm đến các đại học đẳng cấp quốc tế, hiển nhiên SJTU và THE mới tạo ra một “sân chơi” cao cấp dành riêng cho các đại học nghiên cứu có tầm cỡ. Vì vậy, cũng vào năm 2004, Webometrics đã tạo ra một “sân chơi” đại chúng hơn, dành cho mọi cơ sở giáo dục đại học miễn là cơ sở đó có trang web. Việc xếp hạng dựa trên 4 dữ liệu đo được là kích thước trang web, khả năng nhận diện, số lượng các files giàu, số lượng các tài liệu khoa học được công bố trên mạng.
Với mức độ phủ rộng, Webometrics đưa được vào diện khảo sát tới hơn 16.000 cơ sở giáo dục đại học thuộc 191 nước và lãnh thổ, hằng năm 2 lần công bố bảng xếp hạng top 4000.
Trong năm 2009, Việt Nam có 89 cơ sở giáo dục đại học được đưa vào cơ sở dữ liệu của Webometrics, trong đó 17 được xếp hạng với vị trí rất khiêm tốn. Thứ hạng cao nhất là Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (hạng 1.522), thấp nhất là Trường đại học Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (hạng 4986).
Cách tiếp cận mới trong đánh giá và xếp hạng đại học
Trong mấy năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới đã hình thành hội chứng xếp hạng đại học. Mặc cho cảnh báo của những người am hiểu, rằng đây chỉ là “sân chơi” của các đại gia đại học, tâm lý được “ngồi cùng chiếu” gần như đã trở thành một nỗi ám ảnh toàn cầu.
Việc xếp hạng đại học vốn có một mục tiêu cụ thể và một chiều đo xác định, nhưng giờ đây dường như đã trở thành một hoạt động mang mục đích tự thân. Vì vậy, cũng giống như căn bệnh thi gì học nấy, trong giáo dục đại học thế giới đang nảy sinh xu hướng xếp hạng thế nào thì hoạt động thế nấy. Chẳng hạn muốn được có mặt trong bảng xếp hạng của SJTU, cần tăng cường mời giảng viên là các nhà khoa học được giải Nobel hoặc Field, cần có phụ cấp ưu đãi cho các giảng viên có bài báo khoa học đăng trên Nature và Science. Còn muốn lọt vào bảng xếp hạng của THE thì, theo cách nói của GS Marginson, cần phát triển du lịch học thuật, ưu đãi các học giả nước ngoài theo chế độ “5 sao”.
Có một điều mà ai cũng hiểu là không có đại học nào là vua trong mọi lĩnh vực, cũng không có đại học nào chiếm vị trí “ngôi báu” trong sự chọn lựa của mọi sinh viên. Các bảng xếp hạng đại học quốc tế chỉ là bức tranh phiến diện, tập trung phản ánh một chiều đo của nhà trường đại học, chứ chưa thể hiện hết chân dung đa chiều của nó. Trong đó, điều đáng nói nhất là chưa phản ánh đầy đủ các chiều đo cốt tử khác là giảng dạy, học tập và phục vụ xã hội.
Vì thế, việc xếp hạng đại học đang dần nhường chỗ cho những lối đi mới, cách tiếp cận mới trong đánh giá và xếp hạng.
Chẳng hạn, ở Đức, Trung tâm phát triển giáo dục đại học CHE và tuần báo Die Zeit đã đưa ra một hướng xếp hạng mới. Điểm xuất phát cơ bản trong cách xếp hạng này là cho rằng, mọi xếp hạng đều mang tính chủ quan trong việc tổ hợp các tiêu chí và chọn trọng số. Cho đến nay, việc xếp hạng chỉ phục vụ cho mục đích của người xếp hạng chứ không phải người sử dụng. Vì vậy, trong tiếp cận của CHE, các đại học và trường đại học chỉ được phân thành 3 nhóm tốt, trung bình và kém. Dữ liệu về cơ sở giáo dục đại học trong từng nhóm được cung cấp đầy đủ. Việc xếp hạng các cơ sở đó như thế nào là do người học tự thực hiện trên cơ sở tự quyết định các tiêu chí và trọng số cần thiết theo định hướng của riêng mình.
Tuy nhiên, có lẽ giới học thuật và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang chờ đợi hơn cả là cố gắng của khối EC trong việc đưa ra cách tiếp cận mới trong xếp hạng quốc tế. Trong cách tiếp cận này việc xếp hạng từng đại học riêng lẻ được thay thế bằng việc xếp hạng từng hệ thống đại học giữa các quốc gia. Cách xếp hạng đơn nhất, một chiều cũng được thay thế bằng cách xếp hạng đa chiều phản ánh tính đa dạng trong tổ chức cũng như sứ mệnh của các hệ thống đại học trên thế giới. Mục đích của việc xếp hạng này không phải là để tạo ra người thắng, kẻ thua giữa các đại học mà là đem lại sự đối sánh cần thiết giữa các hệ thống đại học trong việc thực hiện sứ mệnh chung là đáp ứng các thách thức mới trong bước chuyển sang nền văn minh trí tuệ.
Sự lựa chọn của Việt Nam
Giáo dục đại học Việt Nam cũng đang đứng trước bài toán xếp hạng. Tuy nhiên, để tìm ra lời giải của bài toán này, cần có cách tiếp cận sòng phẳng trong một số vấn đề tuy đơn giản nhưng nhạy cảm.
Trước hết là việc làm rõ các loại trường đại học của nước ta. Theo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, nước ta có ba loại trường đại học là đại học, học viện và trường đại học. Khái niệm đại học của nước ta tương đồng với khái niệm university trên thế giới; khái niệm học viện và trường đại học tương đồng với khái niệm college.
Về chính danh, hiện nước ta chỉ có 5 đại học, bao gồm 2 đại học quốc gia và 3 đại học khu vực, còn lại là các học viện và trường đại học. Tuy nhiên, thực tế lại khá lộn xộn. Phần lớn các trường đại học đều tự xưng là đại học trong tên gọi bằng tiếng Việt cũng như tiếng Anh. Vì vậy, cũng chẳng có gì để trách cứ khi Webometrics, suốt nhiều năm nay, đã đặt một số trường đại học thành viên ở vị trí cao hơn cả cơ sở mẹ là Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Dĩ nhiên, hiện có một số học viện và trường đại học nước ta đã hội đủ tiêu chuẩn để được gọi là đại học. Nhưng để việc xếp hạng được phù hợp và công bằng, nhất thiết phải có bước phân loại đầu tiên bằng một văn bản pháp quy liệt kê rõ ràng cơ sở nào là đại học, cơ sở nào là học viện, trường đại học.
Tiếp đến lại là việc phân loại trong nội bộ các đại học để làm rõ đại học nào là đại học nghiên cứu. Trên thế giới, các đại học nghiên cứu đều có tiêu chí riêng, trong đó có tiêu chí về vai trò trung tâm của nghiên cứu khoa học trong các hoạt động của nhà trường; tiêu chí về tỷ lệ cao các nghiên cứu sinh trong tổng số người học trong trường. Nếu xét theo các tiêu chí này, e rằng, trước mắt cũng như trong trung hạn, chúng ta chưa có đại học nào đủ tiêu chuẩn là đại học nghiên cứu.
Vì thế, giáo dục đại học Việt Nam cần làm rõ cái lõi hợp lý trong xếp hạng, từ đó tìm ra lối đi riêng với những lựa chọn ưu tiên phù hợp. Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, ưu tiên là nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống và vì vậy cần tập trung vào xếp hạng quốc gia. Dự kiến kết quả xếp hạng này sẽ được công bố trong năm 2009, tuy nhiên công việc này còn phải vượt qua rào cản về việc phân loại các đại học và trường đại học như đã nói ở trên, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện từ năm này sang năm khác để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Riêng đối với tầm nhìn 2020, giáo dục đại học Việt Nam chỉ nên tập trung vào cuộc đua khu vực, chưa nên dấn mình trong cuộc đua thế giới. Trong xếp hạng quốc tế, chúng ta đều biết hiện Việt Nam chưa có đại học nào trong top 500 của SJTU và trong top 400 của THE.
Việc phấn đấu để có thứ hạng cao trong khối ASEAN xem ra khả thi hơn, tuy rằng cũng không đơn giản chút nào. Ngoài ra, cũng phải làm rõ các tiêu chí xếp hạng trong nội khối, trong đó có tính đến việc triển khai thực hiện “Tuyên bố Thăng Long - Hà Nội về không gian giáo dục ASEAN” công bố ngày 23-11-2007 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Để thử sức trên sân chơi quốc tế thì sự lựa chọn hợp lý hơn cả là Webometrics. Với sự thâm nhập mạnh mẽ của ICT vào đời sống giáo dục, chắc chắn trong tương lai không xa, đây sẽ là một “sân chơi” có hạng về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chúng ta lại đang có một số lợi thế nhất định trên “sân chơi” này, dù rằng vị trí xếp hạng còn rất khiêm tốn. Một tin vui để chúng ta hy vọng và tin tưởng: trong bảng xếp hạng về mức độ nổi tiếng trang web nhà trường 2009, của công cụ tìm kiếm 4 International Colleges and Universities với 8.750 cơ sở giáo dục đại học, thì Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng thứ 58, trên hẳn rất nhiều đại học danh tiếng khác trên thế giới./.
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 800 (6-2009)  (27/06/2009)
Ngày quốc tế phòng chống lạm dụng và buôn lậu ma túy 26-6  (26/06/2009)
Đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế  (26/06/2009)
Ngày quốc tế phòng chống lạm dụng và buôn lậu ma túy 26-6  (26/06/2009)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên