TCCS - Ngày 9-2-2025, tại Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn; phương hướng, nhiệm vụ phát triển thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi_Ảnh: Công Tiến

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và tỉnh Quảng Ngãi.

Theo tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện kịp thời các chủ trương của Trung ương, của tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất nên tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (trong đó, có 11 chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu của nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra); kinh tế tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Quốc phòng - an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi còn một số tồn tại, hạn chế: Kinh tế có bước tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu nhiệm kỳ; dịch vụ chậm phát triển, chất lượng còn thấp, nhất là đối với lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo; vướng mắc về cơ chế đất đai đối với một số dự án chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến hạn chế trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết cấu hạ tầng giao thông chưa bảo đảm tính liên kết các vùng, nội vùng của tỉnh,, hạ tầng giao thông ở Khu kinh tế Dung Quất đang bị xuống cấp nghiêm trọng nên việc thu hút các dự án đầu tư mới và triển khai các dự án đầu tư gặp khó khăn. Công tác giảm nghèo mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khá cao, thiếu bền vững, nhất là khu vực miền núi.

Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8,5% theo kế hoạch của tỉnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, giải quyết một số kiến nghị sau:

Thủ tướng Chính phủ cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 29-12-2022, của Chính phủ, ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển và sử dụng nguồn cải cách tiền lương hiện có để đầu tư các công trình hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất. Hằng năm, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Quảng Ngãi tương ứng mức 10 - 15% tổng số thu trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất nộp về ngân sách Trung ương để tái đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất (như các tỉnh, thành phố: Huế, Thanh Hóa, Nghệ An đã được Quốc hội thống nhất áp dụng cơ chế đặc thù). Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung vốn hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Quảng Ngãi tương ứng 15 - 20% tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo quy định (phần tính điểm theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh).

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đạt được, đóng góp vào thành tích chung của cả nước. Về tình hình kinh tế - xã hội, tháng 1-2025 có khởi sắc, trong đó, tỉnh Quảng Ngãi huy động hơn 100 tỷ đồng làm an sinh xã hội; có nhiều điểm tích cực trên các lĩnh vực… Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị tỉnh làm rõ một số hạn chế, bất cập, như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, phải chỉ rõ trách nhiệm của ai, kiểm điểm trách nhiệm, phải có giải pháp cải thiện tình hình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu_Ảnh: Công Tiến

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đoàn kết, thống nhất; thường xuyên góp ý xây dựng; thực hiện nguyên tắc việc của ai người đó làm, không đùn đẩy, né tránh. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”, nắm chắc tình hình trong nước và ngoài nước, xử lý linh hoạt các vấn đề nổi lên; phải chủ động trước mọi tình huống bên ngoài; luôn có phương án ứng phó mọi diễn biến bất ngờ.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, tỉnh Quảng Ngãi cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch vùng; các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm; giải quyết công việc phải có tiến độ; đổi mới mạnh mẽ tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tích cực chống tham nhũng, tiêu cực; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã nói, đã làm là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể “cân, đong, đo, đếm” được; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy với tinh thần dân chủ theo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, lựa chọn nhân sự xứng đáng, có năng lực, uy tín, vì dân vì nước; xác định chủ trương, đường lối phát triển đúng, sát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho đại hội. Tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó về thể chế, tỉnh Quảng Ngãi phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 hằng tháng những vướng mắc về mặt thể chế, vì đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng cũng là “đột phá của đột phá”; coi trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa, trong đó coi trọng phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của những ngành, nghề công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là ở cơ sở. Cấp cơ sở phải gần dân, sát dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Thủ tướng lưu ý “mất cơ sở là mất dân”; nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Phải bảo đảm an sinh xã hội, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”.

Về nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi chưa tập trung coi trọng phát triển các khu nhà ở xã hội trong khi tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, quỹ đất không thiếu thì nên giao doanh nghiệp làm; lãnh đạo tỉnh phải quan tâm, các sở, ngành, chi nhánh ngân hàng phải quan tâm. Coi trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm người nghèo, người có công với cách mạng, người yếu thế không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo; rà soát lại các dự án tồn đọng, kéo dài trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình về các đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, đối với 2 Đề án về trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, Thủ tướng đề nghị Petrovietnam phải thực hiện dứt điểm việc mở rộng khu lọc hóa dầu Dung Quất; tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển đảo Lý Sơn thành trung tâm đô thị biển, đảo, việc nghiên cứu quy hoạch sân bay phải cân nhắc; nếu làm thì phải thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), làm dứt điểm, trước hết tập trung cho du lịch và phải bảo đảm khai thác hiệu quả. Liên quan phương án sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng, Thủ tướng Chính phủ giao Petrovietnam làm việc với các đối tác nước ngoài để khai thác khí sớm để bảo đảm hiệu quả, chậm nhất vào năm 2027. Các bộ, ngành phải hướng dẫn tỉnh Quảng Ngãi trên tinh thần để làm chứ không phải để “thắt nút”. Trung ương đã chủ trương cắt giảm bớt số dự án để tập trung nguồn lực vào các dự án lớn, do đó tỉnh Quảng Ngãi cũng phải điều chỉnh theo hướng này, nhất là cần tập trung cho dự án đầu tư đường ven biển./.