TCCS - Ngày 8 đến 9-9-2021, nhận lời mời của Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Thủ đô Brussels, bắt đầu thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP) và Vương quốc Bỉ.

Đón đoàn tại sân bay có Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Lê Vĩnh Thắng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ.

Về phía Bỉ có Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Bỉ - Việt, Chủ tịch liên minh Bỉ - Việt Andries Gryffoy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Bỉ kiêm Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Bỉ tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Samuel Cogolati; Nam tước Joseph-Michel de Grand Ry, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại tỉnh Antwerp (Bỉ).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ_Ảnh: TTXVN

Buổi sáng ngày 9-9-2021 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự lễ khánh thành, dâng hoa và thắp hương tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Bỉ. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trong Đại sứ quán, là địa chỉ linh thiêng để mỗi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con cộng đồng người Việt Nam đang học tập, công tác, làm ăn sinh sống tại Bỉ đến tưởng nhớ Bác, nguyện học theo tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo cho biết, quan hệ Việt Nam – EU đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Về mặt thương mại đầu tư, Việt Nam là một trong bốn nước châu Á có hiệp định thương mại tự do với EU. Với những điều chỉnh chiến lược trong chính sách đối ngoại, cơ hội, tiềm năng đầu tư sẽ rất lớn, nhất là những lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đầu tư cảng biển, năng lượng tái tạo, phát triển xanh, điện gió ngoài khơi. Đối với Bỉ, hai nước có quan hệ hợp tác tốt đẹp. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại sứ cũng cho biết, bà con kiều bào tại Bỉ luôn đoàn kết, gắn bó, cố gắng trong làm ăn và học tập công tác, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Đặc biệt bà con luôn hướng về Tổ quốc với những tình cảm và hành động cụ thể, góp phần xây dựng quê hương, nhất là khi trong nước bị ảnh hưởng mưa lũ, thiên tai hay khó khăn do dịch bệnh. Bà con kiều bào cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể để Quốc hội quan tâm thực hiện chính sách người Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất quan tâm đến chính sách dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài; có các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, chống ô nhiễm môi trường. Bà con tin tưởng, với vị thế và vai trò của Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam coi châu Âu là một đối tác quan trọng hàng đầu.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động được đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU. Chủ tịch Quốc hội thông báo với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và Phái đoàn về những kết quả rất tốt đẹp của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo; kết quả cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hội đàm với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và làm việc với Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu, nhóm Nghị sĩ EP... Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU trong thời gian tới cần hết sức quan tâm thúc đẩy các nước sớm phê chuẩn EVIPA. Đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine phòng COVID-19 vì trong điều kiện hiện nay, vaccine đóng vai trò rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu sống chung với dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ tiếp tục nỗ lực trong công tác và học tập, chấp hành luật pháp của nước sở tại và hướng về quê hương, đất nước bằng cả tình cảm và những việc làm thiết thực, có ý nghĩa, xây dựng đất nước ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ_Ảnh: TTXVN

** Nhân chuyến thăm, làm việc này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ trao tặng vaccine, vật tư thiết bị y tế phòng dịch COVID-19 và lễ ký các văn kiện hợp tác tại khách sạn “The Hotel”. Về phía Vương quốc Bỉ có đại diện Chính phủ, Nghị viện Bỉ; ba vùng Brussels, Flanders và Wallonie của Bỉ, đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội của Việt Nam, Bỉ và EU.

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Bỉ trao 100.000  liều vaccin AstraZeneca hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID -19.

Với tinh thần chung tay hỗ trợ Việt Nam vượt qua đại dịch, một số tổ chức, doanh nghiệp, trí thức và kiều bào Việt Nam ở châu Âu cũng đã quyên tặng nhiều thiết bị vật tư, y tế quan trọng.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, EU, nhiều thỏa thuận thương mại đã được đàm phán thành công và ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn đại biểu Việt Nam và Bỉ, EU, như: Vingroup và Drager Medical của Đức ký Bản ghi nhớ về việc mua 500 máy thở với tổng giá trị hợp đồng là 12,5 triệu Euro, tương đương 337 tỷ đồng; Vingroup và Lowenstein Medical ký Bản ghi nhớ về việc mua 145 máy thở với tổng giá trị Hợp đồng ước tính là 2,7 triệu euro, tương đương 72,4 tỷ đồng…

Các hợp đồng do DEME ký kết trị giá 3 tỷ Euro, tương đương 84 ngàn tỷ Việt Nam đồng, như: Zarubezhneft và DEME ký bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi tại Vinh Phong, tỉnh Bình Thuận có công suất 1.000 MW, công suất phát dự kiến tối thiểu là 3,151 GWh/năm; Công ty DEEP C và DEME ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án năng lượng mặt trời trên bãi rác Đình Vũ; Công ty DEEP C và DEME ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi, cấp điện trực tiếp cho các khu công nghiệp DEEP C2 và DEEP C3, khu vực cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và hòa lưới điện quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Smart Universal Logistics NV ký bản ghi nhớ về hợp tác phát triển công nghệ khử mặn nước từ gió.

