Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung
TCCS - Từ ngày 20 đến ngày 22-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã diễn ra với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết; đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội; phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung”. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự có các đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 346 đại biểu ưu tú đại diện cho 54.080 đảng viên của toàn Đảng bộ.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tập trung vào các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm về xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nhiều dự án lớn khởi công xây dựng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Các hoạt động văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện.
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX do đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy trình bày nêu rõ, 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh Quảng Ngãi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt một số kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá, bình quân tăng 4,83%/năm, nếu không tính sản phẩm lọc dầu thì tăng bình quân 8,5%/năm. Năm 2020, GRDP của tỉnh ước đạt 82.593 tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2015; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,14%, dịch vụ chiếm 28,35%, nông nghiệp chiếm 18,51%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD/năm, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; công tác xúc tiến đầu tư đổi mới, các thành phần kinh tế phát triển. Xây dựng Đảng về tổ chức, chính trị, tư tưởng, đạo đức được tăng cường.
Báo cáo chính trị đề ra 6 quan điểm phát triển; các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng; cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế; văn hóa - xã hội; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, nội chính, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Báo cáo chính trị cũng đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá.
Về 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị. Hai là, cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ba là, đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
Về 3 đột phá gồm: Thứ nhất, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thứ ba, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội cùng thảo luận.
Một là, Đảng bộ Quảng Ngãi cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, vì đây là nhiệm vụ then chốt, cần phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi thật sự trong sạch, vững mạnh, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu và các đồng chí tỉnh ủy viên. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện có hiệu quả quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng lắng nghe, tiếp thu và phát huy sức mạnh của nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đặc biệt là đối với chính quyền.
Xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tận tụy, liêm chính, hành động. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt, tính chuyên nghiệp cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ công của chính quyền các cấp. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động quản lý hành chính. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển tỉnh.
Hai là, cần khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, làm cơ sở phân bố không gian, định hướng phát triển, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hài hòa giữa các vùng trong tỉnh. Thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên để phát huy lợi thế của tỉnh và huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ. Tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp bền vững hơn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, trước nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, có tính kết nối, có tác động lan tỏa lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao để tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành, lĩnh vực mới trong giai đoạn Việt Nam đang chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045" kết hợp với khai thác tốt tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, thu hút đầu tư, qua đó quảng bá hình ảnh đất và người Quảng Ngãi, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế động lực để tạo sự phát triển bền vững.
Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Theo đó, cần hoàn thiện và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để hình thành nền nông nghiệp hiện đại và đặc thù. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nhất là các tài nguyên không tái tạo, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ba là, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ngãi; xem đây là nền tảng động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong những năm tiếp theo. Truyền thống đoàn kết, quả cảm, khát vọng vươn lên phát triển sáng tạo của con người Quảng Ngãi cần được khơi dậy, phát huy và lan tỏa trong từng cán bộ, đảng viên và người dân Quảng Ngãi về truyền thống quê hương cách mạng, anh hùng, góp phần quan trọng và tích cực vào sự phát triển của tỉnh và của cả nước.
Tạo bước đột phát mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi; trong đó cần chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14, của Quốc hội, "Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Bốn là, là địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, Quảng Ngãi cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", theo đó cần phải thường xuyên củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là "thế trận lòng dân"; xây dựng các lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao; chủ động triển khai các phương án làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức, động viên ngư dân kiên trì ra khơi bám biển, khai thác tại các ngư trường truyền thống, phối hợp với các lực lượng quốc phòng, chấp pháp trên biển bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tăng cường đấu tranh đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, đúng người, đúng tội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, các đại biểu dự Đại hội bầu 51 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khoá XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XIX tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XX. Các đồng chí Đặng Ngọc Huy và đồng chí Đặng Văn Minh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy khoá XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng  (21/10/2020)
Khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV  (21/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (20/10/2020)
Toàn văn dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng  (20/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên