Quan hệ Mỹ-Triều Tiên: Con đường gập ghềnh và những kỳ vọng ở Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội
Con đường gập ghềnh trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên
Mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên có quan hệ với các sự kiện lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Để có thể đi đến được những bước tiến tích cực trước Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội sắp tới, Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai. Sau đây là những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên:
- Năm 1945: Sự thống trị của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Vĩ tuyến 38 là ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia là CHDCND Triều Tiên (được Liên Xô ủng hộ) và Hàn Quốc (được Mỹ hậu thuẫn).
- Từ năm 1950 đến 1953: Sau khi binh sĩ Mỹ và Liên Xô rời bán đảo Triều Tiên, chiến tranh nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc làm khoảng 4 triệu người thiệt mạng. Mỹ ủng hộ Hàn Quốc trên danh nghĩa là một phần của lực lượng Liên hợp quốc, trong khi đó Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên.
- Tháng 7-1953: Cuộc chiến chấm dứt bằng một hiệp định đình chiến.
- Năm 1988: Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi đưa quốc gia này vào danh sách các nước tài trợ khủng bố.
- Năm 1994: Nguy cơ của một cuộc chiến tranh Mỹ-Triều nổ ra khi Triều Tiên tháo dỡ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng Yongbyon. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tháo ngòi nổ căng thẳng bằng chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Theo một thỏa thuận với Mỹ, Triều Tiên tuyên bố đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, để đổi lại viện trợ năng lượng.
- Năm 1997: Khởi động đàm phán 4 bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm hiệp ước hòa bình mới thay thế hiệp định đình chiến năm 1953 để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
- Năm 1998: Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa lần đầu tiên.
- Năm 1999: Đàm phán giữa các bên sụp đổ.
- Năm 2002: Tổng thống Mỹ G.Bush đưa Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc “Trục ma quỷ”. Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.
- Năm 2003: Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
- Tháng 8-2003: Các cuộc đàm 6 bên (gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
- Năm 2005: Lần đầu tiên, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân.
- Tháng 10-2006: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
- Tháng 12-2006: Đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên được nối lại sau 13 tháng gián đoạn.
- Tháng 6-2007: Triều Tiên phá hủy các cơ sở hạt nhân, để đổi lại việc nhận được viện trợ về kinh tế và nhượng bộ về ngoại giao.
- Tháng 10-2008: Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi “danh sách các nước khủng bố”.
- Tháng 4-2009: Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa; tuyên bố rời khỏi vòng đàm phán 6 bên và tái khởi động lò phản ứng Yongbyon.
- Từ tháng 5-2009 đến tháng 9-2017: Triều Tiên thử hạt nhân thêm 5 lần. Trong năm 2017, Triều Tiên còn tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác. Mỹ vì thế đã áp dụng tới gần 250 biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Do đó, năm 2017, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang cực độ với những tuyên bố "trút lửa thịnh nộ" và những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh".
- Năm 2018:
Tháng 01: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này hoàn thành các nhiệm vụ hạt nhân. Ngày 12-6: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trở thành những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu tiên gặp mặt trực tiếp nhằm tìm giải pháp cho một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên tại Singapore. Sau ngày 12-6: Mỹ tuyên bố sẽ ngừng tập trận chung với Hàn Quốc. Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn từ lâu đã bị Triều Tiên chỉ trích và coi là diễn tập chiến tranh. Ngày 16-7: Triều Tiên nhất trí trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Ngày 23-7: Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu triển khai hoạt động tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại Trạm vệ tình Sohae - địa điểm được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo. Ngày 19-9: tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây được xem là một bước tiến dài so với Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6-2018.
- Năm 2019:
Ngày 01-01: Trong thông điệp Năm mới, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ lúc nào, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa. Ngày 08-02: Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-02-2019.
Kỳ vọng vào một “thỏa thuận lớn”
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy Bình Nhưỡng triển khai các giải pháp phi hạt nhân hóa để đổi lấy những ưu đãi từ Washington và khơi thông quan hệ liên Triều.
