Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 22-9-2021, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Sau 8 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, khẩn trương và tập trung cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp, trong đó có điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng và cấp bách.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phiên họp thường kỳ dài nhất trong năm, tập trung xem xét nhiều nội dung quan trọng, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ hai, dự kiến khai mạc ngày 20-10-2021.
Tóm tắt những kết quả chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe, cho ý kiến 6 dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội cùng tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng…
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Viện Nghiên cứu lập pháp đã khẩn trương, trách nhiệm phối hợp với các ủy ban, các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia góp ý cho các dự án luật này, tập hợp được nhiều ý kiến có chất lượng. Chất lượng dự án luật của các cơ quan trình, báo cáo thẩm tra có chất lượng tốt. Sau phiên họp này, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện một bước nữa trước khi trình ra Quốc hội.
Qua thảo luận, 5/6 dự án luật được cho ý kiến tại phiên họp đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Mục đích là sớm thể chế hóa các cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, tập trung nâng cao chất lượng các dự án luật thêm một bước nữa, bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội; để sau khi ban hành các luật này sẽ tạo hành lang pháp lý và chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, như kinh doanh điện ảnh, bảo vệ thành quả trí tuệ của hoạt động lao động sáng tạo… ; quan tâm rà soát bảo đảm các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên và tính khả thi trên thực tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tính đến tháng 8-2021.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, về cơ bản, các báo cáo trình tại phiên họp có chất lượng tốt, thể hiện chuyển biến tích cực trong hoạt động được nêu cũng như những nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm và sự quyết liệt của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các báo cáo, nhất là báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự các phiên họp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các báo cáo thẩm tra có cách tiếp cận mới, có nhiều nội dung đánh giá phong phú, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, bảo đảm khách quan, toàn diện và kỹ lưỡng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cần thiết để khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhất là đối với việc sớm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm mục tiêu là người dân thực sự được thụ hưởng, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nhanh, bền vững. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ triển khai quyết liệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề thuộc nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, có 4 chuyên đề quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc từ rất sớm của lãnh đạo Quốc hội, chủ nhiệm các ủy ban, nhất là những cơ quan được phân công, cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Thư ký Quốc hội, trưởng các đoàn có trách nhiệm hoàn thiện phê duyệt những kế hoạch này để tổ chức triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau khi triển khai nếu cần thiết sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để vừa triển khai, vừa đôn đốc thực hiện các chương trình giám sát. Kiểm toán nhà nước tham gia giám sát. 63 đoàn đại biểu Quốc hội được huy động; hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố được hướng dẫn, chỉ đạo để cùng tổ chức giám sát. “Đổi mới công tác giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là một trọng điểm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Bộ Chính trị cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước  (17/09/2021)
Khai mạc phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (13/09/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan  (12/09/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ  (10/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên