Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đóng góp để đất nước phát triển
TCCS - Ngày 10-2-2025, Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra tại trụ sở Chính phủ. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Đồng chủ trì có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả đại dịch, cùng đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay… Chính phủ luôn chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Sau gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn phát triển đạt tầm khu vực và thế giới. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, cả nước quyết tâm tạo bứt phá đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực, khí thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là lực lượng quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ và cam kết tham gia sâu rộng vào các chương trình mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, trong đó góp phần cùng cả nước đạt mức trưởng từ 8% trong năm 2025 và 2 con số trong thời gian tới. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào chương trình, dự án lớn của đất nước, như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt khổ tiêu chuẩn, đường sắt đô thị; dự án điện hạt nhân; các chương trình phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; dự án khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ…

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương, với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, THACO cam kết sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ phục vụ các dự án đường sắt nhằm giảm giá thành, bảo đảm chất lượng; đồng thời giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, cho biết, sẵn sàng đầu tư, cung cấp các sản phẩm phục vụ các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… với chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chính thức để yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng kiến nghị một số giải pháp giúp doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nhóm ngành hạ tầng giao thông tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Trong đó nhấn mạnh: Cần tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước. Cần giải quyết những tồn tại kéo dài nhiều năm do bất cập về thể chế, chính sách; xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua. Xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP. Đánh giá nghiêm túc các dự án mà tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí...

Hiện nay, nhiều tuyến cao tốc cửa ngõ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tuyến cao tốc đã quá tải cần phải đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước hạn chế, đồng chí Hồ Minh Hoàng đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP (kinh nghiệm từ các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác nước trên thế giới cho thấy, 100% số tuyến đường cao tốc đều được giao cho doanh nghiệp đầu tư khai thác với thời gian 30 năm). Nhà nước đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình đầu tư, quản lý, xây dựng từ các quốc gia tiên tiến, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới trong xây dựng hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực như thi công hầm đường bộ, cầu dây văng, đường sắt cao tốc, vật liệu bền vững, tự động hóa trong quản lý vận hành công trình giao thông...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia./.
Hà Phương (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ  (06/02/2025)
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tỉnh ủy Lạng Sơn  (05/02/2025)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025  (05/02/2025)
- Quốc hội tiếp tục kế thừa, đổi mới và phát triển hoạt động lập hiến trong giai đoạn hiện nay
- Cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam
- Ngoại thương Việt Nam: Vị thế mới sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Ngoại giao đa phương đưa đất nước hội nhập toàn diện và sâu rộng trong thời đại mới
- Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam