TCCSĐT - Ngày 12-03, tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên), Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên và đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh dự buổi lễ.

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định: Chùa Bổ Đà là một trong các đại danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa (Bắc Giang ngày nay). Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao thăng trầm lịch sử, nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng chùa Bổ Đà cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ nét văn hóa tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau. Việc công nhận và tôn vinh giá trị di tích quốc gia đặc biệt và các danh hiệu kỷ lục của chùa Bổ Đà tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang quyết tâm hơn nữa, phấn đấu làm cho văn hóa Bắc Giang ngày càng tỏa sáng, con người Bắc Giang ngày càng văn minh, quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà cho đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Trao Bằng công nhận Lễ hội chùa Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho huyện Việt Yên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đề nghị: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên cần triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích chùa Bổ Đà lâu dài; triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật của chùa tuyệt đối an toàn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về giá trị di tích; sử dụng hiệu quả mọi nguồn thu từ di tích nhằm đảm bảo đúng với nội dung, tính chất tín ngưỡng của di tích. Về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích diễn ra lễ hội truyền thống; kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

Sau màn trống khai hội là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Về nơi đất lành chốn thiêng” gồm 4 chương, 13 cảnh diễn, nhằm quảng bá giới thiệu về vùng đất, con người, di sản văn hoá truyền thống huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Chương trình được dàn dựng công phu với sự góp mặt của đông đảo văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương.

Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt. Tương truyền, chùa có từ thời Lý, được tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720 - 1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa. Hiện tại chùa còn lưu giữ 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam, chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, mỹ thuật… Ngoài ra, chùa còn bảo lưu được khu vườn tháp lớn và đẹp nhất nước ta với 97 ngôi tháp lớn nhỏ, nơi tàng lưu xá lị của 1.214 tăng, ni thuộc dòng thiền Lâm Tế và 40 pho tượng Phật cổ từ thời Lê, Nguyễn.

Lễ hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18-02 âm lịch hằng năm để ghi nhớ công lao của các vị thần Phật bảo hộ cho cuộc sống của nhân dân địa phương. Lễ hội chùa Bổ Đà hội tụ cả hai yếu tố văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng, là minh chứng của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, nơi hội tụ của dòng thiền Lâm Tế, Trúc Lâm và tín ngưỡng dân gian bản địa. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, hấp dẫn đậm chất thuần Việt với các hoạt động như: Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên lần thứ XVII, hát quan họ trên thuyền, triển lãm sinh vật cảnh, hội thi viết thư pháp, triển lãm sản vật làng nghề nông sản.

Đặc sắc hội thi thêu khăn Piêu tại Sơn La

Tại Sơn La, cứ mỗi độ xuân về, khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng, lễ hội Mùa hoa ban lại được tổ chức. Trong khuôn khổ lễ hội Mùa hoa ban năm 2017, tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) từ ngày 11 đến ngày 13-3, lần đầu tiên hội thi thêu khăn Piêu đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Tại lễ hội, hội thi thêu khăn Piêu có sự tham dự của 10 đội đến từ các phường, bản của thành phố Sơn La. Theo những người thợ thêu, để thêu hoàn thiện một chiếc khăn Piêu, người thợ phải mất hơn hai tuần; tuy nhiên, trong khuôn khổ của lễ hội này, hội thi chỉ diễn ra trong 2 ngày, đội nào thêu nhanh, thêu được nhiều, đúng kỹ thuật, thẩm mỹ cao, đội đó sẽ giành chiến thắng.

Bà Quàng Thị Vin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sơn La (Ban Tổ chức lễ hội) cho biết: Hội thi thêu khăn Piêu được đưa vào là một hoạt động tại Lễ hội Mùa hoa ban nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng là dịp để các phường, bản về giao lưu, học hỏi kỹ thuật thêu khăn Piêu; qua đó, tăng cường sự đoàn kết giữa các phường, bản ở thành phố Sơn La. Kỹ thuật thêu hoa văn trên chiếc khăn Piêu của mỗi vùng có những sáng tạo riêng, cách ép chỉ cũng khác nhau. Để có một chiếc khăn Piêu, người làm khăn phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, quay xa, kéo sợi, nhuộm chàm đến lựa kim chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm thủ công; trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người thêu và hầu hết phụ nữ dân tộc Thái đều biết thêu.

Chị Lò Thị Hoan, thành viên đội thêu phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết: Các chị được học dệt vải và thêu khăn Piêu từ khi mới lớn. Đây là việc gần như bắt buộc của mỗi thành viên nữ trong gia đình người Thái đen. Do đó, hầu hết các cô gái trước khi đi lấy chồng đều biết thêu thùa dệt vải, đặc biệt là biết thêu khăn Piêu. Qua cách thêu khăn Piêu có thể đánh giá người phụ nữ đó có phải là người siêng năng, khéo léo hay không.

Khai hội Tây Thiên năm 2017

Ngày 12-3 (tức ngày 15-02 âm lịch), tại khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ Khai hội Tây Thiên năm 2017. Đây là một lễ hội lớn ở miền Bắc, thu hút hàng vạn người dân bản địa và du khách thập phương tham dự.

Lễ hội Tây Thiên được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu - Chính vương phi của Hùng chiêu vương thứ VII. Bà đã có công giúp vua chiêu binh mãi tướng, luyện tập quân sĩ, đánh đuổi quân giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Bà đã dạy dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải. Tại lễ hội năm nay, ngoài các nghi thức truyền thống còn có các hoạt động như múa xênh tiền, nghe hát Soọng cô, giao lưu văn nghệ, hát chèo, hát chầu văn...

Di tích thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1991. Năm 2015, khu danh thắng Tây Thiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích danh thắng Tây Thiên tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, nằm trong hệ thống rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp.

Khu danh thắng Tây Thiên những năm qua đã được trùng tu, tôn tạo và xây dựng ngày càng khang trang, kết nối các công trình như đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Cô Chín, Đại Bảo Tháp, đền Thõng, đường sân Trung tâm lễ hội, đường vào nhà ga cáp treo, bãi để phương tiện... Khu danh thắng đã trở thành điểm du lịch tâm linh, gây ấn tượng tốt với nhiều du khách.

Năm nay, Khu danh thắng Tây Thiên được đầu tư, chỉnh trang, sạch đẹp hơn. Bãi đỗ xe được quy hoạch bài bản, khoa học; chợ tạm đã được dỡ bỏ... Đặc biệt, để phục vụ du khách đến hành hương, vãn cảnh, Công ty cổ phần Lạc Hồng Tây Thiên đầu tư thêm 20 xe điện từ cổng Tam Quan vào đền Thỏng, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của du khách. Tại các điểm di tích, lực lượng hướng dẫn được tăng cường, bảo đảm an toàn cho du khách khi hành hương về Tây Thiên./.