Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh hiện nay

Đặng Hương Giang Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
20:54, ngày 19-10-2015

TCCSĐT - Trong mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội, vai trò người mẹ, người giáo viên có ảnh hưởng sâu sắc tới hiệu quả của quá trình giáo dục và hình thành nhân cách học sinh. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với nhiều tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, vai trò ấy lại càng trở nên quan trọng, quyết định tới chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh.

Triển khai công tác phối hợp thông qua các hoạt động

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều chương trình, hoạt động thực hiện mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội và thúc đẩy mối quan hệ đó ngày càng gắn bó khăng khít, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau tạo hiệu ứng tốt tới công tác giáo dục học sinh. Có thể nói, mối quan hệ phối hợp đã được triển khai khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Rõ nét nhất là phối hợp liên ngành trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Đề án 343), Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” (Đề án 704) giai đoạn 2010- 2015 và Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Với nhiệm vụ triển khai 2 Đề án và Nghị quyết nói trên, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội được thể hiện trước tiên qua việc đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên, các thầy cô giáo, các ông bố, bà mẹ có đầy đủ phẩm chất, kiến thức, kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ em theo hướng phát triển toàn diện. Từ năm 2010 đến nay, trong khuôn khổ triển khai Tiểu Đề án 2 - thuộc Đề án 343 trong hệ thống trường học, đã tập huấn cho 700 báo cáo viên, tuyên truyền viên là đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, thầy cô giáo các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành Giáo dục để tuyên truyền các kiến thức, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tới học sinh, sinh viên. Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” đạt được mục tiêu với hơn 8 triệu bà mẹ, gần 3 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn, trang bị kiến thức, thay đổi hành vi về phương pháp nuôi, dạy con khoa học, theo độ tuổi; gần 4 triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe, sinh sản và giáo dục kỹ năng sống. Nghị quyết liên tịch số 01 tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng của gia đình, của người phụ nữ, người mẹ trong việc quản lý, giáo dục con em; khuyến khích, vận động gia đình dành nhiều thời gian và sự quan tâm đến con cái trong việc học tập, sinh hoạt, trong mối quan hệ bạn bè; thể hiện vai trò của người phụ nữ trong việc phòng ngừa tội phạm, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chú trọng các hoạt động truyền thông diện rộng nhằm tác động có hiệu quả tới chất lượng giáo dục học sinh trong gia đình và nhà trường. Các sản phẩm truyền thông đại chúng như các chuyên mục, talk show, phóng sự trên báo chí, truyền hình, phim thông điệp, câu chuyện truyền thanh tập trung vào nội dung giáo dục trẻ vị thành niên về các chủ đề liên quan phẩm chất đạo đức, lối sống, mối quan hệ cha mẹ và con cái nhằm chuyển tải những nội dung thông điệp quan trọng về dạy con, góp tiếng nói chung vào công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng gia đình hạnh phúc. Việc tổ chức cuộc thi viết những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, Liên hoan hát ru, hát dân ca, cổ truyền góp phần cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức, tác động chuyển đổi hành vi trong giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết Liên tịch số 01 giữa lực lượng Công an và các cấp Hội phụ nữ về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” trong nhiều năm qua đã có tác động sâu sắc tới việc làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các diễn đàn để lại nhiều ấn tượng và có tác động tuyên truyền sâu sắc như phối hợp tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường; diễn đàn “Mẹ, gia đình và con đường tương lai của con”, diễn đàn “Ước mơ ngày trở về” trong các trại giam, trường giáo dưỡng giúp nữ phạm nhân, các em học sinh có cơ hội giao lưu, trải nghiệm, bày tỏ tâm tư, tình cảm và học hỏi, rèn luyện phấn đấu vượt qua những cám dỗ, vượt qua chính bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Hoạt động xây dựng mô hình về công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội cũng được các cấp hội và nhà trường chú trọng. Nhiều mô hình đang được hoạt động khá hiệu quả ở địa phương như mô hình Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” cung cấp cho cha mẹ các kiến thức mới về phương pháp giáo dục con, đồng thời là diễn đàn chia sẻ của cha mẹ về các kinh nghiệm hỗ trợ và nuôi dạy con; mô hình Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt” ở Long An góp phần thay đổi cách nghĩ và cách làm của người dân nông thôn không chỉ trong việc nuôi dạy con, mà còn cả trong vấn đề hướng nghiệp, định hướng tương lai cho con. Mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ thơ” được triển khai tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 9 tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nhằm tăng cường sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ thơ thông qua việc xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tại cộng đồng.

Tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các em học sinh được thực hiện thông qua Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã quyên góp, vận động được hơn 2 tỷ đồng cho hơn 1.000 em học sinh vượt khó học giỏi. Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương đã vận động, quyên góp, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng được hơn 100 tỷ đồng giúp hơn 820.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hoặc có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn; trao tặng học bổng, sổ tiết kiệm, các phần quà cho gần 300.000 em học sinh vượt khó học giỏi, mỗi suất trị giá trung bình từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động, giúp đỡ được 36.000 em học sinh bỏ học trở lại trường; vận động, cảm hóa, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng cho hơn 21.000 trẻ vị thành niên.

Một số vấn đề đặt ra cần quan tâm trong phối hợp giáo dục học sinh

Trước hết, phải thống nhất nhận thức về ý nghĩa của việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc chăm sóc giáo dục trẻ em. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách.

Thứ hai, việc phối hợp với một số bộ, ngành ở Trung ương và sở, ban, ngành ở các tỉnh/thành liên quan chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, do đó chưa tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ thực hiện các hoạt động. Công tác phối hợp chưa được triển khai sâu rộng tới các đối tượng, đặc biệt ở các vùng sâu, xa, miền núi có nhiều khó khăn.

Thứ ba, việc xây dựng các mô hình thực hành về giáo dục phẩm chất đạo đức lối sống, về nuôi, dạy trẻ hiệu quả chưa được đều khắp.Việc tổ chức các hoạt động, mô hình hiệu quả vẫn tập trung nhiều vào đối tượng cô giáo, người phụ nữ, người mẹ trong gia đình, còn các hoạt động để thu thút sự tham gia của các thầy giáo, nam giới, các ông bố và trẻ em vị thành niên vẫn còn ít.

Thứ tư, mối quan hệ phối hợp của nhà trường và gia đình ở một số nơi chưa thực sự toàn diện, chưa phát huy được vai trò của gia đình trong phối hợp giáo dục học sinh, nặng về các thủ tục hành chính, nhắc nhở, thiếu sự hợp tác trong bàn bạc tìm biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.

Thứ năm, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường hiện nay chưa thực sự toàn diện, chưa có hướng dẫn kỹ năng cho cha mẹ để có thể tạo môi trường học tập thuận lợi cho trẻ theo lứa tuổi.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục tập trung một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc “5 không 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) trên địa bàn cả nước đi vào thực chất, đặc biệt chú trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện đạt 8 tiêu chí, ưu tiên hỗ trợ các địa bàn/đối tượng đang gặp khó khăn.

Hai là, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các hoạt động giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01 giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công An về “quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Tích cực tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về giáo dục cha mẹ nuôi dạy con dưới 16 tuổi, trong đó tập trung các hoạt động truyền thông, thực hành nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bậc cha mẹ và gia đình.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức lối sống, kỹ năng nuôi dạy con cái, hệ thống dịch vụ gia đình. Tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, nhất là các vùng còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng thời tranh thủ các ngành để có thêm nguồn lực cho công tác giáo dục học sinh./.