TCCS -  Ngày 7-9-2021, tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã tham dự khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) với sự tham dự của hơn 100 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự  Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) _ Ảnh: TTXVN

Tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 có Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duerte Pacheco; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Peter Raggl và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo (Quốc hội) Wolfgang Sobotka; bà Tone Wilhelmsen Troen, Chủ tịch Thượng đỉnh các nữ nghị sĩ nữ; Alexandra Bosek, đại diện học sinh Áo.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 do Liên minh Nghị viện thế giới IPU, Liên hợp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo phối hợp tổ chức từ ngày 6-9 đến ngày 8-9-2021. Chủ đề tổng quát của hội nghị là “Sự dẫn dắt nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái Đất này”.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chào mừng các Chủ tịch Quốc hội các nước đã đến dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Lần đầu tiên lãnh đạo nghị viện thế giới có thể gặp nhau trực tiếp sau 2 năm “giãn cách” vì đại dịch, để cùng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Ông cũng chỉ ra đại dịch COVID-19 cho thấy những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng những nỗ lực toàn cầu; sản xuất và phát triển vaccine là hy vọng cho loài người vượt qua dịch bệnh… Tổng Thư ký IPU hy vọng các nhà lãnh đạo Quốc hội có thể cùng nhau hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như là một giải pháp để đạt được hòa bình và phát triển bền vững.

Đại diện nước chủ nhà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka khẳng định, Áo vinh dự là ngôi nhà của nhiều tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc và là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Là chủ nhà hội nghị lần này, Hội đồng Quốc gia Áo mong muốn tạo diễn đàn để các nghị viện trên thế giới thảo luận về những thách thức đe dọa sự phát triển bền vững, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh..., trong đó có đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh các nghị viện có trách nhiệm tìm lời giải cho các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch IPU Duerte Pacheco cho rằng, việc tổ chức hội nghị trực tiếp lần này thể hiện ý nguyện và nỗ lực của IPU và lãnh đạo các nghị viện trên toàn thế giới. Nhấn mạnh thế giới đang phải sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch IPU cho biết trong hai năm qua trên thế giới đã có hơn 4 triệu người tử vong vì COVID-19. Nghèo đói cũng như khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Bài học rút ra từ sự hoành hành của virus SARS-CoV-2 là “Chúng ta không thể chiến thắng một con virus dù rất nhỏ”, mà chỉ cùng nhau mới có thể chiến thắng, cùng nhau mới giải quyết được những vấn đề toàn cầu. Việc lãnh đạo các nghị viện có mặt tại hội nghị lần này thể hiện sự sẵn sàng cùng nhau góp phần chiến thắng dịch bệnh. Dịch bệnh cũng cho thấy sự kiên cường của các nghị viện và các nhà lãnh đạo quốc hội phải là những người hành động. Chủ tịch Pacheco cho rằng, với quyền lực và ảnh hưởng của mình, các nhà lãnh đạo quốc hội có thể góp phần làm nên những thay đổi. Ông nêu rõ: “Chúng ta không chỉ nói những lời tốt đẹp, không chỉ gặp nhau cho vui mà chúng ta gặp nhau để hành động. Nếu quyết tâm chúng ta có thể giành chiến thắng”.

Chủ tịch IPU cho biết trong hai năm qua, IPU cũng đã có tiếng nói kịp thời đối với những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh mới nổi lên như ở Myanmar, Venezuela, khu vực Trung Đông, Afghanistan, nhất là bảo vệ quyền và sự an toàn cho các nghị sĩ. Chủ tịch Pacheco kêu gọi thế giới chung tay hành động chống khủng bố và bạo lực. Chủ tịch IPU cũng nhấn mạnh quan tâm đến thế hệ trẻ và phải để lại cho họ một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó các nghị viện phải cùng nhau góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng bằng cách ngăn chặn các hành động phá hoại môi trường, biến đổi khí hậu...

Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ hơn 4 triệu người trên thế giới đã tử vong vì dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua.

Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra phiên thảo luận toàn thể dưới sự chủ trì của Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các nhà lãnh đạo quốc hội/nghị viện trên thế giới thảo luận tại hội nghị _ Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo quốc hội/nghị viện trên thế giới đã thảo luận chủ đề: “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc, ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế?”.

Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm cho rằng, phát triển bền vững cần chú trọng vào việc chăm lo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Điều này là phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc và là sự cân bằng hài hòa của 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, con người là nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mọi quốc gia; mục đích phát triển kinh tế - xã hội là để con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển - đó là yếu tố nền tảng vững chắc mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững. Chủ tịch nhấn mạnh thực tế rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch COVID-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, trong đó phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững.

Chủ tịch Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tái chế, tái sử dụng; nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường các nguồn lực và năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam rất mong muốn hợp tác, chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để bảo đảm ưu tiên cho sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Một số lãnh đạo nghị viện phát biểu tại phiên họp này cũng đề cập đến những thách thức đang nổi lên trên thế giới hiện nay đe dọa sự phát triển bền vững, như biến đối khí hậu, an ninh, môi trường...; thảo luận cách thức để cân bằng giữa phát triển và giữ gìn môi trường, bảo đảm an sinh, sinh kế cho người dân….

Cùng ngày Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 cũng đã diễn ra.

* Bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản; hội kiến Chủ tịch Hạ viện Indonesia; tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong; gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko _ Ảnh: TTXVN

Tại buổi hội kiến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những phát triển tốt đẹp trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là hợp tác giao lưu qua kênh nghị viện được tăng cường, góp phần gia tăng tin cậy chính trị, giao lưu nhân dân, cùng phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, trong bối cảnh COVID-19, vừa qua, hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau rất kịp thời và quý báu. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau để cùng vượt khó khăn của đại dịch và phục hồi sau đại dịch, tiếp tục tăng cường hợp tác giữa cơ quan lập pháp của hai nước, phát huy vai trò của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước để từ đó có thể đưa ra nhiều hơn các sáng kiến nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và phối hợp trong hoạt động của Quốc hội hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Nhật Bản đã giúp Việt Nam gần 3 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19, cho đây là nghĩa cử cao đẹp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay. Chủ tịch Quốc hội mong muốn tới đây Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị y tế; hỗ trợ, chuyển nhượng nguồn vaccine còn dôi dư, xem xét hợp tác sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19 để Việt Nam có thêm nguồn vaccine tiêm phòng cho người dân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. 

Tại buổi hội kiến Chủ tịch Hạ viện Indonesia, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những kết quả tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác mọi mặt, trên tất cả các kênh nhà nước, nghị viện và giao lưu nhân dân giữa hai nước trong hơn 65 năm qua, nhất là từ khi nâng quan hệ hai nước lên thành Đối tác chiến lược vào năm 2013. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, duy trì tiếp xúc cấp cao bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó thúc đẩy trao đổi đoàn qua kênh nghị viện như giữa các ủy ban chuyên môn, giao lưu giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, phối hợp tại các diễn đàn quốc tế; thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia. Hai bên chia sẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp như hiện nay, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch vì lợi ích của người dân. Quốc hội mỗi nước cần có tiếng nói tại các diễn đàn khu vực và thế giới để tất cả các nước đều được tiếp cận vaccine công bằng, cởi mở và minh bạch, đi đôi với nghiên cứu, sản xuất vaccine. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù khó khăn do đại dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực, giao thương không ngừng gia tăng với kim ngạch thương mại đạt 8,2 tỷ USD năm 2020, hướng tới kim ngạch 10 tỷ USD. Trên tinh thần Đối tác chiến lược, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên phối hợp giải quyết các vấn đề cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, trong đó, đề nghị Indonesia tạo điều kiện hơn cho Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản và trái cây, đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam, thúc đẩy đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. 

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, sớm xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong bối cảnh cả khu vực ASEAN đều đang phải đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, Việt Nam và Indonesia cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong ASEAN - AIPA, một mặt phải chống dịch tốt, một mặt cần tính toán biện pháp phù hợp để phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị viện các nước phải tăng cường vai trò dẫn dắt trong phòng, chống dịch COVID-19 và hợp tác để khôi phục kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Indonesia đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2022 và bày tỏ hy vọng các nước ASEAN được tham dự sự kiện quan trọng này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungoong _ Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh nỗ lực tổ chức WCSP5 trực tiếp với quy mô lớn, trong đó có đóng góp tích cực của Tổng Thư ký IPU Martin Chungong. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao những hoạt động thiết thực của Tổng Thư ký Martin Chungong, góp phần đưa IPU vượt qua những khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng với chuyển động khó lường của môi trường địa chính trị thế giới, đã không ngừng đổi mới hoạt động của Ban thư ký, hỗ trợ triển khai các chương trình, chiến lược của IPU, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nghị viện, nghị sĩ đối với các vấn đề quốc tế.

Tổng Thư ký Martin Chungong cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Vienna tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần 5. Điều này một lần nữa khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của IPU, sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký IPU và các nghị viện thành viên. Chia sẻ những tình cảm sâu đậm như một người bạn và vui mừng trước những thành tựu mọi mặt của Việt Nam, Tổng Thư ký IPU khẳng định luôn ủng hộ Quốc hội Việt Nam và mong muốn tiếp tục có các cuộc gặp, trao đổi trực tiếp, trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội trong thời gian tới. Tổng Thư ký IPU cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã trao tặng khẩu trang y tế cho Ban Thư ký IPU trong năm 2020 giúp phòng, chống COVID-19. 

Tổng Thư ký IPU bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất của hội nghị về tăng cường hợp tác đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì sự phát triển của toàn thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nghị viện trên toàn thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, Tổng Thư ký Martin Chungong mong muốn Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình này. 

Hai bên cũng chia sẻ về vai trò của Liên hợp quốc - tổ chức nòng cốt trong hợp tác đa phương - và đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc thể hiện qua thông điệp của Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc gửi hội nghị lần này. Tổng Thư ký IPU hoan nghênh ba đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của IPU. Đó là tăng cường quan hệ đối tác 3 bên Liên hợp quốc - IPU - Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia thực chất hơn nữa tại các cơ chế họp nghị viện song song với các hoạt động của Liên hợp quốc; IPU tiếp tục ủng hộ Quốc hội Việt Nam, mở rộng đào tạo, bồi dưỡng về ngoại giao nghị viện đa phương cho Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba Ana Maria Mari Machado _ Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Ana Maria Mari Machacdo, hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các lĩnh vực có thế mạnh của hai bên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2020, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Cuba lên tầm cao mới. Hai bên nhất trí Quốc hội hai nước cần tăng cường hợp tác, đưa mối quan hệ hai Quốc hội trở thành một kênh hợp tác quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng gặp đồng chí Ana Maria Mari Machacdo, Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5; gửi lời thăm hỏi đến đồng chí Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Cuba kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt được những thành tựu trong việc bào chế vaccine phòng COVID-19, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong nước, đồng thời góp phần cùng thế giới ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba gửi lời chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu ra ban lãnh đạo mới, chúc mừng đồng chí Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khoá XV, đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Ana Maria Mari Machacdo bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước sự trợ giúp quý báu mà Việt Nam đã dành cho nhân dân Cuba trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn thiện chí của Cuba trong hợp tác với Việt Nam về chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, trong đó từ nay đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp cho Việt Nam số lượng lớn vaccine Abdala ngừa COVID-19. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nghĩa cử cao đẹp của Cuba khi đã cử các đoàn bác sĩ hỗ trợ các quốc gia chống dịch COVID-19, mặc dù Cuba còn đang gặp nhiều khó khăn trong vòng vây cấm vận về kinh tế, bất chấp hiểm nguy tới các khu vực có dịch để thực hiện công việc y tế nhân đạo, thể hiện chất lượng của ngành y tế Cuba với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, cũng như tinh thần đoàn kết, nhân đạo và chia sẻ của Cuba với nhân dân các nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba nhấn mạnh, Cuba sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam.

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn hội kiến Chủ tịch Hạ viện Italy Roberto Fico; hội kiến Chủ tịch Hạ viện Chile Diego Alfredo Paulsen Kehr; hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla; tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Eleanor Laing; gặp Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi; gặp Trưởng Văn phòng đại diện Liên hợp quốc tại Áo Ghada Fathi Waly; tiếp lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krem, Tập đoàn WEFORYOU, Tập đoàn CHRISTOF System; làm việc với lãnh đạo công ty Aone Deutsland AG thuộc Tập đoàn Tilia (Đức), ban lãnh đạo của Công ty Strabag; gặp gỡ một số bà con Việt kiều đến trao tặng thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch trong nước./.

Thùy Linh (tổng hợp)