*** Trưa ngày 9-9-2021 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, EU phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư 3 vùng Flanders Brussels Capital và Wallonia của Bỉ tổ chức. Về phía Bỉ có Thượng nghị sĩ Andries Gryffroy, Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt; các doanh nghiệp của Việt Nam và Bỉ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tranh chấp thương mại hiện nay giữa các nền kinh tế lớn cùng đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên cũng mở ra nhiều cơ hội. Với Việt Nam, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu COVID-19”, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ "dân số vàng"... cũng đang tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương với các đối tác hàng đầu thế giới như CPTPP, RCEP, nếu chậm trễ phê chuẩn EVIPA thì sẽ khó bắt kịp xu hướng đầu tư, kinh doanh phục hồi sau đại dịch của khu vực và thế giới. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp Bỉ thúc đẩy Nghị viện sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này trong thời gian sớm nhất. Xem xét mở đường bay kết nối giữa Việt Nam và Bỉ nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động hợp tác kinh tế, du lịch, giáo dục… khi tình hình dịch đã được kiểm soát.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Chính phủ, cam kết ban hành nhiều chính sách và đồng hành với Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Bỉ nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam, luôn coi thành công của các bạn là thành công của chính mình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Vương quốc Bỉ Pierre-Yves Dermagne_Ảnh: TTXVN

**** Chiều ngày 9-9-2021 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm của Bỉ Pierre-Yves Dermagne.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tới thăm Bỉ, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện với châu Âu và các nước thành viên; khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Bỉ - thành viên quan trọng trong EU, mong muốn tăng cường hợp tác cả ở cấp liên bang, cấp vùng, cộng đồng và trên kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp của Bỉ trong hợp tác đa phương, thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU, nhất là trong năm 2020 - khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Bỉ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về hợp tác nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên cần triển khai các nội dung hợp tác chiến lược, như xuất nhập khẩu trái cây, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, thúc đẩy xuất nhập khẩu vào thị trường của nhau, tạo điều kiện tháo gỡ thẻ vàng IUU để bảo đảm sinh kế của người dân Việt Nam, duy trì nguồn cung xuất khẩu vào EU, phục vụ người dân EU...

Phó Thủ tướng Bỉ, ngài Pierre-Yves Dermagne ghi nhận các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ các dự án trọng điểm mà Bỉ đang đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần vào chiến lược phát triển của Việt Nam. Phó Thủ tướng Bỉ khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, vì hai bên có nhiều tiềm năng, mở ra các định hướng mới cho sản phẩm nông nghiệp cũng như hỗ trợ nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Cũng tại cuộc hội kiến, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Bỉ đã và đang phát triển sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, ở bình diện song phương và đa phương; nhất trí cần thúc đẩy triển khai các biện pháp thiết thực nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất và toàn diện, tăng cường phối hợp chiến lược trong ASEAN và ASEM, nhất là hiện nay EU và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux_Ảnh: TTXVN

***** Cũng trong chiều ngày 9-9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng gửi lời mời Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp. 

Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Brussels; cho biết, Hạ viện Bỉ có Chủ tịch là nữ, điều này thể hiện tinh thần bình đẳng giới, đây là vấn đề được quan tâm trong xã hội Bỉ. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo với Chủ tịch Hạ viện kết quả cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP). Hai bên đã đạt được thống nhất cao trên nhiều vấn đề về hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương. 

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Bỉ đã ủng hộ phê chuẩn EVFTA. Sau 1 năm thực hiện hiệp định này, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng trưởng ấn tượng (tăng 18%), đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò tích cực trong quá trình chuẩn bị, ký kết, phê chuẩn và thúc đẩy triển khai hiệu quả EVFTA, đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) và lộ trình gia nhập các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); đồng thời đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị bà Chủ tịch Hạ viện Bỉ quan tâm để EU sớm gỡ thẻ vàng thủy sản IUU, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước; đồng thời cho biết Việt Nam đang rất nỗ lực kiểm soát vấn đề này và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Việt Nam đã và đang triển khai, nỗ lực kiểm soát theo đúng yêu cầu của EU. Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát đại dịch để hướng tới phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch và tiếp tục phát triển; đồng thời mong muốn hai cơ quan lập pháp thành lập khung khổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị viện cũng như hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương. 

Về vấn đề môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux đều cho rằng, hai bên chịu tác động của biến đổi khí hậu, sự nóng lên của khí hậu. Vì thế, hai nước cần hợp tác để ứng phó với vấn đề này. 

Hai Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện cùng nhất trí nhấn mạnh đến việc cần phát triển hai cơ quan lập pháp hai nước, hai nhóm nghị sĩ hữu nghị, giữa các kênh, các ngành và ngoại giao nhân dân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam và Bỉ đều là thành viên của tổ chức Pháp ngữ, đây là kênh quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác song phương. Bà Eliane Tillieux đánh giá cao Việt Nam đang có những nỗ lực cải cách trong nhiều lĩnh vực.

Liên quan Hiệp định EVIPA, Chủ tịch Hạ viện Bỉ cho biết, hiệp định sẽ được xem xét trong thời gian tới đây. Đối với Bỉ, hiệp định này cần được thảo luận ở cấp vùng trước khi chuyển lên Nghị viện liên bang. Quá trình này rất mất thời gian do cần tham vấn người dân, đây là việc hết sức quan trọng, giúp hiệp định được triển khai hiệu quả, nhanh chóng, là đặc thù của hệ thống chính trị Bỉ. Để thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn hiệp định này, kênh nghị sĩ hữu nghị của nghị viện hai nước cũng là một trong những kênh rất hiệu quả.

Tiếp tục chương trình công tác, chiều ngày 9-9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lên đường sang thăm chính thức Phần Lan, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)