Theo nhận định của các chuyên gia chính trị, mặc dù tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, phía Triều Tiên đã nhất trí thực hiện “phi hạt nhân hóa toàn diện” Bán đảo Triều Tiên nhưng đề cập rất ít đến các giải pháp để đạt được mục tiêu lâu dài và khó khăn này. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Washington triển khai “những biện pháp đối đẳng” để đổi lại những nỗ lực phi hạt nhân hóa của nước này, chẳng hạn như nới lỏng một phần các lệnh cấm vận, viện trợ nhân đạo, thiết lập văn phòng liên lạc Mỹ tại Bình Nhưỡng và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Trong khi đó, phía Mỹ vẫn luôn tỏ thái độ cứng rắn trong việc yêu cầu Triều Tiên triển khai những biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân một cách cụ thể và thực chất, chẳng hạn như tuyên bố đầy đủ về các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Dư luận kỳ vọng vào việc đạt được một “thỏa thuận lớn” tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Đó là việc Triều Tiên đồng ý tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon - một trong những điều kiện Chủ tịch Kim Jong-un đặt lên bàn đàm phán để đổi lấy việc Bình Nhưỡng được nới lỏng một số hình thức trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ có thể có cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong chiến dịch gây áp lực tối đa vốn luôn được chủ trương duy trì cho đến khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên đạt được kết quả.
Giới phân tích cho rằng, thành công chỉ có thể được đảm bảo nếu cả hai bên đưa ra những nhượng bộ thực tế, có thể kiểm chứng và không được coi là gây thiệt hại cho “đối tác”. Theo Harry Kazianis, chuyên gia phân tích tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia tại Washington (Mỹ), “kể cả khi mọi thứ diễn ra không suôn sẻ như mong đợi kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới ở Việt Nam mang đến cơ hội vàng để đưa ngoại giao trở lại đúng hướng, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai”.
Về mối quan hệ liên Triều, giới chuyên gia dự đoán hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai có thể mở đường cho chuyến thăm như đã hứa hẹn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul (Hàn Quốc) trong tương lai gần. Ông Kim Jong-un đã hứa đến thăm Seoul vào một ngày không xa để đáp lại chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng hồi tháng 9-2018. Có nhiều người suy đoán Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm thủ đô của Hàn Quốc trước cuối năm 2018 nhưng chuyến đi đã không diễn ra. Thay vào đó, ông Kim Jong-un đã gửi thư tay vào cuối tháng 12-2018 cho Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ sự thất vọng vì đã không thực hiện chuyến đi tới Seoul như đã hứa, song nhấn mạnh sự quyết tâm thực hiện lời hứa đồng thời theo dõi chặt chẽ các sự việc liên quan. Về phần mình, ông Moon Jae-in cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến Seoul sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ liên Triều và đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc. Chuyến thăm được đánh giá sẽ dẫn tới sự hòa giải sâu sắc hơn và thúc đẩy hợp tác liên Triều, đưa quan hệ giao lưu liên Triều phát triển hơn sau thời gian tạm lắng kéo dài do tiến triển chậm hơn dự kiến trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất hồi tháng 6-2018, tiến độ đàm phán đã chậm lại do Bình Nhưỡng tìm kiếm sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt sau khi có một số động thái như tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại Trạm phóng vệ tinh Sohae (địa điểm được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo) trong khi Washington yêu cầu Triều Tiên có các hành động phi hạt nhân hóa cụ thể hơn.
Bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa, theo giới chuyên gia, dường như ảnh hưởng tới quan hệ liên Triều, đặt Hàn Quốc vào thế bị kẹt giữa việc Triều Tiên đề nghị các trao đổi tích cực xuyên biên giới với việc Mỹ kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt, vốn cấm hầu hết các giao dịch với Bình Nhưỡng. Dự án kết nối đường sắt và đường bộ giữa hai miền chỉ có một lễ khởi công mang tính biểu tượng hồi cuối năm 2018 và chưa có động thái thi công nào được tiến hành do vấp phải vô số lệnh trừng phạt. Trong khi đó, khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang, hai dự án được coi là những biểu tượng quan trọng cho sự hàn gắn liên Triều nhưng đã phải ngừng trong hai năm qua. Các chướng ngại dường như đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho việc nối lại các dự án này, khi hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9-2018 nhất trí "bình thường hóa" hai dự án trên. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên đã khiến các doanh nhân cũng không thể đến khu Kaesong để kiểm tra trang thiết bị của mình đã bị bỏ không tại đây kể từ khi khu công nghiệp này đóng cửa.
Hy vọng đàm phán mang lại kết quả tích cực, lâu dài
Về ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Giáo sư Sigal - Giám đốc Chương trình An ninh hợp tác Đông Bắc Á thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội của Mỹ, cho rằng sự kiện này là một bước quan trọng đối với Triều Tiên trong tiến trình đàm phán, đồng thời là bước đi đặc biệt quan trọng cả với phía Mỹ. Giáo sư Sigal nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, diễn ra ở Singapore vào tháng 6-2018, đã đặt ra một số nguyên tắc nhất định, tạo tiền đề để hội nghị lần này đạt được một số thỏa thuận và hành động thực sự. Vấn đề mấu chốt Triều Tiên mong muốn ở thời điểm hiện tại là có được sự thay đổi căn bản trong quan hệ với Mỹ, gạt bỏ những bất đồng nhiều năm qua để bắt đầu quá trình hòa giải. Việc Tổng thống Mỹ nhất trí ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên là tín hiệu rõ ràng cho thấy tiến trình đàm phán đang đi theo hướng mà Bình Nhưỡng mong muốn.
Giáo sư Sigal cho biết mục tiêu căn bản đặt ra đối với lần gặp này rất rõ ràng. Đối với Mỹ, việc đạt được cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều tiên là mục tiêu trung tâm trong cả quá trình đàm phán. Trong khi đó, mục tiêu quan trọng của Triều Tiên là muốn có được cam kết của phía Mỹ trong việc cải thiện quan hệ song phương, đồng thời tiến tới mục tiêu lâu dài là xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Sigal nêu rõ Triều Tiên muốn thấy Mỹ chấm dứt “chính sách thù địch” đối với họ, hay nói cách khác là gạt qua quá khứ và bắt đầu công cuộc hòa giải.
Giáo sư Sigal cũng cho rằng không ai, kể cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có thể chắc chắn về khả năng Triều Tiên sẽ hủy bỏ các chương trình hạt nhân của mình ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh này. Tuy nhiên, ông Sigal nhận định việc Triều Tiên đã chuẩn bị dừng sản xuất vũ khí hạt nhân cũng như cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hủy bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu phân hạch plutoni và urani (những chất hóa học chế tạo thuốc nổ hạt nhân) là những bước ban đầu hết sức quan trọng để Bình Nhưỡng tiếp tục tuân thủ cam kết đến cùng. Ông cho rằng những động thái này của lãnh đạo Triều Tiên khiến rất nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi trên thế giới ngạc nhiên, nhất là khi sắp tới cả hai phía Mỹ- Triều đều sẽ tiến hành những bước đi cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Giáo sư Sigal nhận định mặc dù có khá nhiều thách thức tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, nhưng nếu hai bên đạt được cam kết ngừng sản xuất vật liệu phân hạch và sau đó hủy bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vật liệu phân hạch, thế giới hoàn toàn có thể hài lòng là đã dừng được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo Giáo sư Sigal, nếu Mỹ có thể buộc Triều Tiên ngừng sản xuất tên lửa hạt nhân, đó sẽ là một bước tiến lớn và để làm được như vậy, Mỹ phải đặt hòa bình lên bàn đàm phán đồng thời tiến hành gỡ bỏ một số lệnh cấm vận với Triều tiên và đề xuất một số ý tưởng bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ông cũng cho rằng đàm phán Mỹ-Triều sẽ mang lại những kết quả thực tế, tích cực và lâu dài./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia  (24/02/2019)
Khai trương Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai  (23/02/2019)
Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn  (23/02/2019)
Bứt phá mạnh mẽ trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước  (23/02/2019)
Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, sàng lọc đảng viên  (23/02/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên